‘Đề thi Văn mở thì cách chấm cũng phải mở’
Theo nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, nếu thí sinh bày tỏ khâm phục hành động dũng cảm quên mình cứu người của Nam, song không thể học tập vì không biết bơi, hay nghĩ đến bố mẹ… thì vẫn nên cho điểm.
Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT công bố hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp các môn. Với câu hỏi bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm của học sinh Nguyễn Văn Nam khi lao xuống dòng nước cứu sống 5 học sinh rồi bị dòng nước cuốn trôi khi kiệt sức. Bộ hướng dẫn giáo viên cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
Nếu thí sinh có những suy nghĩ, kiến giải riêng mà vẫn hợp lý thì vẫn được chấp nhận. Nếu có kỹ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận vào một vài khía cạnh cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa. Giáo viên không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực.
Thí sinh sau giờ thi tốt nghiệp 2013. Ảnh: Hoàng Hà.
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia chấm thi môn Văn và làm Chủ tịch Hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT, thầy Đặng Đình Đại, nguyên hiệu trưởng THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) nhận xét, với hướng dẫn chấm thi trên, nhiều giáo viên sẽ băn khoăn bởi không biết nên hiểu như thế nào là suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực. “Giá như Bộ đưa ra hướng dẫn chi tiết về vấn đề này thì người chấm sẽ dễ dàng hơn”, thầy Đại nói.
Nhà giáo ưu tú này kể, sau khi thi có nhiều học sinh và phụ huynh đã gặp thầy để hỏi liệu có được điểm khi viết rất khâm phục và ca ngợi hành động của Nam, nhưng do không biết bơi nên không thể làm theo. Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến trái chiều cũng được đưa ra xoay quanh hướng dẫn chấm thi ý cuối cùng “học theo tấm gương của Nguyễn Văn Nam”.
Theo thầy Đại, với những tình huống này thí sinh vẫn được điểm nhưng không đạt điểm tối đa của câu hỏi đó. Ngoài ra, cần hiểu ý nghĩa của đề thi là hướng thí sinh đến việc học tập sự dũng cảm và tấm lòng nghĩa hiệp của Nam. Điều này thể hiện ở nhiều việc cụ thể trong cuộc sống chứ không phải rập khuôn, máy móc.
Thầy diễn giải, trong cuộc kháng chiến của dân tộc cũng chỉ có một Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, một Lê Văn Tám tự biến mình thành đuốc sống lao vào phá hủy một kho xăng của quân địch, một Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo… Thế nhưng, họ đã trở thành biểu tượng anh hùng cách mạng về sự kiên cường, bất khuất và anh dũng. Thanh niên Việt Nam thời ấy coi họ là tấm gương nhưng không học tập rập khuôn máy móc mà sục sôi khí thế cách mạng và lòng yêu nước bất khuất, không ngại gian khó. Nhờ đó mà đất nước đã đánh đuổi được mọi kẻ thù.
Video đang HOT
Thầy Đại dự đoán, khoảng 50% thí sinh sẽ có bài viết không đúng ý như hướng dẫn chấm thi. Trường hợp này cần gạn đục khơi trong, tìm ý cho điểm để tránh việc thí sinh mất trắng điểm câu này. Với những bài viết có ý kiến trái chiều, các giáo viên cần thảo luận với đồng nghiệp, tổ trưởng tổ chấm hoặc thanh tra để có kết luận đúng nhất. Bởi đề thi đã mở thì cách chấm cũng phải mở và linh hoạt.
“Vào những năm đầu tiên có đề thi mở, chúng tôi thường chấm thử để tập huấn cho giáo viên. Tôi cố ý chọn những bài viết có ý kiến khác với hướng dẫn để giáo viên chấm chung. Từ đó, họ sẽ vỡ ra rằng dù không có trong barem nhưng ý của học trò vẫn có thể cho điểm”, thầy Đại chia sẻ.
Thầy Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, thì cho rằng đề thi được ra với mục đích hướng học sinh đến những hành động tốt đẹp, vì mọi người. Nếu thí sinh viết hành động đó là tầm thường, dại dột thì suy nghĩ, đạo đức của thí sinh đó đang bị lệch lạc. Khi có những ý nghĩ trái với chuẩn mực đạo đức thì dù có lập luận chặt chẽ đến đâu cũng chỉ là cách nghĩ ích kỷ, bảo thủ.
“Đề mở và cho phép thí sinh viết mở nhưng phải trong khuôn khổ và theo chuẩn mực chứ không thể thích viết gì thì viết”, thầy Nhĩ nói.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, đề ra mở thì sẽ có hướng dẫn chấm mở. Thí sinh sẽ có nhiều ý kiến, nhưng dù quan điểm thế nào thì phải lập luận chặt chẽ, thuyết phục dựa trên những chuẩn mực về đạo đức.
Kiều Trinh
Theo VNE
'Nam sinh hy sinh cứu 5 em nhỏ' vào đề thi tốt nghiệp
"Thật bất ngờ khi đề thi tốt nghiệp môn Văn lại ra vào một nhân vật có thật trong cuộc sống", thí sinh Hoàng Tuấn Anh nói khi câu nghị luận yêu cầu bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm của Nguyễn Văn Nam.
Bước khỏi phòng thi khi hết giờ làm bài thi môn Văn, các thí sinh tại THPT Cầu Giấy ( Hà Nội) hớn hở vì đề thi khá dễ và hay. Hoàng Tuấn Anh (THPT Cầu Giấy) cho biết, dù học khối A nhưng đề thi Văn em hoàn thành rất nhanh, chỉ mất khoảng 2/3 thời gian. Không dành nhiều thời gian để ôn tập nhưng Tuấn Anh vẫn nắm được kiến thức cơ bản nên các câu hỏi trong đề thi em đều đã làm qua.
Câu khiến Tuấn Anh hào hứng nhất là nghị luận xã hội (3 điểm). Đề yêu cầu viết một bài văn ngắn khoảng 400 từ bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm của học sinh Nguyễn Văn Nam khi đã lao xuống dòng nước cứu sống 5 học sinh rồi bị dòng nước cuốn trôi khi kiệt sức. Theo Tuấn Anh, đây là nhân vật có thật, lại là học sinh lớp 12 nên có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và hành động của thí sinh.
Thí sinh trước giờ làm bài môn Văn. Ảnh: Hoàng Hà.
"Hiện nay, khi tình trạng đạo đức xuống cấp đang xảy ra ở một bộ phận thanh niên thì Nam là một người để chúng em học hỏi về tình thương yêu con người và sự dũng cảm. Đề thi không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra kiến thức mà còn giúp chúng em suy nghĩ và nhìn nhận lại bản thân", Tuấn Anh nói.
Tại điểm thi THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) phần lớn thi sinh nhận định đề thi "dễ thở". Ra sớm trước giờ thu bài, Nguyễn Thị Trà Oanh (THPT Cầu Giấy) hào hứng bình luận về đề thi bởi cấu trúc đề thi khá hay và nhất là câu nghị luận xã hội.
"Đề đưa ra tình huống cụ thể của một bạn tên Nam cứu người ở Nghệ An. Với câu này, trước tiên em giải thích lòng dũng cảm là gì rồi mới vận dụng vào trường hợp của cậu bạn này. Tấm gương dũng cảm của bạn ấy giúp cho các thanh thiếu niên bây giờ học hỏi nhiều. Bản thân em cũng rút ra được bài học cuộc sống cho mình", Oanh cho biết.
Hoàn thành bài thi trong vòng 120 phút và viết được 8 trang nhưng Oanh không tự tin lắm với bài làm của mình. Oanh cho hay, em thi khối B nên môn Văn và tiếng Anh không phải là thế mạnh, môn Hóa chiều nay mới "chắc chắn".
Nhóm nam sinh THPT Việt Đức (Hà Nội) vui vẻ trò chuyện sau giờ thi Văn. Ảnh: Hoàng Hà.
Tự tin với bài làm của mình, Hải Nhi (THPT Đông Đô) cho rằng, đề năm nay bám sát sách giáo khoa. Nhưng nữ sinh này cũng hơi bất ngờ với câu nghị luận xã hội.
"Em không nghĩ đề lại đưa ra một vấn đề mở như thế. Em đoán ở phần nghị luận xã hội sẽ về một câu nói nhưng thực tế đề ra lại là ví dụ một bạn nam cứu người. Hơi bất ngờ nhưng em vẫn làm được", Hải Nhi nói.
Tại TP HCM, 9h45 thí sinh ở hội đồng thi Trần Đại Nghĩa bắt đầu rời khỏi phòng thi. Nguyễn Thị Cát Tường (THPT Trần Đăng Khoa) tự tin cho biết, có thể đạt điểm 8 môn Văn. "Câu hỏi nghị luận giúp em hiểu hơn câu chuyện cảm động của Nam - một tấm gương đáng để các bạn trẻ học tập. Câu chuyện không chỉ giúp em mà tất cả các bạn học sinh khác liên hệ với bản thân biết giúp đỡ người khác khi hoạn nạn", nữ sinh nói.
Còn Nguyễn Đình Thi, (chuyên Lý THPT Trần Đại Nghĩa) cho hay, tuy không phải dân khối C nhưng với đề thi năm nay cũng làm được tương đối. Các thí sinh giáo dục thường xuyên cũng làm bài khá tốt các câu hỏi như: Tóm tắt tác phẩm Ông già và biển cả, viết đoạn văn khoảng 400 chữ nói về lòng bao dung của con người trong cuộc sống và phân tích nhân vật T Nú trong tác phẩm Rừng Xà nu.
Tại điểm thi trường chuyên Phan Bội Châu ( TP Vinh, Nghệ An), sau tiếng trống thu bài các thí sinh hồ hởi ra về. Nhiều nhóm tụm lại bàn tán về đề thi mang tính thời sự và sát với chương trình. "Cầm đề thi đọc đến câu số 2 em cảm thấy rất xúc động vì qua đọc báo em được biết hành động dũng cảm của bạn Nam", nữ sinh Nguyễn Thị Duyên ở điểm thi trường Huỳnh Thúc Kháng nói.
Trong khi đó, thí sinh Thanh Vân (THPT Phan Chu Trinh, Đà Nẵng) cho rằng, đây là câu mở để học sinh có thể phóng bút bày tỏ suy nghĩ của mình. "Tuy nhiên thông tin về bạn Nam do mới xảy ra nên hầu hết em và các bạn trong phòng đều chưa cập nhật được nhiều, dẫn đến tình trạng dù bài văn nhiều cảm xúc nhưng thiếu thông tin nền", Thanh Vân nói.
Chiều nay, thí sinh sẽ làm bài thi trắc nghiệm môn Hóa trong 60 phút. Thí sinh chỉ được dùng bút chì để làm bài thi. 13h30 thí sinh phải có mặt tại điểm thi.
Nhóm phóng viên
Theo VNE
Hướng dẫn làm bài thi môn Văn Đề thi tốt nghiệp môn Văn được đánh giá là khá dễ và hay, đặc biệt là câu nghị luận xã hội. VnExpress giới thiệu hướng dẫn làm bài của Trung tâm Học mãi. Câu 1: Ý nghĩa của chi tiết hình ảnh Vòng hoa trên mộ Hạ Du - Giới thiệu khái quát: Chi tiết hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ...