Đề thi HSG Văn Quốc gia hay nhưng có những thử thách nằm ngoài cả văn chương
Cô Trịnh Thu Tuyết nhận định: “Đề văn năm nay hay thì thật hay, nhưng vẫn là thử thách với không ít học trò và oái oăm thay là những thử thách có thể nằm ngoài văn chương”.
Hôm nay (25/12), diễn ra kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia THPT 2020. Các thí sinh tham dự môn thi Ngữ văn làm bài trong vòng 180 phút, hình thức thi tự luận.
Đề thi gồm 1 câu nghị luận xã hội (8 điểm) và 1 câu nghị luận văn học (12 điểm).
Đề thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn năm 2020.
Đánh giá về đề thi học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn, TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội cho rằng, nhìn tổng thể, đề thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2020 – 2021 có một “tứ” hay: câu nghị luận xã hội khẳng định vai trò sâu xa, cội nguồn, gốc rễ của các giá trị, đặc biệt là giá trị văn hóa, tinh thần thuộc về dân tộc. Câu nghị luận văn học đặt ra vấn đề về giá trị phổ quát lớn lao mang tầm nhân loại của văn chương đồng thời cũng là một giá trị thuộc bình diện văn hóa, tinh thần.
“Thực chất, câu nghị luận xã hội sẽ là một trong số rất nhiều yếu tố quan trọng giúp đạt được những giá trị mà câu nghị luận văn học đặt ra – bởi như chính Nguyễn Minh Châu đã nói: “Hãy đi đến tận cùng của cái ta, ta sẽ gặp được nhân loại”.
TS Trịnh Thu Tuyết đánh giá đề thi Ngữ văn học sinh giỏi Quốc gia năm 2020 hay nhưng thách thức học sinh.
Câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh suy ngẫm và bàn luận về ý kiến của Xuân Diệu: “Không đứng vào dân tộc, như cây không đứng vào đất, làm gì có sức chắc chắn để phát triển cho đến tận cùng”. Đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như ngày nay, đây là vấn đề thiết thực, cần thiết với nhận thức và nhân cách cá nhân, đặc biệt quan trọng với sự phát triển của mỗi con người cũng như toàn thể xã hội.
Video đang HOT
Khi khái niệm “dân tộc” gắn liền với những giá trị truyền thống tốt đẹp thì vấn đề đặt ra trong đề bài càng thiết thực, nhất là trong thời kì hội nhập, xu hướng sùng ngoại ở các giá trị vật chất hay tinh thần đang có khuynh hướng cực đoan, thái quá, làm băng hoại các giá trị nền tảng của dân tộc. Đề bài hoàn toàn có thể giúp học trò mở ra những suy ngẫm tích cực và mới mẻ về điểm giao cắt, thậm chí tương đồng của các giá trị, từ dân tộc, truyền thống tới quốc tế, hiện đại và tìm ra hướng đi cho mình”, cô Tuyết phân tích.
Cô Trịnh Thu Tuyết cũng cho rằng, từ rất lâu, khi đề cập tới những khái niệm “dân tộc” hay “quốc tế”…, sự khác nhau giữa các dân tộc là bản sắc văn hóa, nhưng có một vài người lại khẳng định, điểm khác nhau giữa các dân tộc là đẳng cấp (level), ví dụ chúng ta thường tự hào về tình yêu quê hương đất nước, lòng nhân ái “thương người như thể thương thân”, cách sống thủy chung tình nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”…, nhưng làm gì có dân tộc nào trên thế giới không có những tình cảm ấy, chỉ khác về mức độ nhận thức, về trình độ văn minh trong các hình thức biểu hiện. Cô Trịnh Thu Tuyết cho rằng đây là ý kiến đúng, nhưng cần bổ sung thêm một điều rằng các dân tộc đều có những phẩm chất, những tình cảm… mang nhân tính như nhau, khác nhau là những đối tượng cụ thể.
“Ví dụ, tôi yêu quý, trân trọng một trong những giá trị văn hóa phi vật thể của đất nước tôi, đó là tiếng Việt – “tiếng Việt” là cụ thể một đối tượng trong lòng yêu nước của tôi/ cũng như vậy, một người nước ngoài sẽ yêu ngôn ngữ, tiếng nói của họ, như một cách thể hiện lòng yêu nước – vậy lòng yêu nước là điểm chung của mọi con người sống trên thế giới này, còn yêu những giá trị nào của đất nước mình thì là cái riêng, cái cụ thể của đối tượng.
Nhận thức được điều này, học trò sẽ không cực đoan trong những quan niệm sống hiện đại, không sai lầm khi đối lập, loại trừ các giá trị.
Điều tôi hơi gợn trong câu nghị luận xã hội chính là cách diễn đạt khá “nghệ sĩ” của Xuân Diệu ở cụm từ: “… đứng vào dân tộc” – đây cũng là chi tiết chúng ta nên quan tâm khi chọn ngữ liệu bàn luận, ví như trong một đề thi tuyển sinh lớp 10 chuyên văn gần đây, đề đưa ra quan niệm khá cực đoan, siêu hình khi dùng hai khái niệm “nhan sắc” và “đức hạnh” để phân loại hai yếu tố không thể phân loại trong thơ là hình thức nghệ thuật và nội dung tư tưởng”, cô Tuyết nói.
TS Trịnh Thu Tuyết cũng đánh giá câu nghị luận văn học đề cập tới một vấn đề không mới, không khó của lý luận văn học là “tính nhân loại” của văn học. Hai quan niệm của Nam Cao và Nguyễn Minh Châu đều khá thống nhất, dẫu một người lập ngôn “đanh thép”, người kia “khát khao, trăn trở”! Hầu như mọi nhà văn, khi đặt bút viết, đều nghĩ tới đang bắt đầu cho một “tác phẩm để đời”…, và niềm khao khát hướng tới một tác phẩm “vượt lên tất cả mọi bờ cõi và giới hạn”, một tác phẩm trở thành “văn học của cả thiên hạ, của cả loài người” là khát khao của Vũ Như Tô, của Hộ, của mọi nghệ sĩ trên đời.
Cô Tuyết đánh giá: “Vấn đề đặt ra trong đề bài là hay, là muôn đời, nhưng học trò cần xử lý vấn đề như thế nào cho khỏi rơi vào sự nhàm chán muôn đời, triển khai hệ thống ý như thế nào để vượt thoát khỏi khuôn mẫu lý thuyết, đưa bài văn của các em chạm vào được thực tế “cây đời” của văn chương bây giờ, đây là những khó khăn không hề nhỏ.
Thêm nữa, một tác phẩm “của cả thiên hạ, của cả loài người” không chỉ đề cập tới những chủ đề muôn thuở của loài người mà còn cần đạt tới một giá trị lớn lao, đích thực, về nội dung – đặt ra được vấn đề cho loài người, cho thiên hạ, vì văn chương không phải chỉ kể hay hát … cho người ta vui, buồn, mà còn phải khơi thức, bắt người ta suy nghĩ, tìm kiếm, đối chứng, phản biện…; về nghệ thuật – phải đạt tới ngưỡng của cái đẹp… Hai yêu cầu đó cần tầm vóc, và cũng lại là đẳng cấp của chính cộng đồng và cá nhân trong cộng đồng đó. Đây là vấn đề tôi đã đề cập tới trong câu nghị luận xã hội ở trên.
Tôi cho rằng đề văn năm nay, hay thì thật là hay, nhưng vẫn là thử thách với không ít học trò và oái oăm là những thử thách có thể nằm ngoài văn chương”, cô Trịnh Thu Tuyết nhận định./.
Thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh lớp 10
Dự kiến kỳ thi lớp 10 sắp tới tại TP.HCM sẽ diễn ra vào tháng 6.2021. Theo các giáo viên, học sinh cần lưu ý tránh lỗi mà thí sinh những năm trước mắc phải để đạt kết quả tốt nhất.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM năm 2020 - ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Những lưu ý về cấu trúc và lỗi kiến thức
Theo kế hoạch công tác năm học 2020 - 2021 đã được phê duyệt, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cho năm học tới vào tháng 6.2021.
Trong buổi họp giao ban với trưởng phòng giáo dục 24 quận, huyện về công tác chuyên môn mới đây, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT, đã có những thông tin đầu tiên về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cho năm học tới.
Theo ông Lê Duy Tân, về cơ bản kỳ thi tuyển sinh năm 2021 sẽ giữ ổn định từ hình thức thi cho đến định hướng đề thi, cấu trúc và nội dung. Để xét tuyển vào lớp 10 của khoảng 100 trường THPT công lập, thí sinh phải tham dự 3 môn ngữ văn, ngoại ngữ, toán nếu đăng ký nguyện vọng lớp 10 thường và dự thi thêm môn chuyên nếu đăng ký nguyện vọng vào trường, lớp chuyên.
Lãnh đạo phòng chuyên môn giáo dục trung học nói thêm về đề thi. Ở môn ngữ văn, cấu trúc đề sẽ gồm 3 phần: đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (NLXH) (3 điểm) và 4 điểm còn lại dành cho phần nghị luận văn học (NLVH).
Trong đó, phần đọc hiểu các văn bản được đề cập có thể là văn bản thông tin, văn bản NLXH, văn bản nghị luận, văn bản khoa học... với các câu hỏi được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ nhận biết đến vận dụng.
Câu hỏi có thể yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải mã, phân tích, đánh giá, liên hệ so sánh sáng tạo nội dung. Phần NLXH sẽ có yêu cầu viết một bài văn ngắn có sự phối hợp giữa các thao tác lập luận vào bài làm, rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân. Phần NLVH, thí sinh sẽ có 2 lựa chọn và đây cũng là câu phân loại trình độ, đánh giá cao sự sáng tạo, mở rộng liên hệ của thí sinh.
Ở môn toán, đề thi bao gồm các dạng toán cơ bản thuần túy về đồ thị, hàm số, phương trình, các dạng toán thực tế, toán hình học. Ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên phụ trách môn toán của Sở, cho hay trong đề thi, các yêu cầu về kiến thức cơ bản sẽ chiếm 5,5 điểm trên thang điểm 10, phần còn lại là các bài toán thực tế.
Ông Lộc cũng lưu ý với học sinh lớp 9 năm nay về những lỗi sai mà TS các năm trước còn mắc phải. Chẳng hạn trong quá trình học và ôn tập, cần rèn kỹ năng đọc hiểu và làm tròn số, xử lý số gần đúng.
Ở môn tiếng Anh, đề thi cũng sẽ được tăng cường theo hướng ứng dụng ngoại ngữ trong các tình huống thực tế đời sống, tăng cường từ vựng, ngữ nghĩa của câu. Ngữ pháp chiếm khoảng 30 - 40% đề thi.
Học sao cho hiệu quả?
Từ những định hướng về đề thi nói trên, ông Đặng Hữu Trí, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết sẽ chủ động đổi mới cách dạy lồng ghép kiến thức thực tiễn phù hợp với từng chủ đề, bài dạy.
Học sinh (HS) cần phải chủ động hệ thống những kiến thức cơ bản ở các lớp dưới (chẳng hạn quy tắc làm tròn số). Rèn luyện kỹ năng đọc và phân tích đối với những đề bài tương đối dài, chọn lọc các ý chính để nhanh chóng tìm ra hướng đi cho bài toán. Luyện tập nhuần nhuyễn các dạng toán cơ bản sẽ dễ lấy điểm, phần này HS hay chủ quan vì bài dễ nên trong quá trình ôn tập thì không làm, đợi đến khi thi sẽ làm, rất dễ mất điểm. Không nên tập trung ôn quá nhiều vào những bài toán thực tế quá khó, mà nên ôn từ mức độ cơ bản trước, sau đó nâng cao dần lên.
Theo ông Trí, để tránh cách học nhồi nhét, HS nên ôn luyện theo chuyên đề, chẳng hạn các chuyên đề quan trọng như hệ phương trình, phương trình bậc hai, đồ thị parabol, các bài toán về góc, góc với đường tròn, tứ giác nội tiếp. Chủ động hệ thống những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao qua các bài giảng của thầy cô.
Với môn ngữ văn, thầy Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), chia sẻ trọng tâm kiến thức tập trung ở chương trình ngữ văn lớp 9, tuy nhiên HS cần củng cố lại kiến thức ở các lớp dưới. Trong đó chú ý nội dung quan trọng như phương thức biểu đạt, các biện pháp tu từ, từ vựng.
Ở phần làm văn, trước tiên HS cần nắm chắc phương pháp làm 2 dạng bài NLXH, đó là nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống và nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lý. Tương tự với bài NLVH cũng cần nắm chắc 2 dạng bài cơ bản là nghị luận về một tác phẩm truyện hoặc đoạn trích và nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ. Trong quá trình học, ôn tập cần nắm những lưu ý riêng trong thơ và truyện.
Ông Bảo còn nhấn mạnh để viết văn hay, các em cần phải rèn luyện nhiều. Tài liệu tham khảo tốt nhất là đề thi tuyển sinh các năm trước đây.
TS Ngữ Văn Trịnh Thu Tuyết góp một cách nhìn về sách Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh Diều Hai vấn đề nóng nhất xung quanh cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh Diều, theo TS Trịnh Thu Tuyết, là cách thức tuyển chọn ngữ liệu và việc sử dụng ngôn từ trong các bài đọc. Theo TS Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An - Hà Nội), những người quan tâm tới giáo...