Đề Hóa không khó
Học sinh ban A chỉ cần 30 phút để hoàn thành bài thi môn Hóa, còn học sinh ban C, D cũng không thấy khó khăn khi làm bài thi trắc nghiệm môn này.
Học sinh vui vẻ sau giờ thi môn Hóa ở điểm thi THPT Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Quý Đoàn.
Ở điểm thi THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), thí sinh kết thúc 60 phút làm bài thi môn Hóa với tâm trạng vui vẻ. Nhiều em cho biết, từ lúc phát đề cho đến khi tính giờ làm bài đã tranh thủ làm được một nửa đề thi.
Tống Duy Minh, lớp 12 Toán (THPT Hà Nội – Amsterdam) nhận định, với học sinh ban A thì đề thi quá dễ, thời gian làm bài thừa nhiều. “Em chỉ mất mười phút đầu tiên để làm bài thi của mình. Phần lý thuyết khá nhiều và phần công thức hóa học, bài tập tính toán cũng không làm khó học sinh”, Minh nói.
Còn với học sinh ban D như Hoàng Thanh Vân (lớp 12A2, THPT Nguyễn Siêu) thì 60 phút đủ để em làm bài. Vân không tập trung nhiều để ôn thi Hóa, song em vẫn hoàn thành bài thi và tự tin đạt điểm khá.
TP HCM những ngày này trời liên tục mưa lớn, sau khi thi xong môn Hóa các thí sinh tại hội đồng thi THPT Phú Nhuận lại nháo nhác chạy tránh mưa.
Video đang HOT
Dù làm khít với thời gian nhưng nhiều thí sinh vẫn cho rằng đề Hóa năm nay không khó và gần như không có câu nào nâng cao. Thí sinh Mỹ Linh cho biết cô chỉ mất khoảng một nửa thời gian để hoàn thành bài thi, sau đó ngồi kiểm tra lại. “Em nghĩ mình được 7-8 điểm ở môn này”, Linh nói..
Học khối A, Kim Hiệp khẳng định mình sẽ đạt điểm tuyệt đối. Với khoảng 30% đề thi là bài tập dạng toán, còn lại đều là lý thuyết hoặc ở dạng bài tính toán nhanh nên đề không gây khó khăn cho thí sinh. Ở phòng thi của Hiệp, khi hết 40-50 phút thì tất cả đã làm bài xong.
“Đề ra vào kiến thức cơ bản và tập trung chủ yếu ở chương trình học lớp 12, lại đã được ôn tập nên nhiều bạn tự tin sẽ đạt từ 8 điểm trở lên”, Hiệp cho hay.
Đề dễ khiến học sinh rất tự tin. Ảnh: Quý Đoàn.
Thầy Trần Xuân Phú, giáo viên Hóa học trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cho rằng, năm nay thí sinh có lợi thế là có thể chọn môn thi tốt nghiệp tương ứng với khối thi đại học, vì vậy khả năng làm bài thi sẽ tốt hơn. Với đề thi hóa, thí sinh chỉ cần 30-40 phút là có thể hoàn thiện bài làm. Đối với các học sinh ban C, D có thể sẽ gặp khó khăn ở một số câu hỏi khó nhưng vẫn có thể đạt 7-8 điểm.
“Điểm mới của đề thi năm nay là xuất hiện nhiều câu hỏi gắn với thực tế cuộc sống như việc bảo vệ ống thép dẫn nước, dẫn dầu, dẫn khí đốt… bằng phương pháp điện hóa cần phải gắn vào mặt ngoài kim loại nào, hay cách xử lý chất thải có tính axit…”, thầy Phú cho hay.
16h, thí sinh lựa chọn môn Địa sẽ bắt đầu làm bài thi. Sáng mai, thí sinh thi hai môn tự chọn Ngoại ngữ, Sinh học, kết thúc kỳ thi tốt nghiệp 2014.
Theo VNE
Thầy giáo trường chuyên phân tích đề thi môn Sử
"Phần lịch sử Việt Nam cơ bản, xuyên suốt, còn lịch sử thế giới thì hay, cập nhật và giúp học sinh có cơ hội thể hiện thái độ trước sự ngang ngược của Trung Quốc thông qua một bài thi", giáo viên chuyên Sử trường Phan Bội Châu nhận định.
Trao đổi với VnExpress ngay sau khi thí sinh kết thúc thời gian làm bài thi môn Sử, thầy Trần Trung Hiếu, người có hàng chục năm dạy chuyên Sử trường Phan Bội Châu, Nghệ An, nhận xét: "Đề thi quá hay và ý nghĩa".
Theo thầy Hiếu, phần lịch sử Việt Nam đề yêu cầu rõ ràng, cơ bản, không đánh đố, không bắt trình bày những số liệu khô cứng ngày - tháng - năm, mà chỉ cần nắm kiến thức cơ bản là có thể làm được. Đề cũng không ra "tủ" mà nhiều học sinh trước đó cứ nghĩ rằng năm nay kỷ niệm năm chẵn của nhiều sự kiện thì có thể rơi vào kháng chiến chống Pháp, chiến dịch Điện Biên phủ... Tuy nhiên, đề không ra vào vấn đề cụ thể mà xuyên suốt lịch sử từ năm 1930 đến 1975.
Thầy Trần Trung Hiếu (bên phải) chụp cùng GS Phan Huy Lê trong mội hội thảo. Ảnh: NVCC.
Sự kiện đầu tiên là Đảng ra đời năm 1930, gắn liền với chính cương sách lược vắn tắt. Đây là đường lối cách mạng xuyên suốt của Việt Nam từ khi Đảng ra đời cho đến nay. Và sự kiện thứ 2 là kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1975.
Tâm huyết nhất của thầy là phần lịch sử thế giới. Đề nói đến tổ chức chính trị lớn nhất thế giới hiện nay là tổ chức Liên Hợp Quốc. "Tổ chức này ra đời nhằm giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới. Khi học sinh nắm được 5 nguyên tắc hoạt động của Liên Hợp Quốc thì dễ dàng giải thích được bản chất của biển Đông hiện nay, vì sao có tranh chấp và cách giải quyết những tranh chấp đó là phương pháp nào", thầy Hiếu nói.
Ở ý thứ hai của câu hỏi này yêu cầu học sinh giải thích "tại sao Liên Hợp Quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình và liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay". Câu này rất sát vấn đề thời sự, liên quan đến chủ quyền biển đảo, tạo cơ hội để học sinh thể hiện tinh thần yêu nước, thể hiện chính kiến của mình trước hành động xâm lược của Trung Quốc với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Câu hỏi có vận dụng rất hay, là từ nguyên tắc hoạt động của Liên Hợp Quốc để giải quyết vấn đề ở Việt Nam. Theo thầy Hiếu, Việt Nam đang nỗ lực đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, ngoại giao, dựa trên luật pháp quốc tế mặc dù Trung Quốc có những hành động ngạo ngược, thậm chí đe dọa và sử dụng hành động quân sự để trấn áp tàu chấp pháp của ta.
Từ khi ra đời đến nay, Liên Hợp Quốc có 5 nguyên tắc hoạt động gồm: Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc; Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước; Không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kì nước nào; Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình và chung sống hoà bình và sự nhất trí giữa 5 nước lớn Liên Xô (nay là Liên bang Nga), Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Trung Quốc là một trong những nước sáng lập Liên Hợp Quốc, là 1 trong 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và cũng là nước đề ra 5 nguyên tắc chung sống hòa bình. "Nhưng những gì Trung Quốc đang làm ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy lời nói của Trung Quốc khác với việc làm của Trung Quốc, thiện chí của Trung Quốc khác với hành động của Trung Quốc", thầy giáo chuyên Sử khẳng định.
Theo thầy, đề thi này cũng giúp học sinh hiểu thêm thực tế ở biển Đông, rằng Việt Nam kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình chứ không phải vũ lực là vì nếu Việt Nam sử dụng vũ lực là vi phạm hiến chương Liên Hợp Quốc: không giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực.
"Thời gian qua học sinh có thể thể hiện tình yêu nước, phản đối Trung Quốc thông qua facebook, nhưng nay các em có thể thể hiện chính kiến thông qua bài thi môn Sử. Đề rõ ràng, rất cơ bản, đáp ứng được yêu cầu chung của đa số học sinh, nên số em được điểm 5 sẽ ít", thầy Hiếu nhận định.
Theo VNE
Hơn 900 nghìn thí sinh bắt đầu thi tốt nghiệp Sáng 2/6, học sinh bắt đầu làm bài thi tốt nghiệp môn Văn. Thời gian làm bài 120 phút với hai phần đọc hiểu và viết. Giám thị ký vào giấy thi cho thí sinh. Ảnh: Quý Đoàn. Mới 6h sáng, Hà Nội đã đón những tia nắng đầu tiên, báo hiệu một ngày oi bức. Là ngày thi tốt nghiệp đầu tiên...