Đề thi Ngữ văn có làm mất sự trong sáng của tiếng Việt?
Theo giáo viên Trịnh Quỳnh, đề thi Ngữ văn làm mất sự trong sáng của tiếng Việt. Thầy Đỗ Đức Anh cho rằng đọc đề thi như mặc lại chiếc áo cũ.
Sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn sáng 22/6, nhiều thí sinh nhận xét đề dễ. Một số giáo viên cho rằng đề thi năm nay cũ và không hay.
Nên chọn văn bản thuần Việt
Nhận xét chung về đề thi THPT quốc gia, thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên Ngữ văn dạy online nêu quan điểm đề thi cơ bản, thí sinh làm bài thoải mái. Đề thi có hướng mở, học sinh được đưa ra những quan điểm nhận xét của bản thân về vấn đề đặt ra trong văn bản nghị luận.
Tuy nhiên, thầy Quỳnh chỉ ra một số “điểm chưa hay” trong đề thi năm nay. Đó là sự trùng lặp các ý ở câu 2, câu 4 phần đọc hiểu với phần nghị luận xã hội. Đề ra một số từ ngữ Hán Việt ít sử dụng như “trắc ẩn”, “thấu cảm”, “mẫn cảm”. Học sinh cần phân biệt được giữa khái niệm trắc ẩn: Thương xót một cách kín đáo ở trong lòng với tình yêu thương có nhiều biểu hiện khác nhau như gắn bó, quan tâm, chia sẻ…
Thí sinh cười tươi sau môn thi Ngữ văn. Ảnh: Thanh Tùng.
Theo giáo viên này, một hạn chế trong đề thi là sử dụng từ ngữ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt khi lạm dụng các từ ngữ nước ngoài. Đề thi nên sử dụng các từ ngữ tiếng Việt tương ứng như fan (người hâm mộ), Smartphone (điện thoại thông minh).
Thầy Quỳnh dẫn ra ví dụ sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12, tập 1, trang 32 định hướng cho học sinh: Việc lạm dụng tiếng nước ngoài làm tổn hại sự trong sáng của tiếng Việt. Sau đó, sách trích một ví dụ tương tự về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: “Các superstar thích dùng mobile phone loại xịn”. Thế nhưng, chính trong đề thi THPT quốc gia lặp lại ví dụ tương tự như trên.
Sách giáo khoa viết: “Sự trong sáng không dung nạp tạp chất. Do đó, sự trong sáng của tiếng Việt không cho phép pha tạp, lai căng, nghĩa là không cho phép sử dụng tùy tiện, không cần thiết những yếu tố ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, nếu trong tiếng Việt không có yếu tố nào đó để biểu hiện thì có thể vay mượn từ tiếng nước ngoài. Sự vay mượn như thế thường diễn ra ở mọi nguôn ngữ và là cần thiết vì nó làm phong phú cho từng ngôn ngữ”.
Đồng thời, sách giáo khoa chỉ ra rằng trên sách báo tiếng Việt hiện nay có nhiều trường hợp lạm dụng tiếng nước ngoài trong khi tiếng Việt có từ ngữ tương ứng. Có những người thích dùng các từ như computer (máy vi tính), producer (nhà sản xuất), manager (người quản lý), paparazzie (thợ săn ảnh), mobile phone (điện thoại di động)…
Đồng tình với ý kiến của thầy Trịnh Quỳnh, cô Nguyễn Hải Anh (giáo viên Ngữ văn, Hà Nội) chia sẻ, ở học kỳ I năm lớp 12, sách giáo khoa có hai bài đều nói về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Video đang HOT
Trích dẫn trong sách giáo khoa lớp 12 nói về sự trong sáng của tiếng Việt.
Theo cô Hải Anh, các ví dụ như fan, smarphone nên hạn chế trong những hoàn cảnh chính thống, trang trọng. Đặc biệt, ngữ liệu của đề thi mang tính chất quốc gia càng không nên sử dụng. Bộ GD&ĐT nên lựa chọn một văn bản khác có nội dung tương tự, thuần Việt. Nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, việc giáo dục ý thức sử dụng sự trong sáng của tiếng Việt là điều cần thiết.
Bàn luận về ý kiến này, TS Văn học Phạm Hữu Cường cho rằng việc sử dụng các từ fan, Smartphone không làm mất sự trong sáng của tiếng Việt. Tuy nhiên, với kỳ thi cấp quốc gia, đề thi dùng cho học sinh toàn quốc, kể cả vùng sâu vùng xa, việc dùng những từ này chưa hợp lý và không nên.
Đọc đề thi như mặc lại chiếc áo cũ
Theo TS Văn học Phạm Hữu Cường, đề thi THPT quốc gia có khả năng đánh giá được năng lực người học, thông qua yêu cầu vận dụng kiến thức, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Tuy nhiên, tính thời sự của đề thi không cao mà nghiêng về truyền thống, hầu như không đề cập các vấn đề thời sự hiện nay.
Trong đề thi, các câu hỏi ở phần đọc hiểu khá cơ bản, không khó đối với học sinh có học lực trung bình trở lên. Các em chỉ cần đọc kỹ văn bản, vận dụng kỹ năng đọc hiểu thông thường là có thể hoàn thành tốt câu hỏi này.
Câu nghị luận xã hội cũng không khó. Học sinh có học lực trung bình và khá có thể giải quyết được những yêu cầu cơ bản của đề bài.
Các câu trong đề thi đều có “chất văn”, câu nghị luận xã hội (câu 1, phần II) và ý 2 trong câu nghị luận văn học (câu 2, phần II) có thể khơi gợi được ít nhiều hứng thú làm bài của học sinh. Các em chỉ cần bám sát văn bản, vận dụng kỹ năng phân tích và năng lực cảm thụ văn học của mình là có thể hoàn thành phần lớn yêu cầu của đề.
Thầy Đỗ Đức Anh nêu quan điểm đọc đề thi cảm giác tiếc nuối khi hỏi về sự thấu cảm trong cuộc sống. Bởi sự thấu cảm không có gì mới, chỉ là trái ngược với sự vô cảm – vấn đề được hỏi nhiều trong các đề thi trước.
Thầy giáo này cũng cho rằng câu hỏi về bài Đất Nước có phần an toàn, chưa có tính phân hóa cao. Trong khi đó, đoạn thơ này của tác giả Nguyễn Khoa Điềm cũng từng ra nhiều ở các đề thi trước.
“Đọc đề thi có cảm giác như mặc một chiếc áo cũ”, thầy Đức Anh nói.
Theo Zing
Tranh luận về đề thi Ngữ văn vào trường chuyên ở Đà Nẵng
Đề thi Ngữ văn vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng đề cập sự sợ hãi và niềm tin tạo ra hai luồng ý kiến tranh luận trên mạng xã hội.
Đề thi môn Ngữ văn (thời gian làm bài 150 phút), kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, diễn ra trong ngày 5/6, đang được chia sẻ trên mạng. Trong đó, câu 1 (3 điểm) có nội dung như sau:
"Sự sợ hãi gõ cửa.
Và niềm tin trả lời: Không có ai ở đây cả.
(Dẫn theo Sinh ra là một bản thể đừng chết như một bản sao, John Mason, Thúy Hằng dịch, NXB Lao động, 2016).
Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên".
Đề thi gây tranh cãi trên mạng xã hội tại Đà Nẵng. Ảnh: Facebook.
Đề thi này nhanh chóng nhận được hơn 6.000 lượt thích và gần 5.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội với tựa đề: "Vô phòng thi ngồi cười 5 phút vì không biết đề đang ghi chữ gì". Nhiều ý kiến bình luận đồng tình cho rằng đề thi "hại não" bởi phần trích dẫn khó hiểu.
"Đọc đề thi, em thấy sợ hãi và không có dòng chữ nào trên giấy cả", Lê Tâm, một học sinh vừa dự thi, cho biết.
Luồng ý kiến khác cho rằng đây là đề thi Ngữ văn vào trường chuyên nên có độ khó nhất định để tuyển chọn học sinh là điều dễ hiểu.
"Đề thi ngắn gọn, gợi mở để học sinh thể hiện suy nghĩ của bản thân", bạn Nguyễn Ngân viết.
Giáo viên Nguyễn Hùng (Hà Nội) nhận định đề thi đúng là "hại não" vì tạo cho học sinh nhiều cách hiểu khác nhau.
Đề thi nên trích nguyên văn cả đoạn, học sinh mới có thể hiểu rõ nghĩa, tránh mơ hồ. Nam giáo viên cho rằng đề thi nên như sau:
"Sự sợ hãi muốn bạn chạy trốn khỏi những thứ không hề đuổi theo bạn.
Sự sợ hãi gõ cửa.
Và niềm tin trả lời: Không có ai ở đây cả.
(Billy Sunday)
Giờ đây, đó là câu trả lời đúng đắn cho nỗi sợ hãi của bạn. Tại sao nỗi sợ hãi lại thích chiếm chỗ của niềm tin? Cả hai đều có điểm chung là chúng khiến ta tin vào những điều không thể biết trước. Niềm tin dừng lại khi nỗi lo bắt đầu và nỗi lo sẽ lặng im khi niềm tin lên tiếng. Những sự tưởng tượng tồi tệ nhất của chúng ta hầu như không bao giờ xảy ra, và phần lớn những nỗi lo của chúng ta sẽ tự chết đi trong sự tiên đoán vô vọng".
Bên cạnh đó, theo giáo viên này, văn bản dịch có thể chưa sáng nghĩa. Câu thơ nguyên gốc là:
"Fear knocked at my door.
Faith answered... and there was no one there".
Nên dịch là: "Sự sợ hãi gõ cửa nhà tôi.
Niềm tin của tôi ra mở cửa... Và chẳng thấy ai trước cửa nữa".
Vì vậy, câu thơ phải hiểu là, khi niềm tin mở cửa thì nỗi sợ hãi đã biến mất, không còn thấy ai ở bên ngoài thì mới đúng thông điệp: "Niềm tin dừng lại khi nỗi lo bắt đầu và nỗi lo sẽ lặng im khi niềm tin lên tiếng".
"Nếu câu văn dịch sai mà học sinh vẫn phân tích đúng nghĩa thì quả thực... tài tình", giáo viên này chia sẻ.
Trao đổi với Zing.vn sáng 6/6, giáo viên tổ chuyên môn, đại diện ban ra đề thi, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Ban ra đề chưa nhận được phản hồi nào của học sinh về đề thi Ngữ văn. Dự kiến, ngày 16/6, việc chấm thi lớp 10, trường THPT Lê Quý Đôn, Đà Nẵng sẽ hoàn thành.
Dựa vào kết quả chấm thi, ban ra đề mới có thể đánh giá đề dễ hay khó, có đúng năng lực của học sinh hay không. Hiện tại, các ý kiến của học sinh chỉ là quan điểm, nhận thức của từng cá nhân.
Theo Zing
Đề thi THPT quốc gia 2017 khoa học, khách quan Đề thi THPT quốc năm 2017 sắp tới được xây dựng theo quy trình khoa học, khách quan, nghiêm ngặt và được thử nghiệm cẩn thận để chuẩn hóa. Đến thời điểm này, hầu hết trường THPT đều gấp rút cho công tác chuẩn bị tổ chức kiểm tra học kỳ I. Để học sinh đạt kết quả tốt cho kỳ thi THPT...