Dạy và học khó khăn vì… trò giỏi tiếng Anh hơn thầy
Việc triển khai dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh gặp nhiều trở ngại, đặc biệt do trình độ tiếng Anh của giáo viên còn hạn chế.
Sau 5 năm triển khai thí điểm mô hình dạy toán và các môn khoa học khác bằng tiếng Anh trong các trường THPT chuyên giai đoạn 2011 – 2015, mục tiêu ban đầu đặt ra 30% các trường THPT tại các thành phố lớn dạy toán hoàn toàn bằng tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chưa đạt được.
E ngại khi trình bày bài giảng
Năm 2010-2015, Bộ GD&ĐT đã cho phép triển khai thí điểm dạy toán bằng tiếng Anh trong 30% các trường THPT ở các thành phố lớn (mỗi năm, tăng lên từ 15%-20% số trường). Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, đến nay cả nước mới chỉ có khoảng hơn 30 trường THPT chuyên và không chuyên dạy các môn khoa học tự nhiên bằng ngoại ngữ. Cách dạy cũng chỉ xen kẽ với thời lượng ít, không hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Để dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh, giáo viên cần vượt qua được rào cản về ngoại ngữ lẫn chuyên môn. Ảnh: Người Lao Động.
Nguyên nhân do chưa có sự chuẩn bị về giáo viên khi áp dụng đề án vào các trường học. Giáo viên tiếng Anh không thể dạy các môn khoa học tự nhiên vì thiếu kiến thức chuyên môn. Còn giáo viên dạy toán và các môn khoa học tự nhiên lại rất hạn chế về tiếng Anh.
Có một số ít giảng viên ở các trường ĐH vừa có kiến thức về chuyên môn vừa có khả năng tiếng Anh tốt nhưng các thầy cô này cũng chỉ là các giáo viên mời giảng nên khó gắn bó lâu dài với các trường THPT chuyên.
Cô Trần Thị Anh Đào – giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng – cho biết: Giáo viên giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn khi đối mặt các bài giảng bằng tiếng Anh. Hầu hết họ chỉ được đào tạo từ các trường ĐH sư phạm về chuyên môn, trình độ ngoại ngữ hoàn toàn là tự rèn luyện, học tập nên chất lượng không đồng đều.
Để soạn giáo án cho một tiết dạy thường mất từ 7 – 10 ngày. Bên cạnh đó, người dạy còn phải thiết kế bài giảng sao cho đơn giản, dễ hiểu, phù hợp cho học sinh nắm vững các kiến thức cơ bản.
Video đang HOT
“Một thực tế là nhiều học sinh các trường chuyên có tư duy tốt, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên nên khả năng tiếp thu môn học này bằng tiếng Anh khá tốt. Nhiều em có quá trình học ngoại ngữ nhiều năm ở các lớp học dưới nên kiến thức của các em về môn học lẫn ngoại ngữ đều rất phong phú. Trước thực tế này, nhiều giáo viên tỏ ra e ngại khi trình bày bài giảng với các học sinh” – cô Anh Đào bày tỏ.
Khó nâng cao trình độ
Thầy Nguyễn Thành Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội), chia sẻ thực trạng ở trường mình: Học sinh quá giỏi ngoại ngữ là một thử thách khi các thầy cô giáo dạy môn khoa học tự nhiên chỉ được đào tạo ở trường sư phạm về chuyên môn.
Theo khảo sát đầu vào lớp 10 hằng năm của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, học sinh của trường thường đạt đến khung B1 theo khung tham chiếu châu Âu. Trong khi trình độ này, giáo viên dạy các môn khoa học hay môn toán cũng chưa đạt được. Đó là một thách thức lớn. Trường đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này như đưa giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài.
Thầy Nguyễn Quang Nam, giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, cũng cho biết thêm trình độ ngoại ngữ của thầy không giỏi hơn học trò.
“Nửa năm nay, tôi phải lọ mọ cắp sách đến các trung tâm để học nâng cao tiếng Anh nhưng khổ nỗi ở đó họ không dạy tiếng Anh chuyên ngành tôi cần nên cũng rất khó để vận dụng” – thầy Nam chia sẻ.
Nhiều giáo viên bày tỏ nguyện vọng được Bộ GD-ĐT tổ chức đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, có chính sách động viên giáo viên cũng như đưa môn tiếng Anh vào thi cử, đánh giá để thúc đẩy học sinh học tập. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cho các thầy cô đứng lớp cũng phải được cải thiện.
Trước thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT – cho rằng, các giáo viên không nên áp đặt tâm lý phải giỏi hơn trò, nhất là ở môn ngoại ngữ.
Các giáo viên cần tạo môi trường thân thiện giúp học sinh có hứng thú học và tiếp thu bài giảng được dễ dàng, đưa tiếng Anh chuyên ngành gần gũi với học sinh, giúp học sinh vượt qua được rào cản về tiếng Anh chuyên ngành, đưa một số hoạt động vào bài giảng, đặc biệt là hoạt động nhóm, để các em giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia sẻ để nâng cao kiến thức.
Theo Nguyệt Hà/Người Lao Động
'Người Việt chưa thể giỏi tiếng Anh hơn Thái Lan'
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, bảng xếp hạng trình độ tiếng Anh người Việt đứng thứ 5 châu Á chỉ mang tính tham khảo.
Tổ chức giáo dục EF Education First (Thụy Sĩ) vừa công bố bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ 2015. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 29/70 quốc gia về khả năng tiếng Anh, trên cả Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan.... Trình độ tiếng Anh của người Việt đứng thứ 5 châu Á, sau Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Hàn Quốc.
So với năm 2014, Việt Nam đã tăng 4 bậc trong xếp hạng của EF (năm 2014, Việt Nam đứng thứ 33).
Lớp học tiếng Anh miễn phí của "thần đồng" Đỗ Nhật Nam cho các em nhỏ. Ảnh: Hoàng Anh.
Đánh giá chưa toàn diện
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, người nhiều năm gắn bó ngành giáo dục cho rằng, đánh giá này chỉ mang tính chất tham khảo. "Xếp hạng Việt Nam trên Nhật Bản còn có cơ sở xem xét, nhưng hơn Thái Lan thì không thể", ông Nhĩ khẳng định.
Cụ thể, theo nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, Thái Lan có chương trình dạy tiếng Anh phổ thông cơ bản, nhiều địa phương có thể trao đổi bằng ngoại ngữ này. Tại các hội nghị quốc tế, đoàn đại biểu Thái Lan nói tiếng Anh rất chuẩn.
Ông Nhĩ nhận xét, dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng trình độ tiếng Anh của người Việt chưa thể đạt "đẳng cấp" như bảng xếp hạng đánh giá. Phổ điểm của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua cho thấy, 74.151 thí sinh đạt 2,25 điểm môn tiếng Anh, cũng phần nào nói lên thực trạng học ngoại ngữ trong giới trẻ.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, trẻ em nên học tiếng Anh từ bậc mầm non đến đầu cấp tiểu học là hiệu quả nhất. Hiện nay, học sinh lên lớp 3 mới học môn này là quá muộn.
Chia sẻ quan điểm bảng xếp hạng dựa trên khảo sát chưa toàn diện, cô Thảo Nguyên, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM, nói khảo sát của EF là bài kiểm tra trên mạng, chủ yếu ở một số vùng như Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, không tiến hành ở vùng núi. Bài kiểm tra khá dễ đối với học sinh thành thị.
"Đối tượng của khảo sát là học sinh khá, có kiến thức tốt, sử dụng mạng Internet thành thạo, nên kết quả không mang tính bao quát", cô Thảo Nguyên nói. Theo nữ giáo viên, trong quá trình giảng dạy, luyện thi IELTS, cô thấy trình độ của học sinh ở mức trung bình.
"Đánh giá này chỉ mang tính chất tham khảo hoặc có giá trị trong tương lai. Còn thời điểm hiện tại, khả năng tiếng Anh của người Việt chưa đều giữa các khu vực và môi trường sử dụng ngoại ngữ còn hạn chế", Nguyễn Mai Phương - giáo viên dạy tiếng Anh online nói.
Nặng về ngữ pháp
Cô Thảo Nguyên nhận xét thêm, các bạn trẻ học tiếng Anh thường không đầu tư cho nghe, nói mà tập trung ngữ pháp. Vì ít tương tác nên khi gặp tình huống giao tiếp, các em thường phản ứng chậm.
"Tiếng Anh của giới trẻ tương đối khả quan và ngày càng tốt hơn, nhưng vẫn còn nhiều thứ cần cải thiện" là ý kiến của thầy Ninh Bắc, giảng viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo ông Bắc, ở các trường không chuyên, tư duy giáo dục còn cũ, kiểm tra ngữ pháp là chính nên hiệu quả thực tế không cao. Các em học xong là quên ngay chứ không rèn thành kỹ năng.
Còn cô Mai Phương nhận định, nhiều người không học được tiếng Anh vì bỏ ra quá nhiều thời gian cho ngữ pháp mà quên đi yếu tố từ vựng và sử dụng ngôn ngữ. Không có môi trường tiếp xúc, sử dụng tiếng Anh thường xuyên nên việc học tập dễ đi vào lối mòn.
Cô Nguyễn Loan, giảng viên tiếng Anh tại một tổ chức giáo dục quốc tế, khuyên: "Học sinh, sinh viên Việt Nam nên chú trọng khả năng nghe và nói nhiều hơn, từ đó tăng cường khả năng phản ứng trong giao tiếp".
Education First (EF) là công ty giáo dục quốc tế chuyên về đào tạo ngôn ngữ, các chương trình trao đổi văn hóa. Công ty được thành lập năm 1965, có trụ sở tại thành phố Lucerne, Thụy Sĩ. Hiện EF có 40.000 nhân viên và 500 văn phòng, trường học ở hơn 50 quốc gia.
Báo cáo của EF EPI xếp hạng 70 quốc gia từ nguồn dữ liệu của 910 nghìn người trưởng thành học tiếng Anh trên toàn thế giới.
Theo Zing
Trình độ tiếng Anh người Việt vượt Thái Lan, Nhật Bản? Theo bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ 2015 của một tổ chức quốc tế, Việt Nam vượt qua các nước như Nhật Bản, Thái Lan... Điều này khiến nhiều người nghi ngờ kết quả chỉ để "tham khảo". Tổ chức giáo dục EF Education First (Thụy Sỹ) vừa công bố Bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ 2015 của EF (EF EPI)....