Để trường chuyên thực sự là nơi bồi dưỡng nhân tài – Bài 2: Cuộc tranh cãi chưa bao giờ “hết nhiệt”
Khởi đầu cuộc tranh luận về trường chuyên đang diễn ra chính là bức xúc từ sơ tuyển vào lớp 6 của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Ams). Dù thực tế vào chuyên lớp 6 và chuyên lớp 10 Ams là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Trường chuyên cần thiết hay không, có làm đúng sứ mệnh của nó hay không là điều mà xã hội luôn đòi hỏi phải làm rõ.
Trường chuyên có vai trò quan trọng
Từ năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020″ với kinh phí thực hiện đề án khoảng 2.300 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án ghi, bảo đảm mỗi tỉnh thành có ít nhất một trường THPT chuyên, với tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh THPT của từng tỉnh thành; tập trung đầu tư nâng cấp các trường THPT chuyên thành các trường đạt chuẩn quốc gia và có chất lượng giáo dục cao.
Ngay từ lúc đề án này ra đời, nhiều chuyên gia giáo dục đã đặt vấn đề: Liệu có cần thiết đầu tư tới 2.300 tỷ đồng để phát triển hệ thống trường chuyên, hay thay vào đó, nên dùng số tiền này để xây dựng hàng loạt trường học, đầu tư cho giáo dục vùng khó? Vấn đề này, bao năm qua, vẫn luôn âm ỉ đối với nhiều người quan tâm đến giáo dục.
Học sinh thi vào Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh: QUANG PHÚC
Là cựu học sinh THPT chuyên Ams những năm 1992-1995, những ngày qua, PGS-TS Nguyễn Đức Thành – một chuyên gia kinh tế – bị coi là “kẻ đốt đền” với đề xuất giải tán hoặc bán trường Ams, gây xôn xao dư luận.
Ông Nguyễn Đức Thành khẳng định, Ams hiện vẫn là trường có chất lượng đào tạo tốt và là niềm mơ ước của nhiều học sinh, gia đình. Nhưng là một người làm chính sách kinh tế – xã hội, ông Thành cho rằng, trường Ams được nhận ngân sách tính trên đầu học sinh cao hơn khoảng 2,5 – 2,7 lần các trường công khác, nhưng hiệu quả chưa tương xứng với mức đầu tư đó, dẫn đến sự bất bình đẳng trong xã hội.
“Tôi nghĩ rằng, những học sinh muốn vào chuyên chỉ vì ở đó có chất lượng giáo dục cao hơn trung bình, mà tiền học thì lại thấp. Như vậy, mục đích đào tạo nhân tài theo đúng nghĩa không hề tồn tại và nếu tồn tại, cũng chưa bao giờ được thực hiện, đó là điều không công bằng và nên chấm dứt”, PGS-TS Nguyễn Đức Thành nêu quan điểm. Đề xuất này ngay lập tức châm ngòi cho cuộc tranh luận nảy lửa về sứ mệnh của trường chuyên.
Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đào tạo đại trà có thể xã hội hóa, nhưng trường chuyên là đào tạo mũi nhọn thì không thể xã hội hóa. Trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung, bất cứ lĩnh vực nào, chính bộ phận mũi nhọn sẽ có vai trò đầu tàu kéo sự nghiệp chung. GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học – cao đẳng Việt Nam, cũng cho rằng, vai trò của trường chuyên rất quan trọng, vì chúng ta vừa cần một đội ngũ đại trà có chất lượng, nhưng cũng đặc biệt cần những người thật giỏi, bởi chỉ 3%-5% người giỏi nhất sẽ làm nên người dẫn dắt xã hội.
Video đang HOT
TS Lê Công Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), nêu rằng, hệ thống trường chuyên giờ đây phải là “đầu tàu”, là một hình mẫu để lan tỏa những chính sách mới của giáo dục và thực thi những thay đổi giáo dục cơ bản, toàn diện.
Trường chuyên phải là hình mẫu để các trường khác nâng chất lượng giáo dục, chứ không phải cào bằng hay xóa bỏ. Trường chuyên cũng giống như câu chuyện về đầu tư kinh tế. Vẫn cần phải có những vùng kinh tế trọng điểm để đầu tư, thay vì cào bằng. Để đột phá thì phải có những đầu tàu.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam, cho rằng, nếu không có hệ thống trường chuyên, nhiều tài năng đã không có cơ hội phát triển. Những đóng góp của trường chuyên trong sự phát triển chung của đất nước hoàn toàn xứng đáng với các nguồn đầu tư của Nhà nước, nhân dân.
“Hiện tại đã có rất nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo tư thục thành lập và hoạt động với những mục tiêu hết sức đa dạng, song chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu phát triển năng khiếu môn học của học sinh cấp THPT. Như vậy, duy trì sự đầu tư của Nhà nước đối với trường chuyên là cần thiết trong giai đoạn hiện tại”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam nêu quan điểm.
Chuyên luyện “gà nòi”?
Sở GD-ĐT Hà Nội có 4 trường THPT chuyên. Năm 2020, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh các trường chuyên tại Hà Nội là 2.425 học sinh, trong đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào trường Ams là 645. Ngân sách chi cho trường chuyên Ams, Nguyễn Huệ là 18 triệu đồng/học sinh/năm; 2 trường chuyên khác là 12 triệu đồng học sinh/năm; trường thường là 7,3 triệu đồng/học sinh/năm. Con số chênh lệch với trường chuyên cao nhất là 10,7 triệu đồng/học sinh thì 2.425 chỉ tiêu học sinh chuyên, ngân sách Hà Nội chi thêm khoảng 26 tỷ đồng cho trường chuyên. Con số này, nếu với người đồng ý mô hình trường chuyên, đó là sự đầu tư cho tương lai; còn với người không đồng ý thì có thể xây được thêm ít nhất 3 ngôi trường ở vùng khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải (PHHS ở Hà Nội), nhiều ý kiến phản ánh trường Ams thực chất đã không còn là trường chuyên nữa, bởi hiện nay trường chú trọng dạy tiếng Anh, chú trọng thi SAT với mục tiêu đi du học.
“Không nên lấy điển hình trường Ams ra để quy chụp cho cả 77 trường chuyên cả nước. Nếu nói, học sinh chuyên giờ đây chủ yếu vì mục tiêu du học là không đúng, nếu có thì chỉ ở một bộ phận học sinh trường chuyên Hà Nội. Ước tính học sinh Ams đi du học chưa đến 50%, còn trường chuyên Nguyễn Huệ, Chu Văn An chỉ chiếm 5%-10%. Lớp con tôi, 12 chuyên Anh – Nguyễn Huệ, chỉ có 2/39 em du học. Nếu tư nhân hóa trường chuyên, đồng nghĩa với việc chấm dứt cơ hội được học trường tốt của học sinh con nhà nghèo”, bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Những ý kiến đồng tình với đề xuất tư nhân hóa trường chuyên cho rằng, mô hình trường chuyên bộc lộ nhiều bất công, chuyên luyện “gà nòi” và ôn thi đại học tốp trên; là mô hình lấy của người nghèo chia cho người giàu. Việc chạy đua để vào trường chuyên khiến nảy sinh các tiêu cực, như: phụ huynh chạy chọt để con em có bảng điểm đẹp, có giải thưởng, luyện thi tối mặt…
Điều 62 Luật Giáo dục sửa đổi, có hiệu lực từ 1-7-2020 về trường chuyên, trường năng khiếu nêu rõ, “trường chuyên được thành lập ở cấp THPT dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập, nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Nhà nước ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho trường chuyên, trường năng khiếu do Nhà nước thành lập”.
Như vậy, có thể thấy, trường chuyên đã được luật định, vấn đề là cần đánh giá lại hệ thống trường chuyên có đang thực hiện đúng sứ mệnh của mình hay không, để xứng đáng với ưu đãi đầu tư của Nhà nước đang bỏ ra.
Sự tồn tại của các trường chuyên: Hợp lý và cần thiết
Khẳng định vai trò của hệ thống trường THPT chuyên, GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương - cho rằng, nên ủng hộ để trường chuyên phát triển, tạo nên sự khởi sắc đột phá của hệ thống GD hiện nay.
Ảnh minh họa/INT
Ủng hộ sự tồn tại hệ thống trường chuyên
- Từ thực tế giáo dục Việt nam, theo ông sự tồn tại trường chuyên có cần thiết không?
- Trong cơ cấu các nhà trường của giáo dục Việt Nam hiện nay, sự tồn tại của hệ thống trường chuyên là một thực tế. Đây không phải là điều gì mới mà đã có từ lâu trong lịch sử phát triển của giáo dục nước nhà, nhất là thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.
Chúng ta có thể nói đến một số điển hình về trường chuyên ở các địa phương, như Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội), Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định)... Có thể nói, địa phương nào, ngành Giáo dục cũng quan tâm đến hệ thống trường chuyên. Qua thực tiễn, trường chuyên là những đơn vị đạt đến chất lượng cao hơn các trường phổ thông bình thường. Những trường này tuyển sinh với yêu cầu đầu vào cao và khắt khe hơn; giáo viên giỏi, có kinh nghiệm nghề nghiệp, nhất là kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình; được đầu tư về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học...
Chúng ta đang chú trọng phải có đột phá về chất lượng nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực thấp là một trong những điểm nghẽn của sự phát triển; và trường chuyên góp phần trả lời cho câu hỏi của xã hội để khắc phục điểm nghẽn này. Đây là vườn ươm tài năng, môi trường đào tạo nên nhân tài, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước...
Phải khẳng định, thành tựu các trường chuyên đạt được tạo ra một điểm nhấn về chất lượng giáo dục của cả nước. Trong các kỳ thi học sinh giỏi trong nước và quốc tế, trường chuyên thường gặt hái được thành tích xuất sắc, nổi bật... Trường chuyên cũng là nguồn bổ sung cho đầu vào hệ thống giáo dục ĐH, để từ đó đào tạo ra các tài năng, chuyên gia cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Về pháp lý, trường chuyên đã được thừa nhận và ghi trong Luật Giáo dục 2019. Theo quy định, trường chuyên được thành lập ở cấp THPT dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, thực tiễn giáo dục cũng thể hiện được những nỗ lực, đóng góp đáng trân trọng của hệ thống trường chuyên. Sản phẩm mà các trường này cung cấp cho xã hội trở thành các nhân tài, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực mà đất nước cần đến.
Theo quan điểm của riêng tôi, sự tồn tại của các trường chuyên là hợp lý và cần thiết. Nó có vị trí quan trọng đặc biệt trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế. Nên ủng hộ sự tồn tại của trường chuyên, tạo nên khởi sắc đột phá của hệ thống giáo dục nước ta hiện nay. Để phát triển giáo dục theo đúng tinh thần cải cách, tôi nghĩ phải làm sao để đưa các trường chuyên đi trước một bước, tạo ra lực hấp dẫn, thúc đẩy giáo dục chung của cả nước.
Dĩ nhiên, chúng ta không rơi vào quan điểm tuyệt đối hóa trường chuyên để xem nhẹ hệ thống giáo dục phổ thông đại trà. Trường chuyên có mối quan hệ mật thiết với hệ thống các trường phổ thông đại trà, với tương đồng chung là phải nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục.
GS.TS Hoàng Chí Bảo.
Cần thay đổi nhận thức
- Trường chuyên có phải mảnh đất chỉ dành cho 1 tầng lớp đặc biệt nào trong xã hội?
- Trường chuyên cho đến nay là thuộc hệ thống giáo dục công lập. Có ý kiến cho rằng trường chuyên là nơi dạy dỗ con em nhà giàu là không đúng. Vì thực tế, nhiều học sinh giỏi, đỗ thủ khoa các kỳ thi tốt nghiệp, giành giải thưởng lớn trong nước và quốc tế... từ trường chuyên là con em gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, tuyển sinh vào các trường chuyên, trong đó có Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, theo một hệ thống tiêu chí đầu vào, nhưng không có quy định chỉ con nhà giàu mới được thi. Học sinh qua sàng lọc, kiểm tra, tuyển chọn đạt yêu cầu vào trường chuyên có thể ở đủ mọi thành phần. Trường chuyên không phải là mảnh đất đặc biệt chỉ để dành thụ hưởng lợi ích cho 1 tầng lớp đặc biệt nào trong xã hội.
- Để mô hình trường chuyên hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp tốt hơn cho giáo dục Việt Nam, ông có gợi ý gì?
- Để hệ thống trường chuyên phát triển tốt hơn nữa, đóng góp hữu ích hơn nữa cho xã hội, tôi cho rằng, việc đầu tiên cần thay đổi nhận thức. Trường chuyên phải chú trọng giáo dục toàn diện; không đồng nhất trường chuyên với việc chỉ đào luyện học sinh đáp ứng yêu cầu thi cử, giành các giải thưởng... Bất kỳ học sinh giỏi nào của trường chuyên cũng phải trên cơ sở nắm chắc kiến thức cơ bản các môn khoa học. Không nên biến trường chuyên thành một ốc đảo, mô hình biệt lập, ngoại lệ nào đó trong tổng thể giáo dục quốc dân; không nên nhìn nhận trường chuyên quá đặc biệt, tách rời khỏi môi trường giáo dục chung của xã hội.
Bên cạnh đó, phải đầu tư cho trường chuyên nguồn nhân lực xứng đáng, cụ thể là những nhà quản lý giỏi, đội ngũ giáo viên tài năng; có chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Đồng thời, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ giảng dạy, học tập cho trường chuyên là cần thiết. Chú trọng giao lưu, tiếp xúc rộng rãi giữa trường chuyên và các trường khác, để đội ngũ nhà giáo cùng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về đào tạo, giáo dục học sinh. Hình thành dư luận xã hội rộng rãi, tích cực trong việc ủng hộ sự tồn tại, phát triển của trường chuyên cũng rất cần thiết.
Còn về phương diện chính sách, cơ chế quản lý, tôi nghĩ có lẽ nên mở rộng hệ thống trường chuyên bằng việc khuyến khích hệ thống ngoài công lập xây dựng được các mô hình trường chuyên; tạo sự thúc đẩy, cạnh tranh, ganh đua giữa trường chuyên công lập và ngoài công lập - đích đến là tạo chất lượng giáo dục tốt hơn, nguồn nhân lực tốt hơn cho xã hội. Tùy năng lực thực tế và sở trường để có thể thành lập trường chuyên ngoài công lập chuyên về nhiều môn, hoặc chỉ chuyên 1 số môn học, từ đó đa dạng hóa mô hình, tạo sự phát triển phong phú chứ không đơn điệu trong giáo dục...
Cuộc đua khốc liệt và tốn kém LTS: Trong mùa tuyển sinh năm 2020, để đủ điều kiện thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams), học sinh phải đạt kết quả kiểm tra định kỳ cuối năm là 10 điểm ở hầu hết các môn. Trước yêu cầu này, PGS-TS Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế, một cựu học sinh Trường Ams khóa 1992-1995...