Đề thi THPT quốc gia 2016: Vận dụng kiến thức, tránh học tủ
Đề thi THPT quốc gia các môn xã hội năm nay tiếp tục được ra theo hướng mở yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, hiểu biết xã hội, hạn chế ghi nhớ thuộc lòng các sự kiện để làm bài.
Theo một số giáo viên, Bộ GD&ĐT đã ra đề mẫu, các bộ môn dựa vào đó để ôn tập cho thí sinh cách học, cách làm bài. Cô Phan Hà Thanh, giáo viên môn Văn Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết, khi đi chấm thi cô thấy học sinh thường mắc vào lỗi viết quá sa đà, tản mát mà không tập trung xây dựng ý tứ để ăn điểm.
Cô Thanh ví dụ, trong đề thi THPT quốc gia môn Văn năm 2015, đề đưa ra một trích đoạn trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa yêu cầu thí sinh phân tích hình tượng Người đàn bà làng chài.
Tuy nhiên, nhiều thí sinh không có kỹ năng đọc hiểu đề nên sa đà phân tích hình tượng người đàn bà làng chài xuyên suốt tác phẩm.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2015. Ảnh : Lê Hiếu.
Tránh học tủ
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, nỗi khiếp sợ của thí sinh khi thi môn Sử là buộc phải nhớ các con số, sự kiện. Tuy nhiên, với cách ra đề như hiện nay, đề yêu cầu học sinh hiểu nguyên nhân, tính chất, đánh giá sự kiện vì thế học sinh hoàn toàn yên tâm không phải nhớ máy móc hay thuộc lòng sách giáo khoa.
Theo thầy Hiếu, để ôn tập môn Lịch sử hiệu quả, học sinh nên chia lịch sử theo từng giai đoạn. Học sinh cần nắm mỗi giai đoạn giải quyết nội dung cơ bản gì, sự kiện nào cốt lõi, nắm nguyên nhân, hậu quả. Sau đó, học cách tư duy xâu chuỗi sự kiện để nêu quan hệ nhân quả.
Một điều cấm kỵ mà học sinh nên tránh là học tủ, học chuyên đề theo kiểu võ đoán như nội dung này đã ra năm trước năm nay sẽ không ra. Một câu hỏi rất dễ nhưng nếu không nắm được kiến thức cơ bản, thí sinh cũng không thể làm được bài.
Video đang HOT
Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng môn Ngữ Văn trường THPT Hoài Đức B cho hay, Bộ GD&ĐT vừa ra đề mẫu vì thế cách ôn tập hiệu quả nhất là học sinh bám phom đề để học.
Theo cô Nga, phom đề có 3 phần, phần 1 là đọc hiểu (3 điểm), phần 2 nghị luận xã hội (3 điểm) và phần nghị luận văn học (4 điểm). Với phần đọc hiểu, học sinh cần nắm kỹ các phương thức diễn đạt, biện pháp tu từ, phong cách ngôn ngữ…
Theo cô Nga dựa vào cơ cấu đề thi năm ngoái, độ mở được đánh giá khoảng 30-40%, còn lại vẫn bám sách giáo khoa. Vì thế, ngoài kiến thức sách giáo khoa, học sinh cần cập nhật thông tin thời sự, xã hội để vận dụng trong phần nghị luận xã hội (3 điểm).
Cô Thanh cũng cho rằng, với đề Ngữ Văn, học sinh khá cạnh tranh nhau ở câu nghị luận Văn học và nghị luận xã hội. Phần vận dụng nhiều kiến thức ngoài sách giáo khoa nhất là phần nghị luận xã hội.
Phần này học sinh tập làm các dạng đề này theo dàn ý 3 nội dung gồm: giải thích vấn đề, bình luận vấn đề và rút ra bài học cho bản thân. Với cách lập dàn ý này, khi gặp bất cứ chủ đề nào, học sinh cũng có thể vận dụng linh hoạt.
Theo Nguyễn Hà/Tiền Phong
Thủ khoa Đại học Y tư vấn ôn thi hiệu quả nhờ Facebook
Ngô Vương Minh - thủ khoa Đại học Y Hà Nội cho rằng - việc học online có ưu điểm giúp thư giãn, tiết kiệm thời gian và chủ động.
- Là thủ khoa hai khối A, B sau kỳ thi THPT quốc gia 2015, Minh đề cao phương pháp học tập trực tuyến. Vậy học qua mạng như thế nào để hiệu quả?
- Học online mang lại cho mình kiến thức liên tục, có nhiều đề thi được thầy cô giỏi chia sẻ trên các website, Facebook. Những đề thi đó rất sát chương trình học và thi. Với Google, chúng ta có thể tìm đề thi thử các trường.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, mình đã luyện hơn 100 đề thi thử với mỗi môn học. Trong đó, có những đề mình làm với mục đích luyện tập kỹ năng.
Khi gặp những bài khó, mình ghi vào quyển vở rồi đăng lên Facebook, nhờ mọi người giải đáp. Nhiều bạn bè, thầy cô phân tích, hướng dẫn, mình ghi lại vào vở "bài khó".
Ngô Vương Minh, sinh viên Đại học Y Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Thi đại học là một cuộc đua, ai xuất phát sớm sẽ có lợi thế. Bản thân mình đã luyện thi đại học và thi thử từ năm lớp 11. Vì vậy, năm lớp 12, hầu như mình chỉ ôn tập và bổ sung kiến thức, không cần học cơ bản.
- Học online chiếm bao nhiêu phần trăm thành công trong việc trở thành thủ khoa kép của Minh?
- Mình nghĩ học online chiếm khoảng 80% thành quả đã đạt được. Học trên mạng có ưu điểm thư giãn đầu óc, không phải bỏ thời gian quá nhiều như khi học thêm.
Học trực tuyến, học sinh có thể chủ động trong các dạng bài. Trước một vấn đề không hiểu, bạn cũng có thể "tua đi tua lại" thoải mái để nắm vững kiến thức.
- Nhiều phụ huynh lo lắng con lên mạng làm những việc vô bổ. Để lấy được niềm tin của cha mẹ và sử dụng quỹ thời gian hiệu quả, Minh khuyên các bạn học sinh thế nào?
- Mỗi học sinh hãy thể hiện bằng chính thành quả cụ thể để bố mẹ yên tâm, tin tưởng. Bản thân các bạn phải đảm bảo tinh thần tự giác cao độ, học ra học, chơi ra chơi.
Khi có ý thức tự giác học trên mạng, chúng ta có thể tiếp thu kiến thức từ thầy cô uy tín và chuyên gia luyện thi mà không phải lúc nào cũng được học trực tiếp.
- Chỉ còn 4 tháng nữa để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016, Minh có lời khuyên nào cho chiến lược ôn tập của học sinh? Nếu nỗ lực, trong một môn thi, các bạn có thể tăng tối đa bao nhiêu điểm?
- Chúng ta cần phân phối cho tối thiểu 3 môn thi, vì vậy quỹ thời gian không còn nhiều. Nếu cố gắng, học sinh có thể tăng từ 1-2 điểm.
Lời khuyên cho các bạn là trước tháng 6, hãy luyện thật nhiều đề, tạo cho mình cảm giác giống như trong phòng thi, bấm đồng hồ, làm bài như thật... Thời gian này cần chú trọng tích lũy kiến thức và rèn luyện trí nhớ.
Bắt đầu từ tháng 6, các bạn cần ôn tập chậm, chắc, luyện đề lại một lần nữa theo cách nhẹ nhàng; chú trọng đọc và ôn lý thuyết, tránh căng thẳng và nên đi ngủ sớm, dậy đúng giờ.
Bạn luôn cần chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho kỳ thi, ví dụ dậy từ lúc 5h30 nhưng chuẩn bị để 7h là thời điểm có thể làm bài thi tốt nhất.
Quy tắc ôn tập của mình là ôn phần nào thật chắc phần đó, ít nhất 3 lần. Hãy tự ghi ra giấy cho từng phần một, nhất là lý thuyết để có cách nhớ dễ dàng.
- Trong khi ôn thi, Minh có "mẹo" hay bí quyết đặc biệt gì không?
- Thời gian ôn thi, do lượng kiến thức nhiều, các bạn cố gắng hạn chế nhớ càng. Công thức nào tự chứng minh được thì không cần nhớ; hoặc tự tìm ra điểm đặc biệt của mỗi vấn đề để dễ nhớ; hay tự chế công thức theo suy nghĩ của mình. Khi đi thi, việc nhớ và tư duy là hai yếu tố quyết định sự thành công.
Ngô Vương Minh - cựu học sinh THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội đạt 29,75 điểm khối B và 29,5 điểm khối A.
Minh đạt kết quả xuất sắc trong kỳ thi THPT quốc gia với điểm môn Toán: 10; Vật lý: 9,5; Hóa học: 10; Sinh học: 9,75; Tiếng Anh: 7,5; Ngữ văn: 7. Tổng điểm 6 môn là 53,75.
Vương Minh là thủ khoa kép khối A, B kỳ thi THPT toàn quốc, đồng thời là thủ khoa Đại học Y Hà Nội.
Theo Zing
Đề thi sẽ tăng cường câu hỏi nâng cao: Cần thận trọng Đề thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2015 tăng cường các câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc. Qua theo dõi trao đổi của Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển có thể thấy Bộ GD&ĐT đã có nhiều thay đổi về đề thi, qua đây tôi xin có...