Để các lớp học trực tuyến an toàn: Chỉ ngành giáo dục vào cuộc là chưa đủ
Hiện tượng dở khóc, dở cười hay bị quấy rối bởi những kẻ lạ mặt xâm nhập lớp học trực tuyến đã bắt đầu xuất hiện. Nhiều người cho rằng, tính bảo mật chưa được coi trọng, trong khi đó, Bộ GD&ĐT mong các ngành cùng vào cuộc.
Có kẻ xấu xâm nhập
Mang máy tính xách tay đến cơ quan làm việc, chị Lê Hồng Vân (có con học lớp 7 ở quận Hà Đông, TP Hà Nội) hốt hoảng khi vào mục lịch sử “chat” thì phát hiện con trai chị cùng nhóm bạn rủ nhau xem “clip 18 cộng”. Sự việc khiến cho chị vô cùng lo lắng bởi chiếc máy tính này chị Vân sử dụng chung với con trai. Hàng ngày, con chị vẫn dùng để tham gia các lớp học trực tuyến.
Các giáo viên được đề nghị trang bị kiến thức cần thiết về công nghệ để giảm thiểu nguy cơ tại các lớp học trực tuyến. Ảnh: Bảo Trọng
Nguy hiểm hơn, ít ngày gần đây, trên mạng xã hội đã có một số người lập group (nhóm) chia sẻ ID và pass room có tên gọi “ Hội chia sẻ ID pass room” để cùng đưa thông tin tài khoản cá nhân lên mạng, lôi kéo các phần tử quấy phá lớp học trực tuyến của mình. Mặc dù hiện tại, nhóm chia sẻ này đã không còn hoạt động công khai nhưng đã kịp gây hoảng loạn cho nhiều giáo viên, học sinh bởi những clip tục tĩu, có nội dung ngoài bài giảng.
Trong văn bản gửi các trường học trên cả nước ngày 13/4, Bộ GD&ĐT khẳng định: Trong quá trình tổ chức dạy học qua internet có xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học, phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục… có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em, học sinh, sinh viên trên mạng, không bảo đảm an toàn. Điều này đã gây tâm lý hoang mang cho người học, người dạy; ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua internet.
Video đang HOT
Cần sự chung tay để bảo đảm an toàn, hiệu quả
Chiều 13/4, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Bùi Văn Linh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết, cần kết hợp nhiều giải pháp, với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, bộ, ngành mới có thể giải quyết triệt để những rủi ro, nguy cơ xấu từ các lớp học trực tuyến.
Ông Bùi Văn Linh phân tích, trước hết, cần nhìn nhận việc các lớp học trực tuyến hay trên truyền hình hiện nay là câu chuyện mang tính tình thế và cũng là sự chủ động của ngành giáo dục khi ứng phó với dịch bệnh. Mặc dù, việc xây dựng các lớp học từ xa hay trên truyền hình là xu thế chung của toàn cầu, Việt Nam cũng không là ngoại lệ nhưng phải thẳng thắn khẳng định, mô hình này còn khá mới cho bức tranh chung của toàn ngành giáo dục.
“Cũng bởi do còn khá mới mẻ nên khó tránh được những thiếu sót, khiếm khuyết khi vận hành và chỉ ngành giáo dục vào cuộc là chưa đủ. Để có các lớp học trực tuyến an toàn, sẽ cần thêm sự hỗ trợ, vào cuộc của lực lượng an ninh mạng, kịp thời ngăn chặn, triệt tiêu các phần tử cố tình phá hoại, gây rối, làm ảnh hưởng đến môi trường lành mạnh của giáo dục” – ông Linh nói.
Còn theo ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho rằng, do mô hình lớp học trực tuyến chưa đạt được mức “chính quy, hiện đại” nên để có được môi trường giáo dục an toàn, ngoài việc thiết lập tính bảo mật của từng phần mềm, rất cần sự sát sao, vào cuộc mạnh mẽ ngay từ đầu của các bên liên quan.
Cụ thể, ở các cơ sở giáo dục cần xây dựng quy chế, siết chặt hoạt động của các lớp học trực tuyến. Đối với các lớp học phải có nội quy, trong đó phân vai rõ giáo viên cần làm gì, ứng phó ra sao khi xảy ra tình huống ngoài ý muốn. Nhà trường cũng phải hướng dẫn học sinh cách xử trí khi bị phá rối… Bên cạnh đó, việc mua bản quyền hoặc tìm kiếm các phần mềm tối ưu hơn cũng là giải pháp được nhiều cơ sở giáo dục nghĩ đến.
Hiện tại, nhiều trường đã chủ động lên phương án phòng tránh từ xa những tình huống xấu có thể xảy ra tại các lớp học trực tuyến. Đơn cử như 20 lớp học tại trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, giáo viên đã xây dựng các waiting room (phòng chờ) kèm chế độ xét duyệt từ giáo viên. Trước khi học sinh được đăng nhập vào lớp học sẽ phải qua waiting room, sau đó giáo viên sẽ kiểm tra, nếu đúng thành phần mới cho vào lớp học.
Ngày 13/4, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các Sở GD&ĐT cùng các đơn vị liên quan đề nghị các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên khi tham gia các lớp học trực tuyến. Bộ đề nghị các đơn vị tiếp tục tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội bảo đảm an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy – học qua internet. Bộ cũng khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch Covid-19.
Nguyễn Bùi Tam
Sẽ giảm 1 mức độ đánh giá với bài kiểm tra định kỳ bậc tiểu học
Thay vì thể hiện bằng 4 mức độ đối với các câu hỏi, bài tập trong bài kiểm tra định kỳ, dự thảo Thông tư mới về quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học chỉ sử dụng 3 mức độ là "Hoàn thành tốt", "Hoàn thành" và "Chưa hoàn thành".
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Tài cho biết: Sự thay đổi này nhằm đảm bảo thống nhất với cấp học trên, phù hợp với cách tiếp cận của các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên trong quá trình biên soạn các câu hỏi, bài tập để xây dựng đề kiểm tra định kỳ.
Đánh giá học sinh tiểu học được thay đổi phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Bên cạnh đó, cũng nhằm thống nhất với quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, dự thảo điều chỉnh hệ thống tên các môn học, hoạt động giáo dục và nội dung từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi.
Theo đó, học sinh sẽ được đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực thông qua những phẩm chất chủ yếu là: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; những năng lực cốt lõi là: Năng lực chung, tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực đặc thù: Ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mĩ, thể chất.
Dự thảo bổ sung quy định về "Nội dung và phương pháp đánh giá", đảm bảo đúng thành phần theo lý thuyết khoa học về đánh giá, gồm: Phạm vi, đối tượng, nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp, kỹ thuật quá trình đánh giá. Quy định này giúp định hướng cho giáo viên các phương pháp, cách thức tiến hành trong quá trình đánh giá học sinh, phù hợp với lứa tuổi tiểu học và cụ thể hoá Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Quy định về "tổng hợp đánh giá và xếp loại chất lượng giáo dục", quy định về "hồ sơ đánh giá", cũng những điểm mới của dự thảo Thông tư. Điều này nhằm cụ thể hoá quá trình đánh giá, đồng thời đảm bảo kết cấu chặt chẽ, hợp logic về mặt hình thức, tạo thành quy trình hoàn chỉnh trong đánh giá.
Quy trình hoàn chỉnh bao gồm: Đánh giá thường xuyên; đánh giá định kỳ; tổng hợp đánh giá; xếp loại chất lượng giáo dục; sử dụng kết quả đánh giá. Trong đó, lưu tâm đến quy định học bạ điện tử được sử dụng tại mỗi cơ sở giáo dục phổ thông.
Về khen thưởng học sinh, dự thảo có đề cập đến hình thức "thư khen". Cụ thể, cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt. Điều này nhằm động viên kịp thời học sinh, giúp các em có thêm động lực cùng nhau rèn luyện tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để không ngừng tiến bộ.
Ông Thái Văn Tài cho biết: "Các quy định trong dự thảo không làm tăng khối lượng công việc của giáo viên và học sinh. Đồng thời, với các nội dung quy định tường minh về phương pháp, kỹ thuật, quy trình đánh giá sẽ giúp giáo viên tiếp cận, triển khai hệ thống, bài bản, khoa học và giảm được thời lượng dành cho việc đánh giá, để tập trung vào quá trình giảng dạy".
Dự thảo này có thời gian góp ý là 2 tháng, tính từ ngày 9/4/2020.
Lê Vân
iSMART: Học tiếng Anh trực tuyến hoàn toàn miễn phí iSMART vừa ra mắt lớp học trực tuyến iSMART Live Class và E-learning trên hệ thống iTO và hơn 50.000 học sinh iSMART sẽ được hưởng đặc quyền học trực tuyến miễn phí tiếng Anh qua môn toán và khoa học. Ngày 8-4, iSMART Education (thành viên của Tổ chức giáo dục EQuest) đã ra mắt lớp học trực tuyến, học tiếng Anh...