Để học sinh dân tộc hòa nhập không hòa tan
Học sinh dân tộc mang nhiều nét văn hóa, truyền thống. Điều đó đòi hỏi nhà trường, thầy cô trong công tác nuôi dạy sự linh hoạt, thấu hiểu, sẻ chia.
Vừa làm mẹ vừa làm thầy.
Linh hoạt giải pháp
Cô Nguyễn Thùy Giao, Phó hiệu trưởng Trường THPT A Túc (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã gắn bó lâu năm cùng giáo dục học sinh dân tộc Vân Kiều, Pa Cô chia sẻ: Các em thường sống theo phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, bên cạnh phong tục truyền thống đẹp còn tồn tại phong tục lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống hiện đại.
Chính vì vậy, những năm trước đây nhà trường và giáo viên chủ nhiệm khá vất vả trong công tác duy trì sĩ số. Một số học sinh mới chỉ học lớp 10, 11 nhưng đã bỏ học để lấy vợ, chồng theo tập quán cũ. Cùng đó là tình trạng vào ngày mùa hay dịp lễ hội học sinh tự động nghỉ, bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình, đi Sim (nam nữ tìm hiểu), vui chơi hội hè…
Để hạn chế tối đa tập tục không phù hợp, nhà trường, giáo viên chủ động tìm ra giải pháp linh hoạt, phù hợp. Trước hết xác định học sinh dân tộc về cơ bản khá ngoan, hiền lành nhưng thiếu tự tin, tiếp thu chậm và giao tiếp kém. Do đó tập trung tăng cường giáo dục về kĩ năng sống, kiến thức xã hội giúp các em tự tin, sống văn minh hơn. Khi nhận thức đúng, đầy đủ các vấn đề xã hội học sinh sẽ chuyển biến tích cực, chủ động loại bỏ hủ tục, giữ lại những nét văn hóa bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Do đi đúng hướng và trọng tâm vấn đề giáo dục, làm tốt công tác tuyên truyền nên hiện nay nhiều hủ tục trong học sinh dân tộc đã cơ bản chấm dứt. Các em khi tới trường không chỉ học kiến thức mà còn được giáo dục kĩ năng sống, lối sống văn minh, tích cực đồng thời biết giữ gìn phát huy những bản sắc dân tộc truyền thống tốt đẹp.
Từ thực tế giáo dục học sinh dân tộc trong các trường nội trú, bán trú cho thấy thầy cô phải trở thành “cha mẹ” thứ hai ở trường, đủ kiên nhẫn, quan tâm, thấu hiểu… để chỉ bảo học trò từ lời ăn tiếng nói, đến cách sống, sinh hoạt trong cách sống hàng ngày.
Tại Trường PTDTNT Hương Khê (Hà Tĩnh), giáo viên làm công tác chủ nhiệm nhiều lớp của học sinh dân tộc Chứt chia sẻ: Học sinh dân tộc Chứt lối sống hoang dã còn lưu lại trong tác phong, thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Khi mới nhập trường nhiều em thích chạy nhảy, leo trèo, bốc đất, ném đá, đánh lộn. Thậm chí có em leo cây bàng trong trường hái quả ăn thích thú, nhai giấy bút chì như nhai kẹo, vào lớp học khó tập trung, chạy nhảy nhộn nhạo, khó ngồi yên một chỗ, trong giờ học tự nhiên nói chuyện bằng tiếng dân tộc.
Đặc biệt, các em không có thói quen ngủ trưa mà thường đùa nghịch, rượt đuổi nhau trong khu nội trú. Đến nhà ăn thay vì ngồi bàn, ăn bằng bát đũa lại ngồi phệt dưới đất, ăn bốc bằng tay…
Tìm giải pháp giúp học sinh dân tộc hòa nhập nhưng không cảm thấy đột ngột bởi cách sống, môi trường sống đã được Ban giám hiệu nghiên cứu. Trước hết dựa trên đặc tính, trường đã chuyển đổi sang một số thức ăn học sinh dân tộc Chứt thích ăn như ngô nướng, khoai nướng, hoa quả tươi… hàng tuần để phù hợp với khẩu vị. Từ đó thói quen ăn quả bàng, nhai bút chì, nhai giấy dần dần loại bỏ.
Video đang HOT
Với học sinh dân tộc cần thấu hiểu để sẻ chia và có phương giáo dục phù hợp. Ảnh: Đức Trí
Trong sinh hoạt tập thể hàng ngày, giáo viên trực tiếp hướng dẫn học sinh cách vệ sinh, lau chùi nhà cửa, dọn phòng ngăn nắp. Nhà trường ngoài xây dựng phòng truyền thống, sưu tập dụng cụ lao động, nhạc cụ, trang phục đồng bào dân tộc còn khuyến khích học sinh giữ gìn bản sắc dân tộc mình.
Cụ thể như, lớp có học sinh dân tộc Chứt vận động mặc trang phục dân tộc mình. Các ngày lễ như: lấp lỗ, lấy mật ong, cúng đầu nguồn đầu rừng hàng năm… tổ chức cho học sinh về thăm bản, giáo viên chủ nhiệm tham gia cùng bà con dân tộc Chứt những ngày này. Vào dịp tết tổ chức đốt lửa trại tại trường, học sinh dân tộc nhảy múa, hát ca những tiết mục đặc sắc truyền thống…
Tại Trường Tiểu học số 1 Mường Mươn (Mường Chà, Điện Biên) Ban giám hiệu chia sẻ: Học sinh bán trú phần lớn thuộc dân tộc Thái, Dao. Các em có thói quen ăn nhạt, chua không ăn mặn, thích ăn rau xanh thuộc loại củ quả. Trong sinh hoạt hàng ngày các em còn khá lộn xộn, bừa bãi…
Nắm được đặc tính này, nhà trường đã tăng cường chất lượng công tác bán trú theo hướng khẩu vị với học sinh, đồng thời hình thành cho các em nếp sinh hoạt gọn gàng, sạch sẽ…
Vừa làm cha mẹ vừa làm thầy
Đội ngũ giáo viên đang hàng ngày gắn bó với học sinh dân tộc đều khẳng định chìa khóa đưa tri thức đến học trò là sự kiên nhẫn, thấu hiểu, chia sẻ. Mỗi thầy cô phải như cha mẹ, quan tâm không ngừng để tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với bản sắc, phong tục tập quán, tâm lý và thực tế nơi các em sinh ra.
Cô Vũ Thị Ý, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) cho rằng loại bỏ hủ tục trong đời sống sinh hoạt cho học sinh dân tộc hiệu quả nhất là chỉ ra tác hại, hậu quả ảnh hưởng trực tiếp đến các nhân, đồng thời chỉ ra tương lai khi được học hành đầy đủ, nhận thức đúng đắn, có lối sống văn minh…
Trên cơ sở đó khơi gợi niềm tin của học sinh, phụ huynh vào giáo dục. Khi có niềm tin, học trò sẽ học tập tự giác, chủ động hơn. Việc duy trì tỉ lệ chuyên cần cũng đòi hỏi giáo viên kiên nhẫn, tận tâm, bám lớp, quan tâm thường xuyên đến từng học sinh. Từ những phân tích, lý giải thiết thực, gần gũi sẽ tạo ra cho các em niềm tin và thấy được sự cần thiết của học tập, thay đổi tích cực…
Giúp học sinh dân tộc hòa nhập trong môi trường mới để học tập, phát triển toàn diện. Ảnh: Đức Trí
Thầy Nguyễn Tiến Công, Hiệu trưởng Trường Tiểu học PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) cũng cho rằng phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại trong học sinh dân tộc khiến nhiệm vụ người thầy vất vả hơn. Hành trình mang kiến thức đến người học luôn đòi hỏi người dạy phải bắt đầu bằng giải thích, vận động và gieo niềm tin vào tri thức.
“Vẫn còn những hủ tục tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của học sinh dân tộc nên suy nghĩ, lối sống của các em bị ảnh hưởng. Do đó, giáo dục làm sao để các em hiểu biết hơn, hạn chế hủ tục nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc là yêu cầu không dễ dàng. Nó đòi hỏi thầy cô giáo của học sinh dân tộc không ngừng tìm tòi, rút kinh nghiệm, có phương pháp cách làm hiệu quả. Từ đó giúp học trò tiến bộ, hòa nhập mà không hòa tan, mất bản sắc…”, thầy Công trao đổi.
“Với người thầy gắn bó với công tác giáo dục dân tộc thì việc tiếp xúc, thấu hiểu để giữ gìn bản sắc văn hóa là điều không thể thiếu. Chỉ khi nào có được phương pháp giáo dục sáng tạo, phù hợp… mới mang lại hiệu quả giáo dục mong muốn. Và hơn thế, qua đó giáo dục học trò lòng biết ơn, cảm phục, hình thành tấm lòng cao cả, nhân văn từ những người thầy…”, cô Bùi Thị Minh Khuyên, trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu)
Nhiều thách thức từ dạy học song ngữ
Việc triển khai giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ có ý nghĩa quan trọng với học sinh dân tộc, song thực tế còn nhiều tồn tại thách thức.
Cần áp dụng nhiều phương pháp dạy học với học sinh dân tộc.
Đòi hỏi nỗ lực người thầy
Không như học sinh người Kinh, trước khi vào Mầm non đa số học sinh dân tộc thiểu số chưa thể sử dụng được tiếng Việt. Khi vào mầm non, mẫu giáo được sự giáo viên chăm sóc, giao tiếp bằng tiếng Việt nên có kiến thức ban đầu về tiếng Việt, sử dụng được những mẫu hội thoại đơn giản, có kỹ năng cơ bản nghe, nói. Nhưng vì nhiều lý do không theo các em bước vào lớp 1.
Cô Ôn Thị Lý, giáo viên trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ, Hà Giang) nơi học sinh trên 90% là người dân tộc (đa số là dân tộc Mông) nhận ra thực tế trong sinh hoạt gia đình, cộng đồng, phụ huynh và học sinh dân tộc cơ bản sử dụng tiếng mẹ đẻ nên bước ra thế giới bên ngoài, tới trường lớp... tiếng Việt trở thành ngôn ngữ thứ hai của học sinh.
Trong quá trình lên lớp, việc giao tiếp thông thường với thầy cô giáo của nhiều học sinh lớp 1 còn khó khăn, thậm chí nhiều em không thể tương tác qua ngôn ngữ. Do đó việc nghe giảng kiến thức các môn học khác nhau bằng tiếng Việt còn nhiều hạn chế, dẫn tới ảnh hưởng tới hiệu quả dạy học.
"Khi đến trường lớp, sinh hoạt trong môi trường xa lạ với ngôn ngữ giao tiếp chưa vững dẫn tới tâm lý rụt rè, e sợ. Đây cũng trở thành rào cản tiếp thu và hứng thú học tập của học sinh dân tộc. Do đó, hạn chế về tiếng Việt của học sinh cũng chính là thách thức, trách nhiệm đặt lên người thầy trong quá trình dạy học...", cô Lý trao đổi.
Nhiều thầy cô đang giảng dạy cho học sinh dân tộc cũng cho rằng việc học và sử dụng thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ của học sinh là điều gần như bắt buộc đối với họ. Trong lớp học có 2-3 thành phần học sinh dân tộc thì giáo viên cũng phải biết và sử dụng tốt ngần ấy ngôn ngữ.
Chỉ khi nào hiểu được ngôn ngữ của học sinh, hiểu bản sắc, tính cách, văn hóa dân tộc.. thì khi ấy dạy học mới hiệu quả. Giáo viên mới có thể áp dụng các phương pháp, có cách ví dụ, minh họa giải thích phù hợp nhất đưa kiến thức tới học trò.
theo thầy Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) trong 2 năm bùng nổ dịch bệnh Covid-19, nhiều thời điểm học sinh phải tạm dừng tới trường, do đó thói quen sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ (đặc biệt với học sinh lớp 1) đã ảnh hưởng nhiều tới việc giao tiếp bằng tiếng Việt, quên kiến thức tiếng Việt.
Mặt khác, khi trở lại học tập, học sinh thụ động, thiếu linh hoạt trong học tập lẫn cuộc sống. Điều đó khiến giáo viên vất vả trong việc bù lại kiến thức cũ, củng cố tiếng Việt đối với học sinh lớp nhỏ (lớp 1,2) giúp hoạt động học tập hiệu quả.
Học sinh dân tộc học tốt hơn khi thông thạo tiếng Việt.
"Với giáo viên bình thường vất vả 1 thì những thầy cô giáo dạy học sinh dân tộc vất vả 4-5 phần. Ngoài việc chuẩn kĩ năng kiến thức, phải song hành với củng cố tiếng Việt. Trước những khó khăn, thách thức của nghề nghiệp luôn đòi hỏi giáo viên sự kiên trì, nhẫn nại bên cạnh tình yêu thương với học trò để có thể chèo lái con thuyền tri thức cập bến...", cô Ôn Thị Lý chia sẻ.
Còn nhiều thách thức
Đến nay hiệu quả của chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đã đạt được hiệu quả đáng khích lệ ở một số tỉnh. Tuy nhiên, còn không ít rào cản từ thực tế.
Trước hết đặc thù của vùng dân tộc miền núi, đặc biệt các địa phương vùng sâu vùng xa về địa hình, giao thông, cơ sở hạ tầng và các điều kiện kinh tế xã hội... trở thành thách thức lớn đối với phát triển giáo dục dân tộc.
Trình độ, số lượng đội ngũ giáo viên tham gia chương trình giáo dục song ngữ còn hạn chế; số giáo viên có trình độ về tiếng mẹ đẻ (tiếng dân tộc) có song cơ bản là những giáo viên lớn tuổi nên việc vận dụng phương pháp tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai) cũng cho rằng việc dạy học cho học sinh dân tộc thiểu số phải do chính giáo viên địa phương đảm nhiệm sẽ mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên trình độ chuyên môn của số giáo viên người địa phương đạt chuẩn còn thấp nên việc giảng dạy chưa mang lại được hiệu quả như mong muốn.
Khi giáo viên chưa vững kiến thức tiếng Việt thì việc truyền tải đến cho học sinh chắc chắn khó đạt hiệu quả. Dù các nhà trường, địa phương đã tích cực bồi dưỡng, tập huấn trình độ giáo viên dân tộc dạy học sinh dân tộc nhưng vẫn cần tiếp tục chuẩn hóa, nâng cấp.
Giúp học sinh củng cố tiếng Việt từ nhiều phương pháp, hình thức giáo dục.
Từ thực tế cũng cho thấy, trong khi nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên lớn và cấp bách thì kế hoạch, chương trình, chuẩn nội dung, cơ sở đào tạo giáo viên dạy chương trình song ngữ vẫn còn là thách thức ở các địa phương.
Bên cạnh đó, với tính chất đặc thù của tiếng dân tộc (Jrai, Khmer; Mông... tại một số địa phương như Lào Cai, Gia Lai, An Giang) còn những khó khăn nhất định trong việc biên soạn chương trình, hướng dẫn giảng dạy. Dẫn đến giáo viên lúng túng trong việc lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp.
Ngoài ra, giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ với học sinh dân tộc mới chỉ thực hiện được ở các lớp có học sinh thuộc cùng một dân tộc thiểu số trong khi đại bộ phận các địa phương vẫn còn sự đan xen về cư trú của nhiều thành phần dân tộc. Giáo dục đa ngôn ngữ và công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên có năng lực đa ngôn ngữ vẫn là vấn đề khó với ngành giáo dục các địa phương hiện nay.
Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ có ý nghĩa quan trọng với học sinh dân tộc. Đây là hướng tiếp cận góp phần khắc phục hạn chế rào cản về ngôn ngữ đối với trẻ em đồng thời từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.
'Chìa khóa' nâng cao chất lượng học sinh vùng miền núi, dân tộc Trường PTDTNT Quảng Trị từng bước khẳng định chất lượng giáo dục, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, thi đỗ các trường ĐH, CĐ tương đối cao. Chất lượng dạy và học tại Trường PTDTNT Quảng Trị dần nâng lên. Vượt khó đào tạo học sinh vùng dân tộc Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Quảng Trị nằm trong...