Để thư viện trở thành không gian của trẻ
Hiện nay, khoảng 90% các trường tiểu học, THCS đã có thư viện được công nhận đạt chuẩn ở 3 cấp độ (đạt chuẩn, tiên tiến, xuất sắc). Trong khi đó, tỷ lệ này ở bậc THPT mới chỉ đạt 50%.
Học sinh Trường tiểu học Phú Điền (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) đọc sách trong giờ ra chơi. Ảnh: H.Yến
Từ đầu năm học đến nay, giờ ra chơi nào em Lê Thị Ngọc Hoa, học sinh lớp 4/1 Trường tiểu học Phú Điền (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) cũng cùng với các bạn đến phòng đọc của thư viện nhà trường. Em tìm đến các kệ sách có màu xanh đậm để chọn sách muốn đọc. Việc phân chia sách theo trình độ đọc giúp em dễ dàng tìm được các sách phù hợp với mình hơn so với trước đây.
* Không gian được học sinh chờ đón
Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 300 trường tiểu học có thư viện đạt chuẩn (đạt hơn 95%), trong đó có 103 thư viện tiên tiến, 92 thư viện xuất sắc. Bậc THCS có 144/166 (gần 90%) trường có thư viện đã được công nhận đạt chuẩn, trong đó có 42 thư viện được công nhận tiên tiến; 50 thư viện được công nhận xuất sắc. Riêng bậc THPT chỉ có gần 40 trường có thư viện đạt chuẩn (đạt 50%), trong đó chỉ có 3 thư viện tiên tiến, 4 thư viện xuất sắc.
Năm học này, với sự hỗ trợ của Tổ chức Room to Read, Trường tiểu học Phú Điền đã xây dựng thư viện thân thiện. Theo đó, bên cạnh việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức này còn hỗ trợ trường trong việc tổ chức, sắp xếp phòng đọc và các hoạt động thân thiện nhằm thu hút trẻ đến với thư viện thường xuyên hơn. Đây cũng là một yếu tố giúp nhà trường xây dựng thư viện xuất sắc.
Để có phòng thư viện đạt chuẩn trong điều kiện khó khăn về kinh phí, tự thân các giáo viên trong trường đã phải chung tay cùng khắc phục. Theo đó, nhà trường “nhặt nhạnh” lại các bàn ghế cũ đã không còn sử dụng, cưa ngắn, lắp lại theo kích thước mới rồi đem sơn sửa, tân trang lại. Các thầy cô cũng đóng kệ đựng sách và các vật trang trí khác trong phòng đọc.
Ngoài phòng đọc sách, Trường tiểu học Phú Điền còn có một phòng sáng tạo. Trong phòng này có nhiều bàn ghế để học sinh vào đọc sách hoặc vẽ tranh, trang trí mỹ thuật. Những chiếc bao bố cũ được các thầy cô tận dụng làm “giấy vẽ” để vẽ nhiều bức tranh đẹp mắt; nhiều bức tranh được gắn từ các loại hạt đậu, bắp…
Em Đào Lâm Duy, học sinh lớp 4/1 cho biết: “Ở nhà em cũng được mẹ mua sách cho nhưng em thích đọc ở thư viện của trường hơn vì thư viện trang trí đẹp mắt, có chỗ ngồi thoải mái, mát mẻ. Không chỉ đọc sách, trong thư viện còn có cờ vua, cờ tướng, màu vẽ… để em và các bạn cùng chơi”.
Ông Nguyễn Khánh Hậu, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT) cho biết, sau khi đọc xong một quyển sách, học sinh được khuyến khích tham gia các hoạt động mở rộng sáng tác liên quan đến cuốn sách vừa đọc như: vẽ tranh theo sách, kể chuyện theo sách, trò chơi phân vai… Những sản phẩm sáng tạo của các em được trưng bày trong khu vực thư viện. Cách làm này giúp các em nâng cao khả năng tư duy, phán đoán, “thu hoạch” nhiều kiến thức hơn trong quá trình đọc sách.
* Thu hút học sinh đến thư viện
Việc xây dựng thư viện đạt chuẩn được thực hiện theo Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông. Theo đó, các tiêu chuẩn và mức đánh giá thư viện đạt chuẩn đang được thực hiện giống nhau ở cả 3 bậc học: tiểu học, THCS, THPT. Các tiêu chuẩn đánh giá gồm: tiêu chuẩn về sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa; tiêu chuẩn về cơ sở vật chất (phòng thư viện, trang thiết bị chuyên dùng); tiêu chuẩn về nghiệp vụ.
Video đang HOT
Có 3 loại danh hiệu thư viện gồm: thư viện trường học đạt chuẩn, thư viện trường học tiên tiến, thư viện trường học xuất sắc. Các danh hiệu thư viện là một trong những tiêu chuẩn để xét công nhận các danh hiệu thi đua từng năm học cho mỗi trường học.
Nếu như bậc tiểu học và THCS đều đã có số lượng thư viện trường học đạt chuẩn ở ngưỡng 90% thì mới chỉ có khoảng 50% thư viện trường THPT đạt chuẩn với mức độ công nhận chủ yếu đạt chuẩn, chỉ có 3 thư viện đạt tiên tiến và 4 thư viện đạt xuất sắc.
Nguyên nhân được cho là do các trường THPT tư thục không đăng ký xếp loại. Bên cạnh đó, những trường THPT công lập mà chưa xét công nhận chuẩn quốc gia cũng chưa đăng ký kiểm tra thư viện đạt chuẩn.
Trong khi bậc tiểu học có thể bước đầu thu hút học sinh đến với thư viện bằng cách xây dựng thư viện thân thiện, trang trí bắt mắt, thêm không gian chơi… thì bậc THCS và THPT khó có thể làm được điều này. Đồng thời, đòi hỏi học sinh thường xuyên đến thư viện khi các em chưa có thói quen đọc sách là điều rất khó. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc đáp ứng đủ các đầu sách theo nhu cầu của học sinh, nhân viên thư viện phải tổ chức được các hoạt động thu hút học sinh. Giáo viên bộ môn cũng yêu cầu học sinh phải tham khảo các nội dung ngoài sách giáo khoa trong hoạt động học tập; thậm chí có giáo viên ngữ văn yêu cầu học sinh phải đọc và viết bài giới thiệu về một cuốn sách.
Để chọn được sách hay, phục vụ thiết thực cho học sinh, việc chọn lựa các đầu sách bổ sung cho thư viện nên được thực hiện với sự trợ giúp của các tổ bộ môn. Theo đó, các tổ bộ môn sẽ đề xuất sách cần mua bởi giáo viên trực tiếp giảng dạy mới biết rõ cuốn sách nào có nội dung mà học sinh cần phải tham khảo chứ không phải là nhân viên thư viện. Cách làm này sẽ tránh được trường hợp nhân viên thư viện tự đặt mua sách cho đủ số lượng nhưng không sát với yêu cầu thực tế học tập tại trường phổ thông.
Hải Yến
Theo baodongnai
Thư viện trường học có nên dẹp bỏ?
Thư viện là một bộ phận cơ sở vật chất trọng yếu, không thể thiếu, là trung tâm sinh hoạt văn hoá và khoa học của nhà trường.
Tuy nhiên, nhiều nơi thư viện vẫn không có, hoặc có thì nghèo nàn, hắt hiu gọi là cho có, khiến có ý kiến cho rằng thư viện trường học không thực chất và cần dẹp bỏ?
Học sịnh trong thư viện của trường Tiểu học Dương Liễu, Hà Nội. Ảnh: Đ.H
Các trường đều phải có thư viện?
Theo quyết định về Quy chế tổ chức và hoạt động thư viện trường phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thư viện trường phổ thông (bao gồm trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông) là một bộ phận cơ sở vật chất trọng yếu, trung tâm sinh hoạt văn hoá và khoa học của nhà trường.
Cũng theo quyết định, tất cả các trường phổ thông đều phải có tủ sách, thư viện.
Thư viện trường phổ thông có nhiệm vụ cung ứng cho giáo viên và học sinh đầy đủ các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nghiệp vụ, các loại từ điển, tác phẩm kinh điển để tra cứu, và các sách báo cần thiết khác, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và tự bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên và học sinh.
Cũng theo quyết định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông của Bộ GD&ĐT còn có hướng dẫn tiêu chuẩn về về sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa.
Theo đó, thư viện phải có đủ ba bộ phận: Sách giáo khoa (SGK), sách nghiệp vụ của giáo viên, sách tham khảo. Thư viện cần bổ sung đúng chủng loại, số lượng.
"Trước ngày khai giảng năm học mới, nhà trường phải có "Tủ sách giáo khoa dùng chung" để phục vụ số học sinh không đủ điều kiện mua sách, đảm bảo cho mỗi em có một bộsách giáo khoa (bằng hình thức thêu hoặc mượn)"- quyết định nêu rõ.
Ngoài ra, thư viện tiến hành bổ sung các sách tham khảo trên theo khả năng kinh phí của từng trường. Đối với các trường kinh phí còn hạn hẹp, ưu tiên bổ sung các loại sách, báo, tạp chí có nội dung sát với chương trình giảng dạy, học tập của nhà trường.
Cũng theo đó, thư viện phải đạt tiêu chuẩn về sách tham khảo, có đủ tên sách và số lượng bản theo danh mục do Bộ GD&ĐT hướng dẫn, được tính bằng quân số bản/ học sinh là 0,5-3 bản/ học sinh, tùy trường miền núi hay ở thành phố, đồng bằng.
"Mỗi thư viện cần đảm bảo diệntích tối thiểu 50 m2 để làm phòng đọc và kho sách (có thể 1 hoặc một số phần) có đủ điều kiện cho thư viện hoạt động. Thư viện đựơc tính thêm diện tích phòngchứa bản đồ, tranh ảnh (nếu có) vào diện tích chung. Các trường có thể căn cứ vào số lượng học sinh được bố trí phòng đọc cho giáo viên và học sinh hợp lí"- quy định nêu rõ.
Nơi đạt chuẩn, chỗ....vắng bóng
Là trường đạt chuẩn nên thư viện trường Tiểu học Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội có thư viện đủ diện tích, đầu sách bên cạnh các phòng học và chức năng khác của trường.
Theo quy định, mỗi thư viện cần đảm bảo diện tích tối thiểu 50m2 thì thư viện trường này rộng khoảng 100 m2 . Khu thư viện trường có 3 phòng gồm một phòng đọc học sinh, một phòng đọc giáo viên và một phòng kho.
"Nói chung cũng nhiều đầu sách như sách giáo khoa, sách tham khảo, sách khoa học để học sinh có thể lên đọc"- một giáo viên của trường này chia sẻ.
Trường THCS Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội cũng có thư viện trên diện tích khoảng 120m2 và phân bố gồm sách cho học sinh, sách cho giáo viên, có phòng đọc riêng, phòng kho theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Ngược lại với thực trạng chung của nhiều trường ở thành phố, đồng bằng thì nhiều trường ở các tỉnh miền núi phía bắc số lượng các trường có thư viện chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo Bà Nông Thị Loan, trưởng phòng Giáo dục Huyện Bảo Lạc, Cao Bằng cho hay, việc việc đầu tư, cơ sở vật chất cho thư viện trường học từ trước đến nay của Huyện Bảo Lạc nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng thì đều chưa có nguồn vốn nào, chưa có nguồn chi thường xuyên, trừ một số trường đầu tư xây dựng thành trường chuẩn.
Cũng theo bà Loan, ngoài các trường chuẩn thì các trường khác không có phòng chức năng, phòng thư viện...
Bà Loan thông tin, năm nay, toàn Huyện có tổng 42 trường từ mầm non đến trường trung học phổ thông. Trừ 15 trường mầm non không có yếu tố chuẩn thư viện, thì trong 27 trường phổ thông thì chỉ có 6 trường đạt chuẩn có thư viện, 21 trường khác là...."trắng" thư viện.
"Huyện Bảo Lạc là một trong 62 huyện nghèo của các nước nên đầu tư cho thư viện là không có. Có trường khi có tài liệu, sách báo về thì phải để chung với các phòng khác, đôi khi chỉ là một cái... kho. Còn các trường đạt chuẩn có thư viện nhưng thực sự vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn mới"- vị trưởng phòng này nhấn mạnh.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, hiện nay tại hầu hết các trường Tiểu học ở Việt Nam tồn tại 2 kiểu thư viện:
- Thứ nhất, thư viện không được đầu tư cả cơ sở vật chất và sách phục vụ học sinh. Mặc dù được gọi là thư viện, nhưng thực sự là nhà kho của trường.
- Thứ hai, thư viện được đầu tư tốt về cơ sở vật chất, nhưng vẫn thiếu sách phục vụ học sinh. Sách trong thư viện này phần lớn là sách phục vụ giáo viên. Sách phục vụ học sinh được khóa trong tủ và học sinh tìm sách qua danh mục sách.
Nhiều thư viện của trường học có diện tích phòng học nhỏ, thư viện chỉ là tận dụng từ một phòng học. Thông thường ở trường giờ nghỉ giải lao giữa buổi ngắn, thời gian đi lại cũng không đủ thời gian đọc, do đó nhiều em đã chọn ngồi trong lớp nói chuyện với các bạn, hay ra sân chơi hơn là lên thư viện.
Học sinh chưa có thói quen tự đọc sách báo, đặc biệt sách báo giấy. Việc tạo thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc cho học sinh là một yếu tốt quan trọng hàng đầu trong việc định hướng các em tới thư viện. Tuy nhiên, nhiều nơi do sự thờ ơ của nhà trường và các thầy cô nên chưa định hướng tốt.
Vốn tài liệu trong thư viện còn sơ sài, hình thức, tài liệu còn chưa đa dạng phong phú. Chủ yếu vẫn chỉ có sách giáo khoa và sách tham khao, ít những tài liệu giải trí.
Việc đầu tư kinh phí còn khiêm tốn, số lượng máy tính kết nối internet trong thư viện không nhiều, tài liệu bổ sung không thường xuyên, liên tục... cũng làm cho chất lượng của hoạt động thư viện rất kém.
Theo Tiền phong
Kiểm tra thư viện đạt chuẩn Ngày 10-9, đoàn công tác Sở GD-ĐT đã tổ chức kiểm tra việc công nhận thư viện đạt chuẩn tại 5 trường trên địa bàn huyện Tân Phú. Học sinh Trường tiểu học Phú Điền đọc sách tại thư viện. Ảnh: H. Yến Qua kiểm tra hồ sơ và đánh giá hoạt động thực tế, có 2 thư viện đạt mức độ tiên...