Đề Toán đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều điểm 8, 9
Đề thi chính thức môn Toán đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT bám sát mức độ, tính chất các câu hỏi như đề thi tham khảo lần 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, đồng thời có cấu trúc và độ khó tương đương với đề thi chính thức Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1.
Đó là nhận định của tổ Toán, Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Đề thi đảm bảo sự an tâm cho các thí sinh vì điều kiện đặc biệt của năm 2020 phải lùi thời gian thi so với các bạn và phù hơp với tình hình chung của năm học 2019-2020.
Các thí sinh tại điểm thi Trường Chuyên THPT Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) làm bài thi môn Toán. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN
Về nội dung kiến thức Đề thi vẫn bao gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 90 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung mà học sinh đã được làm quen và ôn luyện. Trong đó, 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình của lớp 12 và 10% số câu hỏi (5 câu) thuộc chương trình lớp 11. Nội dung đề thi vẫn chủ yếu rơi vào học kì I của lớp 12.
Về độ khó của đề thi, có khoảng hơn 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao (14% tương đương 7 câu).
Nhìn chung, cấu trúc này là phù hợp với mục tiêu của kì thi, những câu hỏi ở mức điểm 8, 9, 10 thuộc kiến thức lớp 11 và học kì I lớp 12 và nhằm mục tiêu phân hóa thí sinh. Những câu hỏi vận dụng cao có dạng thức tương tự như các câu hỏi của đề thi lần 1.
Với đề thi này, tỉ lệ điểm 8, 9 sẽ tương đối nhiều. Điều này cũng tương tự với kết quả đã công bố và phổ điểm của đề thi đợt 1.
Có thể nói, những thí sinh phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 mặc dù phải chịu rất nhiều áp lực về tâm lí so với các bạn đã thi nhưng nếu các bạn biết cách tập trung ôn tập, làm quen và xử lí các câu hỏi của đề thi đợt 1 thì các em sẽ làm bài tốt tại kì thi đợt 2 này.
Với đề thi này, đỉnh của phổ điểm sẽ rơi ở ngưỡng 7 điểm, và vẫn có 1 khoảng hẹp dùng để phân loại thí sinh cho các mục tiêu xét tuyển đại học.
Giáo viên: Đề Văn tốt nghiệp THPT đợt 2 an toàn nhưng thiếu mới mẻ
Giáo viên đánh giá đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT đợt 2 đảm bảo đúng yêu cầu nội dung, hình thức, độ khó dễ của các câu hỏi tương đương với đợt 1.
Video: Giáo viên nhận định đề môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT đợt 2
Cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đánh giá, đề thi môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 bám sát cấu trúc, mức độ, tính chất các câu hỏi như đề thi tham khảo lần 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 vẫn đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp THPT. Cũng như đợt 1, đề không khó, nhất là ngữ liệu của câu nghị luận văn học có lẽ đã được điều chỉnh cho phù hợp với thời lượng làm bài của học trò, về cơ bản đáp ứng được tâm thế lo lắng, cảm giác thiệt thòi của hơn 26.000 thí sinh thi đợt 2.
Tuy nhiên cô Tuyết cho rằng, cũng chính yếu tố trên đã làm giảm đi tính phân loại cho đề thi và kết quả chung của kỳ thi, có thể sẽ đem lại cảm giác hụt hẫng cho một bộ phận học trò khao khát sự mới mẻ trong những thông điệp tư tưởng, những vấn đề bàn luận vốn luôn có khả năng mang lại hứng thú và nhu cầu suy ngẫm trong một đề thi Ngữ văn.
Từ ngữ liệu cho đến yêu cầu của các câu lệnh trong các phần đọc hiểu, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học đều tương đương với đề thi chính thức đợt 1.
Phần đọc hiểu (3 điểm) ngữ liệu vẫn là trích đoạn của 1 văn bản mang phong cách ngôn ngữ chính luận cùng dung lượng tương đương với ngữ liệu được sử dụng trong đề thi đợt 1. Nội dung cùng hướng tới những vấn đề của tư tưởng, đạo lí, nếu đợt 1 gợi ra suy nghĩ về thái độ trân trọng với cuộc sống hàng ngày thì đợt 2 chính là gửi gắm thông điệp về vai trò quan trọng của niềm tin trong cuộc sống.
4 câu hỏi đọc hiểu đã lần lượt đặt ra yêu cầu theo các mức độ của Nhận biết (câu 1; 2), nhận biết kết hợp thông hiểu (câu 3), vận dụng và vận dụng cao (câu 4). Đó là các mức độ phù hợp với quá trình nhận thức của học trò, bám sát cấu trúc đề thi tham khảo và cũng là các kĩ năng mà học sinh đã được ôn luyện trong suốt năm học lớp 12.
Phần 2, làm văn (7,0 điểm) giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).
Đề thi môn Ngữ văn đợt 2.
Câu nghị luận xã hội vẫn yêu cầu học sinh nghị luận về 1 khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc hiểu đó là "sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống" - vấn đề "niềm tin" và khía cạnh bàn luận "sự cần thiết phải có niềm tin" hoàn toàn không xa lạ với học trò và chắc chắn cũng đã xuất hiện trong rất nhiều bài ôn luyện của các thầy/cô trong nhiều năm học.
Vì thế, một mặt không làm khó cho học trò nhưng mặt khác có thể hạn chế phần nào hứng thú và khả năng sáng tạo cũng như sự phát huy cái tôi độc lập của thí sinh.
Câu 2 (5,0 điểm), bài nghị luận văn học đặt ra yêu cầu "phân tích khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến" trong 22 câu thơ của phần cuối đoạn trích "Việt Bắc" - hầu như không có sự thay đổi gì về dung lượng, cảm hứng, thể loại...của ngữ liệu so với câu nghị luận văn học của đề thi đợt 1.
Nếu cảm hứng về đất nước, dân tộc, cách mạng...rất phù hợp với cả 2 đợt thi của năm 2020 - một năm chẵn cho những ngày kỉ niệm lớn liên quan tới những sự kiện trọng đại của dân tộc, thì sự tương đương về dung lượng, thể loại của ngữ liệu phần nào cũng làm giảm đi tính bất ngờ vốn luôn tạo ra hứng thú cho học trò khi làm bài.
Hòa Bình chỉ có 1 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia đợt 2 Sáng 3/9, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 tại tỉnh Hòa Bình đã diễn ra tại điểm thi ở trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ, TP Hòa Bình. Trong tổng số 21 thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đợt 2 tại tỉnh Hòa Bình, chỉ có duy nhất thí sinh Bùi Văn Tú (sinh năm 2001),...