Đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 có mang tính đối phó?
Bên cạnh nhận xét về yêu cầu của đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều giáo viên còn cho rằng Bộ GD-ĐT làm đề kiểu mang tính đối phó.
Học sinh lớp 12 ôn thi THPT – BÍCH THANH
Ngay khi Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 (khuya 31.3), nhiều giáo viên bày tỏ quan điểm về đề tham khảo này.
Không theo ma trận hay định hướng cho giáo viên và học sinh ôn tập
Một giáo viên môn sinh học dạy tại TP.Thủ Đức, TP.HCM, nói: “Cá nhân tôi thấy Bộ làm không có tâm, mang tính đối phó. Thứ nhất, cả cơ quan Bộ chỉ đạo cả nước mà khi công bố đề tham khảo còn thiếu đề các môn khác (hiện chỉ công bố 7 môn). Nếu vì lời hứa là công bố đề thi tham khảo trong tháng 3 thì phải làm cho đầy đủ để công bố một lần, điều này không khó với một cơ quan quản lý cả nước. Thứ hai, soạn đề tham khảo giống như lấy câu hỏi gắn vào cho đủ, không theo ma trận hay định hướng cho giáo viên và học sinh học tập, cắt ghép vội vàng quá, tội thầy và trò”.
Môn sinh: Cấu trúc và độ khó giống đề chính thức năm 2020
Giáo viên Võ Thanh Bình, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), nhận xét nội dung đề tham khảo môn sinh nằm trong nội dung giảm tải năm nay. Cấu trúc và độ khó giống đề chính thức năm 2020.
Vì vậy, theo thầy Bình, nếu đề chính thức gần giống đề minh họa thì điểm thi năm nay sẽ cao như năm ngoái.
Cũng với môn sinh học, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức, TP.HCM), nhận định đề minh họa đáp ứng mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT, đề có một số câu hỏi chương trình lớp 10 và 11 tuy nhiên số lượng câu này rất ít, tập trung chủ yếu ở chương trình 12. So với đề thi chính thức năm 2020 thì đề minh họa có phần dễ hơn. Câu hỏi tập trung các kiến thức cơ bản. Với đề thi này chưa thể hiện độ phân hóa học sinh giỏi để đáp ứng mục tiêu xét tuyển đại học nên học sinh chỉ tham khảo để định hướng học tập vì đề thi chính thức có thể sẽ khó hơn. Đặc biệt học sinh không được chủ quan dựa vào đề thi để định hình nhóm câu hỏi và kiến thức trọng tâm từ đó dẫn đến học lệch kiến thức.
Môn hóa: Kiến thức đảm bảo mục đích của kỳ thi 2 trong 1
Qua đề minh họa môn hoá, thạc sĩ Phạm Lê Thanh nhận xét nhìn chung đề thi minh họa với kiến thức đảm bảo mục đích của kỳ thi 2 trong 1: Tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển vào các trường ĐH. Đa số kiến thức trọng tâm phân bố ở chương trình hóa học lớp 12, có khoảng 2 câu thuộc lớp 11 ( phần Phân bón hóa học và Đại cương hữu cơ).
Đề thi đảm bảo không cho các nội dung trong phần tinh giản mà Bộ đã hướng dẫn trong công văn hướng dẫn điều chỉnh dạy học 3280. Các câu hỏi trong đề đa số tăng tính thực tiễn cuộc sống, liên quan kiến thức thực hành thí nghiệm … Với đề thi này, các em học sinh ôn tập thật kỹ lý thuyết chủ đạo và toán cơ bản sẽ dễ dàng giải quyết triệt để 75 – 80% đề thi.
Qua đây, các em học sinh cần phải trang bị thật tốt lý thuyết nền tảng và rèn luyện tư duy đọc nhanh nhưng phải cẩn thận với các câu lý thuyết đếm phản ứng, đếm phát biểu đúng sai vì rất dễ nhầm lẫn cho kết quả không chính xác. Về phần bài tập toán vận dụng và vận dụng cao chiếm khoảng 15 – 20% đề thi rơi vào các dạng quen thuộc trong các đề thi THPT những năm trước của Bộ, nên các em học sinh khi được thầy cô ở trường ôn luyện và rèn kỹ năng làm bài sẽ dễ dàng giải quyết triệt để các câu hỏi này.
Lưu ý rằng đây chỉ là đề thi minh họa với mức độ khó của các câu vận dụng cao chỉ để tham khảo, qua đó thầy và trò có thể rà soát lại những nội dung học tập trọng tâm nhất, là cơ hội cho học sinh thử sức với đề thi, có thể các em tự mình thi thử có canh giờ với đề thi này, cọ sát với thực tế xem mình đạt tầm điểm số bao nhiêu, kiến thức nào chưa vững có thể ôn luyện kỹ càng hơn nhằm đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi THPT sắp tới.
Bí quyết ôn thi THPT đạt điểm cao năm 2021 môn sinh: Di truyền
Vào lúc 20 giờ 30 hôm nay 31.3, Báo Thanh Niên bắt đầu phát sóng chương trình Bí quyết ôn thi THPT đạt điểm cao năm 2021 môn sinh tại địa chỉ thanhnien.vn , Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên.
Thầy Võ Thanh Bình giảng bài môn sinh học - BẢO CHÂU
Trong chương trình Bí quyết ôn thi THPT đạt điểm cao, 10 chuyên đề ôn tập môn sinh học sẽ do giáo viên Võ Thanh Bình, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) thực hiện bám sát theo định hướng thi THPT của Bộ GD- ĐT.
Chuyên đề 1- Cơ chế phân tử của hiện tượng di truyền sẽ được thầy Võ Thanh Bình hệ thống lại cơ chế phân tử của hiện tượng di truyền, hiện tượng con cái sinh ra mang một số đặc điểm giống bố mẹ của mình, gồm các quá trình là nhân đôi ADN, phiên mã, dịch mã và điều hòa hoạt động các các quá trình này. Bên cạnh đó, thầy Bình cũng giới thiệu một số công thức thường gặp trong các đề thi THPT các năm gần đây về ADN và quá trình nhân đôi ADN, cũng như sửa các câu có liên quan trong đề thi năm 2020.
Bắt đầu từ ngày 29.3, vào các khung giờ cố định 18 giờ 30 và 20 giờ 30 từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần, Báo Thanh Niên sẽ lần lượt phát sóng trực tiếp khoảng 90 chuyên đề Bí quyết ôn thi THPT đạt điểm cao. Ngoài các khung giờ nói trên, học sinh có thể sử dụng điện thoại thông minh, máy tính kết nối internet để theo dõi các chuyên đề kiến thức của 9 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Chương trình có sự đồng hành, tài trợ của các đơn vị như: Tập đoàn Thiên Long, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU), Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU). Chương trình Bí quyết ôn thi THPT đạt điểm cao năm 2021 sẽ phát sóng lần lượt 88 clip dưới dạng các chuyên đề ôn tập theo định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong 88 chuyên đề ôn tập, mỗi giáo viên phụ trách bộ môn sẽ đưa ra những câu hỏi theo định dạng của đề thi tốt nghiêp THPT. Việc này giúp học sinh kiểm tra lại kiến thức, đồng thời làm quen với cách làm bài, rèn kỹ năng tìm đáp án trắc nghiệm một cách nhanh, chính xác nhất.
Đề tham khảo Toán tốt nghiệp THPT 2021: Câu hỏi dạng mới thách thức thí sinh Đề thi tham khảo môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vừa được Bộ GD&ĐT công bố có một số câu hỏi ở dạng mới, cách cho dữ kiện đề bài mới lạ mang tính thử thách dành cho những học sinh muốn lấy điểm tuyệt đối. Nhận định về đề tham khảo môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Tổ...