Dạy tích hợp liên môn: Giáo viên mất phương hướng, mò mẫm làm
TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương áp dụng thí điểm dạy tích hợp khá sớm. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, vẫn còn rất nhiều lo ngại từ phía những người trong cuộc.
Mỗi nơi một kiểu!
Nguyên Phó phòng Giáo dục một quận tại TP Hồ Chí Minh cho biết, giảng dạy theo phương pháp tích hợp liên môn là một phương thức đào tạo giáo dục tiên tiến. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều ý kiến từ các cán bộ cốt cán đi tập huấn về đều rất lo ngại rằng, việc cố gắng thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT với tham vọng quá lớn, muốn trong một thời gian phải hoàn thành ngay, và có hiệu quả là một điều khó khả thi.
Video đang HOT
Theo chuyên gia này dẫn giải: “Tại quận chúng tôi, trong 2 năm qua, tích hợp liên môn đã được triển khai từ bậc Tiểu học, THCS và THPT. Theo đó, trong các tiết giảng nội bộ của trường, có Hiệu trưởng, hiệu phó chuyên môn dự giờ, tổ bộ môn trao đổi rút kinh nghiệm về chủ đề tích hợp trên môn học. Nhưng nói thực, đã rất cố gắng nhưng kiến thức của mỗi giáo viên khác nhau, mỗi người tích hợp một kiểu, nên chỉ hào hứng được thời gian đầu, còn hiện giờ giống như việc ghép nối, chắp vá đơn thuần. Bị ép nên nhiều giáo viên chỉ tích hợp trong giờ dự giảng, còn không vẫn dạy theo cách cũ. Tức là nó đang diễn ra rất hình thức”.
Một chuyên viên của Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi cũng cho hay : “Thực hiện chỉ đạo của ngành, việc dạy học tích hợp liên môn tại Củ Chi đã được thực hiện thí điểm tại trường THCS Tân Thông Hội. Toàn bộ các giáo viên của trường đã được tham dự lớp tập huấn vào dịp hè và thực hiện giảng dạy theo phương pháp mới từ đầu năm học. Qua đó, thực hiện tích hợp các môn theo tổ hợp: Sử-Địa; Âm nhạc-Mỹ thuật-Thể dục; và Lý-Hoá-Sinh. Nhưng nhận xét của các thầy, cô đều cho rằng, rất khó khăn, hầu như còn đang “mò mẫm” cách làm”.
Trong các lớp học tích hợp, học sinh được cô giáo phân chia thành từng nhóm, mỗi nhóm 5-6 em. Cô giáo ra chủ đề, các nhóm cùng học và thảo luận. Cô giáo sẽ là người kết luận sau cùng sau khi nghe từng nhóm phát biểu. Tuy nhiên, giảng dạy theo cách này có học sinh hứng thú nhưng cũng có em chẳng tỏ thái độ gì! Giáo viên thì than mất quá nhiều thời gian.
Giáo viên mất phương hướng
Cô H.M.Nga, giáo viên một trường Tiểu học quận Gò Vấp chia sẻ, phương pháp tích hợp liên môn đã được Phòng GD quận triển khai từ 2-3 năm nay. Theo đó trên cùng một bài giảng, giáo viên trong tổ cùng tự soạn giáo án, tập hợp đưa cho tổ trưởng bộ môn, đánh giá, thảo luận nhưng nếu có sách giáo khoa hoặc tài liệu hướng dẫn về tích hợp – liên môn để căn cứ vào đó phân chia công việc thì mới định hình rõ phương pháp, cách làm.
Còn việc đang thực hiện là giáo viên soạn giáo án, rồi mới đi bồi dưỡng, tập huấn trong khi lâu nay, học sư phạm được đào tạo để dạy đơn môn. Thế nên, dù có những nội dung được học sinh yêu thích nhưng cũng không thể giảng được nhiều hơn do số tiết quy định không cho phép, ảnh hưởng tới thời gian, kế hoạch giảng dạy, thi cử.
Ngoài ra, cũng theo cô Nga, tự soạn giáo án nhưng bản thân giáo viên lại không được tham gia quan điểm của mình khi chấm bài của học sinh. Theo các thầy cô giáo, dường như họ đang bị gạt ra bên lề trước những cải cách, điều chỉnh, thay đổi liên tục của Bộ GD-ĐT…
Ngoài một số trường mới xây dựng thì cơ sở vật chất được coi là tạm ổn, còn rất nhiều các “trường làng” vẫn giảng dạy trong cảnh phương tiện thiếu thốn. Tích hợp liên môn mới dừng ở mức độ trang bị thêm chút ít kiến thức cho học sinh theo từng chủ đề. Tuy nhiên, nhiều lúc cũng không truyền tải được hết vì trình độ học sinh trong lớp không đồng đều. Những giáo viên trẻ sẽ rất khó làm tốt được nhiệm vụ. Thực tế cho thấy, học sinh giỏi, khá mới biết tự liên hệ, áp dụng bài giảng vào thực tế còn với học sinh không chú tâm thì bài giảng dù hấp dẫn mấy cũng dần đi vào quên lãng.
Ngoài điều kiện cơ sở vật chất, phương pháp làm việc của giáo viên cũng phải đáp ứng với tình hình mới, phải được đào tạo từ khi còn học trong trường sư phạm. Việc “đón đầu, đi tắt” bằng cách từng giáo viên tự trang bị Laptop, tìm kiến thức bổ sung, mà thiếu hẳn việc thống nhất về nội dung tích hợp thì chương trình giảng dạy, cái “cốt tử” quyết định thành bại của một chương trình cải cách liệu sẽ đi về đâu?
Theo TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục TP Hồ Chí Minh, việc lồng ghép kiến thức trong giảng dạy khuyến khích học sinh học theo phương pháp mới, sáng tạo, tích cực là cần thiết nhưng vấn đề cơ bản là muốn áp dụng cái gì, chương trình hay phương pháp gì thì phải đảm bảo cơ sở vật chất trước tiên, việc giáo dục đào tạo trong các trường sư phạm từ đơn ngành cần phải chuyển đổi cho phù hợp. Cần thiết kế lại chương trình đào tạo trong chính các trường sư phạm theo đúng mục tiêu đã đề ra thì mới đổi mới được cách dạy học ở bậc phổ thông.
Theo infonet