Đề thi gây tranh cãi: Một ông ‘kết hôn’ với hai bà
(TNO) Đề thi môn sinh học trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2015 của Trường Phổ thông năng khiếu (ĐHQG TP.HCM) có một câu hỏi mà theo ý kiến của nhiều giáo viên bộ môn sinh học là thiếu tính giáo dục.
Phả hệ trong đề thi này gây nhiều tranh cãi – Ảnh: M.L
Cụ thể đề sinh học này có thời gian làm bài 150 phút, với 5 câu hỏi. Trong đó câu 1 (2 điểm) nêu vấn đề về một bệnh di truyền hiếm gặp do một gen quy định nằm trên nhiễm sắc thể thường, đồng thời cho một phả hệ và yêu cầu học sinh xác định gen gây bệnh là lặn hay trội, kiểu gen…
Video đang HOT
Trong phả hệ này, 2 cá thể đầu kết hôn và sinh ra người nam bình thường (ở thế hệ II). Đáng nói, người nam ở thế hệ II lại kết hôn với 2 người nữ khác. Và cả 2 người nữ này đều có con với người nam ở thể hệ II.
Trước vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với nhiều giáo viên sinh học, và họ có chung nhận định, đề thi thiếu tính giáo dục.
Một tổ trưởng bộ môn sinh của của một trường THPT tại Q.10, TP.HCM nói: “Đề yêu cầu học sinh tìm kiểu gen của người nam số 6, nhưng lại cho kết hôn với số 7 và cả số 5 thì khó chấp nhận được.
Trước đây, tôi từng gặp một bài tập tương tự trong một tài liệu tham khảo có nguồn gốc ở Hà Nội, nhưng tôi không cho học sinh làm. Bởi lẽ, làm như vậy khác nào tuyên truyền kiểu kết hôn khó chấp nhận đó đến học sinh”.
“Theo tôi, câu hỏi này khá dễ, học sinh chỉ làm trong khoảng khoảng 15 phút là xong. Nhưng nếu muốn tìm ra ông số 6, thì có nhiều cách, đâu nhất thiết phải vẽ phả hệ kiểu như vậy. Người ra đề có thể vẽ thêm vài nhánh nữa là được.
Tôi nghĩ, có thể đây là đề dành cho học sinh lớp 9, nên người ra đề sợ vẽ thêm nhiều nhánh sẽ gây rối cho học sinh nên mới ra phương án như trên”, vị tổ trưởng này.
Theo nhiều giáo viên, phả hệ này vẫn cho ra kết quả. Đồng thời, giáo viên môn sinh tại một Trung tâm luyện thi ĐH tại Q.1, TP.HCM cho biết: “Chúng ta cũng có thể hiểu cách khác, là bà vợ số 5 hoặc số 7 mất đi (hoặc ly hôn với ông số 6) thì ông số 6 có thể kết hôn với người còn lại. Để đề thi rõ hơn, thì dưới đề cũng cần kèm theo lời giải thích thêm những điều mà tôi vừa nói. Và đây chỉ là một đề thi, chúng ta cũng không nên đặt nặng quá vấn đề xã hội”.
Tuy nhiên, một giáo viên dạy sinh tại một trường THPT ở Q.11, TP.HCM cho biết: “Tôi đã từng đọc nhiều sách nước ngoài, kể cả các sách ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ thấy kiểu đề thiếu tính giáo dục đến như vậy”.
“Trên phả hệ, người ta thấy là ông số 6 cùng lớp kết hôn với 2 bà số 5 và 7. Luật hôn nhân của mình cũng đâu cho phép kiểu một ông kết hôn với 2 bà?”, giáo viên này nói thêm.
Chúng tôi đã liên hệ với GS-TS Trần Linh Thước, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Trường ĐH Quốc gia TP.HCM), kiêm Hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu để tìm hiểu thêm. GSTS Trần Linh Thước cho biết: “Để rõ hơn về chuyên môn, em có thể liên hệ TS Trần Bích Thư (Tổ trưởng văn phòng Trường Phổ thông năng khiếu)”.
TS Trần Bích Thư nói: “Dựa vào phả hệ này, người ta có thể nghĩ kiểu này kiểu khác, vậy thì tại sao người ta không nghĩ theo cách: người số 5 hoặc số 7 mất đi hoặc ly hôn thì ông số 6 mới kết hôn lần nữa. Và xã hội hiện nay, tỷ lệ ly hôn cũng nhiều lắm”.
Đặt vấn đề về tính giáo dục trong câu hỏi này, TS Thư trả lời: “Theo tôi, đề thi mang tính giáo dục. Vì có khi người cha bình thường, nhưng lấy vợ và sinh con bệnh. Vậy thì người chồng thường nghĩ con bệnh là do di truyền từ vợ, nên có thể nghĩ đến việc tìm người phụ nữ khác (có thể kết hôn hoặc không), nhưng chưa chắc sinh con là bình thường”.
TS Trần Bích Thư cũng cho biết mình là người được Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh giao quyền trả lời chứ không khẳng định hoặc phủ nhận mình là người ra đề”.
Theo TNO