Đề thi THPT quốc gia 2016 dễ hay khó?
Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi THPT quốc gia 2016 cơ bản sẽ như năm 2015. Tỷ lệ điểm dành cho mức độ cơ bản chiếm khoảng 60% tổng số điểm và mức độ nâng cao chiếm khoảng 40%.
Theo quy chế thi THPT quốc gia 2015 (điều 4 và điều 15), nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 và bảo đảm phân loại được trình độ của thí sinh, đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ).
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP HCM). Ảnh: Người Lao Động.
Đề mẫu gần với đề thật
Có thể nói đề thi chính là một thành công lớn của kỳ thi THPT quốc gia 2015 khi cả hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ đều đạt hiệu quả cao.
Tỷ lệ tốt nghiệp bình quân chung của cả nước năm 2015 đạt 91,58%, các nhà quản lý giáo dục thở phào nhẹ nhõm vì trước kỳ thi, dư luận xã hội lo lắng rằng quyết tâm đổi mới thi cử sẽ làm tỷ lệ tốt nghiệp giảm mạnh. Tỷ lệ này xem ra hợp lý hơn chứ không quá cao như năm 2014 (99,09%) nhưng cũng không ở mức quá thấp để gây “sốc” như lo lắng ban đầu.
Có lẽ cách tính điểm xét tốt nghiệp theo đó điểm kết quả năm học lớp 12 cùng các điểm khuyến khích, điểm ưu tiên có trọng số lớn hơn điểm của kỳ thi THPT quốc gia đã bảo đảm được tỷ lệ tốt nghiệp THPT không quá thấp. Số thí sinh trượt tốt nghiệp THPT chủ yếu là do “vướng” điểm liệt của ít nhất một môn thi (từ 1 điểm trở xuống).
Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã được gần 450 trường ĐH, CĐ trên cả nước dùng làm cơ sở xét tuyển, trong đó có khoảng 200 trường, phần lớn là các trường ĐH công lập lớn, chỉ dùng kết quả của kỳ thi này làm cơ sở chính để xét tuyển (hơn 200 trường còn lại có kết hợp xét tuyển dựa trên học bạ THPT).
Trước kỳ thi THPT quốc gia 2015, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã công bố bộ đề thi mẫu để học sinh tham khảo. Trong bối cảnh không có đề cương ôn thi cho từng môn, bộ đề thi mẫu này giúp học sinh hình dung khá rõ nét đề thi “thật” và trên thực tế, đề thi năm 2015 đã tuân thủ đúng quy định về đề thi trong quy chế thi THPT quốc gia 2015.
Khảo sát đề thi môn hóa học 2015 (hình thức trắc nghiệm, 50 câu), phần nội dung của chương trình lớp 10 và lớp 11 chiếm hơn 10 câu, như vậy nội dung chương trình lớp 12 là chủ yếu. Kết quả môn hóa khá đẹp với tỷ lệ học sinh đạt trung bình (5 điểm) trở lên chiếm 75%. Ngoại trừ môn tiếng Anh có tỷ lệ học sinh đạt trung bình trở lên thấp (chỉ 23%), các môn thi khác cũng đạt yêu cầu đặt ra là tỉ lệ đạt trung bình cao nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu phân cách.
Video đang HOT
Đề thi năm 2016: Không quá khó!
Bộ GD&ĐT đã công bố các chủ trương của kỳ thi THPT quốc gia 2016, theo đó các môn thi được giữ ổn định như năm 2015: Tổ chức thi 8 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ.
Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài thi mỗi môn 180 phút; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài thi mỗi môn 90 phút; môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, thời gian làm bài thi 90 phút.
Liên quan đề thi, Bộ tiếp tục chủ trương ra đề thi về cơ bản như năm 2015 theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng, bảo đảm độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Như vậy, học sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2016 hoàn toàn có thể yên tâm là đề thi sẽ không quá khó, trong đó tỉ lệ điểm dành cho mức độ cơ bản chiếm khoảng 60% tổng số điểm và cho mức độ nâng cao chiếm khoảng 40% tổng số điểm để bảo đảm phân loại được trình độ của thí sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết sắp tới sẽ công bố đề thi minh họa để giúp thí sinh yên tâm ôn tập.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa/Người Lao Động
'Không nên phân chia cụm thi đại học và tốt nghiệp'
"Những thí sinh thi ở cụm tốt nghiệp do sở GD&ĐT chủ trì vẫn được xét vào đại học, vậy mục đích phân chia hai cụm thi này là gì?", PGS Văn Như Cương đặt câu hỏi.
Tối 3/1, Bộ GD&ĐT công bố quy chế của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2016, do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký. So với năm 2015, kỳ thi năm nay có một số thay đổi.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà giáo, những điều chỉnh của Bộ GD&ĐT khá hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, như: Tổ chức cụm thi ở các tỉnh, thành (năm ngoái chỉ có 35 cụm thi); được nộp 4 nguyện vọng vào 2 trường (thay vì một trường); thời gian xét tuyển được rút ngắn từ 20 ngày xuống 12 ngày; điểm thi sẽ được công bố ở tất cả các cụm, thay vì xem trên website của Bộ GD&ĐT và 8 trường đại học.
Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn về khâu tổ chức, nhất là việc duy trì hai cụm thi do sở GD&ĐT và trường đại học chủ trì, cũng như an ninh trường thi.
Khó tránh bất cập
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM từng đồng tình việc tăng số cụm thi đại học, tuy nhiên ông bày tỏ lo ngại khi Bộ GD&ĐT cho mỗi tỉnh đều có một cụm thi. Trong đó, khó khăn trước mắt là chuẩn bị kinh phí và đảm bảo an ninh.
Vị hiệu trưởng chia sẻ kinh nghiệm thực tế của trường, một số địa phương sẵn sàng gây sức ép với hội đồng thi, nhất là những nơi có "truyền thống" ném phao cho thí sinh. Mặc dù an ninh phòng thi được đảm bảo nhưng khi ra ngoài trường thi, cán bộ coi thi có thể bị gây sức ép, đe dọa.
"Thực ra đây là quay lại cách làm cũ. Trước đây, chúng ta tổ chức thi theo từng tỉnh, nhưng vì quá lộn xộn nên phải tập trung về các thành phố lớn", ông Dũng nhận định.
Việc thi theo tỉnh cũng sẽ cần huy động cả các đại học địa phương. Từ đó, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đặt ra nhiều băn khoăn: Các trường này có làm tốt không khi chưa có kinh nghiệm tổ chức thi? Giáo viên địa phương chấm thi đảm bảo công bằng không khi chấm bài cho thí sinh ở tỉnh mình? Mặc dù các trường đều cố gắng làm nghiêm nhưng sẽ khó tránh những bất cập.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn.
Cũng lo lắng về vấn đề an ninh trường thi, GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Đại học Thủy Lợi cho rằng, địa phương sẽ phải phối hợp chặt chẽ với các trường để đảm bảo kỳ thi thành công ở tất cả các tỉnh, thành.
Theo ông Kim, một trong những điểm thay đổi tích cực của Bộ GD&ĐT là mỗi thí sinh chỉ được nộp hồ sơ một lần để cân nhắc kỹ quyết định của mình. Thời gian thi rút xuống 12 ngày hợp lý hơn so với 20 ngày như năm ngoái.
Vị hiệu trưởng này cũng đề xuất phiếu đăng ký nguyện vọng của thí sinh phải ghi đầy đủ thông tin để trường biết nguyện vọng 2 vào trường nào, ngành nào, có khả năng trúng tuyển không. Trước đây, nhà trường xét tuyển theo điểm chuẩn vào trường và điểm vào ngành. Thí sinh không đủ điểm vào ngành đăng ký có thể được xếp vào các ngành khác thấp điểm hơn và còn chỉ tiêu.
"Bộ GD&ĐT nên cho các trường linh hoạt trong việc điều chỉnh nguyện vọng với những thí sinh mong muốn học tại trường", ông Kim nêu quan điểm.
Về đề thi, Hiệu trưởng Đại học Thủy Lợi cho rằng, cần phân hóa tốt hơn, mở rộng phổ điểm xét tuyển đại học, tránh trùng điểm, các trường khó tuyển sinh.
Đề xuất chỉ có một cụm thi trong tỉnh
PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, đánh giá, Bộ GD&ĐT đã có sự thay đổi tích cực, nhưng chủ yếu về mặt tổ chức, còn bản chất vấn đề không có nhiều khác biệt.
Ví dụ, ở kỳ thi năm ngoái, dư luận phản hồi nhiều nhất về cách phân bố hai cụm thi do Sở GD&ĐT và trường đại học chủ trì. Cách phân chia này khiến mọi người ngầm hiểu, thi ở cụm tốt nghiệp sẽ không được xét tuyển vào đại học. Nhưng sau đó, thí sinh thi ở cụm tốt nghiệp vẫn được xét vào đại học. Vậy, mục đích phân chia hai cụm thi này là gì? Phải chăng, thi ở cụm thi tốt nghiệp sẽ nhẹ nhàng hơn, thi ở cụm đại học khắt khe hơn?
Theo PGS Văn Như Cương, mỗi tỉnh chỉ nên có một cụm thi mang tính chất như nhau, không nên tách rời thành cụm thi địa phương hay các trường đại học. Ngoài ra, PGS đánh giá, năm nay, việc nộp 4 nguyện vọng vào 2 trường thay vì một trường như năm ngoái có lợi cho thí sinh.
Đồng tình với PGS Văn Như Cương, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, cho rằng, không nên tách rời hai cụm thi địa phương và các trường đại học, phân biệt rõ thí sinh có mục đích thi tốt nghiệp và đại học.
PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuất, nên tách rời hai cuộc thi tốt nghiệp (giao cho các sở GD&ĐT chủ trì) và tuyển sinh cao đẳng, đại học (giao cho các trường) thành hai phần riêng biệt. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng học sinh học lệch vì thi 3 môn bắt buộc Văn, Toán, Ngoại ngữ và lựa chọn một môn học.
"Ngay khi bước vào THPT, nhiều học sinh sẽ chỉ học 4 môn để tốt nghiệp, cùng lắm là 6 môn xét tuyển vào đại học. Những môn như Lịch sử sẽ ngày càng ít người học. Điều này dẫn đến kiến thức của học sinh không toàn diện, nguồn nhân lực nước nhà không đảm bảo", PGS Nhĩ nêu lo ngại.
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 được tổ chức trong 4 ngày, từ 1/7 đến 4/7. Cụm thi do mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, chia thành 2 loại: Cụm thi đại học và cụm thi tốt nghiệp.
Thí sinh có thể chọn trong số 8 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ.
Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài mỗi môn 180 phút.
Các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài mỗi môn 90 phút.
Môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.
Theo Zing
Gia Lai: Yêu cầu báo cáo thực trạng dạy học Toán lớp 12 Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết sẽ tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng dạy và học môn Toán lớp 12 năm học 2015 - 2016. Để hội nghị tổ chức thành công và hiệu quả, Sở GD&ĐT yêu cầu Hiệu trưởng các trường phổ thông trực thuộc Sở báo cáo thực trạng hoạt động dạy và học môn toán lớp 12...