Dạy trẻ làm quen tiếng Anh từ 3 tuổi: Trường công khó hơn nhiều lần trường tư?
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.
Theo dự thảo, chương trình giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh; hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh; chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học.
Các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tạo điều kiện để trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”, được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong các ngữ cảnh và hoạt động gần gũi, có ý nghĩa. Chương trình chỉ thực hiện tại các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng các yêu cầu quy định và sự tự nguyện của gia đình trẻ…
Ngay sau khi dự thảo được công bố đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, đa số đều lo lắng việc dạy tiếng Anh cho trẻ từ 3 tuổi liệu có thể thực hiện được không? Điều này có gây cản trở các năng lực khác của trẻ? Khi áp dụng đại trà cần lưu ý điều gì?
Nhiều ý kiến băn khoăn về việc dạy trẻ làm quen tiếng Anh từ 3 tuổi.
Liên quan đến vấn đề này, chị Trần Ái Minh (Hà Nội) có con đang học trường mầm non cho rằng: “Đưa tiếng Anh vào dạy ở bậc mầm non cần hết sức thận trọng vì thực tế nhiều đứa trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ, 3 tuổi nhưng chưa nói rõ được tiếng mẹ đẻ chứ nói gì đến tiếng Anh.
Nếu áp dụng đồng loạt mà không có nghiên cứu rõ ràng tôi lo sẽ hạn chế đi những năng lực khác của trẻ. Rõ ràng, nếu tiếng mẹ đẻ các em nói chưa tốt mà bắt các em học tiếng Anh thì rất áp lực.
Theo tôi, tiếng Anh chỉ nên dừng lại ở mức độ cho các cháu nhận biết, làm quen như hiện nay một số trường tư thục đang làm thôi chứ không nên đặt ra mục tiêu học hành quá nặng”.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh lo lắng việc đưa tiếng Anh vào trường mầm non sẽ lại nở rộ việc các trường liên kết với trung tâm ngoại ngữ, thêm gánh nặng học phí cho phụ huynh. “Tôi lo nhất là học tiếng Anh cho trẻ 3 tuổi trên danh nghĩa tự nguyện nhưng mỗi nơi thu mỗi kiểu do liên kết với các trung tâm khác nhau. Rồi giáo viên ở trung tâm thì ta khó kiểm soát được trình độ cũng như kỹ năng sư phạm.
Có thể giáo viên ở trung tâm rất giỏi ngoại ngữ nhưng lại không có kỹ năng sư phạm, họ cũng không có quá nhiều trách nhiệm ràng buộc với học sinh…”, anh Hùng Minh – phụ huynh có con đang học mầm non tại Hà Nội chia sẻ.
Còn theo bà Trần Thị Hương – Người sáng lập thương hiệu mầm non Ecokids (Hà Nội) thì việc triển khai dạy tiếng Anh ở cơ sở giáo dục mầm non công lập sẽ khó khăn hơn nhiều lần so với hệ thống trường tư.
“Ở trường tư, chúng tôi có giáo viên tiếng Anh chuyên dạy cho lứa tuổi đặc thù và việc tuyển chọn giáo viên cũng rất khắc nghiệt để có những giáo viên thực sự có trình độ. Theo tôi biết hiện nay ở đa số các trường công không có biên chế cho giáo viên tiếng Anh”, bà Hương cho hay.
Theo bà Hương, ngay cả dạy tiếng Anh cho trẻ theo hình thức dạy tích hợp nhưng cũng cần những giáo viên có trình độ thực sự.
“Hiện nay đa số giáo viên mầm non biên chế chuyên trách đứng lớp trong các trường công lập trình độ tiếng Anh chỉ ở mức “a,b,c” chứ tôi không muốn nói là gần như không có trình độ để giảng dạy được cho học sinh.
Nếu nói khi dự thảo ban hành chính thức ta sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên mầm non để dạy được tiếng Anh, theo tôi việc này là không thể. Bởi lẽ, để dạy được tiếng Anh cần một quá trình học tập và rèn luyện dài chứ không phải tập huấn vài buổi hay vài cuốn giáo trình là có thể dạy được”, bà Hương trăn trở.
Chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo sẽ triển khai thế nào?
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư Ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo.
Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo nhằm giúp trẻ trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh, hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh, chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học, tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc các nền văn hóa khác.
Có con đang học mẫu giáo, anh Nguyễn Xuân Cường (Cầu Giấy, Hà Nội) ủng hộ việc dạy tiếng Anh sớm cho trẻ trước khi vào bậc tiểu học.
"Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, rất cần thiết trong xã hội hiện nay, việc cho trẻ mẫu giáo tiếp xúc và học tiếng Anh nên được triển khai sớm trong các trường công lập. Nếu trẻ từ 3-4 được học tiếng Anh sẽ giúp các con làm quen dần với ngôn ngữ mới. Có thể triển khai toàn quốc là điều rất tốt, còn nếu không, những trường có điều kiện tổ chức, phụ huynh vẫn sẵn sàng đóng góp kinh phí tham gia", anh Cường cho biết.
Có con 4 tuổi, đang học tại một trường công lập tại Hải Dương, chị Nguyễn Thanh Tâm cho biết, việc học tiếng Anh với trẻ mẫu giáo ở nông thôn còn khá xa lạ. Tuy nhiên, với mong muốn cho con làm quen với ngoại ngữ từ sớm, thời gian ở nhà, chị Tâm vẫn thường xuyên giao tiếp, nói với con những từ đơn giản bằng tiếng Anh.
"Tôi không muốn nhồi nhét ngôn ngữ cho con, mà giúp con làm quen, để con vừa chơi, vừa học ngôn ngữ mới một cách tự nhiên nhất. Nếu tại các trường có dạy tiếng Anh cho trẻ, các con sẽ có môi trường tốt hơn. Khi có nhiều bạn bè và cô giáo, trẻ cũng sẽ hào hứng làm quen với ngôn ngữ mới hơn. Ở giai đoạn này, việc dạy trẻ không cần nặng về kiến thức, chỉ cần cho trẻ làm quen và yêu thích ngôn ngữ mới và luyện phản xạ", chị Tâm chia sẻ.
Có con đang học tại một trường ngoài công lập ở Hà Nội, chị Nguyễn Thu Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, trường của con chị đang theo học có liên kết với trung tâm tiếng Anh bên ngoài để dạy cho các con lớp 4, 5 tuổi. Hình thức học chủ yếu thông qua trò chơi, học tên gọi các đồ vật, con vật bằng tiếng Anh.
"Sau 4-5 buổi học cùng giáo viên nước ngoài, con về nhà tỏ ra khá hào hứng, thường khoe với mẹ những từ mới đã học và thích thú hơn với những phim hoạt hình bằng tiếng Anh trên TV". Chị Hằng cho rằng, việc học ngoại ngữ sớm là cần thiết, giúp trẻ làm quen và luyện phản xạ.
Trao đổi về dự thảo này của Bộ GD-ĐT, bà Lương Thị Biển, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT Bắc Ninh cho biết, là địa phương có nhiều khu công nghiệp, thu hút lượng lớn đầu tư nước ngoài FDI, số người nước ngoài làm việc tại địa bàn tỉnh lớn, việc dạy tiếng Anh sớm cho trẻ để tạo nền tảng là điều cần thiết. Bà Biển cho hay, ngay sau khi Bộ GD-ĐT có quy định chính thức, Sở GD-ĐT Bắc Ninh sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để triển khai ở các trường học đủ điều kiện.
Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non, bà Biển cho rằng, chỉ có thể thực hiện khi xã hội hóa, tức các trường phối hợp với các trung tâm tổ chức, bởi nội lực giáo viên mầm non hiện nay rất khó để dạy trẻ tiếng Anh, đặc biệt ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Trao đổi với VOV.VN về dự thảo này, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT cho biết, trong xu thế hội nhập, Nghị quyết 29 đã đặt ra yêu cầu về 2 công cụ quan trọng cho công dân toàn cầu là ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Trong đề án về đổi mới toàn diện căn bản giáo dục cũng đã đặt ra yêu cầu cho trẻ mầm non tiếp cận với ngoại ngữ, công nghệ thông tin.
Ông Minh cho hay, việc cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh chính thức được thí điểm từ năm 2014, tuy nhiên, việc này với chỉ được triển khai dựa trên 1 công văn, chưa đủ hành lang pháp lý.
"Theo công văn đó, ở đâu có điều kiện thì có thể tổ chức cho các cháu làm quen với ngoại ngữ, trong đó có một số quy định về chương trình, phương pháp, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để các địa phương và các cơ sở giáo dục tổ chức, đáp ứng yêu cầu xã hội và chuẩn bị cho sự phát triển tương lai của các công dân toàn cầu", ông Minh nói.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non cho hay, xuất phát từ thực tiễn, việc tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh đã được triển khai ở khoảng 30% số trẻ trên toàn quốc, song các địa phương còn đang lúng túng, thiếu hành lang pháp lý để quản lý, do đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành dự thảo chương trình làm quen với tiếng Anh mẫu giáo để lấy ý kiến dư luận.
"Các địa phương vẫn vướng về hành lang pháp lý khi thực hiện cho trẻ làm quen với tiếng Anh như yêu cầu cần đạt là gì, tổ chức như thế nào, yêu cầu giáo viên ra sao. Việc ban hành dự thảo sẽ giải quyết những vấn đề trên của các địa phương. Tinh thần của dự thảo quy định này là không áp đặt, không phải tất cả đều phải triển khai, mà chỉ áp dụng cho những cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng được yêu cầu thực hiện. Nếu giáo viên cơ hữu không thể dạy, các trường có thể tìm giáo viên hợp đồng. Nhưng quan trọng phải có giáo viên đáp ứng được yêu cầu, có cơ sở vật chất và công tác quản lý tổ chức phù hợp", ông Minh cho hay./.
Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, Mục tiêu của chương trình sau khi hoàn thành, trẻ mầm non có thể nghe hiểu được một số từ, cụm từ và câu quen thuộc; nghe hiểu và thực hiện được một số yêu cầu ngắn, đơn giản, quen thuộc; nghe hiểu và có phản hồi phi ngôn ngữ hoặc trả lời ngắn gọn trong các tình huống giao tiếp đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi; nghe hiểu và có phản hồi phi ngôn ngữ hoặc lời nói khi tham gia các trò chơi phù hợp với lứa tuổi; nghe hiểu được nội dung truyện tranh rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.
Trẻ có thể nhắc lại được, nói được một cách tương đối rõ ràng, dễ nghe một số từ, cụm từ đơn giản; nhắc lại được, đọc theo được một số bài vần, bài thơ; hát theo một số bài hát đơn giản; trả lời được, kể lại được một số tình tiết của truyện theo tranh; nhắc lại được, nói được một số từ thông dụng từ chỉ người, đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động, biểu tượng, kí hiệu rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.
Trẻ có thể đọc theo được thành tiếng một số từ thông dụng khi xem tranh, minh họa chỉ người, đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động, biểu tượng, kí hiệu rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; tô màu được một số biểu tượng, kí hiệu, chữ cái theo hướng dẫn bằng tiếng Anh; có hứng thú với tiếng Anh và tích cực tham gia các hoạt động làm quen với tiếng Anh; mạnh dạn và tự tin trong giao tiếp.
Đề xuất dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo: Nỗi lo nở rộ liên kết đào tạo Những ngày qua, cả phụ huynh và giáo viên vẫn chưa hết "rối như tơ vò" vì chạy không nổi chương trình lớp 1 mới năm nay, thì Bộ GD&ĐT lại công bố dự thảo về đưa tiếng Anh vào giảng dạy cho trẻ mẫu giáo. Thêm gánh nặng cho phụ huynh... Thông tư ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh...