Đề thi đại học có nhiều câu “lạ”
Theo một số giảng viên, giáo viên, đề thi ĐH môn toán và vật lý năm nay tương đương năm 2011, một số câu có phần nhẹ hơn.
Tuy nhiên, một số nội dung ít được ra thi ĐH trước đây thì năm nay đã được đưa vào đề thi khiến thí sinh bỡ ngỡ. Trong khi đó, câu số 6 của đề toán được đánh giá là quá khó.
Theo TS Nguyễn Viết Đông – khoa toán tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đề thi ĐH môn toán bám sát chương trình sách giáo khoa, đảm bảo tính chất phân loại học sinh trong kỳ thi tuyển sinh. Độ khó tương đương đề thi năm 2011. Học sinh học lực trung bình có thể làm được câu 1, câu 2, câu 4 và câu 8. Câu 7 không khó nhưng nằm trong chương trình lớp 10 nên các em học khá trở lên mới có thể làm được. Câu 9a là câu không khó, tuy nhiên nội dung nằm trong chương trình lớp 11 và từ năm 2009 đến nay đề thi ĐH không có dạng này nên có thể gây bất ngờ cho các em vừa thi tốt nghiệp THPT. Đề thi có hai câu mang tính chất phân loại là câu 3, đặc biệt câu 6 rất khó. Với đề thi này, phổ điểm tập trung ở mức 4-6 điểm.
Môn toán: nhiều câu “lạ” và khó
ThS Phan Thiện Danh – khoa toán Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – nhận định: câu 9a phần tự chọn của chương trình chuẩn gây bất ngờ và khó khăn cho phần lớn thí sinh. Mặc dù đề thi câu này không khó nhưng kiến thức lại nằm ở chương trình lớp 11 nên nhiều học sinh chủ quan, bỏ qua phần này.
Vì phần tự chọn của chương trình chuẩn có phần “lạ” nên khó hơn chương trình nâng cao. Và để tránh câu 9a, nhiều thí sinh có thể sẽ chọn làm phần nâng cao. Nội dung phần nâng cao cũng không quá khó. Đặc biệt, đề thi năm nay có một câu cực khó là câu 6. Để làm được câu này, thí sinh phải thật xuất sắc. “Học sinh thi tốt nghiệp THPT đạt 8, 9 điểm mới mong đạt được điểm 4, 5 ở đề thi ĐH năm nay. Những câu tương đối đơn giản thí sinh dễ lấy điểm là câu 1, câu 4 và câu 9b. Phổ điểm tập trung chủ yếu ở mức 4 điểm” – thầy Danh nói thêm.
Trong khi đó, TS Nguyễn Cam, khoa toán Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: “Đa số các câu hỏi đều phù hợp với tính chất của kỳ thi tuyển sinh. Thế nhưng, riêng câu số 6 là dạng toán lạ, những thí sinh có trình độ nhưng nếu không luyện thi, chưa từng giải dạng bài này rất dễ… chào thua. Đây không hẳn là câu đánh đố nhưng thí sinh phải dùng mẹo thuật để giải”. TS Nguyễn Cam lập luận: “Kỳ thi tuyển sinh nhằm tìm người có năng lực toán để học ĐH, thế nhưng không cần thiết phải ra đề dạng như câu 6 vì nó không đòi hỏi học sinh có năng lực suy luận tốt mà lại đòi hỏi biết mẹo thuật. Đương nhiên, đề thi tuyển sinh thì phải phân loại thí sinh nhưng cách phân tầng như câu 6 là chưa thuyết phục. Tôi cho rằng sẽ có nhiều điểm 7, 8, 9 nhưng 10 điểm sẽ rất ít”.
Môn vật lý: khó đạt điểm cao
ThS Nguyễn Hữu Lộc – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho biết đề thi năm nay về độ khó có phần tương đương năm trước nhưng khá hay. Một số câu khó tập trung vào phần cơ và điện. Học sinh phải học kỹ lý thuyết và rèn luyện nhiều kỹ năng tính toán, nhiều dạng bài tập mới có thể làm tốt được bài thi. Phần lý thuyết có khoảng 12 câu và khá nhẹ nhàng, trong khi phần bài tập khó hơn nhiều. Hầu hết bài tập phần cơ học đều phải trải qua hai, ba bước trở lên mới ra được kết quả. Trong số này có một số câu khá khó như câu 1, 12, rất dễ khiến thí sinh hiểu nhầm đề và dẫn đến sai kết quả. Đặc biệt đề thi năm nay có phần nội dung về tụ xoay, góc xoay. Nội dung này đã không ra trong đề thi ĐH cả chục năm nay nên thí sinh thường sẽ chủ quan và bỏ qua hoặc chỉ học sơ sài nên cũng khó làm được. Với đề thi này, học sinh giỏi kèm với việc rèn luyện nhiều phần bài tập thì có thể đạt 9 điểm, học sinh khá đạt 6 điểm. Do phần lý thuyết tương đối dễ nên học sinh nắm vững lý thuyết cũng có thể đạt điểm 3, 4.
Tương tự, Th.S Mỵ Giang Sơn – trưởng phòng đào tạo ĐH Sài Gòn – cho rằng đề thi môn vật lý năm nay có độ dài và khó tương đương đề thi năm 2011. Ngoài ra, đề thi còn có một số câu hỏi hay yêu cầu thí sinh phải tư duy tốt, biết suy luận và thuộc diện thông minh mới giải được. Đây là đề thi đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng tính toán nhanh và chính xác. Tóm lại, thí sinh sẽ rất khó đạt điểm 10.
Video đang HOT
Thí sinh than đề khó Kết thúc ngày thi đầu tiên, nhiều thí sinh than thở đề thi tuyển sinh ĐH “khó xơi”. Tại hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), bạn Lê Văn Thắng (Trường THPT Phan Thanh Giản, huyện Ba Tri, Bến Tre) đánh giá: “Đề lý năm nay khó, đặc biệt là phần điện xoay chiều. Các câu hỏi phần quang, cơ tương đối dễ chịu, nhưng nếu tính toán không cẩn thận sẽ dễ sai sót”. Tại hội đồng thi Trường THPT Diên Hồng (Q.10), các thí sinh dự thi vào Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) than đề khó, các câu hỏi lý thuyết thường định tính, giải thích, ai nắm chắc kiến thức mới có thể làm được. Cũng như bạn Lê Văn Thắng, nhiều thí sinh tại hội đồng này đánh giá những câu hỏi phần điện hơi khó, đặc biệt là điện xoay chiều. Tương tự, nhiều thí sinh cho biết không làm hết đề thi môn toán. Thí sinh dự thi ở nhiều trường ĐH trong cả nước khi được hỏi đều lắc đầu than đề khó.
Theo tuổi trẻ
Hơn 1.500 thí sinh bỏ thi môn Lý, số vi phạm quy chế tăng
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, kết thúc môn thi Vật lý chiều nay 4/7, số thí sinh bỏ thi giảm so với môn Toán thí sinh bị xử lý kỷ luật tăng so với môn Toán.
Trong buổi thi môn Toán sáng nay, số thí sinh đến trường dự thi là 662.096, chiều nay thí sinh đến dự thi môn Vật lý giảm còn 660.553. Theo đó, có 1.543 thí sinh bỏ thi môn Vật lý.
Các Hội đồng thi tăng cường phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm Quy chế và sai sót của thí sinh và cán bộ làm công tác thi. Trong buổi thi môn Vật lý , có 56 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách 20, cảnh cáo 3 đình chỉ 32 và không được dự thi do đến muộn 01), tăng 33 trường hợp so với môn Toán có 2 cán bộ bị xử lý kỷ luật (1 khiển trách, 1 cảnh cáo).
Về đề thi, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu không có sai sót.
Về thời tiết và giao thông khí hậu tại các thành phố lớn nhìn chung vẫn dịu mát, thuân lợi cho việc dự thi của thí sinh. Tại Hà Nội và TPHCM tuy đôi lúc có mưa nhưng không ảnh hưởng nhiều đến việc dự thi của thí sinh không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông. Ở tất cả các Hội đồng thi, điện, nước được cung cấp ổn định không xảy ra sự cố mất điện, mất nước.
Lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện,tiếp tục triển khai hoạt động tích cực, có hiệu quả: tham gia phân luồng giao thông giúp đỡ, hướng dẫn thí sinh đến các điểm thi phối hợp giữ gìn an ninh, trật tự bên ngoài các khu vực thi.
Buổi thi thứ hai, đợt 1, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 diễn ra an toàn, suôn sẻ trong trật tự.
Tin từ Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng cho biết, trong buổi thi chiều nay 4/7, có thêm 4 thí sinh bị đình chỉ thi, cũng do mang điện thoại di động vào phòng thi.
Các thí sinh dự thi vào ĐH Đà Nẵng vừa hoàn thành ngày thi đầu tiên. (Ảnh: Khánh Hiền)
Như vậy, cộng với 3 thí sinh bị đình chỉ trong buổi thi môn Toán, trong ngày thi hôm nay 4/7, có tổng cộng 7 thí sinh dự thi vào ĐH Đà Nẵng bị đình chỉ thi. Ngoài ra còn có 4 thí sinh khác bị khiển trách. Có 107 thí sinh đã dự thi buổi sáng nhưng bỏ buổi thi môn Vật lý chiều nay, kéo tỷ lệ thí sinh dự thi trên tổng số thí sinh ĐKDT từ 86,53% xuống còn 86,23%.
Đặc biệt, có 6 thí sinh ngồi ở phòng thi khối A nhưng làm bài đề thi khối A1. Nguyên nhân do các thí sinh này thi khối A1, nhưng thông tin ĐKDT nhầm thành khối A. Đến ngày thi vẫn chưa kịp điều chỉnh nên trong buổi thi Toán sáng nay, các thí sinh vẫn được xếp vào phòng thi chung với thí sinh thi khối A nhưng làm bài đề thi khối A1. ĐH Đà Nẵng có dự phòng đề thi khối A1 ở các phòng thi khối A cho những trường hợp này.
Kết thúc buổi thi thứ 2 chiều 4/7, tại ĐH Huế ghi nhận 2 trường hợp thí sinh bị khiển trách và cảnh cáo, không có trường hợp nào bị đình chỉ thi.
Theo đó, 1 thí sinh bị khiển trách do hết giờ làm bài nhưng vẫn tiếp tục làm. 1 thí sinh khác bị cảnh cáo do nhìn bài của bạn sau khi đã khiển trách.
Số thí sinh dự thi khối A là 14081 trên tổng số 16309, chiếm tỷ lệ 86,34%. Thí sinh dự thi khối A1 là 2423/2.641, tỷ lệ 91,75% và khối V là 197/524 tỷ lệ 94,35%. Tổng cộng cả 3 khối thi có 17.001/19.474 chiếm tỷ lệ 87,30%. Về đề thi, toàn bộ rõ ràng không có sai sót. Về cán bộ tham gia coi thi không có ai bị khiển trách, cảnh cáo hay đình chỉ.
Thông tin từ Hội đồng coi thi liên trường cụm Cần Thơ cho biết, buổi thi chiều môn Vật lý có 39.240 thí sinh (TS) dự thi, đạt tỷ lệ 84,5% có 7.182 TS vắng thi. Trong đó khối A có 37.447 TS dự thi, khối A1 có 1.793 TS dự thi. Số thí sinh đến dự thi môn Vật lý của các trường ĐH/Học viện TPHCM là 83,3%
Thí sinh cụm Cần Thơ hoàn thành xong ngày thi đầu tiên của đợt 1, kỳ thi ĐH 2012. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Cũng theo thông tin từ Hội đồng coi thi cụm Cần Thơ, ngày thi đầu tiên tại cụm Cần Thơ có 9 thí sinh bị đình chỉ thi (buổi sáng: 2, buổi chiều: 7), trong đó có 8 trường hợp do mang điện thoại di động vào phòng thi.
Kết thúc môn Vật lý chiều nay tại cụm thi Vinh có 73 thí sinh vắng thi và một thí sinh bị đình chỉ thi vì mang điện thoại đi động.
Kết thúc môn Vật lý tại cụm Vinh có 73 thí sinh bỏ thi. (Ảnh: Nguyễn Duy)
Theo báo cáo nhanh từ cụm thi Vinh, kết thúc ngày thi đầu tiên, toàn cụm thi Vinh có 31.043 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 66,2%, riêng ĐH Vinh có 12.208 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 76,82%. Có 3 thí sinh vi phạm qui chế thi và bị đình chỉ thi. Theo cán bộ coi thi, đây là lỗi thuộc về ý thức, các em mặc dù đã được quán triệt qui chế, được nhắc nhở trước khi vào cổng trường thi và được giám thị cảnh báo trước khi phát đề nhưng vẫn để xảy ra điều đáng tiếc.
Chiều nay 4/7, TS Nguyễn Tấn Vui - Hiệu Trưởng Trường ĐH Tây Nguyên cho biết kết thúc ngày thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh ĐH 2012, trường đã đình chỉ 2 thí sinh do mang điện thoại di động vào phòng thi.
Theo đó, một thí sinh tại điểm thi Trường THPT Buôn Ma Thuột bị đình chỉ vào sáng nay trong giờ thi Toán và một thí sinh tại điểm thi ĐH Tây Nguyên I bị đình chỉ trong giờ thi Vật lý.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tây Nguyên tại điểm thi CĐ Sư phạm Đắk Lắk ra về sau giờ thi Vật lý chiều 4/7. (Ảnh: Viết Hảo)
Kết thúc môn Vật lý chiều nay 4/7, thí sinh đến dự thi tại 8 điểm thi trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột của Trường ĐH Tây Nguyên là 7.528/8.630 thí sinh đăng ký dự thi, đạt tỷ lệ 87,2%.
Nhóm PV
Theo dân trí
Đề Lý dài, thí sinh khó kiếm điểm trung bình Kết thúc 90 phút làm bài thi môn Vật lý chiều nay 4/7, thí sinh nhận định đề khá dài, nhiều sĩ tử không có đủ thời gian làm bài. Sáng mai, các thí sinh thi môn cuối cùng của đợt 1, kỳ thi ĐH năm 2012. Nhiều thí sinh thi khối A tại Đà Nẵng hoàn thành buổi thi môn Vật lý...