Đề thi các môn tự luận: Đã hạn chế tối đa kiểu học thuộc lòng
(PL&XH) – Kỳ thi THPT quốc gia đã đi đến 2/3 chặng đường. Năm nay, với nhiều môn thi nên các hội đồng thi cũng rất lưu ý giám thị về việc coi thi đúng quy chế, chống gian lận đặc biệt ở các môn tự luận. Trong buổi thi môn Ngữ văn và Địa lý đã ghi nhận sự gia tăng đột biến số thí sinh bị đình chỉ. Tuy nhiên, nhiều giáo viên nhân định rằng, với cách ra đề như năm nay, Bộ đã hạn chế được tình trạng thí sinh học thuộc lòng, vì thế, nếu có đem tài liệu vào phòng thi cũng không giải quyết được gì.
Kết thúc môn thi Địa lý, các học sinh tỏ ra vưi mừng vì đề thi không khó, thí sinh có thể kiếm điểm 7 dễ dàng. Cô Phùng Thanh Thảo, tổ trưởng tổ Xã hội, trường THPT Anhxtanh Hà Nội nhận xét: Đây là đề thi hợp lý cả về kiến thức và kỹ năng, thích hợp để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Đề có cấu trúc như đề thi minh họa, nhưng sắp xếp lại rõ ràng mạch lạc hơn. Nhìn chung đây là đề thi dễ và giảm được việc học thuộc lòng của thí sinh.
Câu 1: Kiến thức nằm hoàn toàn trong SGK, câu hỏi dễ, không cần phải tư duy để trả lời.
Câu 2: Câu trả lời dựa hoàn toàn vào Atlat, các em chỉ cần thành thạo kĩ năng đọc bản đồ đã có thể trả lời rất dễ dàng và đây là câu “ăn điểm” tuyệt đối cho các em.
Câu 3: Ý a): Đề thi yêu cầu rất rõ ràng: Vẽ biểu đồ kết hợp (giữa cột chồng và đường) nên học sinh sẽ đạt điểm tuyệt đối ở câu này nếu các em vẽ đúng, rõ ràng và khoa học.
Video đang HOT
Ý b): Nhận xét và giải thích tình hình phát triển của ngành trồng cây công nghiệp dựa vào biểu đồ kết hợp kiến thức đã học trong chương trình Địa lý 12. Với những em có kĩ năng thực hành tốt thì đây là việc đơn giản.
Câu 4: Câu này đòi hỏi các em cần có tư duy, logic, kết hợp cả kiến thức có trong SGK và kiến thức thực tế để trả lời. Đây là câu hỏi hay, đánh giá được năng lực của học sinh.
Ý b) Về biển đảo. Đây là vấn đề xã hội đang rất quan tâm. Bên cạnh đó bảo vệ biển đảo đã được ra trong đề thi môn văn học nên đây là nội dung không gây bất ngờ cho các em và dễ dàng cho các em “ăn điểm”.
Kiến thức bao quát các nội dung trong chương trình SGK. Đề thi vừa sức với trình độ của HS, nội dung các câu hỏi không khó và nằm hoàn toàn trong chương trình SGK, chỉ cần HS ôn luyện chăm chỉ thì bài làm sẽ đạt trên 70%. Đề thi năm nay tương đối dễ.
Đề thi tự luận hạn chế tối đa việc học tủ của thí sinh
Không chỉ đề Địa Lý, đề môn Ngữ Văn trước đó cũng được các giáo viên đánh là đã hạn chế tối đa tình trạng học thuộc lòng, học tủ, học lệch. Cô Đoàn Thị Thu Hà, giáo viên văn trường THPT Yên Hòa cho rằng: Nhìn chung, nội dung đề thi THPT Quốc gia năm nay đi vào những vấn đề có ý nghĩa thiết thực đối với con người và cuộc sống hiện đại nhất là với giới trẻ.
Hình thức đề có hơi khác so với đề minh họa của của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể là :
- Nếu trong đề minh họa, câu 2 phần làm văn là dạng bài so sánh thì ở đề thi chính thức là phân tích nhân vật và bình luận về cách nhìn con người và cuộc sống qua một đoạn văn cụ thể.
- Phần đọc hiểu đoạn thơ trong bài Hát về một hòn đảo của Trần Đăng Khoa vừa mang tính thời sự , vừa khơi gợi tình yêu Tổ quốc để học sinh không chỉ cảm nhận đoạn thơ mà còn có cơ hội bộc lộ tình yêu đối với những người lính đảo ; niềm tự hào về vẻ đẹp của biển đảo quê hương. Chính câu hỏi đã khơi dậy tinh thần yêu nước và trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc. Đặc biệt, câu 4 của phần đọc hiểu còn có “đất” cho thí sinh phát biểu cảm tưởng của bản thân với vấn đề có tầm vóc lớn lao thuộc chính sự.
Phần đọc hiểu đoạn văn trích trong “Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa” đã bàn về một vấn đề đang được cả xã hội quan tâm : đó là hội chứng vô cảm, sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân văn của con người trong xã hội hiện đại.
- Phần làm văn :
Câu nghị luận xã hội cũng đi vào vấn đề rèn luyện kĩ năng sống là vấn đề rất thiết thực với học sinh nên không quá khó, học sinh sẽ dễ dàng bày tỏ quan điểm của cá nhân.
Câu nghị luận văn học có trích dẫn đoạn văn nên không gây khó khăn cho học sinh, không cần phải nhớ máy móc kiến thức vẫn có thể làm được.
Tóm lại, theo nhận định của chúng tôi, đề thi năm nay theo hướng mở, hay nhưng không khó, không đánh đố học sinh; giúp phát huy tính sáng tạo của học sinh, không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng, phù hợp với kỳ thi THPT Quốc gia đầu tiên theo hướng đổi mới kiểm tra đánh giá của Bộ GD&ĐT…
Mấy năm gần đây, đổi mới phương thức ra đề đã giúp Bộ GD&ĐT nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội. Đây là một bước quan trọng trong vấn đề đổi mới thi cử nói riêng, đổi mới giáo dục nói chung.
Theo PL&XH