Đề nghị có thể dừng thi THPT quốc gia năm nay
Nhiều ý kiến cho rằng nếu tình trạng nghỉ học kéo dài, Bộ GD-ĐT có thể tính đến việc dừng thi THPT quốc gia năm nay, cho phép các trường xét tốt nghiệp THPT.
Học sinh lớp 12 tỉnh Bến Tre trở lại trường sau kỳ nghỉ vì dịch trong khi nhiều tỉnh thành khác tiếp tục cho nghỉ học – Ngọc Dương
Ngày 13.3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ ký văn bản hỏa tốc gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thông báo về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 – 2020 (lần 2).
Việc Bộ GD-ĐT tiếp tục điều chỉnh khung kế hoạch thời gian kết thúc năm học vào giữa tháng 7 được các địa phương và nhà trường cho rằng đó là đòi hỏi tất yếu vì đến nay có địa phương đã cho học sinh (HS) nghỉ hết tháng 3.
Không cần dạy bù nếu kết thúc năm học 15.7
Với việc điều chỉnh thời gian năm học theo quy định của Bộ, bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), cho biết việc học của HS không bị ảnh hưởng nếu diễn biến dịch ổn định và HS trở lại trường vào ngày 6.4.
Bà Hồng Chương lý giải theo phân phối chương trình, học kỳ 2 có 18 tuần trong đó 17 tuần thực học và 1 tuần dự trữ. HS đã thực hiện được 2 tuần của học kỳ 2 trước thời gian nghỉ tết và theo thông thường, sau tết, HS sẽ tiếp tục vào học tuần thứ 3. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, HS sẽ nghỉ hết ngày 5.4 như vậy, nếu tình hình ổn định HS trở lại trường và tiếp tục học tuần thứ 3 vào ngày 6.4. Việc điều chỉnh thời gian kết thúc năm học vào ngày 15.7 của Bộ là hợp lý, HS không phải học bù.
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), nói rằng theo lịch kết thúc năm học trước 15.7, HS khối 10 và 11 đảm bảo đủ số tuần thực hiện chương trình nên không phải dạy bù, quan trọng nhất là chỉ đạo thực hiện tinh giản kiến thức và thời gian kiểm tra học kỳ 2. Riêng HS khối 12, có đôi chút khó khăn do hằng năm chương trình lớp 12 được kết thúc đầu tháng 4, sau đó kiểm tra học kỳ 2 và chuyển sang ôn tập thi THPT (khoảng 7 tuần). Năm nay kết thúc vào giữa tháng 7, HS chỉ có khoảng 3 tuần ôn tập. Để có thể đạt kết quả tốt, HS cần tận dụng thời gian nghỉ chống dịch này để ôn lại kiến thức học kỳ 1, kiến thức lớp 10 và 11 trước.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết căn cứ vào những điều chỉnh, quy định của Bộ GD-ĐT mới ban hành, Sở sẽ có những hướng dẫn cụ thể đối với từng bậc học, đặc biệt trong đó sẽ xây dựng phương án sao cho HS các lớp cuối cấp có điều kiện tốt nhất để hoàn thành chương trình cũng như đáp ứng các kỳ thi quan trọng. Riêng về kỳ thi tuyển sinh lớp 6 và lớp 10, từ thời gian kết thúc năm học và lịch thi THPT quốc gia, TP.HCM sẽ tính toán phương án tịnh tiến về thời gian sao cho tương ứng, phù hợp. Những năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thường được Sở GD-ĐT tổ chức ngay sau khi HS lớp 9 kết thúc năm học và tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thực hiện tiếp sau đó khoảng 1 tuần.
Dời thi THPT quốc gia sang tháng 8 là đã hết “đường lùi” ?
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục TP.Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng việc điều chỉnh này là phù hợp nếu HS nghỉ học hết tháng 3, hoặc thêm 1 tuần của tháng 4. Tuy nhiên, điều mà ông Tùng Lâm lo lắng là nếu dịch bệnh còn diễn biến theo chiều hướng phức tạp như hiện nay thì không biết sang tháng 4, việc trở lại trường của HS có khả thi? Nếu phải lùi tiếp thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian của năm học tiếp theo. Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào gần giữa tháng 8, phải mất thêm 1 tháng nữa để chấm thi, công bố kết quả thi, xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh ĐH… đồng nghĩa việc sang đến ít nhất nửa đầu tháng 9, trong khi khai giảng năm học mới đã được ấn định là ngày 5.9.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Marie Curie (Hà Nội), cho rằng điều chỉnh lần 1 khi HS nghỉ 1 tháng thì Bộ lùi 1 tháng; hiện nay HS nghỉ 2 tháng, Bộ lùi 1,5 tháng và các trường phải “dùng” hết 2 tuần dự trữ mới kịp dạy hết chương trình. Nếu phải nghỉ sang tháng thứ 3, hoặc 3 tháng trở lên, thì sẽ “kịch khung” và ảnh hưởng tới kế hoạch năm học sau.
Video đang HOT
Cần tính đến cả phương án xét tốt nghiệp THPT ?
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm vì sức khỏe và an toàn tính mạng của HS được đặt lên hàng đầu nên nếu không kịp thì tính đến việc kể cả Bộ có thể dừng thi THPT quốc gia năm nay. Nếu vẫn phải có tấm bằng tốt nghiệp THPT thì Bộ cần tính toán để đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép các trường xét tốt nghiệp THPT trong năm nay, khi mà dịch bệnh xảy đến bất ngờ buộc chúng ta phải có giải pháp đặc thù để ứng phó.
“Bộ cần phải tính đến tất cả tình huống, các kịch bản tương ứng, chứ không nhất thiết phải làm một cách tuần tự như các năm trước”, ông Lâm nói và cho rằng về xét tuyển ĐH thì sẽ giao cho các trường, họ có quyền xét học bạ hoặc bổ sung thêm các cách đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp, chứ không nhất thiết phải lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Kết thúc năm học 15.7, thi THPT quốc gia từ 8 – 11.8
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT tiếp tục điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 – 2020: thời gian kết thúc năm học trước ngày 15.7, thay vì trước ngày 30.6 như quyết định trước đó. Thời gian thi THPT quốc gia từ 8 – 11.8, thay vì thi vào các ngày 23 – 26.7 như đã thông báo. Trên cơ sở khung kế hoạch thời gian này, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chủ động quyết định thời gian cho HS đi học trở lại, bảo đảm an toàn, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.
Tuyết Mai
Ông Đỗ Hoàng Sơn, một chuyên gia của Liên minh Giáo dục STEM, cũng đề xuất Bộ GD-ĐT nên cho HS lớp 12 năm nay tốt nghiệp THPT theo kết quả của 5 học kỳ đã qua. Trường ĐH có thể tuyển sinh theo học bạ và phỏng vấn, kiểm tra… để tuyển sinh theo nhiều đợt khác nhau.
Cần điều chỉnh nội dung đề thi
Cũng theo ông Tùng Lâm, nếu kịp thi THPT quốc gia trong tháng 8 thì Bộ cũng nên tính đến việc điều chỉnh nội dung đề thi, không nên quá dàn trải hết chương trình như lâu nay vẫn làm.
“Việc này không phải là ứng phó với dịch bệnh mà đã đến lúc chúng ta cần thay đổi về cách ra đề thi, làm thế nào để đánh giá được phương pháp tư duy, năng lực của HS, đánh giá được khả năng vận dụng của HS trong từng nội dung học tập, chứ không phải để kiểm tra khối lượng kiến thức”, ông Tùng Lâm nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, cho rằng việc lùi kỳ thi sang tháng 8 là đáp ứng nguyện vọng của các trường đến thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, đề thi THPT quốc gia năm nay cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn, đặc biệt, năm nay Bộ chủ trương không ra đề minh họa thì cần có hướng dẫn ôn tập cụ thể, chi tiết để các trường làm căn cứ tổ chức ôn thi cho HS.
Trường ĐH bị ảnh hưởng gì ?
Việc Bộ GD-ĐT quyết định lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia qua đầu tháng 8 ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch tuyển sinh của các trường ĐH.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Nếu kỳ thi này diễn ra vào đầu tháng 8, khả năng đến tháng 10 các trường ĐH mới gọi được thí sinh trúng tuyển. Năm học mới 2020 – 2021 sẽ bắt đầu muộn hơn mọi năm”.
Theo trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM, năm nay dù các trường tuyển sinh bằng nhiều phương thức khác nhau nhưng phần lớn chỉ tiêu vẫn dựa vào điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển của kỳ thi này. Kể cả các phương thức xét tuyển khác, thí sinh muốn trúng tuyển đều phải trải qua kỳ thi này và được công nhận đỗ tốt nghiệp THPT. Do vậy, các trường sẽ phải dời thời gian xét tuyển các phương thức tiệm cận với thời gian lùi kỳ thi này.
Hà Ánh
Theo thanhnien
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng: Đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh khối 12 sẽ bước vào học kỳ 2 và đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm 2020.
Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ giữ nguyên hình thức xét tuyển như năm 2019, tuy nhiên với một số ngành, Bộ sẽ siết chặt để đảm bảo chất lượng đầu vào, tạo thuận lợi cho quá trình đào tạo và nâng cao chất lượng đầu ra.
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết:
- Cơ chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngày càng "mở", tạo thuận lợi cho các trường tuyển sinh lẫn thí sinh có nguyện vọng xét tuyển. Dù cơ chế mở nhưng các trường muốn khẳng định được uy tín thì phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, còn thí sinh phải cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi đặt bút ghi nguyện vọng xét tuyển sao cho hợp với sở trường, sở thích để tương lai không bị "chệch hướng".
* Thưa bà, Bộ GD-ĐT đã cam kết giữ ổn định công tác thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng trong nhiều năm. Vậy Bộ sẽ thực hiện cam kết này như thế nào trong năm 2020 này?
- Bộ GD-ĐT đã cam kết từ năm 2017-2020 sẽ giữ ổn định trong công tác thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng. Do đó năm 2020 này, các trường THPT và thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm, chỉ cần nghiên cứu kỹ quy chế thi và tuyển sinh trong 3 năm trở lại đây là có đầy đủ thông tin cần thiết. Bộ sẽ có thay đổi nhỏ trong khâu tuyển sinh nhưng không đáng lo, chủ yếu là để đảm bảo việc xét tuyển chặt chẽ hơn, chất lượng hơn chứ không ảnh hưởng đến khâu chuẩn bị ôn tập, thi cử.
* Học sinh lớp 12 năm nay đang chờ bộ đề thi minh họa để hình dung cấu trúc đề thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ như thế nào. Vậy khi nào Bộ sẽ giới thiệu bộ đề thi minh họa, thưa bà?
- Năm 2020, quy chế thi THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ tiếp tục được giữ ổn định, do đó không nhất thiết Bộ phải ra thêm bộ đề thi minh họa. Học sinh muốn biết cấu trúc đề thi THPT quốc gia năm 2020 như thế nào có thể tham khảo đề thi minh họa và đề thi chính thức năm 2017-2019 để hình dung và định hướng ôn tập cho mình. Cấu trúc đề thi năm 2020 cũng sẽ không thay đổi, kiến thức ra đề thi vẫn nằm chủ yếu ở sách giáo khoa lớp 12.
* Bà có thể cho biết những lưu ý đối với thí sinh khi đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020?
- Việc đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020 sẽ có nhiều thuận lợi cho thí sinh vì Bộ GD-ĐT chủ trương duy trì quy chế ổn định, không có thay đổi nào lớn. Thí sinh chỉ cần nghiên cứu kỹ quy chế cũ, nghiên cứu các ngành nghề dự kiến đăng ký xét tuyển, xem xét những ngành đó có thực sự phù hợp, điều kiện kinh tế của gia đình có thể theo đuổi ngành đó hay không, cơ hội trúng tuyển ra sao...
Học sinh tìm hiểu các ngành đào tạo trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Ảnh: C.Nghĩa
* Thưa bà, hiện nay rất nhiều trường áp dụng tuyển sinh bằng học bạ THPT thay vì xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Liệu hình thức tuyển sinh này có đảm bảo chất lượng đầu vào lẫn đầu ra của các trường đại học, cao đẳng?
- Hiện nay, cơ chế tuyển sinh là cơ chế mở, Bộ GD-ĐT đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng. Có trường xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, có trường xét tuyển bằng học bạ THPT, có trường lại xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực và có trường áp dụng cả 3 hình thức trên.
Đặt câu hỏi liệu tuyển sinh bằng học bạ có đảm bảo chất lượng đầu vào hay không thì tôi cho rằng, điểm ghi trong học bạ đã được các thầy cô đánh giá phân loại, nếu các trường đại học, cao đẳng cảm thấy tin cậy thì dùng xét tuyển. Điểm ghi trong học bạ khác với điểm thi THPT ở chỗ điểm học bạ chỉ đánh giá mặt bằng chung ở một trường, việc so sánh mặt bằng chung ở một trường sẽ khác với mặt bằng chung của các trường. Chính vì điều này mà các trường khi xét tuyển bằng học bạ phải rất lưu ý để đảm bảo công bằng giữa thí sinh dùng học bạ và thí sinh dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, các trường muốn chứng minh uy tín của mình với xã hội thì phải coi trọng toàn diện từ khâu tuyển sinh đến đào tạo; chất lượng tuyển sinh tốt sẽ tác động đến quá trình đào tạo. Nếu chạy theo số lượng tuyển sinh mà không chú ý đến chất lượng tuyển sinh thì có thể để lại nhiều hệ quả cho uy tín của trường và tương lai của thí sinh.
* Để thí sinh có nhiều lựa chọn các ngành nghề, Bộ vẫn sẽ giữ nguyên quy định thí sinh không bị hạn chế số nguyện vọng. Tuy nhiên, theo bà, thí sinh nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là hợp lý?
- Đúng là Bộ không hạn chế số lượng nguyện vọng khi thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Nghĩa là thí sinh muốn đăng ký bao nhiêu nguyện vọng đều được, tuy nhiên theo tôi, để tránh bị phân tán tư tưởng, thí sinh chỉ nên đăng ký từ 4-5 nguyện vọng là đủ. Những nguyện vọng đã đặt bút đăng ký thì phải cân nhắc rất kỹ, trong đó có những nguyện vọng trọng tâm nhưng nhìn chung phải phù hợp với sở trường, học lực, điều kiện kinh tế của gia đình.
* Năm nay, Bộ dự kiến sẽ tiếp tục siết chặt tuyển sinh với ngành sư phạm, vì sao thưa bà?
- Ba năm trước, Bộ GD-ĐT đã quy định, chỉ những học sinh có kết quả học bạ THPT loại khá trở lên mới được xét tuyển vào ngành sư phạm nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên tốt hơn. Việc siết chặt quy chế tuyển sinh với ngành sư phạm được xã hội đồng thuận. Năm 2020, Bộ tiếp tục có thêm động thái trong tuyển sinh ngành sư phạm khi yêu cầu các trường sư phạm dừng tuyển sinh hệ trung cấp sư phạm, đối với hệ cao đẳng sư phạm thì chỉ được tuyển hệ cao đẳng mầm non, các ngành cao đẳng sư phạm khác tạm dừng tuyển sinh. Nếu như chỉ học sinh khá, giỏi mới được xét tuyển vào ngành sư phạm là để đảm bảo chất lượng đào tạo thì việc hạn chế tuyển sinh ở một số bậc sư phạm chính là để điều tiết lại nhu cầu tuyển dụng giáo viên của xã hội trong tình hình mới, tránh bị dư thừa, gây lãng phí trong quá trình đào tạo.
* Xin cảm ơn bà!
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ: "Vào đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai, rớt tốt nghiệp THPT vẫn còn nhiều lựa chọn khác, chỉ cần mình thực sự có quyết tâm là được. Rớt tốt nghiệp thì có thể thi lại vào năm sau, trong thời gian chờ thi lại, thí sinh có thể dùng giấy xác nhận hoàn thành chương trình THPT để đăng ký đi học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thực tế cơ hội học nghề là rất rộng mở, học nghề xong vẫn có thể tự tạo việc làm, lập nghiệp ngay tại quê hương mình".
Công Nghĩa (thực hiện)
Theo baodongnai
Học sinh cử tuyển đạt đủ điểm sàn sẽ không cần qua dự bị ĐH, CĐ Học sinh thuộc đối tượng cử tuyển nếu thi THPT quốc gia đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ sẽ được ưu tiên chuyển ngay vào đào tạo chính thức mà không phải qua học dự bị ĐH, CĐ. Công tác cử tuyển được quy định tại Điều 87 Luật Giáo dục 2019 có một số thay đổi. Bộ GD-ĐT...