Đề án 10.000 tỷ đồng và tranh luận dạy tiếng Nga, Trung Quốc
Theo độc giả Lê Nguyên, giới trẻ hội nhập cần giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp. Vì vậy, việc dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc trong trường phổ thông là lạc hậu.
Mới đây, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 về Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020.
Đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 chỉ còn 4 năm nữa là kết thúc. Mục đích đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ để giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa.
Ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kinh phí cho đề án này gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên thực tế, việc thực hiện được đề án vẫn còn xa vời.
Toàn cảnh Hội nghị Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Ảnh: Bộ GD&ĐT.
Đề án 10.000 tỷ đồng đang ở đâu?
Theo Tuổi Trẻ, mục tiêu của đề án đặt ra, năm 2020, 100% học sinh lớp 3 được học chương trình tiếng Anh 10 năm. Tuy nhiên, tính tới năm 2016, cả nước mới chỉ có hơn 1,6 triệu học sinh lớp 3, 4, 5 trên tổng số hơn 7,7 triệu được học tiếng Anh 4 tiết/tuần. Còn lại chủ yếu mới chỉ được làm quen với tiếng Anh thời lượng 2 tiết/tuần. Như vậy, thực tế mới chỉ đạt 20% mục tiêu.
Ở thống kê khác cả hai cấp THCS và THPT, 33,14% giáo viên đạt chuẩn, trong đó THPT mới có 26,12%. Đến hết năm 2015, gần 49% giáo viên tiếng Anh tiểu học đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam, hơn 51% giáo viên chưa đạt chuẩn.
Câu hỏi đặt ra là chỉ còn 4 năm nữa, Bộ GD&ĐT có thực hiện được mục tiêu của đề án?
Học sinh học quá nhiều ngoại ngữ
Trong lộ trình của đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, Bộ GD&ĐT kỳ vọng tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai. Ngoài ra, Bộ Giáo dục thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản là ngoại ngữ thứ nhất.
Trong đó, tiếng Nhật đã được thí điểm từ lớp 3 tại 5 trường ở Hà Nội và TP.HCM. Bắt đầu từ năm học 2017, Bộ sẽ thí điểm dạy tiếng Trung Quốc và tiếng Nga từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.
Video đang HOT
Ngoại ngữ thứ hai bao gồm: Tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Đức.
Thông tin này nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều người thắc mắc tại sao không dạy tiếng Pháp thay vì tiếng Trung Quốc và tiếng Nga, bởi tiếng Pháp rất quan trọng trong quá trình hội nhập.
Bạn Lê Nguyên cho rằng: “Thế hệ chúng tôi từng học hai môn này kết quả không giải quyết được gì. Đến bây giờ bạn bè cũ của tôi không ai sử dụng được tiếng Trung và tiếng Nga”.
Độc giả Trí Dũng chia sẻ thời gian và sức người là hữu hạn, chúng ta hãy nhanh chóng tận dụng những gì tốt nhất của thế giới. Quay lại học tiếng Nga và tiếng Trung Quốc là bước lùi.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục nên có nhiều môn học cho học sinh lựa chọn.
Trong luồng tranh luận, nhiều người cho rằng tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến để hòa nhập thế giới, vì vậy Bộ GD&ĐT hãy tập trung phổ cập ngôn ngữ này, thay vì dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc. Học nhiều môn ngoại ngữ sẽ chỉ tạo thêm áp lực cho học sinh và xã hội. Trong khi đó, hiệu quả lại không cao.
Thực tế các kỳ thi THPT quốc gia cho thấy kết quả môn tiếng Anh của học sinh còn yếu kém. Năm 2016, theo phổ điểm của Bộ GD&ĐT, trong 472.000 bài thi tiếng Anh, 10 bài đạt điểm 10; 2.444 bài đạt trong khoảng 9-10 (chiếm 0,52%). Điểm trung bình là 3,48. Điểm nhiều nhất là 2,4.
Theo một thống kê khác, 90% thí sinh ở hai cụm thi đại học và tốt nghiệp có điểm thi tiếng Anh dưới trung bình.
Trước đó, năm 2015, môn thi có phổ điểm thấp nhất là Ngoại ngữ, chủ yếu tập trung ở mức 2 đến 3,5 điểm. Cả nước có 74.151 thí sinh đạt 2,25 điểm môn thi tiếng Anh.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Khi xây dựng đề án, chúng ta đã đưa ra mục tiêu quá cao so với điều kiện thực tế nên hiệu quả chưa tốt. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn thấp, thể hiện rõ ở kết quả môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia”.
Về cơ sở đào tạo các ngoại ngữ trên, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng đề án trước mắt tập trung nâng cao chất lượng tiếng Anh, song khuyến khích các tỉnh tùy tình hình thực tế để dạy học thêm ngoại ngữ khác.
“Nếu chúng ta dạy tiếng Anh ở phổ thông tốt thì 10 năm sau vào đại học sẽ không mất công dạy tiếng Anh như hiện nay”, Bộ trưởng Nhạ nêu.
Từ đó, Bộ trưởng đề nghị, các sở, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng giáo viên cho giai đoạn trung hạn từ 2016 đến năm 2020, chậm nhất phải có kế hoạch trước 31/12.
Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ đề nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh điều kiện để thu hút giáo viên bản ngữ. Trong khi chúng ta chưa ra được nước ngoài thì phải học từ nước ngoài vào Việt Nam, vấn đề không chỉ là ngôn ngữ, phát âm mà còn cả về văn hóa.
Những bất cập
Ông Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng khi thực hiện đề án, việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên có nhiều bất cập.
Giáo viên chỉ được bồi dưỡng một lần trong thời gian ngắn cho tới khi đạt chuẩn thì kết thúc. Nhiều đơn vị được phép bồi dưỡng giáo viên nhưng chưa quan tâm tới chất lượng. Chương trình đào tạo đến khâu kiểm tra đánh giá, xây dựng chuẩn đầu ra còn lúng túng, không đổi mới.
“Nội dung bồi dưỡng giáo viên không xuất phát từ nhu cầu mà do các trung tâm áp đặt, giáo viên ít điều kiện ứng dụng. Sau thời gian ngắn, nhiều người quên kỹ năng, kiến thức tập huấn”, ông Minh nói.
Theo TS Phạm Văn Hùng – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Thừa thiên Huế – tỉnh gặp nhiều khó khăn khi phần lớn học sinh chưa có động cơ và ý thức học tập môn ngoại ngữ. Thậm chí, nhiều học sinh và phụ huynh còn ngại chương trình tiếng Anh nên thi và kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, việc thi, kiểm tra, đánh giá chưa tương thích quá trình dạy học. Nếu các em được dạy 4 kỹ năng, chỉ thi 2 kỹ năng nên học đối phó.
TS Nguyễn Thị Minh Hồng – Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM – đánh giá việc thực hiện đề án tại khu vực TP.HCM: Các nhiệm vụ do Đề án 2020 giao qua từng năm thiếu tính kế thừa, thống nhất qua các năm, dẫn đến mỗi năm thực hiện một nhiệm vụ khác nhau, rời rạc. Chương trình sách giáo khoa, giảng dạy chưa thực sự đổi mới, còn nhiều bất cập.
Theo Zing
Thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc từ năm 2017
Theo lộ trình Đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3 đến lớp 12 vào năm học tới.
Ngày 17/9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, tại 6 điểm cầu: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Nghệ An.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết Bộ này đã xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung theo chương trình 10 năm và sẽ thí điểm dạy như ngoại ngữ thứ nhất vào năm học 2017.
Tiếng Nhật cũng nằm trong lộ trình giảng dạy để trở thành ngoại ngữ thứ nhất.
Năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT đã cho thí điểm dạy tiếng Nhật từ lớp 3 tại 5 trường ở Hà Nội và TP.HCM. Đó là các trường tiểu học Nguyễn Du, tiểu học Khương Thượng, tiểu học Chu Văn An, tiểu học quốc tế Gateway và trường Việt Úc (TP.HCM). Môn này lần lượt nhân rộng trên cả nước, đặc biệt là những địa phương có nguyện vọng và điều kiện triển khai.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị triển khai lộ trình Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Ảnh: Bộ GD&ĐT.
Tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Đức được thí điểm giảng dạy như ngoại ngữ thứ hai. Năm học này, tiếng Hàn được thí điểm ở lớp 6 và lớp 10 tại một số trường có nguyện vọng ở Hà Nội và TP.HCM.
Giai đoạn 2017-2025, ngoại ngữ trên sẽ lần lượt được triển khai ở các lớp tiếp theo của cấp THCS và cấp THPT. Sau thí điểm, các trường có đủ điều kiện và nhu cầu có thể tiếp tục duy trì việc dạy tiếng Hàn như ngoại ngữ thứ hai.
Tiếng Pháp được đổi mới trong cách dạy, điều chỉnh chương trình song ngữ tiếng Pháp từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông theo hướng tinh giản và hiện đại hóa...
Tiếng Đức được triển khai tại Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008-2020 trước mắt tập trung nâng cao chất lượng tiếng Anh, song khuyến khích các tỉnh tùy tình hình thực tế để dạy học thêm ngoại ngữ khác.
Bộ trưởng chú trọng việc mời giáo viên bản ngữ trong quá trình thực hiện đề án. Ông đề nghị các vụ, đặc biệt là Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Đào tạo Nước ngoài của Bộ GD&ĐT tăng cường mở rộng giao lưu, hỗ trợ các địa phương để có giáo viên bản ngữ.
Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (gọi tắt là Đề án 2020) đã có 7 năm triển khai trên toàn quốc.
Trong giai đoạn tiếp theo, Đề án 2020 sẽ tiếp tục được đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ nhằm đảm bảo đến năm 2020 đa số học sinh đạt chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ khi tốt nghiệp.
Đến năm 2025, đa số thanh niên Việt Nam, cán bộ công chức, viên chức, nguồn nhân lực có đủ năng lực ngoại ngữ để sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc.
Theo Zing
Chúng ta đào tạo ra cử nhân không có tinh thần khởi nghiệp Tại cuộc họp báo trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn chỉ ra rằng "báo động nhất vẫn là chất lượng giáo dục đại học". Ở đây có câu chuyện về chất lượng giảng viên đại học, có câu chuyện về sự bùng nổ ngành đào tạo, trường đại học làm...