Dạy tích hợp trong chương trình mới: “Kiến thức tập huấn không đủ để dạy lớp giỏi”
Phần lớn giáo viên tại các trường hiện nay chỉ được đào tạo đơn môn, nhưng khi áp dụng chương trình GDPT mới từ bậc THCS, nhiều môn học lại được tích hợp theo nhóm, yêu cầu giáo viên phải có kiến thức nhiều môn khác nhau.
Trong chương trình GDPT mới từ lớp 6, các môn Địa lý- Lịch sử sẽ được tích hợp thành một môn, tương tự các môn như Vật lý, Sinh học, Hóa học sẽ được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên.
Từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 sẽ học theo chương trình GDPT mới.
Giáo viên lo lắng
Cô Hoàng Thị Mai Tuyết, giáo viên dạy Hóa, Sinh tại Hà Nội cho biết, điều này đồng nghĩa với việc cô sẽ phải dạy tích hợp cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh.
Từ năm học 2021-2022, chương trình GDPT mới sẽ áp dụng với lớp đầu tiên của bậc THCS. (Ảnh minh họa)
Tới thời điểm này, cô Tuyết cũng như nhiều đồng nghiệp khác đều hoang mang, lo lắng về việc trang bị kiến thức để dạy tích hợp.
“Mỗi tiết học chỉ có 45 phút, hầu hết các bài đều có kiến thức của cả 3 môn, nếu giải thích nhanh, thì sẽ sơ sài, không đảm bảo, nhưng nếu đi sâu thì rất khó đảm bảo về thời gian. Hơn nữa, giáo viên dạy Hóa, sẽ giảng sâu kiến thức Lý, Sinh thế nào và ngược lại. Không phải thầy cô nào cũng chuyên được cả 3 môn. Thời gian tập huấn, đào tạo giáo viên còn quá ngắn, không thể so sánh với thời gian 4 năm học chuyên sâu bậc đại học, hay kinh nghiệm sau nhiều năm giảng dạy ở những môn chính. Nhưng sau ngần ấy thời gian cũng phải thẳng thắn nói rằng không phải kiến thức nào thầy cô cũng có thể nói sâu, chưa nói đến việc nay chỉ tập huấn vài tháng rồi dạy luôn”, cô Tuyết lo lắng chia sẻ.
Giáo viên này cũng thẳng thắn cho rằng, với việc tập huấn như hiện nay, giáo viên không thể tự tin đảm bảo kiến thức. “Bản thân chúng tôi cũng phải tự học ngày học đêm, nhưng vẫn rất áp lực, nếu không chắc về kiến thức, đứng trên bục giảng cũng thấy xấu hổ với học sinh, chưa kể khi dạy những lớp chuyên, lớp chọn, kiến thức từ tập huấn không đủ cho thầy cô dạy học sinh giỏi”, cô Tuyết nói.
Cô Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng trường THCS Đức Phượng (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, hầu hết các giáo viên của trường trước đây được đào tạo để dạy đơn môn, nên trước khi áp dụng chương trình mới, nhiều giáo viên không khỏi lo lắng.
Video đang HOT
“Mỗi giáo viên có một chuyên môn và thế mạnh. Ví dụ giáo viên Hóa học có thể biết về Vật lý, Sinh học, nhưng không thể chuyên sâu, tương tự giáo viên dạy Sinh học thì khó có thể dạy cả Vật lý, Hóa học. Trừ một số trường hợp được đào tạo song bằng. Những giáo viên ở thế hệ trước phần lớn chỉ được đào tạo 1 chuyên ngành cụ thể, nên khi áp dụng vào chương trình mới chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định”, cô Diệp lo ngại.
Dạy tích hợp, công việc của giáo viên không thay đổi?
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018 cho biết, yêu cầu bắt buộc trong chương trình mới ở bậc THCS trở lên là dạy học tích hợp, trong khi đó, đa số giáo viên lâu nay đã quen với việc dạy đơn môn. Đây là thách thức lớn với đội ngũ giáo viên.
“Khi xây dựng chương trình, chúng tôi đã bàn luận để chọn cách tích hợp nào. Trên thế giới có nhiều cách tích hợp khác nhau, còn tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải để phù hợp với giáo viên phổ thông. Chúng tôi khẳng định dù dạy tích hợp, nhưng công việc của thầy cô không thay đổi. Tức tổng số giờ dạy Sinh học, Hóa học, Vật lý hiện nay là bao nhiêu tiết, thì khi dạy tích hợp số giờ vẫn tương đương.
Nội dung cũng được bố trí theo mạch. Ví dụ, khi học về chất và sự biến đổi của chất, nội dung này không thuần túy là Hóa học…”, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn cho biết.
Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018 cũng cho biết, trước khi áp dụng chương trình mới, giáo viên sẽ được tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo. Tuy nhiên, với những thay đổi này cũng đặt ra những thách thức, yêu cầu nhất định với các thầy cô trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh việc giúp học sinh vận dụng kiến thức vào thực tế, mang thực tiễn vào bài học…
Còn theo TS Nguyễn Văn Ninh, đồng Chủ biên môn Lịch sử- Địa lý bộ sách Cánh Diều, để thực hiện được mục tiêu dạy tích hợp, việc đào tạo giáo viên đóng vai trò quan trọng, hiện nhiệm vụ này đang được các trường sư phạm triển khai. Tại các trường ĐH sư phạm trên cả nước, từ năm 2018 đã mở các ngành mới đào tạo giáo viên liên môn như Khoa học Tự nhiên, Lịch sử – Địa lý…
TS Ninh cho rằng, đó là chiến lược về lâu dài, tuy nhiên, thực tế không ít giáo viên đang lo ngại về việc dạy tích hợp sẽ áp dụng từ năm học tới. Theo đồng Chủ biên sách Lịch sử – Địa lý bộ Cánh Diều, hiện nay các giáo viên đang được tập huấn theo 9 module, bàn về nội dung và phương pháp giảng dạy của các môn học. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng có những chương trình bồi dưỡng giáo viên hiện hành để thực hiện môn học, nhiều Sở GD-ĐT đã triển khai bồi dưỡng đại trà cho giáo viên phổ thông theo nguyên tắc bồi dưỡng chéo. Ví dụ, giáo viên Địa lý sẽ được bồi dưỡng 20 tín chỉ môn Lịch sử và ngược lại.
“Sau khi thực hiện bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm 1 giáo viên có thể dạy được các môn tích hợp”, TS Nguyễn Văn Ninh cho biết.
Không chỉ các môn Lịch sử, Địa lý hay Khoa học Tự nhiên được tích hợp, với môn Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn cũng cho biết, theo chương trình mới, môn học này cũng cần tích hợp nhiều kiến thức khác nhau.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, thực tế việc dạy học tích hợp đã có ngay trong chương trình hiện hành, tại chương trình GDPT 2018 sẽ kế thừa và phát triển thêm. Thầy Thống đơn cử như để đọc hiểu văn bản, học sinh cần huy động nhiều kiến thức, kỹ năng khác nhau từ đọc hiểu tiếng Việt, hiểu ngữ nghĩa câu từ, vận dụng kiến thức về lý luận văn học, hiểu về lịch sử văn học, bối cảnh xã hội ra đời của tác phẩm, ngoài ra còn cần vận dụng những kinh nghiệm, trải nghiệm sống thực tế của chính bản thân… Những yêu cầu này về bản chất chính là dạy học tích hợp.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, khi áp dụng chương trình mới, giáo viên sẽ phải thay đổi lối giảng văn thông thường, từ thói quen giảng những gì thầy cô biết, sang việc tổ chức các hoạt động, dẫn dắt để học sinh tìm ra cái hay, ý nghĩa của mỗi tác phẩm./.
Triển khai các môn học tích hợp: Không để bị động!
Từ năm học 2021 - 2022, môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý lần đầu tiên được giảng dạy ở lớp 6.
Dạy học tích hợp đã được nhiều cơ sở giáo dục áp dụng vào các môn học. Ảnh minh họa
Việc bố trí đội ngũ để dạy học các môn này được nhà trường, địa phương lưu ý đặc biệt, bởi triển khai việc chưa có tiền lệ luôn đi kèm theo khó khăn, thách thức.
Xác định lộ trình riêng chuẩn bị đội ngũ
Từ học kỳ I năm học 2020 - 2021, Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình đã lên kế hoạch dự kiến phân công giáo viên (GV) có trình độ, năng lực để dạy Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý lớp 6 năm học 2021 - 2022. Cán bộ, GV nhà trường tham gia đầy đủ hoạt động tập huấn trực tiếp, trực tuyến về Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 do Bộ/sở/phòng GD&ĐT tổ chức.
Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng, dù trường chủ động từ sớm, nhưng sẽ có khó khăn không tránh khỏi, bởi đội ngũ quen với cách dạy riêng rẽ từng môn học. Hình thức quản lí nhà trường, hoạt động chuyên môn của GV cũng quen với cách tách biệt các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý...
"Nhà trường xác định lộ trình riêng về bồi dưỡng và phân công người dạy, bổ sung phòng học và thiết bị dạy học, liên kết với các cơ sở giáo dục, cơ quan nghiên cứu, cơ sở sản xuất... để tổ chức cho HS trải nghiệm và tìm tòi, khám phá. Đồng thời, tiến hành các biện pháp hỗ trợ như bồi dưỡng, tự bồi dưỡng GV để có vốn tri thức rộng và khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức liên quan. Trong hoạt động chuyên môn, nhà trường bố trí lại theo hướng: GV trong tổ bộ môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội hỗ trợ lẫn nhau những nội dung, chủ đề tích hợp" - thầy Nguyễn Tiến Dũng nêu giải pháp.
Chia sẻ khó khăn tương tự, từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, cho biết: Một số cơ sở giáo dục còn thiếu GV các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Ví dụ, có trường chỉ có 1 GV môn Hóa học. Việc giảng dạy theo chương trình hiện hành (môn Hóa chỉ có ở lớp 8, lớp 9) đã khó khăn; nay thêm môn Khoa học tự nhiên ở khối lớp 6 sẽ là thách thức với các cơ sở giáo dục. Hơn nữa, trình độ chuyên môn của mỗi GV giảng dạy từng phân môn trong trường không đồng đều. Cần có một bộ phận GV còn có tư tưởng ỷ lại, không có ý thức phấn đấu...
"Xác định được khó khăn trên, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THCS trong huyện ưu tiên sắp xếp đội ngũ GV tốt nhất giảng dạy lớp 6 năm học 2021 - 2022, trong đó đặc biệt chú trọng tới 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Đồng thời, tham mưu UBND huyện bố trí, điều động, luân chuyển GV hợp lý. Bảo đảm các trường có đủ GV giảng dạy môn học trên. Ngoài ra, có kế hoạch bồi dưỡng GV, tiến dần tới 1 GV có thể đảm nhiệm ít nhất 2 đến 3 phân môn trong môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý" - ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Trong giờ học tích hợp theo phương pháp mới tại Trường THCS Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ, TPHCM).
Lưu ý phân công GV, tổ chức giảng dạy
Năm học 2021 - 2022, tỉnh Vĩnh Long có 97 cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy lớp 6 theo Chương trình GDPT năm 2018. Dự kiến có khoảng 2.207 GV tham gia giảng dạy khối 6 năm học 2021 - 2022, trong đó có 326 GV dạy môn Khoa học tự nhiên, 230 GV dạy môn Lịch sử và Địa lý.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long Trịnh Văn Ngoãn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là 2 môn học tích hợp nên phân công GV và tổ chức giảng dạy có những nét khác biệt so với chương trình hiện hành. Cụ thể, ở chương trình hiện hành, Lịch sử, Địa lý là 2 môn độc lập, mỗi môn được bố trí 1 tiết/lớp/tuần ở khối 6. Nhưng theo Chương trình GDPT 2018, 2 môn này được tích hợp với nhau thành môn học Lịch sử và Địa lý, bố trí 105 tiết/lớp/năm học ở khối 6 (bình quân 3 tiết/lớp/tuần).
Tương tự, HS lớp 6 theo chương trình hiện hành chỉ được học môn Vật lý 1 tiết/lớp/tuần, môn Sinh học 2 tiết/lớp/tuần và chưa được học môn Hóa học. Tuy nhiên, theo chương trình mới, HS lớp 6 được học môn Khoa học tự nhiên với thời lượng 140 tiết/lớp/năm học (bình quân 4 tiết/lớp/tuần). Đây là môn tích hợp của các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học theo chương trình hiện hành.
Các địa phương đang chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng việc triển khai các môn học tích hợp.
Từ năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT Vĩnh Long chủ động yêu cầu các cơ sở giáo dục đánh giá năng lực đội ngũ, lựa chọn GV năng lực tốt, có trách nhiệm cao để phân công giảng dạy khối 6 nói chung, các môn học tích hợp nói riêng. Tính đến nay, tất cả GV được phân công giảng dạy lớp 6 năm học 2021 - 2022 (2.207 GV) được tập huấn giới thiệu SGK lớp 6, nghiên cứu sách và có các bước chuẩn bị về chuyên môn để khi triển khai không bị bỡ ngỡ" - ông Trịnh Văn Ngoãn thông tin.
Tuy địa phương, cơ sở giáo dục, GV đã chủ động chuẩn bị cả về chuyên môn lẫn tinh thần, nhưng quá trình triển khai cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Một trong số đó, theo ông Trịnh Văn Ngoãn là số giờ dạy/năm học của từng phần (Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học...) tăng lên so với chương trình hiện hành, dẫn đến khó khăn về nhân sự (thiếu, thừa cục bộ giữa các môn), nhất là nhân sự môn Hóa học. Khó khăn này, địa phương có thể chủ động điều tiết; nhưng về lâu dài, khi triển khai thực hiện ở các lớp 7, lớp 10 và những năm tiếp theo sẽ rất khó khăn nếu không có sự chuẩn bị sớm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn lại xác định khó khăn trong sắp xếp thời khóa biểu, bố trí GV đứng lớp. Ví dụ: Môn Khoa học tự nhiên được bố trí theo chủ đề, trong đó có chủ đề đầu liên quan nhiều đến phân môn Hóa học, nhưng chủ đề sau lại liên quan nhiều đến Sinh học, Vật lý. Vì vậy, nếu không bố trí hợp lý, giai đoạn đầu GV phân môn Hóa học sẽ rất vất vả, trong khi GV các phân môn Vật lý, Sinh học lại không có nội dung để lên lớp.
Phòng GD&ĐT Thanh Thủy chỉ đạo cơ sở giáo dục chủ động sắp xếp thời khóa biểu khoa học, hợp lý, tránh không để quá tải cục bộ cho từng GV. Các tổ, nhóm chuyên môn phải xây dựng kế hoạch bài dạy chung với những chủ đề tích hợp, liên môn, sau đó bố trí GV tốt nhất giảng dạy chủ đề đó. Tăng cường trao đổi GV các trường khác nhau trong huyện nhằm trau dồi, nâng cao tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ. - Ông Nguyễn Anh Tuấn
Chuẩn bị dạy môn học mới: Đào tạo giáo viên dạy tích hợp hay dạy đơn môn? Từ năm học 2021 - 2022, chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018) chính thức được triển khai dạy đại trà đối với lớp 6. Hai môn học tích hợp (Khoa học tự nhiên - Lịch sử và Địa lí) cũng bắt đầu được đưa vào giảng dạy. Chuẩn bị đội ngũ giáo viên như thế...