Đề án tự chủ ĐH Bách Khoa Hà Nội: Học phí tính thế nào?
Lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin cụ thể vấn đề học phí trong các năm học tới.
Ngay sau khi thông tin về quyết định giao quyền tự chủ cho trường, dư luận đã dấy lên thông tin: “Trường sẽ tăng học phí lên mức 14 triệu đồng một năm học”.
Để sinh viên, phụ huynh và xã hội hiểu đúng, lãnh đạo trường đã thông tin cụ thể vấn đề học phí trong các năm học tới.
Từ trước đến nay, các đại học công lập được Nhà nước bao cấp và cấp kinh phí hỗ trợ theo số lượng sinh viên. Nghĩa là người học chỉ phải đóng một phần kinh phí trong chi phí đào tạo.
Nếu được tự chủ thì nguồn kinh phí thường xuyên “bao cấp” của nhà nước sẽ bị cắt. Và chính sách học phí của ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ được thực hiện theo lộ trình như sau:
Thứ nhất, đối với sinh viên đã nhập học từ tháng 10 năm nay trở về (K61), trường được thu học phí không vượt quá 20% mức trần học phí quy định đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập chưa bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (Mức trần theo nghị định 86 là 7,9 triệu/năm).
Mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề (theo Nghị định 86, mức trần năm 2017 là 8,7 triệu/năm).
Tức là đối với các sinh viên nhập học trước thời điểm tháng 10/2016 (K61 trở về trước), mức trần học phí là 9.5 triệu đồng/năm thì đến năm học 2017-2018, mức trần học phí sẽ là 11,3 triệu đồng/năm.
Video đang HOT
ĐH Bách khoa Hà Nội tư vấn cho phụ huynh, học sinh trong đợt tuyển sinh năm 2016. Ảnh: Hoàng Như.
Với quy định này, năm học 2016-2017, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ “thiếu hụt” ngân sách khoảng 80 tỷ đồng so với năm học 2015-2016.
Thứ hai, đối với các sinh viên nhập học từ năm học 2017-2018 trở đi, ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện cơ chế thu và quản lý học phí với mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ đại học chính quy năm học 2016-2017, nhưng không vượt quá 14 triệu đồng/năm.
Trong mọi trường hợp, ĐH Bách khoa Hà Nội luôn cam kết vì lợi ích của sinh viên với các chủ trương cụ thể:
Trường sẽ hỗ trợ toàn bộ phần chênh lệch giữa mức học phí của trường với mức học phí được miễn, giảm theo quy định của Nhà nước đối với các sinh viên thuộc đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí theo quy định kể từ khoá tuyển sinh sau tháng 10/2016.
Trường cam kết xây dựng, thực hiện chính sách học bổng, khuyến khích học tập dành cho sinh viên học tập xuất sắc và sinh viên là đối tượng chính sách.
Trường cam kết mức tăng học phí sẽ dành để tăng cường cơ sở vật chất, phòng học, phòng thí nghiệm và nâng cao chất lượng đào tạo.
Hiện tại, 80% các phòng học được trang bị điều hoà không khí, hệ thống màn chiếu, máy chiếu, âm thanh và đặc biệt là wifi miễn phí. Từng bước Trường sẽ cải thiện điều kiện và môi trường học tập cho sinh viên ngày càng tốt hơn.
Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong
Thí điểm cơ chế tự chủ toàn diện ở ĐH Bách khoa Hà Nội
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ thí điểm thực hiện tự chủ, chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính...
Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của ĐH Bách khoa Hà Nội vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/10 vừa qua.
Theo đó, ĐH Bách khoa Hà Nội phát triển thành trường đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế và hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại trường.
ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ thí điểm mô hình tự chủ toàn diện.
Trường được quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ; xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo đề án của trường phù hợp với yêu cầu, lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và yêu cầu của xã hội; quyết định chương trình đào tạo; phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy; phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; thiết kế, in phôi bằng, quản lý và cấp phát văn bằng, chứng chỉ.
Trường được quyết định liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo trong nước; liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với đối tác là các trường đại học, các tổ chức đào tạo có uy tín trên thế giới trên cơ sở các chương trình liên kết đã được kiểm định chất lượng; công khai thông tin về các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học.
Trường được quyết định hoạt động nghiên cứu khoa học; khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học công nghệ, tổ chức hội thảo với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục khoa học và công nghệ, bao gồm cả dịch vụ do Nhà nước đặt hàng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi với ông Hoàng Minh Sơn - hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - về chủ đề tự chủ đại học.
Trường thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 và quy định tại Quyết định này.
Mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ đại học chính quy năm học 2016 - 2017 là 14 triệu đồng/sinh viên/năm.
Trường quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần mức học phí bình quân tối đa nêu trên; học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo.
Đối với các đối tượng đã nhập học trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, trường thu học phí không vượt quá 20% mức trần học phí quy định đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP; mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề kể từ thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Theo Hà Phương / Vietnamnet
Tự chủ đại học: Miếng bánh khó nuốt Đến nay, mức độ tự chủ của các trường đại học vẫn chưa chạm tới những vấn đề cốt lõi có thể quyết định thành bại của nhà trường. Điều lạ lùng của giáo dục đại học là mặc dù các trường kêu gọi được trao thêm quyền tự chủ và giới lãnh đạo luôn phát biểu ủng hộ việc giao quyền tự...