Dạy Tiếng Anh bằng hình thức trải nghiệm: Tích cực hóa hoạt động của người học
Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học.
Môn Tiếng Anh, dưới hình thức sinh hoạt CLB và đổi mới cách đánh giá giúp học sinh tiếp cận với phương pháp học tập tích cực.
Cuộc thi rung chuông vàng bằng tiếng Anh giúp HS trau dồi ngoại ngữ
Dạy và học tích cực
Cô Đồng Anh Đào, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, thành phố Cần Thơ cho biết: Hưởng ứng phong trào đổi mới phương pháp dạy học và chuẩn bị cho chương trình sách giáo khoa mới, những năm trở lại đây, thầy và trò nhà trường đã có nhiều thay đổi tích cực. Đặc biệt với bộ môn Tiếng Anh, giáo viên trong tổ ngoại ngữ đã tích cực áp dụng phương pháp dạy học mới, nâng cao năng lực người học như thuyết trình cá nhân, theo nhóm; tự tìm hiểu tài liệu liên quan đến bài học, chia sẻ trong nhóm, làm video clips bằng tiếng Anh. Nhờ đó, các thầy cô đã kích thích được khả năng tự học của các em.
Cho đến nay, 100% giáo viên ngoại ngữ đã áp dụng phương pháp giảng dạy mới, ứng dụng linh hoạt cho từng đối tượng học sinh, giúp các em chủ động lĩnh hội kiến thức. Giáo viên trong trường không ngừng cải tiến phương pháp để nâng cao chất lượng dạy và học như hướng dẫn học sinh lập và sử dụng email chung, giúp học sinh trau đồi kỹ năng viết, tận dụng tiết tự chọn giúp học sinh phát triển kỹ năng nói tiếng Anh thông qua trình bày đề án về chủ đề…
Tại Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, công nghệ thông tin được áp dụng thường xuyên trong soạn, giảng để HS tiếp thu dễ dàng và hứng thú hơn trong học tập. Hiện các lớp học Tiếng Anh chương trình 10 năm đều được đầu tư máy chiếu, máy tính nhằm tạo điều kiện cho việc giảng dạy bằng CNTT ngay tại lớp. Tất cả giáo viên trong tổ chuyên môn đều đăng kí thực hiện dạy lồng ghép hoặc tích hợp, các thầy cô luôn tích cực dự giờ, trao đổi chuyên môn cùng đồng nghiệp trong tổ.
Cô Đinh Kim Oanh, Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa chia sẻ: “Nhằm kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, tổ Ngoại ngữ đã thực hiện kiểm tra định kỳ chung 4 lần trong năm. Việc phân công soạn ma trận đề, hướng dẫn chấm cụ thể được thống nhất chung trong tổ bộ môn. Đề kiểm tra thường xuyên (15 phút) cũng được duyệt trước khi kiểm tra 3 ngày. Do đó, độ tin cậy và chất lượng đề kiểm tra được nâng cao. Sau mỗi lần kiểm tra định kỳ và duyệt đề kiểm tra, các GV đều được rút kinh nghiệm trong tổ nhóm. Điều này giúp việc ra đề lần sau tiến bộ, khoa học hơn. Các giáo viên đều được báo cáo kết quả, nhận xét đề và đưa ra biện pháp giúp học sinh nâng cao chất lượng bài làm lần sau”.
Video đang HOT
Song song với đó, việc thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS của nhà trường được áp dụng rộng rãi. GV đánh giá học sinh qua quá trình học tập bằng nhiều hình thức đa dạng trong đó có điểm thưởng ở các hoạt động trong và ngoài lớp học để động viên và thu hút học sinh vào việc học Tiếng Anh.
Hiệu quả với mô hình CLB tiếng Anh
Hào hứng với hoạt động ngoại khóa
Cô Đinh Kim Oanh cũng cho biết: Những năm gần đây, việc dạy và học Tiếng Anh tại Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa có nhiều sáng tạo nên học sinh hứng thú, không có cảm giác phải chịu áp lực. Trong lớp, giáo viên tăng cường hoạt động theo cặp, nhóm để học sinh có cơ hội giao tiếp nhiều hơn; Tăng cường sử dụng máy chiếu, máy tính, ứng dụng CNTT trong việc dạy và học một cách hiệu quả. Ví dụ, trong các tiết học trên lớp, các em được động viên thuyết trình bằng tiếng Anh theo hình thức cá nhân, hoặc theo cặp, nhóm. Nhờ đó, các em tự tin hơn trong trình bày quan điểm và sử dụng ngoại ngữ. Giáo viên tổ chức các trò chơi ngôn ngữ theo các nội dung bài học, tạo môi trường học tập thú vị và lôi cuốn nên học sinh luôn đón nhận các tiết học một cách hào hứng.
Theo cô Kim Oanh, để học sinh yêu thích, say mê và nâng cao các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, giáo viên bộ môn ngoại ngữ đã không ngừng sáng tạo trong các hoạt động ngoài lớp học. Vì vậy, các em được tạo môi trường rèn luyện ngôn ngữ tích cực, sáng tạo. “Nhiều hoạt động tiêu biểu được áp dụng như: Tổ chức Góc đọc Tiếng Anh (Reading Corner) với 10 bài đọc, tạo cơ hội cho học sinh làm quen với các bài đọc dài, chuẩn bị đáp ứng cho Kỳ thi THPT quốc gia; Tổ chức Thi làm video clip: “We Are Tour Guides” giới thiệu về thành phố Cần Thơ. Kết quả có 30 video clips tham gia, trong đó có 7 clips được trao giải. Nhà trường còn tổ chức chương trình Rung Chuông vàng trong tháng Ngoại ngữ, nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh rèn luyện tiếng Anh. Tham gia cuộc thi này, học sinh năng động hơn, các em có nhiều sáng tạo trong học tập. Cuộc thi còn tạo sự gắn kết trong học đường, góp phần xây dựng “trường học thân thiện và học sinh tích cực”. Ngoài ra, tổ bộ môn còn tổ chức các trò chơi đố vui kiến thức nội dung liên quan đến chương trình tiếng Anh THPT.
Đặc biệt, trong các tiết học Tiếng Anh các em còn được tham gia các trải nghiệm, giao lưu tại các trường bạn với nhiều nội dung gần gũi, thiết thực trong học đường.
“Những cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh hàng năm do trường tổ chức mang đến sân chơi, cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh. Đồng thời, tạo điều kiện cho giáo viên rèn luyện năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm cũng như chọn đội tuyển chuẩn bị cho cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh cấp thành phố. Những hoạt động ngoại khóa như lễ hội Halloween với những màn hát, múa, giao lưu bằng tiếng Anh cũng chính là nơi các em học sinh thể hiện năng lực của mình và gắn kết bạn bè”- cô Đồng Anh Đào cho biết.
Minh Châu
Theo giaoducthoidai
"Thầy giáo" biên phòng dạy tiếng Anh miễn phí
Đúng 19h ngày thứ Hai và thứ Năm hàng tuần, lời chào hỏi bằng tiếng Anh giữa Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình (sinh năm 1980) và các học trò vang lên tại hội trường Đồn Biên phòng Bích Đầm, Tp Nha Trang.
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình trong giờ lên lớp dạy tiếng Anh cho các học sinh trên đảo Bích Đầm. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN
Vào đúng 19 giờ vào ngày thứ Hai và thứ Năm hàng tuần, lời chào hỏi bằng tiếng Anh giữa Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình (sinh năm 1980) và các học trò nhỏ vang lên tại hội trường Đồn Biên phòng Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, mở đầu một buổi học sôi động.
Học sinh của lớp học đặc biệt, miễn phí này hiện có 28 em từ lớp 3 đến lớp 5 của Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3, điểm trường đảo Bích Đầm.
Có mặt tại lớp học đặc biệt này, ai cũng dễ cảm nhận thấy không khí vui tươi, thân thiện giữa thầy giáo mang quân hàm xanh Nguyễn Tuấn Hình và các em. Trong các buổi học, thầy và trò giao tiếp bằng Tiếng Anh, với những bài học ngắn, dễ nghe, hoặc khó hơn những câu dài, có từ vựng và trò chơi tiếng Anh vui nhộn.
Do trong chương trình ở trường chưa có môn tiếng Anh nên khi đến với lớp học miễn phí của các chiến sĩ bộ đội biên phòng, các em học sinh ở đây rất phấn khởi.
Em Nguyễn Thị Mỹ Duyên (học sinh lớp 5) cho biết rất thích học tiếng Anh miễn phí do các chú bộ đội biên phòng giảng dạy. "Cháu mong muốn học giỏi môn Tiếng Anh để lớn lên có thể phiên dịch tiếng Anh cho người dân trong làng. Chúng cháu thường được vào đất liền chơi, ở đó có nhiều khách du lịch sẽ nói tiếng Anh đến tham quan, cháu muốn được nói chuyện với họ", em Mỹ Duyên chia sẻ.
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình trong giờ lên lớp dạy tiếng Anh cho các học sinh trên đảo Bích Đầm. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Bích Đầm là người có nhiều năm công tác trong lực lượng biên phòng, với nhiều vị trí công tác khác nhau.
Trong quá trình làm việc, Thiếu tá Hình đã theo học thêm ở Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng; 2 năm tiếng Anh - Mỹ nâng cao của khóa sĩ quan hàng hải quốc tế tại Hoa Kỳ và lớp bồi dưỡng tiếng Anh ở Australia.
Khi được phân công nhiệm vụ đến đảo Bích Đầm, qua thời gian làm công tác vận động quần chúng, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình nhận thấy Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3 có 6 lớp học với gần 70 học sinh, nhưng học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 vẫn chưa có môn tiếng Anh trong chương trình học, nên đã đề xuất dạy thêm tiếng Anh cho học sinh trên đảo.
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình kể, lúc mới đứng lớp vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, do bản thân vẫn chưa học qua các lớp sư phạm. Anh và các đồng đội đã tham khảo các giáo án dạy học của các cô giáo trên đất liền và thường xuyên cập nhật thêm giáo trình trên internet.
"Mục tiêu của chúng tôi, nhằm giúp các em học sinh trên đảo làm quen tiếng Anh, giúp các em thuận tiện hơn khi tiếp xúc với môn tiếng Anh khi học cấp 2. Đặc biệt, khi trình bày kế hoạch dạy học, chúng tôi đã được UBND phường Vĩnh Nguyên và các đơn vị hỗ trợ sách, vở và các phương tiện dạy học. Do đó, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học đầy đủ cho các em học sinh", Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình nhấn mạnh.
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình trong giờ lên lớp dạy tiếng Anh cho các học sinh trên đảo Bích Đầm. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN
Theo thống kê của Đồn Biên phòng Bích Đầm, đa số người dân trên đảo làm lao động đi biển, một số ít bắt đầu làm việc cho các điểm du lịch, nhà hàng trên vịnh Nha Trang. Tuy nhiên, do ngoại ngữ chưa có nên thu nhập vẫn còn thấp và chưa ổn định.
Trung tá Nguyễn Hồng Lam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bích Đầm cho biết: Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình trang bị cho các em học sinh những kiến thức về tiếng Anh cơ bản sẽ phần nào giúp các học sinh ở xóm đảo có thêm hành trang vào đời; đáp ứng được mong mỏi của nhà trường, các bậc phụ huynh, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao phó.
"Chúng tôi cố gắng duy trì lớp học đặc biệt, trước mắt là 2 buổi/tuần và sau này tăng cường hàng ngày trong tuần; đồng thời cố gắng tăng cường tuyên truyền vận động gia đình các em học sinh trên địa bàn ra lớp đầy đủ và thường xuyên", Trung tá Nguyễn Hồng Lam cho biết thêm./.
Theo Phan Sáu/TTXVN/bnews
Ai đang tiếp tay cho bệnh thành tích, giả dối trong ngành giáo dục? Muốn triệt tiêu được "bệnh thành tích", "bệnh giả dối" trong giáo dục phải bắt đầu từ những thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy ở các nhà trường. "Bệnh thành tích" trong giáo dục đã bùng phát từ nhiều năm qua mà chưa có "thuốc đặc trị" chặn đứng được căn bệnh này nên sau mỗi học kỳ, mỗi năm học...