Dạy tiếng Anh lớp 1: Cần sự bắt đầu chuẩn chỉnh
Một sự bắt đầu tốt trong việc giảng dạy tiếng Anh từ lớp 1 sẽ giúp đạt được mục tiêu dạy học tiếng Anh ở phổ thông.
Học sinh tiểu học trong một tiết học tiếng Anh. (Nguồn: GDTĐ)
Còn hơn một tháng nữa năm học 2020-2021 mới bắt đầu; tuy nhiên, là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT 2018) nên từ cuối năm học 2019-2020, nhiều hoạt động chuyên môn như lựa chọn sách giáo khoa, tập huấn giáo viên chuẩn bị cho dạy lớp 1 đã được triển khai.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản hướng dẫn công tác tập huấn giáo viên dạy lớp 1 trong đó yêu cầu hoàn thành việc tập huấn trước ngày 15/7. Đến nay, các nhà trường đã cơ bản sẵn sàng cho việc triển khai CTGDPT 2018.
Một vấn đề được nhiều người quan tâm là việc cho trẻ học tiếng Anh song song với việc bắt đầu học tiếng Việt từ lớp 1. Tuy tiếng Anh là chương trình tự chọn cho học sinh lớp 1, 2 nhưng có khá nhiều phụ huynh học sinh mong muốn cho con em của họ được học tiếng Anh sớm.
Lợi ích của học tiếng Anh sớm
Học ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, nếu bắt đầu sớm sẽ có nhiều thuận lợi; song, cũng có những khó khăn cho con trẻ.
Video đang HOT
Những người theo thuyết “giai đoạn vàng” để học ngôn ngữ (Critical Period Hypothesis) thì cho rằng, độ tuổi tốt nhất cho trẻ học ngoại ngữ là khoảng từ 3 đến 7 tuổi. Ở giai đoạn này, khu vực ngôn ngữ trên bán cầu đại não phát triển nhất nên việc đắc thụ ngôn ngữ là dễ dàng nhất.
Tuy nhiên, việc học cả hai ngôn ngữ cùng một lúc sẽ có những thách thức cho trẻ. Một hiện tượng khá phổ biến là các em sử dụng lẫn lộn cả tiếng Việt và tiếng Anh trong giao tiếp (hiện tượng code-switching). Nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại sợ con bị rối loạn ngôn ngữ; tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, đây là một hiện tượng bình thường và sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên. Kể cả người lớn khi học ngoại ngữ cũng gặp hiện tượng này.
Tóm lại, việc học tiếng Anh sớm sẽ có nhiều lợi ích hơn. Một trong những thuận lợi là các em dễ đạt được mức độ chuẩn về ngữ âm. Ở giai đoạn này, nếu trẻ được tiếp xúc với người bản ngữ là tốt nhất. Nếu không, sau này sẽ rất khó sửa những lỗi phát âm cơ bản.
Nghịch lý về giáo viên tiếng Anh tiểu học
Công tác đào tạo, sử dụng giáo viên tiếng Anh tiểu học ở nước ta đang còn nhiều bất cập.
Thứ nhất, là bất cập trong đào tạo. Rất ít trường đại học có khoa tiếng Anh sư phạm tiểu học. Phần lớn các trường đào tạo cử nhân ngoại ngữ để dạy tiếng Anh ở trung học phổ thông. Khi ra trường, ưu tiên đầu tiên của giáo sinh là dạy ở trường trung học phổ thông, sau đó mới chọn đến trung học cơ sở; tiểu học là lựa chọn cuối cùng.
Thứ hai, là bất cập trong sử dụng giáo viên. Thông thường, những giáo viên được đào tạo chính quy, bài bản, có năng lực chuyên môn tốt thường được phân công dạy ở cấp cao hơn hay lớp cao hơn trong cùng cấp học.
Qua một thời gian công tác, những giáo viên được xem là yếu kém về chuyên môn ở cấp trung học phổ thông thì được điều chuyển xuống cấp trung học cơ sở; những giáo viên yếu kém ở cấp trung học cơ sở thì được điều chuyển xuống tiểu học.
Thứ ba, bất cập giữa bố trí giáo viên dạy chương trình bắt buộc và chương trình tự chọn. Hiện nay, một trường tiểu học chỉ có khoảng một hoặc hai giáo viên tiếng Anh nên họ chỉ đủ sức cáng đáng việc dạy học chương trình bắt buộc lớp 3,4,5.
Còn tiếng Anh lớp 1,2 là tự chọn nên giáo viên phần lớn là hợp đồng. Đa số giáo viên này lại được đào tạo không chính quy, hợp đồng dạy học theo mùa vụ, ít được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng dạy học… nên khó đáp ứng yêu cầu dạy học theo CTGDPT 2018.
Bộ GD&ĐT đã có Văn bản 681 hướng dẫn tổ chức dạy học tự chọn môn tiếng Anh lớp 1,2 theo CTGDPT 2018 trong đó có những yêu cầu cụ thể về nội dung, hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; các điều kiện thực hiện chương trình như chuẩn giáo viên, sách giáo khoa và các điều kiện đảm bảo khác.
Để triển khai dạy học tiếng Anh bắt đầu từ lớp 1 hiệu quả theo CTGDPT 2018, thiết nghĩ, chúng ta cần có một chiến lược đồng bộ từ việc đào tạo giáo viên đến thay đổi chương trình sách giáo khoa và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo khác. Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh sớm. Nếu không có sự bắt đầu tốt, sẽ rất khó đạt được mục tiêu dạy học tiếng Anh ở phổ thông.
Mỹ sẽ cử tình nguyện viên dạy tiếng Anh cho các trường trung học Việt Nam
Bộ GD&ĐT vừa ký kết Hiệp định thực thi về giảng dạy tiếng Anh của Chương trình Hòa Bình, theo đó, hàng năm, Hoa Kỳ sẽ cử 20 tình nguyện viên giảng dạy tiếng Anh cho các trường trung học Việt Nam.
Đây là Hiệp định cấp Chính phủ hai nước, phía Việt Nam giao Bộ GDĐT đại diện ký kết.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc trao Hiệp định cho Đại sứ Hoa Kỳ để chuyển tới Chính phủ Mỹ ký kết
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, để hỗ trợ các trường học Việt Nam nâng cao chất lượng giáo dục tiếng Anh, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đàm phán Hiệp định Thực thi về giảng dạy tiếng Anh của Chương trình Hòa Bình từ khi Hiệp định khung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết vào năm 2016.
"Sau 5 năm, Hiệp định đã được đàm phán và đi đến hoàn tất đàm phán để chính thức ký kết vào ngày hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Đây là sự kiện đặc biệt, góp một phần vào mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay.
Nội dung của Hiệp định thực thi gồm cấp ký Hiệp định thực thi, nguyên tắc hợp tác, tiêu chí và số lượng tình nguyện viên trong giai đoạn 2 năm đầu thí điểm, loại hình cơ sở giáo dục tiếp nhận tình nguyện viên, nội dung hoạt động của tình nguyện viên.
Sau khi Hiệp định có hiệu lực, hàng năm, Hoa Kỳ sẽ cử 20 tình nguyện viên giảng dạy tiếng Anh sang Việt Nam. Dự kiến, trải qua 01 năm tuyển chọn và tập huấn về văn hóa, ngôn ngữ, kỹ năng toàn diện, tình nguyện viên của chương trình sẽ giảng dạy tiếng Anh tại các trường trung học ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó mở rộng giảng dạy ở bậc đại học.
Nói về Hiệp định thực thi, ông H.E. Daniel Kritenbrink, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định: "Hai Chính phủ một lần nữa đánh dấu mốc quan trọng khi ký Hiệp định này, sẽ đưa tình nguyện viên Chương trình Hòa Bình đến Việt Nam". Với việc ký kết Hiệp định này, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 143 mà Chương trình Hòa Bình hoạt động kể từ khi thành lập năm 1961.
"Điều này tiếp tục thể hiện cam kết kiên định của Hoa Kỳ trong việc củng cố năng lực học tiếng Anh của học sinh Việt Nam. "Tôi tin rằng thành tựu lớn này sẽ phục vụ để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa người Mỹ và công dân Việt Nam, đồng thời tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác song phương của chúng ta", ngài Đại sứ bày tỏ.
Hiện nay, có hơn 550 chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và nước ngoài; trong đó, khoảng 50 chương trình liên kết đào tạo giữa cơ sở GDĐH Việt Nam và Hoa Kỳ, chủ yếu là chương trình đào tạo trình độ đại học và trình độ thạc sĩ. Ngoài ra, hơn 30 chương trình đào tạo tiên tiến từ Hoa Kỳ đang được áp dụng tại cơ sở GDĐH uy tín của Việt Nam.
190.000 sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, trong đó, khoảng 30.000 sinh viên học tập tại Mỹ. 21.000 sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam ở nhiều cấp độ khác nhau. Hàng năm, Việt Nam cũng đón hàng ngàn sinh viên / giáo viên quốc tế đến Việt Nam tham gia các chương trình trao đổi.
Dạy - học 2 buổi/ngày khối lớp 1: Tổ chức hoạt động ngoại khóa sao cho phù hợp? Việc thiết kế các hoạt động giáo dục ở nhà trường trong thời gian còn lại sau khi học chính khóa mỗi ngày đối với lớp 1 như thế nào cho phù hợp; Thực hiện thu - chi các hoạt động này sao cho đúng... thực sự là bài toán khó. Tiết học ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Ban Mai...