ĐBSCL còn thiếu hàng ngàn GV mầm non
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện nay các tỉnh ĐBSCL vẫn còn thiếu nhiều phòng học, nhiều nơi còn học tạm, học nhờ và thiếu cả nghìn giáo viên đứng lớp khối mầm non.
Thông tin trên được Bộ GD-ĐT cho biết trong hội thảo “Giáo dục mầm non vùng ĐBSCL – Thực trạng và giải pháp” do Bộ GD-ĐT, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức vừa mới đây tại tỉnh Hậu Giang.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trăn trở, ĐBSCL là vùng có xuất phát điểm về GD-ĐT nói chung và giáo dục mầm non (GDMN) nói riêng thấp hơn so với các vùng và khu vực khác trong cả nước. Khó khăn lớn nhất của GDMN vùng ĐBSCL là hàng năm phải đối mặt với nhiều đợt lũ lớn, mỗi khi mùa lũ về, trẻ thường nghỉ học; trường lớp bị ngập lụt lâu ngày nên cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi… bị hư hỏng nặng. Bên cạnh đó nhận thức của một số bộ phận dân cư về phát triển GDMN còn hạn chế nên việc đầu tư cho cho GDMN chưa được quan tâm đúng mức.
(Ảnh minh họa)
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, thời gian qua mặc dù số trường MN trong vùng tăng lên đáng kể, song việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp ở một số địa phương còn hạn chế, chưa ưu tiên dành quỹ đất cho việc xây dựng trường MN, hiện vẫn còn trên 200 xã chưa có trường MN độc lập.
Ngành giáo dục các tỉnh ĐBSCL cho biết, đến năm học 2010-2011 vẫn còn thiếu nhiều phòng học và còn nhiều phòng học tạm, học nhờ. Thống kê cả vùng còn 769 phòng tạm và 3.316 phòng học nhờ/tạm, chiếm 27,5% (cả nước hiện còn 11.720 phòng học nhờ, 14.645 phòng học nhờ). Các tỉnh còn nhiều phòng học nhờ, mượn là Sóc Trăng (540 phòng), Kiên Giang (454), Đồng Tháp (438), An Giang (358), Trà Vinh (276), Cà Mau (269)…
“Một số địa phương điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, công trình nước sạch, nhà vệ sinh chưa phù hợp, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn tuyệt đối, cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện đại trà chương trình GDMN mới” – Thứ trưởng Nghĩa đánh giá.
Video đang HOT
Trong khi đó, về đội ngũ giáo viên (GV), Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, mặc dù số GV đã tăng nhanh trong thời gian qua, nhưng GV đứng lớp vẫn còn thiếu khá nhiều. Năm học 2010-2011, toàn vùng có 21.305 GV, trong đó GV biên chế Nhà nước là 16.579/21.305 người. Tuy nhiên, hiện cả vùng ĐBSCL vẫn còn thiếu khoảng 2.284 GV. Các tỉnh còn thiếu nhiều GV là Tiền Giang (488 người), Cà Mau (253), Hậu Giang (248) Long An (212), Cần Thơ (200)…; vẫn còn 15% GV chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá thêm, năng lực chuyên môn của GV không đồng đều, trong khi đó năng lực quản lý tham mưu của một số cán bộ quản lý lại hạn chế; nhiều hiệu trưởng, hiệu phó chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nên việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học thiếu nhạy bén, đặc biệt là còn lúng túng trong tự chủ thực hiện nhiệm vụ và quản lý tài chính.
Thứ trưởng Nghĩa cũng nhìn nhận, số lượng GV MN được đào tạo hệ chính quy TH Sư phạm (SP), CĐSP của các trường sư phạm hàng năm rất ít, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nên việc tuyển dụng GV gặp nhiều khó khăn, hạn chế nguồn tuyển GV có năng lực chuyên môn.
Để phát triển GDMN vùng ĐBSCL, theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, trước hết chính quyền các cấp mỗi địa phương phải coi phát triển GDMN là tiền đề để phát triển, nâng cao chất lượng GD, từ đó có những giải pháp đồng bộ về huy động nguồn lực cho phát triển GDMN; cần phải ưu tiên quy hoạch đất và đầu tư xây dựng trường MN cho nhưng xã chưa có trường độc lập; khi xây dựng trường cần xây dựng đủ phòng học và các phòng chức năng đảm bảo đủ thiết bị, đồ chơi dạy trẻ…
Về nguồn lực GV, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, các trường SP trong vùng phải thường xuyên cập nhật, thực hiện việc gắn chỉ tiêu tuyển sinh với nhu cầu thực tế về GV của các địa phương nhằm đảm bảo cả về số lượng và cơ cấu theo yêu cầu cụ thể của các Sở GD-ĐT.
Các địa phương cũng nên quan tâm tuyển chọn GV là người dân tộc thiểu số, tập trung bồi dưỡng nâng cao kỹ năng của GV về việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số. “Các tỉnh phải đảm bảo thực hiện các chế độ, chính sách đối với GVMN theo đúng quy định; khuyến khích các địa phương có chính sách riêng hỗ trợ đời sống GV để GV yên tâm công tác” – Thứ trưởng Nghĩa nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị, trong thời gian tới các địa phương sớm xây dựng chương trình hành động về phát triển GDMN giai đoạn 2012-2015; các tỉnh tiến hành rà soát, tổng hợp danh mục các dự án công trình trong đề án kiên cố hóa trường, lớp học gửi Bộ GD-ĐT tổng hợp đề nghị Quốc hội xem xét, tiếp tục bố trí vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện giai đoạn 2012-2015.
Thứ trưởng Nghĩa cũng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2012-2015, trong đó ưu tiên cho phát triển GDMN, của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng.
Huỳnh Hải
Theo dân trí
Cách chức hiệu trưởng, kỷ luật 14 Đảng viên trong 1 trường
Sáng nay 2/12, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi đã có buổi làm việc với Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) để lấy kiến về hình thức kỷ luật về mặt chính quyền đối với hiệu trưởng trường này.
Tại buổi làm việc, các thành viên bỏ phiếu đề nghị cách chức ông Võ Văn On - hiệu trưởng nhà trường với số phiếu tán thành cách chức là 7/11. Ngoài ra 2 hiệu phó nhà trường cũng bị đề nghị mức kỷ luật khiển trách gồm ông Hoàng Hải (7/11 số phiếu tán thành) và ông Nguyễn Văn Nhựt (6/11 số phiếu tán thành).
Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) - nơi xảy ra vụ cách chức hiệu trưởng và kỷ luật 14 Đảng viên.
Được biết, vào năm 2008, Ông Võ Văn On được điều chuyển về Trường THPT Lương Thế Vinh làm hiệu trưởng (trước đó ông On được điều chuyển làm hiệu trưởng Trường THPT Đức Phổ 2).
Sau khi tiếp nhận công tác, ngày 10/8/2008, ông On ký quyết định sử dụng tiền tiết kiệm chi cho cán bộ, giáo viên theo hệ số lương, trong khi quy chế chi tiêu nội bộ quy định chi theo phân loại A, B, C. Chi tiêu sai quy chế, nhưng bà Hoa - kế toán nhà trường vẫn thực hiện theo chỉ đạo của ông On.
Đến ngày 10/5/2009, ông On và Chủ tịch Công đoàn nhà trường tự ý ký ban hành quy chế chi tiêu nội bộ (sửa đổi bổ sung quy chế cũ). Điều đáng lưu ý, việc sửa đổi quy chế không đưa ra bàn bạc, thảo luận trong tập thể Hội đồng giáo viên nhà trường.
Ngoài ra, hành vi trích lập các quỹ từ nguồn kinh phí dạy phụ đạo trong 2 năm học qua, xuất hiện nhiều điều khoản không đúng với điều 8 theo Quyết định số 22/2008 của UBND tỉnh. Cụ thể như quy định chi cho giáo viên dạy là 75% nhưng ông On ký chi 69,6% và 78,5%; quy định chi cho quỹ phúc lợi 7% nhưng thực chất chi đến 14,1% và 8,4%; quy định chi cho quản lý 5% nhưng trường chi 8% và 7,9%; chi khấu hao tài sản quy định 13% nhưng chỉ trích 3,2% và 1,3%. Mức chênh lệnh lên đến hàng trăm triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, ông On còn cho phép Ban đại diện cha mẹ học sinh thu tiền sửa chữa nhỏ trong nhà trường sai với quy định của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Năm học 2009- 2010, thu hội phí, sửa chữa nhỏ mỗi khoản 50.000đ/em, với tổng số tiền 116 triệu đồng. Năm học 2010-2011, thu hội phí 50.000đ/em và thu sửa chữa nhỏ 30.000đ/em, với tổng số tiền thu được gần 60 triệu đồng.
Những việc làm của ông On cùng một số cán bộ khác đã gây bất bình trong nội bộ nhà trường. Cuối năm 2010, tập thể giáo viên, cán bộ nhà trường đã đồng loạt ký tên trong đơn tố cáo những hành vi sai trái trên.
Qua kiểm tra, Ủy ban kiểm tra huyện ủy Đức Phổ đã tiến hành xử lý kỷ luật và kiểm điểm 14/19 đảng viên trong nhà trường, trong đó gồm người tố cáo và người bị tố cáo.
Hồng Long
Theo dân trí
Giáo viên nêu sai phạm hiệu trưởng, lãnh đạo quận lên tiếng Trả lời câu hỏi của Dân trí trước đơn thư phản ánh của một số giáo viên về cách điều hành bị cho là có sai phạm của hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân cho rằng: "Chỉ là sự không hiểu nhau". Theo đơn thư phản ánh về Dân trí, các giáo viên (GV) này cho biết:...