Đề thi tuyển sinh 2014 có gì mới?
Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường đủ điều kiện được tổ chức thi riêng. Vậy kỳ thi “ba chung” bộ vẫn tiếp tục tổ chức để hỗ trợ các trường có gì khác so với mọi năm?
Ông Trần Văn Nghĩa
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Nghĩa – phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT – cho biết:
- So với năm 2013, kỳ thi chung năm 2014 chỉ có một điểm thay đổi về một số điều chỉnh của chính sách ưu tiên. Về cơ bản, các đối tượng được hưởng ưu tiên sẽ được giữ ổn định, nhưng mức độ ưu tiên, điểm cộng ưu tiên cho một số đối tượng sẽ có thay đổi. Dự thảo hiện tại có bổ sung đối tượng khuyết tật nặng được cộng 1 điểm ưu tiên trong tuyển sinh. Những điều chỉnh này sẽ được quy định chi tiết trong thông tư sửa đổi Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2014 dự kiến ban hành trong tháng 2.
Tăng cường đề thi mở
“Đối với kỳ thi chung do bộ tổ chức, quy định về đợt thi, thời gian thi, thứ tự các môn thi sẽ giữ ổn định như năm 2013″ Ông Trần Văn Nghĩa
* Đề thi năm 2013 được đánh giá “dễ thở”, đáp án cũng “rộng” hơn các năm trước. Vậy năm 2014 tinh thần ra đề thi tuyển sinh sẽ ở mức khó – dễ thế nào để có thể phân loại được thí sinh mà vẫn bảo đảm nguồn tuyển cho các trường, thưa ông?
- Năm 2013 số thí sinh đạt điểm trên sàn tăng thêm hơn 100.000 em, bổ sung được một nguồn tuyển tương đối lớn cho nhiều trường. Phân tích kết quả tuyển sinh của năm 2013 và qua xem xét công tác xét tuyển của các trường cho thấy định hướng ra đề thi năm 2013 là hoàn toàn đúng đắn. Năm 2014, hướng ra đề thi vẫn tiếp tục ổn định như năm 2013.
Thực tế ngay sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh năm 2013, bộ đã giao Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục phân tích kết quả tuyển sinh để tìm ra những điểm chưa hợp lý về đề thi các môn, hoàn thiện ma trận đề thi, phục vụ kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2014. Đồng thời, bộ đã tổ chức hội thảo để các chuyên gia phân tích các nguyên nhân dẫn đến hạn chế để có thể cải tiến đề thi. Phân tích đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ cho thấy: kết quả thi không chỉ phụ thuộc vào đề thi mà còn phụ thuộc vào đối tượng dự thi (thể hiện qua kết quả của cùng một đề thi với độ khó tương đương thì kết quả khối A thấp nhưng các khối khác lại tốt hơn nhiều, hoặc kết quả ở trường này thấp song ở trường kia lại rất cao).
* Việc ra đề thi mở, khơi gợi khuynh hướng học tập kích thích tư duy, không phụ thuộc vào việc học tủ, học thuộc lòng mà Bộ GD-ĐT đã áp dụng hiệu quả hai năm gần đây sẽ chỉ gói gọn ở các môn văn, sử hay sẽ mở rộng sang cả các môn thi khác, thưa ông?
Video đang HOT
- Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo “ba chung” của năm 2014 sẽ được tiếp tục ra theo hướng tăng cường câu hỏi mở. Ở các môn thi trắc nghiệm sẽ bổ sung, cải tiến hình thức câu trắc nghiệm để giảm thiểu khả năng đoán mò, “ăn may” của thí sinh. Ở đề thi tự luận của các môn khoa học xã hội như văn, sử, địa sẽ tăng cường đề thi mở, hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc các con số và sự kiện. Với các môn khoa học tự nhiên như toán cũng định hướng tăng cường các câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, khắc phục tình trạng học sinh giải quyết vấn đề một cách máy móc theo khuôn mẫu có sẵn.
Thông thường trong hướng dẫn chấm đối với các môn khoa học xã hội, ngoài những lưu ý về nguyên tắc chấm thi nói chung, ban đề thi sẽ có những hướng dẫn chấm rất cụ thể. Các năm trước với các môn khoa học xã hội, nhất là môn ngữ văn, khi đề thi ra theo hướng mở, hướng dẫn chấm lưu ý cán bộ chấm thi chấm tối đa theo thang điểm với những bài viết đủ ý cần thiết, triển khai luận điểm chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc. Hướng dẫn chấm cũng khuyến khích những bài viết sáng tạo. Đặc biệt trong quá trình chấm, cán bộ chấm thi sẽ chấp nhận những ý độc đáo, ngoài đáp án nhưng đúng, có căn cứ xác đáng và lý lẽ thuyết phục. Tuy nhiên, cán bộ chấm thi sẽ trừ điểm với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và lỗi chính tả.
Đề thi không quá khó
* Nhiều thí sinh lo ngại đề thi tuyển sinh quá khó, nhiều kiến thức nằm ngoài chương trình?
- Nguyên tắc của việc ra đề thi là không ra đề quá khó, quá phức tạp. Thí sinh nên yên tâm tập trung học ôn thật tốt trong chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Đề thi ĐH, CĐ năm nay sẽ bám sát chương trình trung học (theo từng bộ môn) và có nhiều câu để kiểm tra bao quát chương trình trung học, chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm cân đối giữa các phần trong chương trình, đúng các quy định về điều chỉnh nội dung môn học. Đề thi cũng bảo đảm thống nhất các ký hiệu, thuật ngữ hiện hành. Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ luôn được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ. Để bảo đảm sự phù hợp của đề thi với chương trình học phổ thông, trong ban đề thi luôn có các cán bộ phản biện đề thi làm nhiệm vụ trực tiếp giải chi tiết đề, phát hiện những sai sót (nếu có) của đề và có trách nhiệm đề xuất ý kiến bằng văn bản với trưởng môn thi về nội dung đề thi, độ khó, độ dài, đáp án, thang điểm và các phương án bổ sung sửa chữa cần thiết.
* Ở đề thi khối D, môn ngoại ngữ sẽ được cải tiến thế nào khi chính Bộ GD-ĐT vừa ban hành khung năng lực ngoại ngữ VN và xem đây là cơ sở cho việc đánh giá năng lực ngoại ngữ của người học?
- Những năm vừa qua đề thi các môn ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy được ra theo hướng đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, bám sát các kiến thức kỹ năng được trang bị trong chương trình phổ thông. Hiện nay chưa thay đổi chương trình phổ thông nên đề thi các môn ngoại ngữ tiếp tục giữ ổn định như các năm vừa qua.
* Một số trường đề xuất tuyển sinh riêng có hình thức phỏng vấn. Đối với các trường sử dụng hình thức phỏng vấn để tuyển sinh, đội ngũ tham gia phỏng vấn và nội dung phỏng vấn được quy định thế nào, thưa ông?
- Trong một vài đề án tuyển sinh riêng, các trường có bổ sung hình thức phỏng vấn. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đó ngay trong đề án phải chỉ rõ các chủ đề mà bài phỏng vấn sẽ đề cập, yêu cầu về các kiến thức nằm trong chương trình phổ thông, các trường phải chuẩn bị câu hỏi phỏng vấn đủ lớn (đảm bảo bảo mật), phải có cách lưu giữ được kết quả trả lời phỏng vấn của thí sinh (phục vụ việc giải quyết khiếu kiện sau này). Để nắm được một cách chi tiết các quy định về phỏng vấn, học sinh cần nghiên cứu nội dung của đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang web của bộ, trang web của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Theo Tuoitre
Đừng biến môn sử thành một thứ khổ sai
Tuổi Trẻ nhận được bức thư của một bạn đọc ở TP Huế bày tỏ sự bức xúc trước đề thi học kỳ I năm học 2013-2014 môn lịch sử lớp 8.
Trong thư, ngoài việc nêu ra những bất hợp lý của đề thi, bạn đọc "chất vấn" đích danh nhà sử học Dương Trung Quốc. Ngay sau khi nhận được bức thư này (doTuổi Trẻ chuyển), nhà sử học Dương Trung Quốc đã lên tiếng.
Đề thi lớp 8 như đề tài khoa học
Dư luận đã nhiều lần lên tiếng về việc học sinh không thích môn lịch sử, điểm thi môn này thường rất thấp. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chỉ qua đề thi học kỳ môn lịch sử lớp 8 của một trường ở Huế vừa qua (xem ảnh), thiết nghĩ các nhà sư phạm, giáo dục có thể dễ dàng nhận ra những điều cần sửa đổi, cả trong nội dung và cách dạy, cách ra đề thi.
Về nội dung, chỉ riêng câu 2 (so sánh Cách mạng Tháng Hai và Cách mạng Tháng Mười 1917) và câu 4 (khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933, hậu quả và biện pháp giải quyết của các nước tư bản...) có lẽ thí sinh thi đại học cũng khó làm được tốt. Nếu trình bày kỹ thì đây có thể là những đề tài luận án thạc sĩ, tiến sĩ!
Không biết là tôi có đánh giá thấp trình độ phát triển của lớp học sinh 13-14 tuổi không, nhưng theo tôi, ở lứa tuổi này chưa cần (hoặc chưa thích hợp) để phải học nội dung nêu trên, hoặc chỉ cần nhớ một vài điểm cơ bản nhất. Để lên cấp III học không muộn, thậm chí chỉ dành riêng cho sinh viên chuyên ngành sử ở bậc đại học.
Về cách ra đề thi, xem câu 1, tôi xin được hỏi nhà sử học Dương Trung Quốc: Không biết ông có thấy cần thiết bắt một học sinh lớp 8 nhớ cả 10 thời điểm ấy không, và bao nhiêu nhà nghiên cứu lịch sử nhớ được từng ấy thời điểm?
Từ lâu, dư luận và cả ngành giáo dục đã phê phán lối ra đề thi buộc học sinh phải "học vẹt", vì sao một trường thuộc loại kiểu mẫu ở Huế lại ra một đề thi như vậy?
Nhân đây xin được thử "biến đổi" hai đề thi trên như sau:
Câu 2. Em hãy nêu sự khác nhau và giống nhau giữa Cách mạng Tháng Mười 1917 và Cách mạng Tháng Tám 1945.
Câu 4. Khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 và khó khăn của nền kinh tế VN hiện nay có gì giống nhau không?
Hai đề này có thể xem như "đề mở" dành cho học sinh giỏi, trường "kiểu mẫu", giúp các em quen với việc độc lập suy nghĩ, đối chiếu, liên hệ bài học lịch sử thế giới (và cả lịch sử cận đại VN) với cuộc sống thực tế của đất nước hiện nay; đồng thời cũng có thể là một gợi ý về cải cách nội dung giảng dạy kết hợp lịch sử thế giới và lịch sử VN (lấy lịch sử VN làm trọng tâm với không ít sự kiện quan trọng cần được bổ sung hoặc viết rõ ràng hơn như việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa tháng 1-1974, chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2-1979...).
Tôi không phải giáo viên, cũng không phải nhà sử học, nhưng nhận thấy môn lịch sử quan hệ đến việc hình thành nhân cách, ý thức công dân của học sinh và ngành giáo dục cũng như dư luận xã hội đang quan tâm đến vấn đề giảm tải và thay đổi cách giảng dạy nên mạnh dạn nêu vấn đề trên, nếu có điều gì bất cập, rất mong được trao đổi để sáng tỏ. NGUYỄN KHẮC PHÊ
Chấm điểm không dễ dù có barem
Tôi đã đọc những góp ý của anh Nguyễn Khắc Phê gửi Tuổi Trẻ về việc ra đề thi sử và có ý muốn hỏi tôi đôi điều. Tôi không phải là một nhà sư phạm, chưa từng giảng dạy môn sử học ở bậc đại học cũng như phổ thông. Tuy nhiên tôi rất quan tâm và có điều kiện theo dõi câu chuyện học sử, thi sử và thi cử nói chung, một đề tài không chỉ thu hút mối quan tâm của những người trong giới giảng dạy môn sử mà của cả toàn xã hội.
Về vấn đề mà anh nêu lên tôi hoàn toàn chia sẻ với nhận xét rằng với những câu hỏi theo kiểu trắc nghiệm thì chỉ buộc các em nhớ các sự kiện ứng với khung thời điểm (ngày tháng năm). Chính tôi đã nhiều lần bày tỏ quan điểm của mình rằng đừng biến môn sử (học sử) thành một thứ khổ sai về trí nhớ, nhất là vào thời đại mà chỉ cần click (nhấp chuột - PV) vào máy tính là có thể cung cấp đầy đủ mọi kiến thức chính xác.
Mới đây giới sử học VN, nhất là giới dạy sử, có cơ hội tiếp xúc với ông chủ tịch Hội Sử học thế giới và có những cuộc trao đổi rất bổ ích về việc dạy sử trong trường phổ thông. Vị khách của chúng tôi cũng nêu vấn đề tương tự và nói rằng nếu chỉ đánh đố về kiến thức dựa vào trí nhớ thì có khi ông ấy cũng có thể thua nhiều bạn trẻ trời phú cho trí nhớ. Vấn đề là mối liên hệ những sự kiện, dữ liệu ấy trong sự vận động "nhân - quả" hoặc có cả những ngẫu nhiên của lịch sử. Qua đó người học hiểu được cái lẽ của sự vận động xã hội.
Đương nhiên những điều đó phải được trình bày theo những phương pháp sư phạm phù hợp với lứa tuổi và phát huy cả những sáng tạo cá nhân của thầy cô giáo. Miễn sao các em thấy hấp dẫn, chịu lắng nghe, động não và mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình. Vì thế cần để các em thảo luận và thầy cô giáo dựa vào đó để điều chỉnh những kiến thức cơ bản cho các em tiếp thu. Phần còn lại là ở sách giáo khoa và một vấn đề rất quan trọng nữa là các công nghệ đa phương tiện hỗ trợ việc dạy và học sử.
Với câu hỏi 1 trong đề thi, theo thiển ý của tôi thì cùng với những dữ liệu về thời gian và nội dung sự kiện tương ứng nên vận động tư duy của các em theo sự sắp xếp trước sau các sự kiện hơn là lắp ghép nội dung sự kiện với khung thời gian. Các em sẽ nhận ra sự vận động của các mối quan hệ theo sự vận động thời gian, chính là lịch sử.
Còn với vấn đề thứ hai mà anh Nguyễn Khắc Phê nêu: so sánh giữa hai cuộc cách mạng. Nếu là nội dung một cuộc thảo luận giữa các học sinh có sự tham gia của thầy giáo thì theo tôi có thể mang lại hiệu quả tốt. Nhưng nếu là một bài thi viết hay trả lời bằng miệng (một chiều) trình bày để thầy giáo chấm điểm thì tôi cũng thấy như anh Phê, nó đáng là một đề tài khoa học vượt rất xa một câu hỏi thi. Và chắc các thầy cô giáo chấm điểm cũng không dễ cho dù có barem để chấm điểm.
Những vấn đề liên quan đến việc dạy, học và thi môn sử quả thật đang đứng trước những thách thức (về sự bất cập) và cơ hội (nhu cầu phải sửa đổi). Vấn đề này đã nhiều lần được đề cập tới và thật sự Bộ GD-ĐT cũng đang cố gắng khắc phục và cải thiện (trong tổng thể các bộ môn khác của chương trình). Hội Sử học (trong đó có Hội Giảng dạy lịch sử) đã có những cam kết sẽ cùng với ngành giáo dục tháo gỡ một cách căn bản theo định hướng chung của ngành giáo dục. Nhưng lời cuối trong bài viết của anh Nguyễn Khắc Phê là lời cảnh tỉnh cũng là lời cổ vũ để mọi người quan tâm đến lĩnh vực biên soạn sách giáo khoa, học, dạy và thi sử.
Thành thật tôi chỉ có thể trả lời như một người ngoại đạo đối với ngành sư phạm liên quan đến bộ môn này. Chân thành cảm ơn anh Nguyễn Khắc Phê và báo Tuổi Trẻ.
Theo TTO
Thi tốt nghiệp: Nên để các sở tự ra đề Hiện Hà Nội chưa tổ chức hội nghị thảo luận nhằm lấy các ý kiến góp ý dự thảo điều chỉnh phương án thi và xét tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết cá nhân ông ủng hộ chủ trương đổi mới của...