Đề nghị công nhận GS Trương Nguyện Thành làm Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen
Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản gửi Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT về việc công nhận hiệu trưởng ĐH Hoa Sen đối với ông Trương Nguyện Thành, vị giáo sư từng gây bão khi “mặc quần soóc giảng bài” hồi năm ngoái.
Đề nghị này dựa trên căn cứ tờ trình của Hội đồng quản trị (HĐQT) trường ĐH Hoa Sen đề nghị công nhận ông Trương Nguyện Thành giữ chức hiệu trưởng nhiệm kỳ 2017-2022.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ của trường, 16/18 thành viên HĐQT tán thành việc bầu ông Thành là hiệu trưởng với với tỉ lệ 88,89%.
Giáo sư Trương Nguyện Thành, hiện là phó hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen.
Trong văn bản đề nghị, Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng độ tuổi của ông Thành phù hợp để giữ chức hiệu trưởng một trường ĐH tư thục. Tuy nhiên còn một số vấn đề cần xem xét.
Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, căn cứ Điều 20 Luật Giáo dục đại học quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm, có trình độ tiến sĩ đối với trường ĐH, giám đốc học viện, đại học, có sức khỏe tốt.
Video đang HOT
Ông Trương Nguyện Thành có độ tuổi và các quy định phù hợp khi tỷ lệ bỏ phiếu kín cao. Nhưng về quy định tham gia cấp quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm, ông Thành có tham gia công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa Hóa ĐH Utah từ năm 1993 đến nay, nhưng do sự khác nhau về bộ máy tổ chức giữa cơ sở giáo dục trong nước và ngoài nước nên Sở GD-ĐT TPHCM chưa thể thẩm định việc tham gia quản lý của ông Thành có phù hợp với tiêu chuẩn hiệu trưởng hay không.
Sở đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD-ĐT thẩm định trường hợp này và sớm hướng dẫn cụ thể đối với việc công nhận ông Trương Nguyện Thành là hiệu trưởng ĐH Hoa Sen nhiệm kỳ 2017-2022.
Được biết, ông Trương Nguyện Thành sinh năm 1962 tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, là tiến sĩ khoa học ngành hóa và tính toán do Trường ĐH Minnesota (Hoa Kỳ) cấp năm 1990. Trong quá trình công tác ông tham gia giảng dạy tại ĐH Utah (Hoa Kỳ) từ năm 1992-2002, tham gia công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa hóa của ĐH này.
Ngoài ra, ông Thành cũng từng là Viện trưởng Khoa học của Viện Khoa học và công nghệ tính toán (thuộc Sở Khoa học công nghệ TPHCM) từ tháng 11/2007 đến tháng 6/2017. Từ ngày 17/1/2017 tới nay ông giữ chức phó hiệu trưởng điều hành của trường ĐH Hoa Sen.
Vào tháng 4 năm ngoái, ông Thành từng khiến dư luận xôn xao khi mặc quần soóc, áo thun giảng bài cho sinh viên. Thời điểm đó có nhiều tranh luận trái chiều về việc này trong đó đa phần cho rằng không phù hợp với hình ảnh người thầy.
Tuy nhiên, lúc đó ông Thành cho biết, đây là hình ảnh xuất hiện trong buổi học ông dạy sinh viên về khả năng sáng tạo. Muốn phát huy khả năng sáng tạo, thì phải đánh vào điểm nhấn là gỡ bỏ hết định kiến, và giới hạn tư tưởng mà trước đó mọi người nghĩ phải đi một con đường nào đó. Do vậy, trong buổi học ông đã sử dụng trang phục này. Còn bình thường ông ăn mặc, làm việc nghiêm chỉnh và không làm hay nói điều gì gây sốc.
Lan Phương
Theo Dân trí
Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học: Sửa đổi hợp lý về chức danh Giảng viên
Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có một số nội dung đáng chú ý liên quan đến giảng viên, liên quan đến chức danh giảng dạy, trình độ chuẩn của chức danh giảng viên...
Ảnh minh họa/internet
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung về "Giảng viên" có nội dung: Chức danh của giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư. Giảng viên đã được công nhận đạt chuẩn chức danh theo quy định thì được hiệu trưởng bổ nhiệm chức danh giảng viên theo quy định của pháp luật và quy định của cơ sở giáo dục đại học.
Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên; trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người đã đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và người có trình độ tiến sĩ.
Theo TS Tôn Quang Cường - Phó chủ nhiệm khoa phụ trách Khoa Sư phạm (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) - ở đây cần phân biệt rõ giữa các phạm trù: chức danh khoa học hoặc giảng dạy, trình độ (học vị được công nhận) và các nhiệm vụ đặc thù đối với hoạt động dạy học và vị trí việc làm ở đại học (do cơ sở qui định).
Như vậy, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung, trong nhóm chức danh của giảng viên, phó giáo sư, giáo sư được ghép vào một hạng "sau giảng viên chính". Nếu theo logic này thì phó giáo sư, giáo sư sẽ không còn là "chức danh khoa học" nữa mà sẽ phải gắn chặt với hoạt động giảng dạy ở bậc đại học. Như vậy toàn bộ yêu cầu, điều kiện, qui trình xét công nhận và bổ nhiệm phó giáo sư, giáo sư sẽ phải thay đổi căn bản so với hiện nay.
TS Tôn Quang Cường cho biết: Theo thông lệ ở nước ngoài, đối với mỗi vị trí giảng dạy ở đại học đều có những yêu cầu, qui định, và đặc biệt là có các mô tả công việc, vị trí việc làm rất rõ ràng. Cá nhân có thể căn cứ vào đó để đăng kí làm việc sao cho phù hợp với học vị, năng lực, định hướng phát triển nghề nghiệp của bản thân. Sở dĩ họ làm được như vậy là do có "thị trường nhân lực" khá linh hoạt và tự do.
Ở ta từ trước đến nay thường là chọn người rồi giao việc. Mà chọn người thì căn cứ vào các "minh chứng năng lực" - văn bằng. Mức độ phức tạp, áp lực và độ khó của công việc được giao (giảng dạy và nghiên cứu) thường được căn cứ vào những qui định mang tính hành chính, pháp lí hay học vị của cá nhân. Điều này đôi khi dẫn đến một thực tế chưa đạt được sự cân bằng giữa kết quả sản phẩm thực hiện với những "minh chứng năng lực" mà giảng viên đang sở hữu!
Khẳng định yêu cầu về trình độ tối thiểu của giảng viên đại học để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy các bậc tương ứng như trong dự thảo là hợp lí, TS Tôn Quang Cường cũng cho rằng, có thể trong bối cảnh hiện nay, một số cơ sở đào tạo còn có áp lực, thách thức nhưng phải tiến đến việc tất cả giảng viên đại học đều phải có học vị tiến sĩ (tham khảo Khung trình độ quốc gia) và một số điều kiện kèm theo khác.
Nói điều này không phải là việc các trường sẽ ồ ạt "nâng cấp", "chuẩn hóa" tiến sĩ mà cần có một chiến lược xây dựng, phát triển định hướng ngay từ đầu: từ việc xây dựng chương trình, mô tả vị trí việc làm...đến qui hoạch, tuyển dụng đội ngũ.
Tiến đến hình thành một "thị trường" lao động đặc biệt cho phép sử dụng, trao đổi, luân chuyển linh hoạt nguồn nhân lực chất lượng cao này. Tóm lại có thể diễn đạt nôm na như thế này về danh phận giảng viên đại học: "tiến sĩ thì cả đời", "giáo sư của đại học cụ thể", "việc làm thì mọi nơi".
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai.vn
TP.HCM: Đề nghị đình chỉ cô giáo hỏi trẻ "là người hay thú?" Sở GD-ĐT TP.HCM vừa yêu cầu Chủ tịch UBND Quận 1 đình chỉ cô giáo Trần Thị Bích Ngọc, giáo viên tại lớp Lá 1, Trường Mầm non 30/4 liên quan đến sự việc phụ huynh phản ánh cô Ngọc liên tục bạo hành trẻ. Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, liên quan đến thông tin cô...