Để đáp ứng chuẩn đầu ra tiếng Anh
Các trường ĐH đang áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh theo nhiều khung khác nhau. Thế nhưng, không ít sinh viên do không nắm bắt yêu cầu này đã không được xét tốt nghiệp vì “nợ chuẩn”.
Từ bằng B tới chứng chỉ B1: khó đạt
Bắt đầu từ khóa 2008, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho khối sinh viên (SV) không chuyên. Các SV phải đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 – tương đương trình độ B1 theo khung tham chiếu châu Âu. Mới đây khi khóa này tốt nghiệp, có khoảng 21,8% SV chưa có chứng chỉ B1 nên chưa thể ra trường. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “B1 là khung châu Âu nên khó hơn so với trình độ bằng B quốc gia mà trước đây các trường quy định. Phải công nhận là có một số SV gặp khó khăn trong việc đạt được trình độ này. Nhiều em học chuyên môn rất giỏi nhưng lại chưa đạt B1 nên vẫn không được xét tốt nghiệp”. Được biết, với những SV đã có một trong những chứng chỉ TOEFL 400, TOEIC 450, IELTS 4.5, PET 70, BULATS (công cụ đánh giá điểm chuẩn tiếng Anh cho các ngành kinh doanh, thương mại) 40 thì được công nhận đạt chuẩn đầu ra.
Để nhận được bằng tốt nghiệp ĐH, SV phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó phải đạt chuẩn ngoại ngữ – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Video đang HOT
Trường ĐH Bách khoa và ĐH Kinh tế thuộc ĐH Đà Nẵng cũng đã áp dụng chuẩn B1 với trình độ tương đương 400 điểm TOEIC. Thế nhưng, mới đây, theo số liệu khảo sát của Trường ĐH Bách khoa thông tin tại hội thảo dạy tiếng Anh đạt chuẩn đầu ra dành cho các trường thành viên ĐH Đà Nẵng, vào mỗi đầu năm học mới, chỉ có khoảng 20-30% SV là có thể theo học chương trình tiếng Anh theo chương trình khung của Bộ ở bậc ĐH (gồm 10 tín chỉ). 70% còn lại phải qua lớp dự bị mới đủ trình độ tiếng Anh cần thiết để học. Đó chính là khó khăn không nhỏ để đáp ứng chuẩn đầu ra B1. Được biết, khóa đầu tiên của trường vừa tốt nghiệp thì có khoảng gần 10% SV chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tiến sĩ Trần Cao Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhận định: “Hiện nay, tại trường chỉ yêu cầu ở mức trung bình là bằng B tiếng Anh thôi, nhưng chúng tôi cũng vẫn lo sợ số đông SV trong trường sẽ vẫn không đạt được, đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều em không thể tốt nghiệp. Đấy là chưa nói, khi các em ra trường xin việc, thì trình độ bằng B chắc chắn chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng”.
Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 quy định SV ĐH, CĐ không chuyên ngữ sau tốt nghiệp phải có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (tương đương với trình độ B1 theo khung tham chiếu châu Âu). Do đó, kể từ cuối năm 2012, Bộ bắt đầu có hướng dẫn các trường thực hiện. Trong tương lai toàn bộ các trường ĐH-CĐ sẽ đều phải thực hiện chuẩn đầu ra theo trình độ này, chứ không còn là trình độ B như nhiều trường vẫn đang áp dụng.
Chưa ý thức được tầm quan trọng
Theo nhận định của thạc sĩ Hồ Văn Bình, Phó trưởng khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Sài Gòn, tiêu chuẩn B1 sẽ khó khăn đối với nhiều SV. “Khó là bởi vẫn còn một số lượng SV chưa nhận thức được tầm quan trọng thực sự của tiếng Anh đối với công việc sau này nên ý thức học tập còn thấp” – ông Bình Lý giải.
Nguyễn Thị Ngọc Bích, SV ngành hóa năm thứ 3 Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết: “Em thấy phần lớn SV học tiếng Anh còn theo kiểu đối phó, gần đến ngày thi mới học dồn, thậm chí còn học thuộc lòng chứ chưa thực sự thấy tiếng Anh là cần thiết”. Bích còn cho rằng, SV đến từ tỉnh, huyện có nhiều thiệt thòi hơn hẳn SV thành phố vì tại trường phổ thông, tiếng Anh được dạy rất qua loa. Thầy cô chủ yếu nói tiếng Việt, nhiều từ, câu còn phát âm sai, không rành nghĩa…
Tiến sĩ Trần Cao Vinh cũng công nhận, 4 năm ĐH không thể giải quyết được căn cơ vấn đề ngoại ngữ của SV vì nó là cả quá trình lâu dài, SV phải có cái nền tốt từ thời phổ thông.
Theo thanh niên
Bỏ chương trình khung giáo dục ĐH
Đó là sự thay đổi lớn trong chương trình đào tạo ĐH, CĐ được quy định trong thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ vừa được Bộ GD-ĐT chính thức ban hành. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 10-2-2013.
Trước đây, chương trình giáo dục ĐH phải được các trường xây dựng dựa trên chương trình khung do bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành. Với tinh thần của thông tư mới, hiệu trưởng có quyền ban hành chương trình thực hiện trong trường mình.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, quy định trước đây gần như thí sinh cứ học đủ số môn là đạt, thì sắp tới sẽ đánh giá dựa trên chuẩn đầu ra, dựa trên kiến thức mà sinh viên (SV) tích lũy được. Theo đó, khối lượng của mỗi chương trình không dưới 180 tín chỉ đối với khóa ĐH 6 năm, 150 tín chỉ đối với khóa ĐH 5 năm, 120 tín chỉ đối với khóa ĐH 4 năm, 90 tín chỉ đối với khóa CĐ 3 năm, 60 tín chỉ đối với khóa CĐ 2 năm.
Ngoài ra, trước đây SV sẽ phải bị buộc thôi học ngay nếu điểm trung bình chung tích lũy đạt dưới 1,2 đối với SV năm 1, dưới 1,4 đối với SV năm 2, dưới 1,6 đối với SV năm 3, dưới 1,8 đối với SV các năm tiếp theo hoặc có điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 0,8 đối với học kỳ đầu của khóa học, dưới 1 đối với các học kỳ tiếp theo. Với quy chế mới, nếu kết quả học tập ở những mức này SV sẽ chỉ bị cảnh báo kết quả học tập. Hiệu trưởng sẽ quy định số lần cảnh báo kết quả học tập, nhưng không vượt quá hai lần liên tiếp. SV sẽ bị buộc thôi học khi có số lần cảnh báo kết quả học tập vượt quá giới hạn.
Theo tuổi trẻ
Sinh viên hệ liên thông phải thi như ĐH, CĐ chính quy Ngày 25-12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã công bố Quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH. Quy định này sẽ thắt chặt đầu vào với yêu cầu người có bằng tốt nghiệp TC nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ tốt nghiệp trước 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi...