Để tự chủ đại học thực sự phát huy hiệu quả
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hơn 20 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có rất nhiều ý kiến đóng góp về nội dung liên quan đến vấn để tự chủ đại học.
Ảnh minh họa
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội xem xét, thảo luận trong phiên họp toàn thể tại Hội trường sáng 6/11.
Đề cập đến phạm vi sửa đổi, đa số ý kiến đại biểu cho rằng, đây không chỉ là sửa đổi một số bất cập của Luật Giáo dục đại học mà là cơ hội để nhìn nhận, xem xét toàn diện quá trình đào tạo đại học hiện nay. Từ đó, sẽ có cơ chế, chính sách, khâu tổ chức thực hiện trong thời gian tới sao cho phù hợp và thực hiện hiệu quả hơn.
Từ nhận định như trên, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần xem xét về phạm vi sửa đổi, việc sửa đổi cần phải đặt trong bối cảnh hội nhập hiện nay, không phải cho phép mở thêm các trường, thêm lớp, thêm ngành nghề là tốt; cần xem xét nghiêm túc các vấn đề này để có cách nhìn tổng thể và trước hết là cần phải tính toán cho đúng, cho đủ.
Vấn đề tự chủ đại học là một trong những vấn đề lớn, thu hút sự quan tâm đóng góp ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội. Đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) và một số đại biểu nhận định, tự chủ đại học là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Song, trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng quyền tự chủ đã xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường đại học, trong quá trình tuyển sinh các trường đại học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và chất lượng học. Nếu tự chủ về tài chính học phí mà không có những tiêu chí quy định chung ngay trong luật sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người nghèo mất cơ hội học tập vì học phí cao. Mặt khác, tự chủ về cơ sở vật chất đối với các trường đại học công lập, nếu không có những chế tài kiểm soát chặt chẽ về cơ sở vật chất được đầu tư, sẽ dẫn đến việc một số trường có nguy cơ lệch hướng đào tạo. Vì vậy, đề nghị dự thảo luật cần quy định từng tiêu chí cụ thể đối với từng vấn đề tự chủ của các trường đại học.
Còn đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, tự chủ là vấn đề có nhiều đại biểu quan tâm. Tuy nhiên, tự chủ trước đây đã thí điểm, năm 2012 đã có luật, nhưng từ lý luận đến thực tiễn dường như chưa gặp nhau. Đại biểu Dương Minh Tuấn mong muốn tự chủ là phải thật sự và nêu quan điểm: Theo luật có 3 lĩnh vực tự chủ là tự chủ học thuật, tự chủ tài chính và tự chủ nhân sự. Trường cần nhất là tự chủ tài chính. Thời gian qua, đã cho tự chủ nhưng khống chế trần học phí, chính vì vậy một số trường rất khó tự chủ. Do vậy, đại biểu đề nghị tự chủ học thuật phải là mục tiêu phát triển, tự chủ tài chính phải là động lực phát triển, tự chủ nhân sự phải là nền tảng phát triển của nhà trường.
“Tự chủ không có nghĩa là buông để các trường tự bơi mà Nhà nước có đầu tư rồi rút ra dần dần, giống như bầu sữa mẹ, tùy theo thể trạng của từng đứa con mà cho ‘cai sữa’, từ từ rút ra một phần hoặc coi thể trạng để tiếp tục đầu tư. Nhưng vừa rồi chúng ta thí điểm cho một số trường được tự chủ về tài chính rồi trường đó nâng học phí dịch vụ lên, nhiều cử tri than phiền giá học phí quá cao. Câu chuyện bàn ở đây là do trước đây sợ giá cao quá nên khống chế mức trần, bây giờ bung cho lên. Chính vì vậy, tôi đề nghị cần có lộ trình tự chủ”, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu.
Video đang HOT
Cho rằng một trong những bất cập của giáo dục đại học hiện nay là việc quản lý mang tính hành chính, chưa thực sự chủ động, sáng tạo, kịp thời trong quản trị và tổ chức thực hiện; các cơ sở giáo dục đại học chịu sự quản lý của nhiều cơ quan khác nhau, ảnh hưởng đến tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Vì thế, chủ trương cho phép tự chủ đại học chưa đem lại hiệu quả cao, đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) đề nghị cần quy định rõ điều kiện đảm bảo thực hiện quyền tự chủ trên cơ sở tăng cường trách nhiệm, giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ. Việc tăng quyền tự chủ của hoạt động đào tạo cần phải có quy trình để kiểm soát nội dung giảng dạy đối với các bộ môn liên quan đến lịch sử, văn hóa dân tộc, đặc biệt là trong các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài. Việc cải tiến các chương trình đào tạo để theo kịp chuẩn mực quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo là cần thiết nhưng cũng phải đảm bảo cho sinh viên nâng cao hiểu biết về giá trị truyền thống, chuẩn mực dân tộc và ngăn chặn những tư tưởng lệch lạc.
Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, đại diện cho cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra, đã báo cáo, làm rõ môt sô vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo ông Phan Thanh Bình, thời gian vừa qua, bộ phận thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo để tiếp thu ý kiến của các đại biểu trong kỳ họp lần thứ 5, trong các phiên họp của Thường vụ Quốc hội, của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Cho đến nay, đa số đại biểu đồng ý với giải trình, tiếp thu cũng như dự thảo trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến phát biểu bổ sung thêm, Ban soạn thảo ghi nhận góp ý, tất cả sẽ được trao đổi và xin ý kiến của Thường vụ Quốc hội để có thể hoàn chỉnh và trình dự thảo luật này vào cuối phiên họp.
Theo ông Phan Thanh Bình, dự thảo lần này có hai nội dung lớn sau. Thứ nhất là làm sao để tăng tự chủ thật sự cho trường đại học. Thứ hai là làm sao có điều kiện để phát triển các trường đại học tư thục, một mặt bổ sung cho năng lực giáo dục đại học nhưng đồng thời sẽ tạo sự cạnh tranh và thúc đẩy hệ thống giáo dục đại học công lập phát triển.
Về quan điểm, từ Ban soạn thảo đến thẩm tra đều thống nhất với nhau, trong quá trình soạn lần này luôn tôn trọng quy luật phát triển và thông lệ quốc tế trong xây dựng và bảo đảm chất lượng của hệ thống giáo dục đại học.
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, có 48 vị đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu và có 24 vị đã phát biểu thảo luận. Các vị đại biểu đã quan tâm với trách nhiệm cao nhất đến chăm lo cho sự nghiệp giáo dục đào tạo cũng như quan tâm đến xây dựng xã hội học tập suốt đời ở nước ta. Các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu sôi nổi, thẳng thắn và đóng góp đóng nhiều ý kiến thiết thực đối với dự án luật này.
Nguyễn Hoàng
Theo Dân trí
Mô hình đại học "lạ" chỉ có ở Việt Nam (!?)
Tranh luận về mô hình tổ chức hệ thống giáo dục đại học khi góp ý cho dự thảo luật Giáo dục đại học (sửa đổi) sáng nay, 6/11, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, Việt Nam có những mô hình "lạ", không có ở đâu trên thế giới, như đại học vùng...
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An)
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) nhận xét, chính sách xuyên suốt của luật trong lần sửa đổi này là nhằm tháo gỡ vướng mắc cho việc tự chủ đại học nhưng nhìn vào những điều khoản quy định thì vẫn thấy nhiều mâu thuẫn đang tồn tại trong bộ máy đại học vẫn chưa giải quyết, chưa gỡ được so với luật 2012.
Cụ thể, theo ông Tuấn Anh, vướng mắc, bất cập hiện tại trong tổ chức bộ máy đại học không nằm ở sự tồn tại của đại học quốc gia hay đại học vùng mà nằm ở chính trong bộ máy tổ chức của các trường đó. Yêu cầu đề ra suốt 24 năm vừa qua là giảm đầu mối quản lý và biên chế trong các tổ chức đó thì đã không làm được.
"Quy định hiện tại khiến bộ máy trùng bộ máy vì đại học "mẹ" có phòng, ban chức năng nào thì đại học thành viên cũng có phòng chức năng tương tự. Từ khoá trước, các đại biểu Quốc hội cũng đã nêu nhận định, hoạt động của 3 đại học vùng còn nhiều bất cập khiến các đại học thành viên không phát huy được hoạt động mà thậm chí còn "tiêu diệt" vai trò lẫn nhau. Đại học vùng, theo đó, lại trở thành cấp trung gian quản lý, kìm kẹp, cản trở hoạt động của các trường thành viên" - đại biểu phân tích.
Ông Tuấn Anh cũng viện dẫn, mô hình đại học vùng được bạn bè quốc tế cho là "lạ", chỉ có ở Việt Nam, không có ở đâu trên thế giới.
Đại biểu đề nghị sửa quy định về tổ chức bộ máy trường đại học theo hướng tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp trong khối đại học. Làm được như vậy, mỗi đơn vị sẽ tiết kiệm được 120 tỷ đồng/năm. Theo đó, việc cần thiết là cải tiến tổ chức các trường theo mô hình đại học đa lĩnh vực chứ không phải tổ chức thêm cấp quản lý với các trường.
Đại biểu cảnh báo, với dự luật hiện tại, các đại học thành viên trong đại học sẽ vẫn cần 2 bộ máy quản lý và sẽ không gỡ được chân khỏi những vướng mắc hiện hữu cho các đại học thành viên mà còn bị ràng buộc, làm khó hơn. Đại biểu đề xuất UB Thường vụ Quốc hội tổ chức lấy phiếu xin ý kiến về 2 phương án: tổ chức lại bộ máy đại học theo mô hình một cấp hoặc giữ mô hình tổ chức như hiện hành.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM lại bày tỏ tâm đắc với quy định về tổ chức của hệ thống các cơ sở giáo dục đại học phân theo hai cấp độ: đại học và trường đại học thể hiện trong dự thảo luật. Theo ông Đạt, mô hình tổ chức như vậy thể hiện xu thế phát triển của thế giới, phân định mạch lạc mô hình các cơ sở giáo dục đại học, giữa các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học thành viên với đại học "mẹ".
"Quy định này cũng định hướng cho việc hình thành các đại học mới trong tương lai. Tôi tâm đắc với việc mỗi trường đại học đều có cơ hội, có thể trở thành các đại học. Các trường đại học độc lập cũng có thể chủ động liên kết với nhau để hình thành đại học lớn, đa ngành. Xu thế này đã bộc lộ mạnh mẽ, mang lại hiệu quả lớn cho các trường ở Mỹ, Châu Âu" - ông Huỳnh Thành Đạt nói.
Đối chiếu với tình hình ở Việt Nam, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM quả quyết, 30 năm qua, việc hình thành 2 ĐH Quốc gia thể hiện rõ chủ trương về mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực này.
Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cũng cho rằng, dự thảo luật đã tháo được cơ bản những nút thắt hiện tại của hệ thống giáo dục Việt Nam, để Hội đồng trường là cơ quan có thực quyền, để hướng tới đổi mới cơ chế tài chính, cho phép sự linh hoạt chuyển đổi mô hình từng loại hình trường, khắc phục được những hạn chế trong đầu tư công, buộc các trường phải tự nâng chất lượng để đáp ứng yêu cầu vận chuyển dòng lao động hiện nay.
Dẫn chứng cụ thể với mô hình trường đại học tư thục, ông Hùng nhận định, các quy định để ra giúp khắc phục tình trạng những lùm xùm xảy ra thời gian gần đây, đảm bảo mở rộng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Về mô hình tổ chức, đại biểu lập luận, trên thế giới, ở mỗi nước, tên gọi, mô hình các trường đại học đều rất phong phú và đa dạng, không phân biệt rạch ròi. Vậy nên hướng quy định hệ thống các cơ sở giáo dục đại học bao gồm đại học và trường đại học như đề xuất vừa đảm bảo được yêu cầu giữ ổn định hệ thống nhưng cũng mở ra khả năng cho các trường phát triển.
Theo đó, các trường đại học (gồm các trường đại học độc lập hoặc trường thành viên trong một đại học) được xác định là hạt nhân cơ bản của hệ thống giáo dục đại học. Ông Hùng đánh giá, quy định 2 cấp độ tổ chức trong hệ thống đại học là bước đột phá trong việc chuyển một hệ thống giáo dục đại học đóng, khép kín, tĩnh sang một mô hình động, linh hoạt hơn, đảm bảo cho việc phát triển đại học thành những trường đa lĩnh vực, quy mô lớn, mạnh...
P.Thảo
Theo Dân trí
Tự chủ đại học vẫn là bài toán khó Nhiều trường đại học tại TPHCM và chuyên gia giáo dục phấn khởi với khái niệm tự chủ đã dần rõ ràng hơn, cơ chế đã thoáng hơn, nhưng vẫn còn những bất cập Tỏ ra khá ngạc nhiên trước những thay đổi liên quan đến vấn đề tự chủ của các trường đại học trong dự thảo lần này, Giáo sư, Tiến...