Đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020: Không dễ lấy điểm cao
Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo của 5 bài thi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020. Nhận định của các giáo viên, những kiến thức và kỹ năng trong đề thi tham khảo không vượt ra ngoài khung chương trình Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh theo hướng tinh giản nhưng không dễ lấy điểm cao.
Nhiều câu hỏi mang tính phân loại
Đề thi tham khảo Ngữ văn có cấu trúc vẫn gồm 2 phần là Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm), như đề chính thức năm 2019. Theo nhận xét của giáo viên Tổ Ngữ văn – Hệ thống giáo dục HOCMAI, câu hỏi phần Đọc hiểu có ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa (SGK) cùng 4 câu hỏi đọc hiểu theo các mức độ nhận biết/thông hiểu/vận dụng và vận dụng cao.
Học sinh lớp 12 học trực tuyến trong những ngày nghỉ học do dịch Covid-19. Ảnh: Ngọc Dương
Với phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội 2 điểm yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận là vấn đề có quan hệ hữu cơ với nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu. Câu Nghị luận văn học yêu cầu nêu cảm nhận về nhân vật Mị trong đêm mùa Xuân ở Hồng Ngài (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài), là phần kiến thức trong chương trình học kỳ II lớp 12; là đơn vị kiến thức nhỏ, phù hợp với dung lượng bài 5 điểm trong thời lượng đề 120 phút. Đề Ngữ văn có những dạng câu hỏi quen thuộc với học trò mấy năm nay. Vì thế, các giáo viên Văn cho rằng, nếu đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 bám sát mô hình đề thi tham khảo, học sinh sẽ rất thuận lợi về tâm thế cũng như kiến thức, kỹ năng đã được ôn luyện.
Trong khi đó, đề thi tham khảo môn Toán cũng bám sát tinh thần tinh giản của Bộ GD&ĐT, vẫn bao gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 90 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ đã công bố. Trong đó, 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình kỳ I của lớp 12; 10% số câu hỏi (5 câu) chương trình lớp 11.
Số lượng câu hỏi ở kiến thức học kỳ II lớp 12 giảm đi đáng kể. Đề thi tham khảo Toán có khoảng 35 câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chiếm 70%; 15 câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao (30%). Mặc dù đề tham khảo không xuất hiện các câu hỏi quá khó nhưng để lấy được điểm cao không dễ dàng.
Nhận định của Tổ giáo viên dạy Toán HOCMAI, mặc dù Bộ GD&ĐT đã tinh giản, giảm tải cho HS về mặt kiến thức, song đề tham khảo vẫn có nhiều những câu hỏi mang tính phân loại. HS phải có khả năng tổng hợp kiến thức qua thời gian ôn tập một cách bài bản, khoa học và nghiêm túc mới có thể xử lý tốt và không bị mất điểm.
Chú ý ôn luyện kỹ
Video đang HOT
Đề thi tham khảo môn tiếng Anh được cho là nhẹ nhàng hơn so với đề thi chính thức năm 2019. Đề vẫn có 50 câu hỏi, nội dung thuộc chương trình lớp 11 và 12, trong đó tập trung chủ yếu vào lớp 12 (90%).
Ngoài các dạng bài vẫn giữ nguyên như đề chính thức năm trước, một số chủ điểm ngữ pháp cũng không thay đổi, ví dụ như câu điều kiện, thì của động từ, câu tường thuật, đảo ngữ, so sánh, động từ khuyết thiếu, đại từ quan hệ, mệnh đề rút gọn, trạng từ liên kết, phân biệt cách sử dụng của liên từ và giới từ có cùng nghĩa.
Dạng câu ước và câu bị động đã được loại bỏ, thay vào đó là các chủ điểm ngữ pháp, như câu hỏi đuôi, sự hòa hợp chủ – vị, cấu trúc song hành. Từ nhận xét này, cô Hoàng Xuân – giáo viên Tuyensinh247.com lưu ý học sinh cần ôn kỹ hơn các chủ điểm ngữ pháp.
Để đạt được số điểm mong muốn với bài thi chính thức môn tiếng Anh, theo cô Hoàng Xuân, với dạng câu hỏi ngữ âm, học sinh cần chú ý ôn luyện thật kỹ cách đọc đuôi -s/-es; cách phát âm của các nguyên âm đơn và nguyên âm đôi và tập đọc những từ quen thuộc trong SGK. Với dạng câu hỏi trọng âm, học sinh cần học nguyên tắc trọng âm từ, đặc biệt là từ có 2 và 3 âm tiết. Còn dạng câu hỏi ngữ pháp, HS chú trọng ôn tập các chủ điểm ngữ pháp. Đối với dạng câu hỏi từ vựng ở mức độ căn bản, HS dành thời gian học sự kết hợp từ, cụm động từ.
Ngoài ra, HS nên rèn luyện khả năng suy đoán nghĩa của từ dựa vào ngữ cảnh và linh hoạt trong quá trình làm bài với phương pháp loại để có thể giải quyết các câu hỏi từ vựng trong dạng bài đồng nghĩa/trái nghĩa và câu hỏi từ vựng trong bài đọc hiểu. Đối với dạng bài đọc hiểu, HS phải rèn luyện kỹ năng đọc tìm ý chính, đọc lướt tìm thông tin chi tiết và học cách xử lý với từng dạng câu hỏi khác nhau. HS cũng cần thực hành đọc nhiều để nâng cao kỹ năng làm bài.
Ngay từ bây giờ, HS lớp 12 cần xây dựng kế hoạch học ôn một cách nghiêm túc cũng như luyện làm các đề thi để rèn kỹ năng nhằm đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia 2020 sắp tới.
“Khi xây dựng đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, chúng tôi đã phải tính toán, làm sao để phù hợp với nội dung chương trình được Bộ GD&ĐT giảm tải. Đề thi đảm bảo không gây sốc, không làm khó cho thí sinh.” – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh
Oanh Trần
Sau 6 năm 'chạy trốn', nhân vật Mị đã quay trở lại
Sau nhiều năm "vắng bóng' trong đề thi môn văn kỳ thi THPT, tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), với nhân vật Mị, đã bất ngờ 'tái xuất' trong đề tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2020 khiến nhiều học sinh thích thú.
Thí sinh ra về sau kỳ thi THPT quốc gia 2019 - Thế Nguyên
Trong những năm gần đây, đề thi THPT Quốc gia không có câu hỏi về nhân vật Mị cũng như tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Tính từ năm 2002 cho đến nay, tác phẩm Vợ chồng A Phủ đã xuất hiện 4 lần trên đề thi THPT với lần cuối cùng đã là năm 2013. Nhưng sự xuất hiện trở lại của nhân vật Mị trên đề tham khảo THPT quốc gia lần này đã gây ra rất nhiều thích thú cho học sinh.
Hy vọng Mị xuất hiện cả trong đề thi chính thức
Nguyễn Đình Khôi Nguyên, học sinh lớp 12C7, Trường THPT Bùi Thị Xuân, Đồng Nai, cho biết rất thích thú khi đề tham khảo có câu hỏi đề cập đến nhân vật Mị. Theo Nguyên, Mị là nhân vật có sức sống tiềm tàng, mãnh liệt, đặc biệt là chi tiết đêm tình mùa xuân đã thức tỉnh được sức sống tiềm tàng của Mị. Đây cũng là chi tiết mà Mị thốt lên: "Mị còn trẻ! Mị muốn đi chơi". Đó là câu nói mà Khôi Nguyên và các bạn học sinh đọc qua đều nhớ. "Mình thấy câu nói ấy có sức lan tỏa mạnh mẽ vì các bạn học sinh cũng đang ở giai đoạn tuổi trẻ như Mị, cũng muốn được đi chơi, nhất là trong giai đoạn cách ly xã hội, ai ở chỗ nào ở yên chỗ đấy như lúc này" - Nguyên chia sẻ
Theo Khôi Nguyên, mọi người yêu thích Mị là do ngay từ đầu, tác giả đã miêu tả Mị với những chi tiết gần gũi với tuổi trẻ, giúp học sinh tiếp cận, tìm hiểu nhân vật dễ dàng hơn. Mong muốn được đi chơi vào đêm tình mùa xuân, hay giải cứu A Sử và cùng chạy trốn khỏi nhà thống lý Pá Tra với khát khao tìm lấy tự do, đó cũng chính là những điều mà tuổi trẻ mong muốn: được vui chơi, sự tự do và tình yêu đôi lứa...
Nhân vật Mị vừa xuất hiện trở lại trên đề tham khảo thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT. - Bộ GD-ĐT
"Mình cảm thấy khá buồn vì tác phẩm Vợ chồng A Phủ lại xuất hiện ở đề minh hoạ vì khả năng tác phẩm xuất hiện ở đề chính thức là rất thấp. Vợ chồng A Phủ là tác phẩm dễ học, dễ cảm nhận, dễ phân tích, và mình tự tin thể hiện hết năng lực đối với những đề bài về Mị cũng như tác phẩm này. Vì thế, mình cũng rất mong tác phẩm này sẽ xuất hiện ở đề thi chính thức", Nguyên thổ lộ .
Phan Võ Bảo Anh, lớp 12 Chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau), hơi tiếc vì nhân vật Mị đã ra đề minh họa có thể sẽ không cho vào đề thi chính thức, vì đây là một tác phẩm hay và dễ cảm, dễ viết. Bảo Anh hy vọng Mị có thể xuất hiện lại trong đề thi chính thức.
Bảo Anh bộc bạch: "Ngay từ khi đọc tác phẩm, mình nghĩ mọi người sẽ thích thú với cô Mị. Mị xuất hiện trong tác phẩm là một cô gái vùng Tây Bắc, với những vẻ đẹp tinh thần của một người con gái Miền núi . Kiểu hình nhân vật rất ít khi xuất hiện trong các tác phẩm, hơn nữa xuyên suốt quá trình hành động và tâm lý của Mị gây ấn tượng cho nên nhân vật Mị dễ dàng được mọi người yêu thích".
Học sinh trao đổi về đề thi THPT quốc gia năm 2019 - Thế Nguyên
Cần tránh học tủ!
Cô Nguyễn Thị Anh Nga, giáo viên môn văn, Trường THPT Phú Hưng, Cà Mau, chia sẻ : "Hầu như tất cả học sinh đều thích tác phẩm Vợ chồng A phủ. Khi tiếp cận nhân vật Mị, học sinh đều thích thú, vừa cảm thương, vừa khâm phục nhân vật. Vì vậy, khi học đến tác phẩm này và đặc biệt là nhân vật Mị thì học sinh thường chủ động tìm hiểu và khám phá".
Theo cô Nga, tâm lý của giáo viên và học sinh thường quan tâm đặc biệt đến những tác phẩm nhiều năm liền đề chưa ra. Khi đề tham khảo THPT quốc gia 2020 của Bộ GD-ĐT công bố thì cả giáo viên và học sinh đều có chút ngỡ ngàng, vì tác phẩm Vợ chồng A Phủ nhiều năm liền chưa ra trên cả đề thi chính thức và đề thi minh họa của những năm trước đó. Nhưng chúng tôi đã xác định từ trước là dạy và học tốt nội dung chương trình kiến thức, tránh học tủ để đảm bảo tốt nhất cho kỳ thi THPT Quốc gia 2020 sắp tới.
Thí sinh ra về sau kì thi THPT quốc gia 2019 - Thế Nguyên
Cô Nguyễn Thị Mỹ Tiên, giáo viên ngữ Văn Trường THPT Ngô Quyền, Đồng Nai, cũng cho biết đối , mỗi tác phẩm, mỗi nhân vật đều có những nét hay và nét độc đáo riêng. Không chỉ do tác phẩm Vợ chồng A Phủ đã vắng bóng từ lâu mà giáo viên và học sinh trông đợi nhân vật Mị trong đề thi. Có thể do thời gian gần đây, nhân vật Mị được nhắc đến trong 1 bài hát được rất nhiều người yêu thích, nên mọi người thường xuyên nói đến nhân vật Mị và trở thành trào lưu.
"Việc làm một bài nghị luận văn học dù đề thi ra nhân vật Mị hay bất cứ một nhân vật nào khác trong chương trình văn học 12 không chỉ cần có sự yêu thích mà còn cần có kỹ năng viết. Học sinh nên trau dồi kỹ năng viết, nắm vững các yêu cầu khi làm bài nghị luận văn học, ví dụ như tìm hiểu tác giả, hoàn cảnh sáng tác, năm tháng tác phẩm ra đời, tâm tư tình cảm mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm... Tất cả sẽ giúp học sinh tự tin và làm tốt được bài thi của mình " - Cô Tiên chia sẻ.
Vũ Lâm
Thí sinh cần lưu ý gì về đề tham khảo thi THPT quốc gia? Thanh Niên giới thiệu bài viết của TS Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), Trưởng ban điều hành xây dựng đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2020, về những lưu ý quan trọng trong quá trình ôn tập. TS Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), lưu ý...