Đề Sử hay, khơi dậy tinh thần yêu nước
(Tấm Gương) – Kết thúc ngày thi cuối cùng kỳ thi THPT Quốc gia, nhiều học sinh cho rằng, đề Sử có nhiều câu hỏi vận dụng cao, còn giáo viên đánh giá đề khá hay, khơi dậy được tinh thần yêu nước.
Kết thúc 180 phút môn thi Lịch sử, thí sinh Nguyễn Hữu Tài, học sinh trường THPT Bà Điểm, TPHCM, mặt buồn cho biết: “Đề thi năm nay tương đối khó, yêu cầu vận dụng rất nhiều”.
Theo Tài, so với năm trước, đề thi năm nay có nhiều câu hỏi mở, yêu cầu học sinh nói lên suy nghĩ của bản thân, trong khi năm trước chủ yếu là học thuộc bài, kiến thức đa phần ở SGK.
“Với bài thi này, mặc dù làm được hết cả 4 câu nhưng em không tự tin lắm vì phần trình bày quan điểm cá nhân em hơi yếu nên chắc chỉ 5 – 6 điểm”, Tài nói.
Video đang HOT
Thí sinh tại TPHCM bàn luận sau khi thi xong môn Lịch sử. Ảnh: Nguyễn Dũng .
Nhận xét về đề thi môn Lịch sử năm nay, cô Phạm Thu Hà, giáo viên môn Lịch sử trường THPT Vĩnh Viễn, TPHCM cho rằng: “Đề thi khá hay, thí sinh làm bài môn Lịch sử một cách dễ dàng, không chú trọng thuộc bài nhiều mà cần phải vận dụng kỹ năng viết văn vào làm bài; đáp ứng được nhu cầu vừa xét tuyển tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ”.
Phân tích về đề thi, bà Hà cho biết, đề có hai câu thuộc thể loại nhận xét thì học sinh có thể nêu được ý kiến của mình thông qua các sự kiện lịch sử.
“Bên cạnh đó, câu hỏi về Nhật Bản là một câu được nhiều thí sinh ưa thích khi yêu cầu học sinh nói về nguyên nhân để phát triển kinh tế của nước Nhật, do đó, thí sinh có thể viết một cách thoải mái, thể hiện quan điểm cá nhân của mình….”, bà Hà nói.
Theo bà Hà, đề thi bao gồm 2 phần rõ rệt, phần lý thuyết là câu 1 và câu 2 nằm trong SGK, thí sinh chỉ cần thuộc bài là có thể làm tốt phần này. “Đặc biệt, câu 2, dựa vào bảng số liệu thí sinh có thể làm bài được mà không cần phải học thuộc lòng. Phần vận dụng là câu 3 và câu 4, phần này đòi hỏi học sinh phải có cái nhìn tổng quát và sâu sắc về lịch sử đồng thời phải biết trình bày ý kiến cá nhân một cách có hệ thống và thuyết phục.
Bên cạnh đó, câu 3 đã góp phần đánh thức ý thức của người dân Việt Nam là có quyền được hưởng tự do và độc lập; cũng như khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh để giữ vững quyền dân tộc cơ bản. Câu 4 tạo điều kiện cho thí sinh thực hiện thái độ phê phán đối với các ý sai lạc”, bà Hà nói.
Ngoài ra, theo bà Hà, ở câu hỏi “Hiệp định Giơ- ne- vơ năm 1954 về Đông Dương đã chia Việt Nam thành hai quốc gia với đường biên giới là vĩ tuyến 17″, hãy nhận định về ý kiến này là một câu hỏi nhạy cảm, táo bạo mà từ lâu nay, chương trình lịch sử đã tránh né không đề cập đến. Còn ở phần 2, đòi hỏi thí sinh phải rút ra bài học nhận thức từ sự kiện và ý nghĩa lịch sử, đây là câu hỏi mở, thí sinh có thể làm theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên nếu hợp lý và lập luận chặt chẽ sẽ đạt được điểm tối đa.
Thí sinh dự thi kỳ thi THPT Quốc gia tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Dũng .
“Tóm lại, đề thi lịch sử năm nay đòi hỏi thí sinh cần kết hợp giữa kiến thức lịch sử, văn học và thực tế xã hội hiện nay mới có thể đạt điểm tối đa”, bà Hà nhận định.
Cùng quan điểm, cô Phạm Thị Hoài Thương, giáo viên môn sử trường THPT Nhân Việt, TPHCM cho rằng: “Đề thi không quá khó nhưng có tính phân hóa, đòi hỏi tư duy của học sinh, có những câu gợi ý cho học sinh, tránh được việc học sinh học vẹt đối với môn Sử…”.
“Đặc biệt, ở câu 2 và 4, đề đã góp phần khơi gợi lòng yêu nước của học sinh khi yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ của bản thân về Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 và thanh niên Việt Nam cần làm gì để củng cố và phát triển nhân tố trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc… Với đề thi này, học sinh dễ có thể đạt điểm 6- 7. Học sinh khá, giỏi biết tư duy và vận dụng kiến thức thì mới có thể đạt điểm cao”, cô Thương cho biết.
Theo Tấm gương