ĐBQH yêu cầu công bố các đối tượng gian lận thi cử, để tạo niềm tin cho người dân
Những vụ việc trong ngành giáo dục như bạo lực học đường, ấu dâm học sinh, gian lận thi cử… xảy ra thời gian qua là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm trong buổi làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Hôm nay, 20/5, đã diễn ra buổi làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra nhiều bất cập trong lĩnh vực giáo dục hiện nay: “Hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục còn hạn chế, đặc biệt là công tác tổ chức thi Trung học Phổ thông Quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình; nhiều trường hợp trúng tuyển, đỗ thủ khoa các trường đại học một cách không thực chất”.
Từ đó, ông Thanh cho rằng, đây là những vấn đề mà người dân hết sức quan tâm, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải rà soát và có giải pháp khắc phục, xử lý dứt điểm như gian lận trong thi cử, chất lượng và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo, tính minh bạch và hiệu quả trong công tác tuyển sinh các bậc học, chế độ đãi ngộ cho giáo viên, tình hình bạo lực học đường…
“Tiếp tục xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác tổ chức thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018 bảo đảm công khai, minh bạch; tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi Trung học Phổ thông và Đại học năm 2019. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về văn hóa giáo dục, quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách”, ông Vũ Hồng Thanh cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, ĐBQH tỉnh Quảng Bình.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, những vụ việc như bạo lực học đường, dâm ô học sinh, gian lận thi cử… xảy ra thời gian qua đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh, đạo đức, tư cách giáo viên và gây bức xúc trong dư luận.
Vị ĐBQH đoàn Quảng Bình cũng cho rằng cần công khai danh tính của học sinh, phụ huynh liên quan đến vụ gian lận thi cử trên: “Những vụ gian lận thi cử vừa qua làm mất rất lớn niềm tin của người dân. Theo tôi, các đối tượng vi phạm đều phải công bố, có vậy mới tạo niềm tin của người dân. Thực tế, các em đã học tới lớp 12, nghĩa là 18 tuổi, độ tuổi có nhận thức rằng nếu bố mẹ, phụ huynh đưa mình vào gian lận thì cũng phải có chính kiến của mình về hành vi xấu xí đó”.
Đề cập tới một số vụ dâm ô xảy ra thời gian qua, ĐB Nguyễn Ngọc Phương chỉ ra hai nguyên nhân: Một là, do tình trạng xã hội có nhiều biến chuyển, làm thay đổi nhận thức của giáo viên, học sinh. Hai là, ngành giáo dục chưa có sự quan tâm đúng mức tới các vấn đề này trong trường học.
Từ đó, ông Phương nêu giải pháp để giải quyết bài toán: “Phải nâng cao nhận thức bằng cách tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh về những nguy cơ, cách phòng chống, đối phó với nạn ấu dâm. Đồng thời, cần tăng cường truyền thông giáo dục trên nhiều kênh thông tin nhằm giúp người dân, phụ huynh, học sinh, xã hội nhận thức đúng về vấn nạn ấu dâm hiện nay, từ đó đánh giá đúng vấn nạn này với xã hội hiện tại”.
Theo nguoiduatin
Gian lận thi cử ở Hoà Bình, Hà Giang, Sơn La: Cử tri bức xúc truy trách nhiệm Bộ GD&ĐT
Cử tri ở nhiều tỉnh, thành phố rất bức xúc trước hiện tượng gian lận trong thi cử và yêu cầu Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm của ngành.
Vấn đề này được bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện đề cập tới khi trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tại phiên họp Quốc hội sáng 20/5.
Về vấn đề tổ chức kỳ thi THPTQG và xét tuyển sinh đại học, cử tri TP Hà Nội cho rằng, việc Bộ GD&ĐT luôn thay đổi đề án thi THPTQG và xét tuyển sinh đại học làm ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và học sinh, đề nghị có giải pháp lâu dài để khắc phục những bất cập này.
Cử tri ở nhiều tỉnh, thành phố rất bức xúc trước hiện tượng gian lận trong thi cử và yêu cầu Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm của ngành.
Cử tri một số tỉnh Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắk Lắk,... phản ánh rất bất bình trước hiện tượng gian lận trong thi cử xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, đề nghị Bộ GD&ĐT cho biết trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước và giải pháp khắc phục hậu quả trong các vụ việc gian lận thi cử xảy ra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.
Trả lời cử tri các tỉnh trên, Bộ GD&ĐT nêu các giải pháp điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Về trách nhiệm của mình, Bộ cho biết ngoài nguyên nhân thuộc trách nhiệm trực tiếp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đối với việc tổ chức thi tại địa phương, còn có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong khâu ra đề thi và vai trò giám sát ở một số khâu tổ chức thi.
Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức kỳ thi THPTQG để hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi. Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, cơ bản giữ nguyên phương án xét tuyển như năm 2017 và năm 2018.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn trả lời kiến nghị cử tri một số địa phương về các giải pháp để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm; việc cải cách, đổi mới giáo dục; về thay đổi sách giáo khoa; về chế độ đối với giáo viên mầm non,...
Theo VTC
Bộ Giáo dục "lờ" trách nhiệm của mình trong vụ gian lận thi cử lớn nhất từ trước tới nay Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục cho biết trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước trong vụ việc gian lận thi cử lớn nhất từ trước tới nay, tuy nhiên Bộ này chỉ trả lời "rất chung chung", không nhắc đến việc xử lý các cá nhân, tập thể của Bộ ... Trên đây là một trong những nội dung...