ĐBSCL: Lũ lên nhanh, tổ chức đưa đón HS đến trường an toàn
Nước lũ đang lên nhanh, hiện ngành Giáo dục tỉnh An Giang, Đồng Tháp vẫn cho học sinh nhập học như mọi năm. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT hai tỉnh này đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục huyện đầu nguồn vùng lũ cần chú tâm, theo dõi mực nước lũ, tổ chức đưa đón học sinh đến trường an toàn.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mực nước lũ năm 2018 tại các khu vực đầu nguồn sông Cửu Long như: Thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, Tân Hồng của Đồng Tháp và huyện An Phú, thị xã Tân Châu của An Giang sẽ cao hơn trung bình nhiều năm và có khả năng sẽ ảnh hưởng đến việc khai giảng năm học mới 2018-2019 của một số trường học ở những địa phương này.
Tại An Giang, ngành Giáo dục tỉnh này, cho biết, lũ năm nay về sớm, tình hình mưa bão diễn biến thất thường. Tuy nhiên, theo báo cáo của các huyện đầu nguồn như thị xã Tân Châu, huyện An Phú, mực nước trên sông chưa quá lớn, nhưng có một số điểm trường bị ảnh hưởng do mực nước lũ lên cao do đường đi bị ngập.
Cụ thể, trên địa bàn huyện An Phú có 7 điểm trường thuộc hai xã Mỹ Hội Đông, xã Phú Hữu bị ảnh hưởng do lũ với tổng số học sinh phải đưa rước đến trường là 263HS. Trong đó, trường tiểu học B Vĩnh Hội Đông có 99 học sinh, số còn lại thuộc các điểm trường mầm non, tiểu học và THCS thuộc xã Phú Hữu.
Nước lũ lên nhanh và diễn biến khó lường, ngành Giáo dục các tỉnh An Giang, Đồng Tháp chỉ đạo Phòng Giáo dục cần chú tâm, theo dõi mực nước lũ.
Bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, cho biết: “Lịch học năm nay vẫn như mọi năm. Đối với bậc THPT tựu trường là 20/8 và thực học là 27/8. Đối với bậc mầm non, năm nay tựu trường trễ hơn 1 tuần, tựu trường vào 27/8, thực học vào ngày 3/9. Đối với các điểm trường ảnh hưởng do lũ, Sở đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đưa đón học sinh, đảm bảo các em đến trường an toàn”.
Ngoài ra, bà Diễm còn cho biết, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy và chính quyền nên cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh An Giang đảm bảo tốt cho việc dạy và học. Ở bậc Mầm non thiếu vài trăm giáo viên, tuy nhiên các trường tự điều tiết bằng cách tăng tiết dạy, đảm bảo việc dạy học đúng qui định.
Đối với những điểm trường bị ảnh hưởng do nước lũ, các Phòng Giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đưa đón học sinh đến trường.
Video đang HOT
Còn tại Đồng Tháp, ông Bùi Quý Khiêm – Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Đến thời điểm này, theo báo cáo của các địa phương đầu nguồn thì dự kiến nếu mực nước lên cao khoảng 0,5m nữa, một số cơ sở trường học thuộc các địa phương Thông Bình, Bình Phú (huyện Tân Hồng) và Thường Phước (huyện Hồng Ngự) sẽ bị ảnh hưởng (trường học không ngập nhưng một số đoạn đường đi đến trường bị ngập nước). Để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên đến trường, các trường học có khả năng bị ảnh hưởng của lũ đã tham mưu với UBND các địa phương, phối hợp với các đoàn thể xây dựng phương án đưa, đón học sinh và giáo viên đến trường bằng phương tiện an toàn.
Từ nhiều năm qua, mỗi khi nước lũ lên cao, các ngành chức năng và ngành Giáo dục đều phối hợp tốt trong công tác đảm bảo các em hs đến trường an toàn bằng việc tổ chức đưa đón các em từ nhà đến trường.
Theo ông Khiêm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo Phòng GD-ĐT, các trường học phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị quan tâm giúp đỡ học sinh bằng nhiều biện pháp: vận động hỗ trợ học bổng, cặp, sách, vở, dụng cụ học tập; không thu cùng một lúc các khoản đóng góp… để đảm bảo huy động tối đa trẻ trong các độ tuổi đến trường. Trong trường hợp lũ lên cao, gián đoạn việc học tập, Sở sẽ chỉ đạo thực hiện tốt việc dạy bù để đảm bảo kiến thức cho học sinh vùng bị lũ ảnh hưởng”.
Bên cạnh đó, do năm học 2019-2020 sẽ triển khai thay sách giáo khoa lớp 1 theo lộ trình của Chính phủ nên Sở đã chỉ đạo các trường Tiểu học kiểm kê, phân loại cà xuất cấp sách giáo khoa lớp 1 hiện có tại trường cho học sinh nghèo vì hiện nay, trên thị trường đang có hiện tượng khan hiếm sách giáo khoa lớp 1.
Ban giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã chỉ đạo các phòng giáo dục vùng lũ lưu ý theo dõi mực nước sông Cửu Long, khi nước lên quá cao gây nguy hiểm cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học thì phải tính toán linh hoạt cho học sinh tạm nghỉ học.
Nguyễn Hành
Theo Dân trí
"Cậu học trò thiếu cha, vắng mẹ" giàu nghị lực đã nhập học ngôi trường mơ ước
Với sự giúp đỡ của nhiều mạnh thường quân, em Trần Thế Phương, chàng trai nghèo giàu nghị lực trong bài viết "Cậu học trò thiếu cha, vắng mẹ đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng không có tiền nhập học" đã chính thức trở thành tân sinh viên của ngôi trường mà em mơ ước.
Chiều ngày 21/8, anh Hưng, cậu ruột, người dẫn cháu Phương ra Hà Nội nhập học vui mừng thông tin: Với sự giúp đỡ, động viên của đông đảo các nhà hảo tâm trên khắp cả nước, sáng 21/8, hai cậu cháu đã có mặt tại Hà Nội để kịp nhập học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội theo giấy báo trúng tuyển.
Anh Hưng cho biết, tình cảm của mọi người dành cho người cháu ruột của mình khi có mặt tại Hà Nội là rất lớn.
"Khi cậu cháu có mặt tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì rất nhiều các bác, các anh chị gọi điện sẻ chia động viên trước đó đã có mặt tại cổng trường để đón và hỗ trợ Phương nhập học. Thậm chí vì quá thương Phương mà các anh chị còn giành nhau đóng học phí cho cháu. Em thực sự rất cảm động trước tình cảm của mọi người dành cho Phương" - anh Hưng thông tin.
Nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, em Trần Thế Phương (áo kẻ) đã có mặt và làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Sau khi nhập học vào khoa Kỹ thuật điện, Phương đã được cán bộ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tận tình hướng dẫn, giúp đỡ nhận phòng tại kí túc xá của trường.
Việc trở thành tân sinh viên của Phương như một giấc mơ đối với em, bởi mới chỉ cách đó ít ngày Phương đã tính xếp lại giấy báo trúng tuyển để đi làm thuê vừa kiếm sống, vừa giúp bà ngoại già cả của mình.
Trong niềm vui mới, Phương không quên lời hứa với người bà thân thương, với thầy cô, bạn bè, đông đảo các mạnh thường quân đã sẻ chia với em là sẽ nỗ lực hết mình trong học tập.
Nhiều người đã tìm đến khu kí túc xá của Phương để động viên, giúp đỡ em
"So với nhiều bạn, cháu thật may mắn khi nhận được quá nhiều niềm yêu thương, sự sẻ chia của các bác, các cô chú, các anh chị trên khắp cả nước. Cháu xin hứa sẽ nỗ lực hết mình, cháu sẽ cố gắng vừa học vừa làm thêm để tu rèn bản thân, học tập thật tốt để không phụ tấm lòng của tất cả mọi người" - em Phương bày tỏ.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, em Trần Thế Phương (SN 2000, thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) sinh ra không biết bố mình là ai. Mẹ em, người phụ nữ lỡ thì, sau khi sinh em được 18 tháng, đã bỏ em ở lại quê nhà ra Bắc làm thuê và lập gia đình ở Thái Nguyên, từ đó đến nay không về.
Phương lớn lên từ sự đùm bọc nuôi dạy của bà ngoại và người cậu ruột. Từ lớp 2 lớp 3, Phương đã phải phụ giúp cậu, bà chăn bò. Những năm kế tiếp, để có thể nuôi sống mình và bà ngoại, một buổi đến trường, buổi còn lại Phương vừa đi chăn bò cho gia đình cậu và đánh bắt cáy ven sông.
Để kịp giờ đến lớp học, khoảng 4h sáng em phải thức dậy để gom ống cáy đặt từ chiều hôm trước. Hôm nào được nhiều thì đủ để nuôi sống bà ngoại và em trong ngày, hôm nào không có cáy, thì hai bà cháu sống nhờ vào gia đình người cậu cũng cảnh nghèo khó, túng thiếu đủ bề.
Để có tiền ăn học, giúp bà ngoại già yếu hằng ngày Phương phải đi thả túm bắt lươn, bắt cáy
Cũng vì cuộc sống quá khó khăn nên nhìn vào góc học tập của em, ai cũng phải rơi nước mắt. Căn phòng nhỏ, nói đúng hơn là cái gác xép rộng chừng 6 mét vuông, nóng bức, chật chội, ở giữa được kê chiếc bàn nhựa, chiếc ghế ngồi học của em được làm bằng khuôn đóng gạch đã hỏng.
Khó khăn vất vả, thiếu thốn đủ bề, thế nhưng chưa bao giờ Phương nản chí trong việc học tập, càng ngày em học tập càng tiến bộ. Suốt 9 năm học cấp 1 và 2, em đều đạt học sinh tiến tiến. 3 năm học tại Trường THPT Cẩm Bình, em đều đạt học sinh giỏi của trường. Ở quê nhà Phương luôn được các ông bố, bà mẹ lấy làm tấm gương để răn dạy con mình. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Phương đạt 21 điểm khối A, đậu vào khoa Kỹ thuật điện - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Khi biết hoàn cảnh của em không có tiền để vào đại học, rất nhiều bạn đọc ở xa, thông qua tài khoản cá nhân đã sẻ chia, gửi tiền hỗ trợ giúp em Phương có thêm kinh phí nhập học. Nhiều nhà hảo tâm, trong đó có một nhóm nhà hảo tâm đến từ Quảng Ninh, Đà Nẵng đã tìm đến tận nhà thăm, động viên, sẻ chia với Phương
Văn Dũng
Theo Dân trí
Mùa nhập học - mùa "rụng tim" vì ngắm ảnh nữ sinh Việt tinh khôi trong tà áo dài Bảo đảm sau khi xem xong loạt ảnh này, ai cũng phải công nhận rằng con gái mặc áo dài trắng đúng là đỉnh cao của sự dịu dàng, nữ tính. Vào ngày hôm qua, hàng triệu bạn học sinh - sinh viên trên khắp cả nước đã quay trở lại trường sau những tháng ngày nghỉ hè thoả thích. Vì là ngày...