Đề Hóa dễ kiếm điểm cao
Sáng nay 5-7, thí sinh cả nước bước vào thi môn Hóa – môn thi cuối trong kỳ tuyển sinh đại học đợt 1 năm 2011.
Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo tuyển sinh trưa ngày 5-7 cho biết, theo thống kê ban đầu từ 107 hội đồng tuyển sinh đợt 1 trong cả nước, sau ba môn thi có 126 thí sinh vi phạm qui chế tuyển sinh bị xử lý kỷ luật, bao gồm: ở mức độ khiển trách: 33, xử lý cảnh cáo: 10, thí sinh bị đình chỉ: 80. 3 thí sinh đến muộn không được dự thi. Đối với đội ngũ cán bộ coi thi, bốn cán bộ bị xử lí kỉ luật đình chỉ.
Bộ GD-ĐT đánh giá nhìn chung, đợt 1 thi đại học khối A và V đã diễn ra trong trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Các đại học, học viện và các trường đại học đã thực hiện nghiêm túc Quy chế tuyển sinh, tổ chức tập huấn và phổ biến đầy đủ qui định của Quy chế thi cho cán bộ tham gia công tác tuyển sinh. Công tác coi được tăng cường, kỷ luật trường thi được xiết chặt, các hiện tượng vi phạm quy chế thi bị phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm túc.Tuy nhiên trên thực tế đã xảy ra sự cố lớn do sai sót trong công tác coi thi của hai cán bộ coi thi tại phòng thi số 41, điểm thi Trường Sĩ quan Chỉ huy Kĩ thuật Thông tin. Bộ GD-ĐT cho biết Bộ và Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng đã xử lý kịp thời theo hướng bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
TP.HCM: Thí sinh nhận định đề Hóa dài
Nhiều thí sinh nhận định đề môn Hóa khó và dài. Tại hội đồng thi của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM ở Trường CĐ Công thương, thí sinh Nguyễn Phương Thảo (Đồng Xoài, Bình Phước) cho biết đề thi môn Hóa khó ở cả phần hữu cơ lẫn vô cơ. “Một vài câu lý thuyết mới xem thì thấy dễ nhưng em làm không chắc lắm” – Thảo cho biết.
Ngoài ra, theo thí sinh này đề khá dài, sau 60 phút mới chỉ đánh được khoảng 20 câu. Được biết, học lực lớp 12 môn Hóa của Thảo đạt loại khá.
Cũng trong sáng nay, tại hội đồng thi Trường CĐ Công Thương (hội đồng thi của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) có khoảng 2.000 thí sinh tập trung, lượng phụ huynh đợi con trước cổng trường đông. Lực lượng sinh viên tình nguyện tại đây đã giải tỏa tình hình kẹt xe theo cách: Một nhóm sinh viên tình nguyện dàn hàng ngang giữa đường, tạo lối đi riêng cho thí sinh. Do đó, tại hội đồng thi này không còn cảnh ùn tắc như nhưng đợt thi năm trước.
Cần Thơ: Đề Hóa “dễ thở”
Tại cụm thi Cần Thơ, kết thúc thi môn Hóa, nhiều thí sinh ra về với vẻ mặt phấn khởi hơn so với ngày thi khá khó khăn và căng thẳng trước. Thí sinh Nguyễn Văn Trường, quê Sóc Trăng thi tại điểm thi trường THCS Đoàn Thị Điểm cho biết đề Hóa năm nay tương đối dễ thở hơn so với đề thi môn Lý, nhiều câu hỏi nghiêng về phần lý thuyết nên thí sinh có cơ hội kiếm điểm, còn phần bài tập có nhiều câu hỏi hay và bám sát chương trình học phổ thông nhưng nhiều câu nặng phần kiến thức nâng cao nên cũng không dễ để thí sinh dạng trung bình khá kiếm điểm.
Kết thúc buổi thi môn Hóa, hội đồng coi thi liên trường cụm thi Cần Thơ cho biết có 2 thí sinh tại điểm thi trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ (khu A) và điểm thi khoa kinh tế – quản trị kinh doanh ĐH Cần Thơ bị đình chỉ do mang điện thoại di động vào phòng thi, nâng tổng số thí sinh vi phạm quy chế tại cụm thi Cần Thơ lần này lên 4 thí sinh, trong đó có 1 trường hợp thí sinh bị khiển trách.
Trong buổi thi môn Hóa, tại cụm thi Cần Thơ có thêm 67 thí sinh vắng thi.
Đà Nẵng: Thí sinh rời phòng thi với tâm trạng khá buồn bã
Tại Đà Nẵng, kết thúc buổi thi môn Hóa học nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng khá buồn bã.
Tại hội đồng thi trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, thí sinh Hoàng Thị Quyên (tỉnh Nghệ An) buồn bã cho biết: “Đề thi có 40 câu trắc nghiệm lý thuyết bắt buộc nhưng hơn một nửa trong đó là phần bài tập. Trong khi bài tập thì rất dài, lắt léo khiến tụi em không thể làm tập trung được vì sợ mất thời gian”. Tại hội đồng thi trường THPT Trần Phú, trường tiểu học Hoàng Văn Thụ…các thí sinh đều có chung nhận định đề thi môn Hóa học cũng “khó nuốt” không kém 2 môn Toán và Vật lý. Các bạn nhận định sẽ khó có điểm tối đa.
Tại hội đồng thi trường ĐH Bách Khoa, nhiều thí sinh cho biết đề Hóa năm nay tương đối khó, nhưng không khó bằng năm trước. Lý thuyết không nhiều, chủ yếu nằm ở sách giáo khoa, tuy nhiên phải vận dụng sự thông minh, hiểu sâu mới làm hết. Phần bài tập thì nhiều và dài, tốn thời gian, khoảng 60-70%, rải rác ở tất cả các chương trình 10, 11, 12, nhiều câu ra “mẹo”, phải vận dụng sự sáng tạo, khôn khéo mới làm kịp thời gian.
Thí sinh Đặng Ngọc Như An, dự thi ngành Quản lý dự án, ĐH Bách Khoa cho biết: “Đề hóa năm nay hơi khó nhưng cách ra đề rất hay, phân loại được thí sinh. Lý thuyết nằm rải rác, vận dụng sự thông minh, sáng tạo. Bài tập hơi dài, tính toán hơi lâu, có nhiều câu ra rất “mẹo”, phải vận dụng sự thông minh, khôn khéo mới giải kịp”.
Thí sinh Trần Sĩ Công, hội đồng thi trường ĐH Sư Phạm nhăn mặt cho biết: “Đề thi khó và dài, khoảng 20-30% lý thuyết, chủ yếu nằm trong chương trình sách giáo khoa. Bài tập dài, tốn nhiều thời gian, vận dụng nhiều kiến thức học trong chương trình THPT, có nhiều câu rất “mẹo”, đánh đố học sinh. Em tính mình hoàn thành khoảng 60% bài thi” – Công nói.
Thống kê sơ bợ của ĐH Đà Nẵng, tại buổi thi môn cuối cùng của đợt 1 có thêm 2 thí sinh bị đình chỉ thi vì mang điện thoại vào phòng, tỷ lệ thí sinh đi dự thi đạt 85,81%. Trước đó ngày thi 4-7 cũng đã có 3 thí sinh bị đình chỉ thi vì mang điện thoại di động vào phòng thi. Tại điểm thi trường CĐ Bách khoa, 1 thí sinh đến muộn hơn 15 phút sau khi bóc đề thi nên không được dự thi.
Cán bộ coi thi gọi thi sinh vào phòng thi môn Hóa tại trường ĐH Sư Phạm TP.HCM sáng 5-7.
Hà Nội: Môn Hóa “dễ thở” nhất trong ba môn thi
9 giờ sáng nay, các thí sinh dự thi đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2011 đã kết thúc môn thi cuối cùng. Đề thi môn Hóa được các thí sinh đánh giá là vừa sức, dễ hơn so với yêu cầu của đề thi hai môn trước đó. Nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi môn cuối cùng với tâm trạng phấn chấn hơn do đã làm bài tốt hơn hai môn thi đầu. Thí sinh Đào Thị Hiền dự thi tại điểm thi số 6 của Học viện Tài chính cho biết, hai môn thi trước làm không tốt, nhưng đến môn Hóa ước lượng làm được khoảng 80%, em lại đang hi vọng sẽ trúng tuyển.
Video đang HOT
Các thí sinh dự thi vào trường ĐH Giao thông vận tải, trường ĐH Sư phạm Hà Nội… cũng nhận xét đề Hóa có thể dễ đạt điểm 7, điểm 8. Tại hội đồng thi trường ĐH Ngoại thương, nhiều thí sinh cho biết đã hoàn thành bài thi trong vòng 2/3 thời gian thi và tỏ ra hài lòng với dự đoán sẽ giành được 9 điểm ở môn thi cuối cùng này
So với những năm trước, số thí sinh bỏ cuộc ở môn thi cuối cùng giảm hơn hẳn dù đề thi Vật lý bị đánh giá là khó, làm nhiều thí sinh bị mất điểm ở môn này. Ông Lê Trọng Thắng, trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Mỏ Địa chất cho biết bước vào môn thi Hóa có 21 thí sinh bỏ thi. Một thí sinh đã bị đình chỉ thi vì cán bộ coi thi sau 2/3 thời gian đã phát hiện thí sinh này mang điện thoại di động trong người.
Tại Học viện Tài chính, số thí sinh bỏ dở kỳ thi cũng không đáng kể so với tổng số thí sinh dự thi, Theo ông Ngô Thế Chi – giám đốc Học viện Tài chính, có 31 thí sinh bỏ thi môn Vật Lý và đến môn Hóa chỉ có thêm 21 trường hợp không tiếp tục đến thi.
Phát giấy làm bài thi trắc nghiệm môn Hóa cho thí sinh
Điền thông tin vào giấy thi
Danh sách thí sinh vắng mặt môn thi Hóa tại một phòng thi của trường ĐH Sư Phạm TP.HCM sáng 5-7
Các phụ huynh cũng chăm chú theo dõi thông tin khi ngồi bên ngoài cổng trường đợi con em mình thi
Tại hôi đông thi Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, thí sinh tính toán lại kêt quả sau khi kêt thúc thời gian thi Hóa
Xem lại đê thi sau khi thi môn Hóa
Thí sinh vui vẻ vì bài thi của mình giông với kêt quả bài giải trên báo
Thí sinh ra về sau khi thi xong môn Hóa tại trường đại học Sư Phạm TP.HCM sáng 5-7-2011
Trao đổi với phụ huynh sau khi xong môn Hóa tại Hội đồng thi trường đại học Khoa Học Tự Nhiên TPHCM
Trao đổi bài thi môn Hóa sau khi thi xong tại HĐT trường đại học Khoa Học Tự Nhiên TP.HCM
Bên lề
Bán bài giải trước khi kết thúc buổi thi
Sáng 5-7, mới hết hai phần ba thời gian làm bài nhưng đã có nhiều thí sinh ở hội đồng thi trường ĐH Nông lâm TP.HCM rời khỏi phòng thi. Khoảng 9g45, một số sinh viên đã rao bán bài giải đề thi Hóa (bài giải được viết nguệch ngoạc trên tờ giấy A4 sau đó photocopy ra làm nhiều bản) với giá từ 5.000 – 10.000 đồng ngay trước cổng hội đồng thi.
Dậy đúng giờ
Đợt tuyển sinh Đại học, cao đẳng lần này, Kí túc xa ĐHQG TP.HCM tiếp tục thực hiện chương trình “dậy đúng giờ” cho thí sinh, phụ huynh ở trọ tại đây. Cứ 5g30 mỗi sáng, loa phát thanh tại Kí túc xá lại vang lên “Xin mời các thí sinh, phụ huynh thức dậy… và chúc một ngày thi thật tốt và thành công”.
Đây là là hình thức động viên tinh thần cho thí sinh, phụ huynh mà Kí túc xá thực hiện nhiều năm nay. Việc làm này nhằm tránh tình trạng thí sinh mệt quá, ngủ quên trong phòng, không kịp chuẩn bị để đến phòng thi đúng giờ.
Thủ Đức: Lại “trắng” tờ rơi
Tờ rơi bị thí sinh, phụ huynh bỏ lại trên đường tại hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
Sáng 5-7, sau khi kết thúc thời gian thi môn Hóa các điểm thi tại hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Giao thông vận tải – Cơ sở 2, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Kinh tê – Luât (ĐHQG TP.HCM)… lại “tái phát” tình trạng loạn tờ rơi quảng cáo.
Lực lượng phát tờ rơi là sinh viên làm thêm đứng tập trung tại các cổng ra vào, chờ thí sinh ra là dúi vào tay thí sinh các tờ giới thiệu mỹ phẩm, việc làm, xe máy, rao vặt… Chỉ 30 phút sau, các loại tờ rơi bị thí sinh, phụ huynh ném lại, phủ đầy trên đường.
Ông Phan Quang Minh (Lai Vung, Đồng Tháp), đưa con đi thi tại hội đồng thi trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, bức xúc: “Cách thức quảng cáo bằng tờ rơi dù rất hiệu quả. Nhưng vào thời điểm mùa thi, tất cả thí sinh, phụ huynh đều rất căng thẳng vì lo chuyện thi cử. Chẳng ai có tâm trí mà đọc thông tin nên tờ rơi nên mới có tình trạng nằm đầy trên đường thế kia. Hy vọng các công ty, nhãn hàng sẽ nhận thức được điều này để thay đổi cách thức quảng cáo của mình”.
Theo PLXH
24 quy tắc vàng làm bài thi trắc nghiệm
Bộ GD&ĐT vừa đưa ra 24 quy tắc vàng hướng dẫn cách làm bài thi trắc nghiệm cho thí sinh.
1. Thí sinh thi các môn trắc nghiệm tại phòng thi mà mình thi môn tự luận. Số báo danh lấy theo Giấy báo dự thi.
2. Thí sinh cần mang bút mực (hoặc bút bi), bút chì đen, gọt bút chì, tẩy vào phòng thi; nên mang theo đồng hồ để theo dõi giờ làm bài.
3. Trong phòng thi, mỗi thí sinh được phát 1 tờ phiếu trả lời trắc nghiệm và 1 tờ giấy nháp đã có chữ ký của cán bộ coi thi. Thí sinh cần giữ cho tờ phiếu phẳng, không bị rách, gập, nhàu, mép giấy bị quăn, bởi đây là bài làm của thí sinh, được chấm bằng máy.
4. Thí sinh dùng bút mực hoặc bút bi điền đầy đủ vào các mục để trống (từ số 1 đến số 9); chưa ghi mã đề thi (mục 10). Lưu ý, ghi số báo danh với đầy đủ 6 chữ số (kể cả chữ số 0 ở đầu số báo danh, nếu có) vào các ô vuông nhỏ trên đầu các cột của khung số báo danh (mục số 9 trên phiếu trả lời).
Sau đó, dùng bút chì, lần lượt theo từng cột tô kín ô có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu cột.
5. Khi nhận đề thi, thí sinh phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời; không được xem đề thi khi cán bộ coi thi chưa cho phép.
6. Khi nhận được đề thi và cán bộ coi thi cho phép, thí sinh bắt đầu xem đề thi và đặc biệt nhớ 2 lưu ý sau:
a) Phải kiểm tra đề thi để đảm bảo: đề thi có đủ số lượng câu trắc nghiệm như đã ghi trong đề; nội dung đề được in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi. Nếu có những chi tiết bất thường trong đề thi, hoặc có 2 đề thi trở lên, thí sinh phải báo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý.
b) Ghi tên và số báo danh của mình vào đề thi. Mỗi đề thi có một mã số, thí sinh xem mã đề thi (in trên đầu đề thi) và dùng bút mực hoặc bút bi ghi ngay 3 chữ số của mã đề thi vào 3 ô vuông nhỏ ở đầu các cột của khung mã đề thi (mục số 10 trên phiếu trả lời trắc nghiệm); sau đó dùng bút chì lần lượt theo từng cột tô kín ô có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu mỗi cột.
7. Nếu phát hiện đề thi bị thiếu trang, thí sinh đề nghị cán bộ coi thi cho đổi bằng đề thi dự phòng có mã đề thi tương ứng (hoặc mã đề thi khác với mã đề thi của 2 thí sinh ngồi hai bên).
8. Theo yêu cầu của cán bộ coi thi, thí sinh tự ghi mã đề thi của mình vào 2 phiếu thu bài thi. Lúc này (chưa nộp bài) thí sinh tuyệt đối không ký tên vào phiếu thu bài thi.
9. Thời gian làm bài thi trắc nghiệm tuyển sinh vào đại học, cao đẳng là 90 phút.
10. Hai thí sinh ngồi cạnh nhau có cùng mã đề thi thì phải di chuyển chỗ ngồi.
11. Chỉ có phiếu trả lời trắc nghiệm mới được coi là bài làm của thí sinh; bài làm phải có 2 chữ ký của 2 cán bộ coi thi.
12. Trên phiếu trả lời trắc nghiệm chỉ được viết một thứ mực không phải là mực đỏ và tô chì đen ở ô trả lời; không được tô bất cứ ô nào trên phiếu trả lời trắc nghiệm bằng bút mực, bút bi.
13. Khi tô các ô bằng bút chì, phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô; không gạch chéo hoặc chỉ đánh dấu vào ô được chọn; ứng với mỗi câu trắc nghiệm chỉ được tô 1 ô trả lời. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh dùng tẩy tẩy thật sạch chì ở ô cũ, rồi tô kín ô khác mà mình mới lựa chọn.
14. Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu bằng bút mực và các câu trả lời tô chì, thí sinh tuyệt đối không được viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu trả lời. Bài có dấu riêng sẽ bị coi là phạm quy và không được chấm điểm.
15. Khi làm từng câu trắc nghiệm, thí sinh cần đọc kỹ nội dung câu trắc nghiệm, phải đọc trọn vẹn mỗi câu trắc nghiệm, cả phần dẫn và bốn lựa chọn A, B, C, D để chọn phương án đúng (A hoặc B, C, D) và dùng bút chì tô kín ô tương ứng với chữ cái A hoặc B, C, D trong phiếu.
Chẳng hạn thí sinh đang làm câu 5, chọn C là phương án đúng thì thí sinh tô đen ô có chữ C trên dòng có số 5 của phiếu.
Đội tiếp sức mùa thi đón tiếp sỹ tử.
16. Làm đến câu trắc nghiệm nào thí sinh dùng bút chì tô ngay ô trả lời trên phiếu ứng với câu trắc nghiệm đó. Tránh làm toàn bộ các câu của đề thi trên giấy nháp hoặc trên đề thi rồi mới tô vào phiếu vì dễ bị thiếu thời gian.
17. Tránh việc chỉ trả lời trên đề thi hoặc giấy nháp mà quên tô trên phiếu trả lời. Tránh việc tô 2 ô trở lên cho một câu trắc nghiệm vì trong trường hợp này, máy sẽ không chấm và câu đó không có điểm.
18. Số thứ tự câu trả lời mà thí sinh làm trên phiếu trả lời phải trùng với số thứ tự câu trắc nghiệm trong đề thi. Tránh trường hợp trả lời câu trắc nghiệm này nhưng tô vào hàng của câu khác trên phiếu trả lời trắc nghiệm.
19. Thí sinh không ra ngoài trong suốt thời gian làm bài. Trong trường hợp quá cần thiết, phải báo cho cán bộ coi thi trong phòng thi (cán bộ coi thi trong phòng thi có trách nhiệm báo cho cán bộ coi thi ngoài phòng thi hoặc thành viên của Ban coi thi biết); không được mang đề thi và phiếu trả lời trắc nghiệm ra ngoài phòng thi.
20. Trước khi hết giờ làm bài 15 phút, được cán bộ coi thi thông báo, một lần nữa, thí sinh kiểm tra việc ghi Số báo danh và Mã đề thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm.
21. Thí sinh làm xong bài phải ngồi tại chỗ, không nộp bài trắc nghiệm trước khi hết giờ làm bài.
22. Khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm, có lệnh thu bài, thí sinh phải ngừng làm bài, bỏ bút xuống; đặt phiếu trả lời trắc nghiệm lên trên đề thi; chờ nộp phiếu trả lời theo hướng dẫn của cán bộ coi thi. Thí sinh không làm được bài vẫn phải nộp phiếu. Khi nộp, phải ký tên vào 2 phiếu thu bài thi.
23. Thí sinh chỉ được rời khỏi chỗ sau khi cán bộ coi thi đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm của cả phòng thi và cho phép thí sinh ra về.
24. Thí sinh được đề nghị phúc khảo bài thi trắc nghiệm của mình sau khi đã làm các thủ tục theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.
Theo BĐVN
Sĩ tử hồi hộp trong môn thi đầu tiên 7h15 sáng nay (4-7), gần 700.000 thí sinh đã chính thức làm bài thi môn Toán. Trước giờ phút làm bài, nhiều bạn đã phải nhắm mắt để tĩnh tâm. Cơn mưa rạng sáng nay không làm thời tiết Hà Nội dịu đi, 6h15, đoạn đường Chùa Láng, nơi có hai trường lớn là ĐH Ngoại thương và Học viện Ngoại giao xe...