‘Đề án thẻ học đường SSC chưa hiệu quả’
Theo một số chuyên gia, đề án thẻ học đường SSC ở TP HCM sẽ không hiệu quả ở thời điểm này, vì cơ sở vật chất chưa được chuẩn bị kỹ.
Nhiều ý kiến của bạn đọc, thầy cô giáo và các chuyên gia kinh tế đều xoay quanh câu hỏi liệu đề án thẻ học đường SSC có thật sự cần thiết, hiệu quả trong lúc này.
Trong khi đó, không ít phụ huynh tại TP HCM đều tỏ ra bức xúc khi cho rằng đề án làm thêm mọi chuyện rườm rà, phức tạp.
Đơn vị thực hiện đề án nói gì?
Trao đổi với Zing.vn, đại diện công ty Ngôi nhà xanh, đơn vị thực hiện đề án, cho biết, thẻ học đường SSC dành cho học sinh là tiện ích giúp phụ huynh thuận tiện hơn trong hoạt động đóng học phí cho con em mình khi đã tích hợp, kết hợp nhiều chức năng trên thẻ.
Trong giai đoạn một triển khai tại 16 trường, tỷ lệ phụ huynh tham gia khoảng 50%. Giai đoạn hai, đề án thí điểm tại 24 trường học đầu năm 2016, đơn vị này sẽ liên kết với 4 ngân hàng để mở thẻ cho phụ huynh.
Đây là hoạt động hoàn toàn tự nguyện và 6 tháng đầu phụ huynh không đóng bất cứ phí nào. Khi mở thẻ, phụ huynh được ngân hàng ứng trước 10 triệu để đóng học phí, sau đó hoàn trả lại cho ngân hàng trong 45 ngày mà không có phí lãi suất.
Đề cập vấn đề nhiều phụ huynh băn khoăn là dùng thẻ ATM có thể đóng học phí, cũng như việc chưa đồng bộ về cơ sở vật chất cho SSC, đại diện công ty Ngôi nhà xanh cho biết, khi đồng bộ và có sự thống nhất, hiệu quả thẻ mang lại sẽ rất lớn. Còn cơ sở vật chất phải có lộ trình, phối hợp giữa ngành giáo dục với ngành khác. Trước mắt, thẻ SSC chỉ áp dụng ở lĩnh vực giáo dục.
Video đang HOT
Thẻ học đường SSC chưa nhận được sự ủng hộ của phụ huynh.
Rườm rà, chưa hiệu quả
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ TP HCM nói với phóng viên Zing.vn rằng, xu thế phát triển của xã hội là đưa khoa học công nghệ vào thực tế, công việc để tạo động lực phát triển. Ý tưởng dùng thẻ tiện ích SSC thay đóng học phí bằng tiền mặt và liên kết các tiện ích bổ sung, về lâu dài, khá tốt. Tuy nhiên, khi thực hiện, các đơn vị nên tham khảo ý kiến của phụ huynh, thầy cô giáo có phù hợp thực tế hiện nay không?
Đặc biệt, khi các cơ sở vật chất của nhiều trường chưa có, máy móc thiết bị chưa thể đồng bộ hóa, ứng dụng công nghệ của thẻ chưa đầy đủ thì thực hiện không hiệu quả. Theo chuyên gia kinh tế này, trước mắt phải có lộ trình, tham khảo ý kiến, khảo sát, nghiên cứu tính hiệu quả của đề án mới thực hiện.
Anh Lê Huy, cựu sinh viên khoa Kỹ thuật Máy tính, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM), chia sẻ: “Các trường có tất cả cơ sở hạ tầng, máy móc rồi thì áp dụng thẻ SSC rất hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, chưa có trường nào đầy đủ thiết bị, tôi chỉ sợ đưa thẻ SSC chỉ làm một việc thu tiền học phí. Khi ấy, các ngân hàng phát hành lượng thẻ rất lớn, nâng doanh thu. Phương thức này sẽ rất rườm rà và gây phiền phức cho cả phụ huynh và thầy cô”.
Chị Nguyễn Thị Mai (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho rằng, đề án vẫn đang thí điểm và việc làm thẻ SSC không bắt buộc. Các trường vẫn có thể áp dụng những phương thức đóng học phí khác nhau.
“Tôi nghĩ Sở GD&ĐT cần đánh giá, tổng kết lại hiệu quả của đề án trong giai đoạn một, từ đó tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà trường và phụ huynh để quyết định có tiếp tục hay không? Việc phát hành thẻ nhằm giúp phụ huynh thuận lợi hơn mà thấy toàn ý kiến bức xúc, không hài lòng thì không hay”, chị Mai nêu quan điểm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, SSC là loại thẻ được phát triển trên nền tảng công nghệ bảo mật của ngành ngân hàng. Nhiều ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã có ý định chạy đua tìm thị trường, lợi nhuận ở lĩnh vực này mà bỏ qua việc liệu có phù hợp thực tế hiện nay hay không.
Theo Zing
Thiếu tiền, nhiều học sinh không được đến trường
Trường tiểu học thị trấn Sông Đốc 5 (Cà Mau) yêu cầu cha mẹ học sinh đóng đủ khoản tiền quy định mới được nhận "Giấy vào lớp".
Hàng trăm cha mẹ học sinh Trường tiểu học thị trấn Sông Đốc 5 (Cà Mau) yêu cầu hiệu trưởng công khai những khoản đóng góp và sử dụng vào việc gì? Trong khi đó, trường yêu cầu cha mẹ học sinh đóng đủ khoản tiền quy định thì mới được nhận "Giấy vào lớp".
Bà Đặng Thị Chi, 53 tuổi, ở khóm 6A, thị trấn Sông Đốc, kể: "Hồi đầu năm học, tôi dẫn cháu ngoại là Trần Duy Hưng, sinh ngày 11/2/2008, xin học lớp 1. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học 5 thị trấn Sông Đốc kêu đóng 740 nghìn đồng. Tôi than nghèo quá, cha mẹ cháu ngoại bỏ nhau, đi làm ăn xa. Rốt cuộc, cháu Hưng không được học, ở nhà cho tới nay".
Bà Đặng Thị Chi không có tiền đóng nên cháu Trần Duy Hưng phải nghỉ học, ở nhà. Ảnh: Tiền Phong.
Ở gần nhà bà Chi, bà Trương Thị Lành, 63 tuổi, đưa cháu nội Trần Trường Khang (sinh năm 2009), là con người dân tộc, được ông Nguyễn Mạnh Tuấn giảm 90 nghìn đồng, còn phải đóng 650 nghìn đồng.
"Tôi vay 1 triệu đồng, lãi suất 10%/tháng, để đóng tiền trường, mua sách vở, chưa biết làm sao trả hết nợ", bà Lành kể.
Ông Trà Văn Nhớ, 32 tuổi, vừa cất được túp lều trên phần đất công, bị đuổi lên đuổi xuống trong cảnh gà trống nuôi con. Gia đình ông Nhớ là hộ dân tộc, được giảm miễn 90.000 đồng, phải đóng đủ 650.000 đồng để cho cháu Trà My vào lớp 1. Ông Trà Văn Nhớ bức xúc: "Tôi vay tiền đóng tiền cho con nhưng không biết đóng tiền gì?".
Trao đổi với phóng viên ngày 9/11, bà Quách Thúy Kiều nói: "Tôi đại diện 30 cha mẹ học sinh, gởi đơn yêu cầu đến Phòng GD&ĐT Trần Văn Thời để làm rõ nhưng cán bộ thanh tra là ông Nguyễn Văn Tiếp nói rằng, có thu sai thì trả lại. Nếu ai thưa kiện mà không có hồ sơ sẽ xin lỗi trước dân".
Trước sự việc này, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học 5 Sông Đốc từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. "Tôi đang báo cáo Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc và Phòng GD&ĐT Trần Văn Thời. Khi nào có kết luận sẽ công khai báo chí", ông Tuấn nói.
Ông Trần Hùng Dũng, Phó Phòng GD&ĐT Trần Văn Thời cùng cán bộ thanh tra, công đoàn đến UBND thị trấn Sông Đốc nắm tình hình nhưng không đến Trường tiểu học 5 Sông Đốc do sợ mất trật tự, cha mẹ học sinh phản ứng. Ông Nguyễn Hùng Dũng nói: "Chúng tôi đã nhận được báo cáo của Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Tuấn nhưng nội dung chung chung, không rõ ràng, chúng tôi yêu cầu phải làm rõ".
Theo ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng GD&ĐT Trần Văn Thời, "Phòng vừa thành lập tổ công tác để kiểm tra tài chính, công bố các khoản thu - chi tại Trường tiểu học 5 Sông Đốc. Chúng tôi sẽ minh bạch hóa các khoản thu - chi trên cơ sở tự nguyện và đồng thuận. Những cán bộ làm sai sẽ bị kỷ luật theo qui định.
Theo Nguyễn Tiến Hưng/Tiền Phong