Để giáo dục công dân thành môn chính
Theo dự kiến đổi mới chương trình – sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, cùng ngữ văn, toán, ngoại ngữ, giáo dục công dân sẽ là môn học bắt buộc từ tiểu học đến hết THPT.
Tiết thỉnh giảng môn GDCD của thầy Trần Tuấn Anh (Trường THCS Bạch Đằng, Q.3) tại Trường THPT tư thục Nhân Việt, Q.Tân Phú. Đây là một trong những giáo viên có sáng tạo trong giảng dạy môn học này – Ảnh: M.Luân
Trên thực tế, hiện nay việc dạy và học môn giáo dục công dân (GDCD) ở trường phổ thông hết sức buồn chán, nội dung nào cũng có thể lồng ghép vào môn học này còn học sinh (HS) học cốt đủ điểm để lên lớp.
Chán vì thiếu thực tiễn
Nói về những kiến thức GDCD đang học, N.H.T – HS lớp 7 Trường THCS Chu Văn An, Q.1, TP.HCM, nhận xét: “Có nhiều bài học khó hiểu, khi kiểm tra chúng em đều phải cố học thuộc lòng hết các khái niệm và nhiều lúc cảm thấy chưa cần thiết”. Còn giáo viên Nguyễn Thành Long, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, cũng nhìn nhận: “Nhiều nội dung biên soạn chưa phù hợp với độ tuổi của HS. Chẳng hạn ở lớp 7 (12 tuổi) HS phải nắm hết kiến thức về quốc hội, HĐND các cấp ở các bài về bộ máy nhà nước sau đó làm bài tập với các câu hỏi muốn đăng ký tạm trú, kết hôn… phải đến những cơ quan nào? Hay như ở bài Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, các em phải nghe giảng về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Ở lớp 10, hầu hết HS đều choáng với môn GDCD vì những nội dung thuộc phạm trù triết học như thế giới quan duy vật, phương pháp luật biện chứng, cách thức vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng… Trực tiếp giảng dạy, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2), cho rằng: “Vừa bước chân vào một bậc học, phải tiếp nhận những kiến thức như vậy khó cho các em vì nó khá trừu tượng”. Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Đình Hoe, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), thẳng thắn: “Nội dung hết sức nặng nề. Những kiến thức trùng lắp sẽ được học ở bậc học cao hơn thì nên để lúc đó dạy chắc chắn phù hợp với nhận thức của HS hơn”.
Một giáo viên ở Q.3 nhận định: Khi phải tiếp nhận những kiến thức vượt quá lứa tuổi, khó hiểu, mơ hồ, lâu dần các em sẽ cảm thấy chán ngán. Đó là chưa kể tâm lý môn phụ, không thi nên không tránh khỏi việc HS ngủ gật trong lớp.
Video đang HOT
Cái gì cũng đưa vào GDCD
Ông Nguyễn Phạm Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú), nói: “Môn này còn “gánh” thêm quá nhiều nội dung khác như: phòng chống tội phạm, giáo dục giới tính, bảo vệ môi trường, giáo dục pháp luật, giáo dục về an toàn giao thông, giáo dục chính sách quốc phòng… Thấy dư luận xã hội lên tiếng HS thời nay thiếu kỹ năng gì là lập tức môn GDCD có “hàng đính kèm”. Đưa quá nhiều nội dung làm HS bội thực còn giáo viên nhiều khi không biết dạy gì. Vì thế, giáo viên cho biết việc giảng dạy nhiều lúc rất nặng tính hình thức”.
Trên thực tế, việc lồng ghép hoạt động khác vào bộ môn này hoàn toàn không hiệu quả vì thời lượng quá ít. Với 1 tiết/tuần may ra chỉ đủ để giáo viên giới thiệu kiến thức trọng tâm chứ khó lòng dẫn chứng thực tế hay phối hợp hoạt động.
Nên gắn liền với cuộc sống
Trước thực tế này, ông Nguyễn Phạm Đại khẳng định: “Nếu không thay đổi ngay nội dung giảng dạy thì từ HS, giáo viên và ngay chính phụ huynh cũng bị sốc khi GDCD trở thành môn học bắt buộc sau một thời gian dài dạy và học theo kiểu đối phó, thờ ơ”.
Cụ thể hơn, ông Trần Văn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Long Trường (Q.9), đề nghị: “Để trở thành một trong 4 môn học bắt buộc thì ngay từ bây giờ chương trình GDCD phải có sự thay đổi. Nội dung học phải thực tế, gắn với hơi thở của cuộc sống thì mới làm HS hứng thú. Bên cạnh đó, giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy, đừng tự bằng lòng với sự yếu thế của môn học mà phải làm sao để mỗi khi chuông reo đến giờ dạy của mình HS lại náo nức”. Trong khi đó, bà Lê Thị Hồng Anh, chuyên viên Phòng Công tác HS-SV Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng: “Cần chắt lọc, cô đọng lại. Bên cạnh đó nên giảm bớt khái niệm, phạm trù mà tăng cường những bài học kinh nghiệm, những mẩu chuyện, bài báo, tin tức. Đã gọi là GDCD thì nên tập trung vào giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS. Sau khi đã chuẩn bị cho HS một nền tảng đạo đức vững chắc cùng với kỹ năng sống thì lúc đó chắc chắn các em dễ dàng tiếp nhận những kiến thức cơ bản như triết học, kinh tế chính trị…”.
Bích Thanh
Theo thanh niên
Teen 12 rục rịch chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp
Mặc dù từ nay tới lúc biết được 6 môn thi chính thức trong kì thi tốt nghiệp tới còn những hơn 1 tháng nữa nhưng nhiều teen 12 đã rục rịch chuẩn bị ôn thi ngay từ bây giờ.
Các môn thi tốt nghiệp năm nay sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào cuối tháng 3. Theo đó đề thi tốt nghiệp vẫn dựa theo mô hình chung với tiêu chuẩn kiến thức như các năm trước: đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, trong đó dành 50% điểm số cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức. Vậy là đọc kĩ phần đề thi có thể thấy, chỉ cần nắm được những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể đạt được 50% số điểm rồi. Với 6 môn thi tốt nghiệp, theo nhiều bạn nhận xét là hơi khó để ôn luyện kĩ càng với khoảng thời gian từ lúc Bộ thông báo cho tới lúc thi nên ngay từ bây giờ, nhiều bạn đã tự lập ra kế hoạch ôn luyện cho mình.
Những bạn học ở các trường dân lập có lợi thế hơn, bởi các trường dân lập có thể dồn tiết, tăng ca, thậm chí là bỏ các môn học phụ để tập trung ôn các môn có khả năng thi tốt nghiệp như Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh, Sử, Địa, Sinh, bỏ các môn như Thể dục, Tin, Công nghệ, Giáo dục công dân.
Như trường THPT DL Lương Thế Vinh (Hà Nội). Mặc dù đầu vào cũng như đầu ra của trường rất cao nhưng ngay từ đầu năm học lớp 12, trường đã thực hiện học dồn các môn phụ sao cho kết thúc học kì I là xong để bước sang học kì II có nhiều thời gian cho các em học sinh ôn luyện. Thậm chí những môn chính ở các khối A và D còn được tăng tiết thêm. Với thành tích nhiều năm liền học sinh đạt kết quả cao trong các kì thi tốt nghiệp và đại học nên việc tập trung cho các em học sinh ôn luyện như vậy vừa đảm bảo được chất lượng dạy và học của nhà trường, lại vừa giúp các em củng cố được kiến thức để tự tin hơn trong các kì thi sắp tới.
Không chỉ trường DL Lương Thế Vinh mà rất nhiều trường DL khác cũng triển khai ôn tập cho học sinh ngay từ bây giờ. Theo đó, việc ôn luyện càng sớm càng tốt, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy. Đợi đến khi biết các môn thi tốt nghiệp rồi mới bắt tay vào học sẽ dẫn tới tình trạng căng thẳng, mỏi mệt trong học sinh do áp lực phải học quá nhiều môn trong một khoảng thời gian ngắn.
Những học sinh ở các trường công lập thì vẫn tiếp tục học theo chương trình học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tức là vẫn học cho tới hết chương trình học tất cả các môn. Những học sinh này không có lợi thế về mặt thời gian để ôn luyện, tuy nhiên nhiều bạn vẫn lập được cho mình một bản kể hoạch học và ôn vô cùng logic và phù hợp với mình.
M.Linh (THPT Quang Trung) nói: "Trường mình vẫn học đều đều như trước. Sức học của mình không khá lắm, đặc biệt là các môn tự nhiên nên cũng hơi lo. Từ nay tới lúc biết các môn thi còn hơn 1 tháng nữa nhưng nếu cứ đợi tới lúc đó mới bắt tay vào ôn lại thì sợ muộn mất vì còn phải học cả 6 môn cùng một lúc. Mình đã lập ra một bản kế hoạch: bên cạnh việc học và làm bài tập trên lớp, mình sẽ dành nhiều thời gian hơn một chút để ôn lại kiến thức những môn mình yếu. Đề thi tốt nghiệp không tách rời so với sách giáo khoa nhiều nên mình nghĩ chỉ cần chăm học học và không quá hổng kiến thức thì mình sẽ vượt qua được".
N.Tuấn (Chuyên Lý, Sư Phạm) chia sẻ: "Năm ngoái đề thi tốt nghiệp rơi cả vào Sử lẫn Địa, thấy các anh chị khóa trên hốt hoảng mà thấy sợ, năm nay khả năng rơi vào cả 2 môn đó là khá thấp nhưng theo mình chắc chắn vẫn sẽ rơi vào một trong 2 môn trên. Mình học chuyên Tự nhiên nên việc học thuộc lòng với mình khá khó. Nhiều khi mất cả tiếng mới học xong một bài, trong khi bạn bè mình chỉ mất khoảng 15 - 20 phút. Chính vì thế nên ngay từ học kì II, cô giáo đã giúp đánh dấu một số bài quan trọng có thể thi vào, nếu đợi tới khi biết chắc chắn thi môn nào rồi mới học thì sẽ rất khó nên ngay từ bây giờ, cô giáo chỉ học bài nào, mình sẽ cố gắng học luôn bài đó, sau này tới lúc gần thi chỉ cần đọc lại vài lần là có thể thuộc".
Nhiều teen không có khả năng tự ôn luyện cũng đã tìm đến các lớp học thêm hoặc gia sư để dạy kèm. Theo các bạn thì thi tốt nghiệp không quá khó nhưng nếu lơ là học không cẩn thận thì cũng có thể rớt tốt nghiệp như chơi. Việc ôn luyện sớm cũng là một lợi thế. Củng cố kiến thức ngay từ bây giờ cũng là cách để các bạn ôn luyện những kiến thức cơ bản để thi đại học. Tất cả các bài tập đều bắt nguồn từ những kiến thức cơ bản. Nắm chắc được kiến thức cơ bản là đã thành công 50% rồi đấy.
Vì vậy ngay từ bây giờ, teen 12 hãy triển khai kế hoạch ôn thi phù hợp với mình nhé.
Theo Kênh 14
Có thể cắt 30 - 40% kiến thức các môn học PGS Văn Như Cương cho rằng, trong đổi mới giáo dục các môn học có thể cắt bỏ từ 30 - 40% kiến thức không cần thiết. Lọc bớt kiến thức thừa trong chương trình PGS Văn Như Cương cho rằng, chúng ta vẫn thường nói đến một nền giáo dục toàn diện nghĩa là chú trọng đến cả 4 mặt giáo dục:...