Để trẻ có kỳ nghỉ hè thú vị
Nghỉ hè là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn cần thiết để các em lấy lại sự cân bằng về sức khỏe, tâm lý, chuẩn bị bước vào “chặng đua” trong năm học tới.
Vậy nhưng, nhiều trẻ thành phố đang phải đối mặt với áp lực học thêm ngày càng gia tăng, nhiều trẻ nông thôn thì lăn lộn phụ việc gia đình. Vậy làm thế nào để trẻ có kỳ nghỉ hè thực sự bổ ích?
Học hè chỉ nên mang tính ôn tập
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, hiện nay học sinh bị “bội thực” vì phải học hè thường bắt nguồn từ sự kỳ vọng thái quá của các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, họ muốn “gửi” con đến các lớp học hè để có chỗ trông trẻ.
Lịch học kín mít cả các môn văn hoá và các môn năng khiếu sẽ khiến cho các em không có điều kiện tốt để phát triển. Trẻ dễ có tâm lý chán học, sợ đến trường, nhất là đối với những học sinh có học lực trung bình trở xuống. Đã có nhiều trường hợp trẻ bị trầm cảm, suy nhược, rối nhiễu tâm lý.
Cùng với ép học văn hóa, nhiều cha mẹ còn ép con học các môn năng khiếu ở các nhà văn hóa thiếu nhi. Tuy nhiên, học các môn năng khiếu như: Võ, vẽ, nhạc, hát, múa… chỉ có thể phát huy hiệu quả khi bản thân người học có niềm đam mê, sự hứng thú và thực sự có năng khiếu. Sự áp đặt của cha mẹ khi con không hứng thú và không có năng khiếu sẽ gây ức chế cho trẻ. Dù có tham gia học, các em cũng chỉ học hình thức, đối phó để “vui lòng” cha mẹ.
Cha mẹ nên tạo cho trẻ có cơ hội để thể hiện khả năng bản thân.
TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, học hè nếu được tổ chức tốt, bố trí thời gian biểu hợp lý sẽ là dịp để học sinh ôn tập, củng cố những kiến thức đã học trong năm học trước, tạo tâm thế tự tin để bước vào năm học mới. Nhất là đối với những học sinh có học lực yếu, kém, các buổi phụ đạo trong hè sẽ giúp bù đắp lại đáng kể lượng kiến thức bị hổng.
Video đang HOT
Đối với trẻ có năng khiếu về văn – thể – mỹ, việc tham gia các lớp học năng khiếu ở nhà văn hoá cũng giúp các em phát triển tố chất của mình. Tuy nhiên, nên cho trẻ ôn tập sau một thời gian nghỉ hè 1 – 2 tháng. Cần lựa chọn môn phù hợp, cân bằng hợp lý giữa khoảng thời gian học hè và thời gian dành cho các hoạt động vui chơi. Các lớp ngoại khóa nên lựa chọn từ chính sở thích và năng lực và sức khỏe của trẻ.
TS tâm lý học Lê Tiến Hùng, nguyên giảng viên Khoa Tâm lý học – ĐHSP Hà Nội cho rằng, nghỉ hè quan trọng là cho trẻ “nghỉ”. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian chuẩn bị “hành trang” cho con bước vào năm học tiếp theo nên ngoài thời gian vui chơi cũng nên khuyên trẻ dành một quỹ thời gian cho việc ôn tập. Có thể cho trẻ đi học hè nhưng chỉ nên cho học hai buổi một tuần. Học hè chỉ nên dừng lại ở việc ôn tập lại bài cũ, nắm chắc kiến thức đã học. Các gia đình có thể cho con đi học ngoại ngữ ở các trung tâm, hoặc mời gia sư về nhà bồi dưỡng cho con mình.
Rèn luyện sống tự lập
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, với trẻ thành phố, cha mẹ nên tranh thủ đưa con đến những điểm di tích lịch sử, ngay tại thành phố để các em hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của đất nước; Từ đó tăng thêm lòng yêu quê hương cho trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ nên hướng cho con tham gia vào một số hoạt động xã hội như sinh hoạt đoàn, đội ở khu phố, phường, tham gia các chương trình thiện nguyện… Các hoạt động này sẽ giúp trẻ có tinh thần tập thể. Trẻ từ cuối cấp hai có thể đi làm thêm để tạo tính tự lập ngay từ nhỏ. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho trẻ về quê thăm ông bà, họ hàng nhằm giáo dục cho trẻ biết cội nguồn, khơi dậy lòng hiếu thảo và biết yêu quê hương.
Với những trẻ nông thôn, ngày hè thường phải theo bố mẹ đi làm. Vì thế thời gian nghỉ hè của trẻ cũng ít hơn. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, cha mẹ ở nông thôn cũng cần tạo cho con không gian vui chơi hợp lý, cho trẻ tham gia các môn thể thao theo sở trường của các em như đi thả diều, đá bóng…
TS Tâm lý học Lê Tiến Hùng cũng cho rằng, các em nhỏ nông thôn thì phần lớn mùa hè đến không thực sự được là kỳ nghỉ như trẻ ở thành thị. Các em phải giúp đỡ bố mẹ từ việc đi chăn trâu, cắt cỏ, đến kiếm củi, chăm em… Cha mẹ nên cân bằng giữa việc phụ gia đình làm thêm với việc trẻ vui chơi. Chẳng hạn, ngoài thời gian làm việc nên cho trẻ tham gia các buổi sinh hoạt đoàn thể ở địa phương, tham gia vào các hoạt động giải trí lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể dục, chơi thể thao.
Theo các chuyên gia, trẻ được vui chơi sẽ tạo điều kiện giao lưu về ngôn ngữ, thông tin, kiến thức. Từ đó, trẻ phát triển cả về thể chất và tinh thần, góp phần quan trọng cho sự hình thành nhân cách của trẻ. Thực tế cho thấy, những đứa trẻ được vui chơi hợp lý sẽ có khả năng giao tiếp tốt và tự tin hơn để có sự phát triển lành mạnh về mặt tâm lý.
Theo Gia đình & Xã hội
"Giành giật" con vì chuyện học hè
Đón đầu kỳ nghỉ hè của con, chị Trinh vội vàng đi đăng ký các lớp học hè, Toán, Anh, Văn cho con, "chạy trước" chương trình. Anh Mạnh chồng chị không đồng ý, đòi cho cháu về quê. Cậu con trai đang học lớp 3 đứng giữa cuộc giành giật của bố mẹ.
Từ đầu tháng 5, anh Mạnh (ngụ ở Q.3, TPHCM) đã đồng ý với bố mẹ hè này sẽ cho cu Kem về quê với ông bà. Mấy năm rồi, liên tục đi học hè cháu không được về quê chơi dù chỉ cách hơn trăm cây số (ở Tây Ninh). Nghe chồng nói vậy, chị Trinh vợ anh nhảy dựng lên nói rằng mình đã đăng ký cho con học thêm, không thể về quê được.
Khi con còn chưa nghỉ hè, nhiều bậc cha mẹ đã đôn đáo lo tìm chỗ học hè cho con. (Ảnh minh họa)Hai vợ chồng anh Mạnh nổi xung với nhau vì cho rằng người kia tự ý quyết định, không hỏi ý kiến mình. Anh Mạnh thuyết phục vợ rằng con học quanh năm đã rất căng thẳng, cần phải nghỉ
ngơi, hít thở không khí trong lành nhưng chị Trinh không nghe, chỉ chăm chăm cho rằng bây giờ hè phải học trước chương trình nếu không vào năm học thua bạn bè ngay. "Con nhà người ta đi học hết, sao con anh phải nghỉ? Nghỉ để cho nó kém, nó dốt đi vào năm học lại không biết chữ gì", chị Trinh nói.
Anh Mạnh không chịu, nói rằng mình đã hứa với ông bà, không thể thay đổi. Chị Trinh nghe vậy cầm điện thoại gọi ngay cho bố mẹ chồng thông báo cháu đích tôn phải đi học, không về quê được. Ông bà nội nhớ cháu, cố thuyết phục còn bị con dâu "răn": "Học sinh ở thành phố đâu phải như ở quê. Ông bà rủ rê cháu, cháu nó học kém ông bà chịu tránh nhiệm được không?".
Anh Mạnh cũng không vừa, vẫn khẳng định với bố mẹ, chờ cháu tổng kết sẽ đưa cháu xuống chơi với ông bà. Vợ chồng họ cãi nhau mấy tuần nay mà vẫn chưa đi đến hồi kết.
Sợ con học nhiều phát bệnh, chị Hiền (ngụ ở P. Tân Quý, Q. Tân Phú, TP.HCM) quyết định ngày hè năm nay sẽ không ép con đi học thêm mà để cháu vui chơi. Chồng chị nghe vậy nổi khùng, anh cho rằng ngày hè là cơ hội để con học nâng cao, trau dồi Ngoại ngữ và học thêm một số môn năng khiếu với lý lẽ trẻ học nhiều quá sẽ phát bệnh, hè là để con chơi. Chồng chị cười tỏ ý chê vợ kém hiểu biết: "Vậy cả thiên hạ này người ta phát bệnh hết chắc. Hè thời của cô cách đây hai chục năm khác với giờ nhiều lắm. Chiều lắm vào cho nó hư đi".
Thấy chị Hiền khăng khăng theo ý của mình, chồng chị vẫn đi đăng ký học thêm ở trường cho con. Ngoài ra anh còn đăng ký liền các môn ngoại ngữ ở các trung tâm. Anh lôi con ra và hỏi: "Mày thích học hay thích chơi? Nếu thích chơi thì cho nghỉ học, sau này đi ăn mày". Cô con gái nhìn bố mẹ nước mắt ngắn nước mắt dài: "Con đi học" dù trước đó cháu đã nói với mẹ hè được chơi là thích nhất.
Chị Hiền uất ức: "Ông ấy đăng ký đóng tiền rồi, không học thì cũng phải học. Bây giờ mình không cho cháu đi học chắc chắn gia đình sẽ chẳng được yên".
Đừng "cưỡng bức" ngày hè của trẻ
Từ nghỉ hè dường như đang ngày càng đang xa vời với trẻ em thành phố bởi chưa kịp nghỉ bố mẹ các em đã có ngay kế hoạch học tập trong hè cho con. Nếu con không học hè, họ lo lắng rằng con sẽ quên hết bài vở, không kịp theo bạn bè khi nào năm học mới.
Không ít trẻ, lịch học vào dịp hè còn dày đặc hơn trong năm học vì không phải đến trường nên nhiều phụ tranh thủ "nhồi nhét" tất cả các môn học cho con như văn hóa, ngoại ngữ, luyện chữ, học năng khiếu...
Cũng có những phụ huynh mong muốn ngày hè con được nghỉ ngơi nhưng không được vợ/chồng đồng tình. Nhiều cuộc giành giật con nhỏ theo ý mình cũng bắt đầu từ những mâu thuẫn, xung đột này mà ít ai quan tâm đến mong muốn thật sự của trẻ.
Như cháu Kem con anh Mạnh chị Trinh thút thít với bố: ""Bố mẹ làm nhiều cũng phải có lúc nghỉ ngơi, sao nghỉ hè còn bắt con đi học?". Ông bố này đang hết sức đâu đầu vì nếu anh làm theo ý mình vợ anh "ăn vạ" bằng cách giận dỗi, nhịn ăn nếu anh không chịu cho cháu đi học hè. "Muốn là vậy nhưng thật tình tôi cũng lo để con chơi nó quên hết bài vở, sao lên lớp mới được?", anh Mạnh nói.
Trước lo lắng của nhiều ông bố bà mẹ là ngày hè nếu trẻ không học bài sẽ quên hết kiến thức, ông Lê Ngọc Điệp, trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) chia sẻ rằng, bộ não của con người có một dung lượng nhất định không thể cứ nhồi nhét kiến thức liên tục. Việc vui chơi, tinh thần thoải mái cũng sẽ giúp trẻ tự nhiên khôi phục các kiến thức đã học chứ không phải chơi là quên như lo lắng của nhiều người.
Ông Điệp cho rằng, nhiều ông bố bà mẹ đang "cưỡng bức ngày hè của con". Trong khi đây là quãng thời gian trẻ cần để ghỉ ngơi, dưỡng não sau 9 tháng học đã rất mệt mỏi. Những lúc này, phụ huynh ần cho trẻ vui chơi, chăm lo sức khỏe... làm sao để tạo nên ký ức về tuổi thơ thật hồn nhiên, thoải mái với trẻ.
"Nếu có ông bà ở quê nên cho cháu về quê chơi giúp cháu xả hết căng thẳng. Điều này cũng giúp trẻ cảm nhận cuộc sống quanh mình phong phú hơn cũng như tạo nên ký ức tuổi thơ đẹp trong trẻ", ông Điệp khuyên.
Theo Dân Trí
Cha mẹ "điên đầu" khi con nghỉ hè Trong cái nóng cao độ của những ngày đầu hè, bữa cơm chiều của mỗi gia đình có con nhỏ càng nóng hơn với đề tài "mùa hè của con" còn nan giải, chưa biết cho con học gì và đi chơi ở đâu. Đau lòng nhất là do không có nơi vui chơi, trẻ em thành phố phải chơi ở vỉa hè...