Để ‘than đá’ thành ‘kim cương’
TS Nguyễn Thị Như Quỳnh là con gái đầu lòng trong một gia đình nông dân ở tỉnh Bến Tre. Dù sống trong cảnh thiếu thốn nhưng ba chị lại là người có tư duy tiến bộ.
Với ý chí mạnh mẽ, lòng quyết tâm cao, chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (sinh năm 1985) đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Dược liệu năm 28 tuổi. Với chị, khi đã vượt qua được thử thách trong nghiên cứu khoa học cũng như quá trình tôi luyện để biến “than đá” thành “ kim cương” thì không khó khăn nào không thể vượt qua.
TS Nguyễn Thị Như Quỳnh, Trưởng khoa Dược, Trường đại học Lạc Hồng quan sát sinh viên thực hành. Ảnh: H.Yến
TS Nguyễn Thị Như Quỳnh hiện là Trưởng khoa Dược, Trường đại học Lạc Hồng.
* Ba – người thầy quan trọng của cuộc đời
TS Nguyễn Thị Như Quỳnh là con gái đầu lòng trong một gia đình nông dân ở tỉnh Bến Tre. Dù sống trong cảnh thiếu thốn nhưng ba chị lại là người có tư duy tiến bộ. Ông cho rằng, nếu ở quê, con gái mình sẽ bỏ học, làm nông và lấy chồng sớm, mãi mãi trong cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo, không tiến bộ. Do chiến tranh, thuở nhỏ ông không được đi học nhưng với mong muốn làm gương cho con, ông đã cố gắng học bổ túc hết lớp 12, giữa cái nghèo bủa vây và 3 đứa con gái nheo nhóc.
Để các con được ăn học đàng hoàng, ông đã quyết tâm rời quê lên TP.HCM lập nghiệp. Với ông, sự thành công và địa vị của con người trong xã hội không phải chỉ đo đếm bằng tiền bạc, sự giàu có mà cái chính là ở học thức, tư duy. Ông mong muốn các con của mình phải được học đại học và ông sẵn sàng bươn chải, mạo hiểm để làm được điều đó.
Chuyển trường, cô học trò vốn luôn xếp hạng nhất ở trường làng bị “khớp” khi vào học lớp chọn của trường học ở thành phố. Quỳnh không chịu nổi áp lực đã xin ba chuyển lớp nhưng ông không đồng ý mà bảo con nhất định phải cố gắng. “Vì sự kiên quyết của ba nên tôi đã không bỏ cuộc, nỗ lực vươn lên tốp 10 của lớp. Nếu không nhờ sự mạnh mẽ đó của ba, có lẽ tôi đã không thể thành công như bây giờ” – chị Quỳnh nhớ lại.
Đối với giảng viên trẻ này, ba chính là người thầy đã truyền cảm hứng và là tấm gương về sự kiên trì vượt khó, không bao giờ bỏ cuộc. “Ba tôi nói rằng, vì các con, ba đã đánh đổi rất nhiều nên các con phải nỗ lực. Con làm chị cả thì con là tấm gương lớn cho các em và con rất quan trọng với ba. Nếu con học đại học thì tệ lắm em con cũng học hết lớp 12.
Nếu con học thạc sĩ, tiến sĩ thì em con tệ lắm cũng học được đại học… Ngược lại, nếu con là trộm cướp thì em con cũng là trộm cướp. Con đường, tương lai là do con quyết định”… Đó là những lời của ba mà tôi không bao giờ quên”. Mỗi khi gặp biến cố trong cuộc sống, tôi luôn nhớ đến câu nói ấy để mà phấn đấu”- TS Quỳnh tâm sự.
* Hoàn thành “mục tiêu kép”
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Quỳnh sang Nga theo học ngành Dược tại Viện Y khoa Sechenov (TP.Moscow). Tốt nghiệp đại học năm 2009, chị ở lại Nga làm nghiên cứu sinh tại Trường đại học Y khoa số 1 Sechenov với chuyên ngành Dược liệu. Năm 2011 chị kết hôn và đến năm 2013, khi đang ở giai đoạn nước rút làm luận án tiến sĩ thì chị có thai.
“Về Việt Nam thăm nhà rồi quay trở lại Nga được 1 tháng sau thì tôi mới biết mình có thai. Khi đó sức khỏe tôi rất kém, không thể tự nấu ăn mà còn bị dọa sẩy thai. Ở nhà, gia đình rất lo lắng nên gọi tôi về. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình về Việt Nam rồi thì có thể sẽ bỏ cuộc trong khi chỉ còn mấy tháng nữa là hoàn thành luận án. Vậy là tôi quyết định ở lại” – chị Quỳnh kể.
Tôi biết ơn các đồng nghiệp của mình
Video đang HOT
Điều quan trọng của một người khi làm việc cũng như khi làm nghiên cứu khoa học là phải có đồng nghiệp. Một người không thể làm hoàn chỉnh mọi thứ nhưng nhiều “cái đầu” thì sẽ nghĩ ra nhiều thứ. Khoa Dược của chúng tôi hiện có 70 giảng viên cơ hữu. Các thành viên trong khoa đều giúp đỡ lẫn nhau, không nề hà, không tính toán công sức.
Để vừa làm tốt công việc quản lý, vừa làm tốt chuyên môn, ngoài nỗ lực của bản thân thì tôi còn nhờ có sự trợ lực của những đồng nghiệp tuyệt vời. Tôi biết ơn các đồng nghiệp của mình và đó là lý do để gắn bó với nơi này”.
Quãng thời gian đó, thời tiết của Nga đang là mùa đông. Ngoài trời lạnh giá, tuyết rơi, đường trơn trượt nhưng mỗi ngày chị đều phải mất 2 tiếng từ nhà ra tuyến metro để đi đến phòng nghiên cứu và ngược lại. Phòng nghiên cứu của trường nằm trong một khu rừng vắng nhưng bao giờ chị cũng phải hoàn thành xong mọi việc rồi mới về. Vì thế, nhiều hôm 8, 9 giờ tối chị phải một mình mò mẫm băng rừng để đến nhà ga đón tàu trở về nhà nghỉ ngơi.
Chị Quỳnh nhớ lại: “Những lúc ấy, tôi rất sợ nhưng luôn tự động viên mình không được bỏ cuộc. Tôi tự nói với mình: “phải sinh con an toàn và lấy được bằng tiến sĩ”. Nhiều khi áp lực, buồn bã, vừa ăn cơm vừa khóc nhưng rồi lại gạt tất cả sang một bên để tiếp tục công việc nghiên cứu”.
Cuối cùng, mọi nỗ lực cũng được đền đáp. Chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khi mới 28 tuổi và đang ở tháng thứ 7 của thai kỳ, kịp trở về nước, sinh con an toàn. Nhớ lại hành trình ấy, chị cho rằng đó là quãng thời gian khó khăn nhất nhưng cũng để lại những kỷ niệm đẹp khó quên trong cuộc đời. Với những gì đã làm được, chị tin rằng không khó khăn nào mà mình không thể vượt qua.
TS Quỳnh cho rằng, ngoài kiến thức, điều lớn nhất mà chị học được từ các giáo sư, các nhà khoa học Nga chính là tinh thần cống hiến cho khoa học, cho Tổ quốc. Chị cho biết: “Trong cảm nhận của mình, tôi thấy các nhà khoa học Nga có tình yêu mãnh liệt dành cho khoa học. Họ luôn nghiên cứu với tâm thế cống hiến chứ không phải vì bằng cấp, địa vị”.
Bản thân chị Quỳnh đã chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi tinh thần cống hiến trong khoa học của các nhà khoa học Nga. Chị cho rằng khi người ta làm việc bằng cả trái tim thì kết quả bao giờ cũng tốt hơn.
* Truyền “lửa” cho sinh viên
Sở hữu bằng tiến sĩ chuyên ngành Dược liệu, TS Nguyễn Thị Như Quỳnh nhận được nhiều lời mời hấp dẫn. Tuy vậy, chị đã chọn Trường đại học Lạc Hồng làm nơi gắn bó bởi chị có thiện cảm với ngôi trường “tỉnh lẻ” này.
Nhà ở TP.HCM, mỗi ngày, chị thức dậy từ 4 giờ 30 sáng, 5 giờ 30 ra khỏi nhà để kịp đón xe đưa rước của trường. Tại trường, TS Quỳnh vừa giảng dạy, vừa làm nghiên cứu khoa học đến 4 giờ chiều thì lên xe trở về, có hôm tận 7 giờ tối mới tới nhà. Nhưng về nhà không có nghĩa là hết việc. Kể từ khi được bổ nhiệm Trưởng khoa Dược (năm 2018), công việc của TS Quỳnh càng bận rộn hơn.
Chia sẻ về công việc hiện tại của mình, TS Quỳnh cho hay, ngành Dược là chuyên ngành về sức khỏe nên chất lượng chuyên môn phải luôn được đặt lên hàng đầu. Sinh viên ngành Dược phải học một khối lượng kiến thức lớn với hơn 100 môn học nên khó tránh khỏi tình trạng nhiều sinh viên bị rớt môn, nợ môn. Vì vậy, thách thức lớn nhất của khoa Dược là phải kiên định giữ vững chất lượng đào tạo nhưng đồng thời phải chăm sóc, đồng hành để sinh viên không bỏ cuộc giữa chừng.
Điều khiến vị tiến sĩ trẻ này hài lòng chính là sự đồng thuận, ủng hộ tinh thần của tập thể cán bộ, giảng viên trong khoa. TS Quỳnh cũng thừa nhận, sự mạnh mẽ, cứng rắn của ba đã ảnh hưởng đến tính cách và phong cách làm việc của chị.
“Đối với học trò, ngoài giảng dạy kiến thức, tôi luôn luôn tạo động lực cho các em, mong muốn các em yêu ngành nghề mà các em đang học và yêu những gì mà các em đang làm. Đó là cái đẹp trong cuộc sống mà tôi mong các em cảm nhận được. Tôi muốn sinh viên của mình biết rằng, dù các bạn có chưa giỏi thì thầy cô cũng không bao giờ bỏ cuộc với các bạn, vì đối với tôi, sinh viên chính là “con”, không ai bỏ rơi “con” của mình cả. Chỉ cần các bạn phấn đấu, kiên trì, các bạn sẽ thành công”- chị cho biết.
Về định hướng trong nghiên cứu khoa học, TS Quỳnh cho hay, bản thân chị và các thành viên trong Khoa Dược Trường đại học Lạc Hồng sẽ tập trung nghiên cứu khoa học ứng dụng. Trong đó, khoa sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để nghiên cứu sản phẩm ứng dụng nhằm thương mại hóa sản phẩm.
Công bố bài báo khoa học quốc tế: Còn lắm chông gai
Việc công bố những bài báo khoa học, đặc biệt là các bài được đăng trên những tạp chí khoa học uy tín của thế giới không chỉ cho thấy năng lực nghiên cứu của cá nhân nhà khoa học mà còn góp phần nâng cao uy tín của giới khoa học ở Việt Nam.
TS Phạm Văn Toản (bìa phải), Trưởng khoa Cơ điện - điện tử, Trường đại học Lạc Hồng tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và đã có bài báo khoa học quốc tế. Ảnh: H.YẾN
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học gặp khó khăn khi viết bài báo khoa học theo chuẩn thế giới, nhất là đối với khối ngành khoa học xã hội và nhân văn.
* Khó có bài báo khoa học quốc tế trong lĩnh vực xã hội và nhân văn
Do đặc thù riêng, khối ngành khoa học xã hội và nhân văn được cho là khó có các bài báo công bố quốc tế hơn so với khối ngành kỹ thuật. Mặc dù hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) vẫn được các viện, trường đẩy mạnh nhưng các bài báo khoa học khối ngành này chủ yếu công bố ở các tạp chí trong nước. Đặc biệt, với những trường đại học có "tuổi đời" còn non trẻ thì hoạt động này càng khó khăn hơn.
Trường đại học Văn hiến (TP.HCM) là trường đại học ngoài công lập đầu tiên có tạp chí khoa học nằm trong danh mục các tạp chí khoa học được tính điểm do Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận. Theo đó, bài báo thuộc chuyên ngành văn học và liên ngành văn hóa - thể thao - du lịch được tính 0,5 điểm, bài báo thuộc chuyên ngành kinh tế được tính 0,25 điểm (mức điểm cao nhất đối với bài báo khoa học đăng ở các tạp chí trong nước là 1 điểm). Hiện tại mỗi năm, trường xuất bản 4 số bằng tiếng Việt và 1 số bằng tiếng Anh.
Tuy có hoạt động NCKH được đánh giá cao nhưng khối ngành khoa học xã hội và nhân văn của Trường đại học Văn hiến đến nay vẫn chưa có bài báo được công bố quốc tế. Lý giải vấn đề này, TS Đặng Quốc Minh Dương, Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế của trường cho rằng, khó khăn đầu tiên chính là khả năng ngoại ngữ của người làm NCKH. Vì ngoại ngữ không tốt nên nhà nghiên cứu khó có thể đọc và viết các bài báo quốc tế. Thứ hai, các tạp chí khối ngành Khoa học xã hội ít hơn những khối ngành khác. Hơn nữa, tính ứng dụng của các đề tài NCKH khối ngành này, đặc biệt là chuyên ngành Văn học, thường không rõ ràng. Trong khi đó, các tạp chí khoa học quốc tế lại đặt ra yêu cầu cao đối với tính ứng dụng.
Trường đại học Đồng Nai cũng đã có tạp chí khoa học hoạt động 5 năm nay. Sau nhiều cố gắng, đến nay, tạp chí này có 2 ngành được nằm trong danh mục các tạp chí khoa học được tính điểm do Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận. Đó là ngành Vật lý và ngành Quản lý giáo dục (đều được tính 0,25 điểm). Để có những bài báo khoa học đạt chất lượng, ngoài việc cổ vũ tinh thần nghiên cứu của các giảng viên trong trường, Ban biêp tập tạp chí phải mời cả các nhà khoa học, giảng viên ngoài nhà trường tham gia viết bài.
PGS-TS Nguyễn Duy Anh Tuấn, Trưởng phòng NCKH - sau đại học và quan hệ quốc tế, Phó tổng biên tập Tạp chí khoa học Trường đại học Đồng Nai chia sẻ: "Chúng tôi đã đề xuất tính điểm với bài báo thuộc chuyên ngành Văn học nhưng vẫn chưa được. Năm tới, chúng tôi sẽ cố gắng nâng chất bài báo thuộc lĩnh vực này để được nằm trong danh mục tính điểm".
PGS-TS Nguyễn Duy Anh Tuấn cho biết, tính đến nay, Trường đại học Đồng Nai vẫn chưa có bài thuộc ngành Khoa học xã hội và nhân văn được công bố trên tạp chí quốc tế. Các ngành của trường có bài đăng trên tạp chí quốc tế là Vật lý, Toán học, Môi trường...
* Từ bỏ "giấc mộng" tiến sĩ
Theo Quy chế về tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ có hiệu lực từ ngày 18-5-2017, để được đăng ký đánh giá luận án, nghiên cứu sinh phải có 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó một bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí khoa học uy tín được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận: ISI-Scopus . Nghiên cứu sinh cũng có thể công bố tối thiểu 2 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện. Đây chính là quy định khiến nhiều người có mong muốn học tiếp bậc tiến sĩ phải "dè chừng" bởi đối với họ, việc có bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài là thử thách không dễ vượt qua.
Một giáo viên thuộc trường THPT ở TP.Biên Hòa chia sẻ: "Dù rất muốn học tiếp để lấy bằng tiến sĩ nhưng nghĩ đến việc phải có 2 bài báo công bố quốc tế thì mình lại chùn bước. Chắc là sẽ không học nữa".
Cô Đỗ Thị Cẩm Vân, giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh (H.Trảng Bom) hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Văn học Việt Nam, Học viện Khoa học xã hội (TP.Hà Nội). Năm 2017, khi Bộ GD-ĐT chuẩn bị áp dụng Quy chế đào tạo tiến sĩ mới, cô Vân thi đậu nghiên cứu sinh. Cô cùng 8 nghiên cứu sinh khác nhận quyết định đào tạo vào tháng 3-2017 nên vẫn áp dụng theo Quy chế đào tạo cũ, tức là không cần có 2 bài báo công bố quốc tế. Dù vậy, sau gần 4 năm học, cô Vân cũng mới có được 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước.
Dù không có công bố khoa học quốc tế nhưng cô Vân vẫn gặp khó khăn. "Tôi nghiên cứu chuyên về văn học Việt Nam đương đại mà những kiến thức này hầu như không dùng trong quá trình dạy ở bậc THCS. Do vậy, tôi không được trau dồi, sử dụng thường xuyên, không có cơ hội áp dụng trong thực tế. Với những giảng viên đại học đi làm nghiên cứu sinh thì đó lại là lợi thế vì họ có môi trường để sử dụng".
Được biết, sau khóa tuyển sinh năm 2017, năm tiếp theo, Học viện Khoa học xã hội không tuyển thêm được nghiên cứu sinh chuyên ngành Văn học Việt Nam nào. Năm 2019, đơn vị cũng chỉ tuyển thêm được 1 nghiên cứu sinh ngành này. Yêu cầu phải có 2 bài báo công bố khoa học quốc tế chính là thách thức khiến nhiều người không thể vượt qua.
* Để nâng "chất" bài báo khoa học
Với kinh nghiệm tổ chức, biên tập tạp chí khoa học của trường, TS Đặng Quốc Minh Dương chia sẻ, muốn bài báo khoa học có chất lượng thì phải có đề tài nghiên cứu tốt. Thông thường, các bài nghiên cứu được thực hiện từ những đề tài nghiên cứu khoa học cấp sở, bộ, Nhà nước sẽ có chất lượng cao.
TS Cao Văn Dư, Phó trưởng khoa Dược Trường đại học Lạc Hồng có bài báo khoa học quốc tế.
Theo TS Dương, để nâng cao chất lượng bài báo khoa học cần phải đẩy mạnh tính phản biện của Hội đồng biên tập. Bởi lẽ, các tạp chí khoa học đều có các giáo sư, phó giáo sư đầu ngành "đứng chân" trong Hội đồng biên tập. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng cần có quy định cụ thể, chặt chẽ về hoạt động NCKH của giảng viên.
"NCKH và giảng dạy là 2 hoạt động không thể tách rời ở trường đại học. Theo quy định, Bộ GD-ĐT và các trường đại học đều có quy định về số giờ chuẩn giảng dạy và số giờ làm NCKH cụ thể. Tuy nhiên, giảng viên có thể quy đổi từ giờ chuẩn giảng dạy sang giờ NCKH nên giảng viên vẫn ưu tiên cho việc giảng dạy nhiều hơn. Do vậy, nếu các trường đưa ra quy chế bắt buộc về số lượng bài NCKH mà giảng viên phải hoàn thành trong mỗi năm học thì cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng NCKH" - TS Dương cho biết thêm.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Duy Anh Tuấn, muốn hoạt động NCKH ở trường đại học phát triển thì cần phải có chế độ khuyến khích, đãi ngộ phù hợp. Theo ông Tuấn, để có được một bài công bố quốc tế, giảng viên phải mất ít nhất một vài năm để nghiên cứu. Khi nộp bài, tùy theo tạp chí, có khi tác giả phải nộp tiền phản biện (chi phí khoảng 100-200 USD). Thế nhưng khi có bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế thì lại không được khen thưởng phù hợp.
"Năm vừa rồi, chính tôi tham mưu để đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ của Trường đại học Đồng Nai nội dung khen thưởng cán bộ, giảng viên của trường có bài công bố quốc tế với số tiền 25 triệu đồng/bài. Trong khi đó, theo tôi được biết, có những trường thưởng đến 200 triệu đồng với mỗi bài công bố quốc tế. Chưa kể, với những giảng viên đạt chức danh phó giáo sư cũng không thấy được khen thưởng, tuyên dương. Tôi cho rằng tỉnh cần phải có cơ chế khuyến khích để thúc đẩy công tác NCKH hơn nữa. Đối với riêng nhà trường, việc giảng viên có nhiều bài báo công bố khoa học quốc tế cũng góp phần nâng cao uy tín cho nhà trường" - PGS-TS Nguyễn Duy Anh Tuấn cho biết.
Quy định về thời gian làm việc, giờ chuẩn giảng dạy và nghiên cứu khoa học
(Trích Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27-7-2020 của Bộ GD-ĐT Quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học)
Thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính) để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác, được xác định theo năm học sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định.
Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 200-350 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 600-1.050 giờ hành chính).
Giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học (tương đương 586 giờ hành chính) để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học...
Đối với những giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo quy định, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ mức độ, hoàn cảnh cụ thể để xem xét khi đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm học, xếp loại thi đua và giải quyết các chế độ, chính sách liên quan; đồng thời, cho phép bù giờ chuẩn giảng dạy sang giờ nghiên cứu khoa học đối với những giảng viên này.
Nối dài Cuộc thi - nối dài tri ân các thế hệ nhà giáo Chia sẻ niềm tự hào khi vượt gần 80 nghìn tác phẩm để trở thành một trong 14 cá nhân đoạt giải cuộc thi, tác giả Phan Thị Thu Trang mong cuộc thi tiếp tục được nối dài như sự tri ân sâu sắc nhất tới các nhà giáo. Sau 20 năm ra trường, tác giả Phan Thị Thu Trang vẫn dành tình...