Đề án ngoại ngữ chậm vì… giáo viên
Không có biên chế để tuyển dụng giáo viên tiếng Anh ở cấp tiểu học và chỉ khoảng phân nửa số lượng giáo viên hiện có đạt chuẩn… là nguyên nhân quan trọng khiến Đề án dạy học ngoại ngữ quốc gia bị kéo chậm.
Đó là thông tin được nêu ra tại hội thảo về tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên (GV) tiếng Anh tiểu học hiện nay, do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội ngày 22.1.
Chỉ 29,11% giáo viên được tuyển dụng
Đừng bắt HS học khi giáo viên chưa đạt chuẩn
Video đang HOT
Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh: Nơi nào GV chưa đạt chuẩn thì đừng bắt HS học chỉ để cho có. Ngay cả kỳ thi THPT, Bộ vẫn cho phép nơi nào có điều kiện khó khăn về dạy học ngoại ngữ có thể cho HS thi môn thay thế. Do vậy, không phải dạy tiếng Anh một cách gượng ép mà không đạt yêu cầu. Nguyên tắc là trình độ ngoại ngữ của GV phải cao hơn HS 2 bậc (theo Khung tham chiếu châu Âu). Cũng theo ông Hiển, không nên tiếp tục tiến hành việc để GV vừa dạy vừa tham gia bồi dưỡng vì như vậy việc dạy cũng không hiệu quả mà việc bồi dưỡng cũng không chất lượng.
Theo thống kê của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT, cả nước hiện còn 711.215 học sinh (HS) lớp 3, 4, 5 chưa được học tiếng Anh. Trong số 21.430 GV tiếng Anh tiểu học, số được tuyển dụng chính thức là 7.361 GV, còn lại đang được ký hợp đồng có thời hạn với UBND huyện hoặc các trường tiểu học.
Theo Bộ, cần phải bổ sung 4.232 GV để dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần. Cũng chính vì không có đủ GV nên phần lớn HS tiểu học chỉ học tiếng Anh với thời lượng 2 tiết/tuần thay vì 4 tiết/tuần như đề án. Bộ cũng nhìn nhận, thời lượng dạy học không thỏa đáng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai dạy ngoại ngữ kém hiệu quả.
Hiệu trưởng một trường tiểu học của TP.Thanh Hóa cho biết hiện nay các địa phương có 2 nguồn tuyển GV tiếng Anh cho trường tiểu học gồm tuyển mới và chuyển từ bậc THCS xuống. “Nói thực lòng là chúng tôi chỉ thích tuyển mới vì nếu chuyển GV từ THCS xuống thì họ chỉ điều chuyển những GV có năng lực hạn chế, bồi dưỡng rất vất vả”, vị hiệu trưởng này nói.
Tại hội thảo, đại diện nhiều sở GD-ĐT cho rằng nếu Bộ không có một văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về việc tuyển dụng GV tiếng Anh thì ngành GD-ĐT ở các địa phương dù có tham mưu thế nào cũng rất khó được chấp nhận tuyển dụng thêm khi mà chỉ tiêu biên chế ngày càng eo hẹp. Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng: “Chúng tôi rất cần văn bản mang tính pháp lý để các sở có căn cứ đề xuất nhu cầu tuyển dụng GV tiếng Anh”.
Ông Chu Văn Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Nghệ An, trăn trở: “Nếu Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ vẫn giữ thông tư về định biên GV/lớp như hiện nay thì ngành nội vụ và tài chính không bao giờ nghe tham mưu của ngành GD-ĐT về tuyển thêm GV tiếng Anh dù nhu cầu là rất bức thiết”.
Chật vật bồi dưỡng giáo viên hiện có
Bà Trần Thị Thắm, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cho biết: “GV không chỉ thiếu mà tỷ lệ đạt chuẩn vẫn còn rất thấp (48,94% vào năm 2015, có địa phương chỉ 5,7%). Với hơn 51% còn lại, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian và ngân sách để tiếp tục bồi dưỡng đạt chuẩn và HS sẽ phải tiếp tục chờ GV đạt chuẩn để học”.
Mặt khác, theo lãnh đạo Vụ Giáo dục tiểu học, trong số GV đã được bồi dưỡng và đạt chuẩn, không phải tất cả GV đều có kết quả như mong đợi. Bà Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Mỹ 2, tỉnh Hưng Yên, nêu thực tế: “GV hiện nay hạn chế nhất là kỹ năng nghe nói. Chính điều này khiến cho HS không được tiếp cận với chuẩn. Năm nay học cô này thì phát âm một kiểu, năm sau học sang GV khác lại phát âm kiểu khác, không biết kiểu nào là đúng”.
Đại diện Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thì cho rằng việc bồi dưỡng để chuẩn hóa trình độ tiếng Anh và nghiệp vụ sư phạm gặp rất nhiều khó khăn: thiếu cơ sở đào tạo, GV vừa dạy vừa phải đi học bồi dưỡng, không ít GV có năng lực ngôn ngữ ở mức độ thấp, khó có thể chuẩn hóa; kinh phí tổ chức bồi dưỡng có hạn…
Năm 2020, thanh thiếu niên tự tin sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp
Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30.9.2008 với kinh phí gần 10.000 tỉ đồng. Mục tiêu của đề án là thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đảm bảo đến năm 2015 nâng cao rõ rệt trình độ ngoại ngữ của một số đối tượng ưu tiên. Đồng thời triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới đối với các cấp học và trình độ đào tạo, tạo điều kiện để đến năm 2020 tăng đáng kể tỷ lệ thanh thiếu niên có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập và tự tin trong giao tiếp… Mục tiêu đến năm học 2018 – 2019 có 100% HS lớp 3, 90% HS lớp 6 và 50% HS lớp 10 vào năm 2020 – 2021 tham gia đề án.
Theo TNO