Dạy thêm tiểu học Bộ cấm 10 năm nay nhưng có cấm nổi đâu?
Liệu Công văn số 4290/GDĐT-TH của Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh có phát huy được hiệu quả hay rồi chuyện dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại như gần 10 năm nay?
Ngày 22/12/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 4290/GDĐT-TH gửi đến Phòng Giáo dục của 24 quận, huyện của địa phương này chỉ đạo tăng cường quản lý, chỉ đạo về hoạt động dạy thêm, học thêm và nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Nội dung Công văn số 4290/GDĐT-TH đã yêu cầu: “Tiếp tục thực nghiệm nghiêm các quy định của Bộ, tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cấm dạy thêm, học thêm ở tiểu học là rất cần thiết nhưng liệu có cấm được hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Bởi, nhìn lại việc Bộ đã ra văn bản cấm dạy thêm, học thêm ở tiểu học từ gần 10 năm qua và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần cấm nhưng nào có cấm được!
Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà tình trạng dạy thêm ở tiểu học hiện nay khá phổ biến ở nhiều địa phương (Ảnh minh họa, nguồn: Laodongthudo.vn)
Gần 10 năm qua Bộ vẫn cấm, Sở vẫn cấm nhưng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra bình thường
Gần 10 năm trước, vào ngày 16/5/2012 thì Bộ đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm do Thứ trưởng Bộ Gáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ là ông Nguyễn Vinh Hiển ký, cũng đã cấm dạy thêm, học thêm ở tiểu học.
Cụ thể, tại điều 4 của Thông tư này đã hướng dẫn “Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.
Ngày ngày 29/8/2016, tại buổi họp về tình hình kinh tế xã hội tháng 8 tháng đầu năm 2016 của Thành phố Hồ Chí Minh thì ông Lê Hồng Sơn- Giám đốc Sở Giáo dục đã phát biểu: “Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo cấm dạy thêm trong trường học, kể cả giáo viên cũng không được dạy thêm tại nhà trong bất kỳ trường hợp nào”.
Tuy nhiên, văn bản của Bộ cấm, Giám đốc Sở cũng yêu cầu cấm dạy thêm “trong bất kỳ trường hợp nào” nhưng dạy thêm, học thêm ở tiểu học vẫn tồn tại… như thường.
Bây giờ, Sở tiếp tục ban hành Công văn số 4290/GDĐT-TH do ông Nguyễn Văn Hiếu-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ký và yêu cầu “tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.
Video đang HOT
Liệu rồi Công văn số 4290/GDĐT-TH có phát huy được hiệu quả hay rồi chuyện dạy thêm, học thêm vẫn cứ tồn tại như gần 10 năm nay- kể từ khi Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ra đời?
Chúng tôi cho rằng rất khó để cấm dạy thêm trong lúc này, nhất là một địa bàn kinh tế trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh- nơi mà phụ huynh rất chú trọng đầu tư việc học hành cho con em mình.
Nhất là sách giáo khoa năm 2000 dù qua nhiều lần giảm tải thì vẫn còn nặng, chương trình 2018 mới bắt đầu ở lớp 1 thì xảy ra hàng loạt sự cố về sách giáo khoa và theo các chuyên gia, giáo viên và dư luận xã hội thì chương trình mới vẫn đang quá tải với học sinh lớp 1.
Trong khi, nhiều phụ huynh tất bật với công việc, nhiều người thì không có khả năng để dạy con em mình vì phương pháp, nội dung sách giáo khoa, chương trình học hiện nay khác xa so với trước đây nên việc gửi con học thêm là điều tất yếu.
Hơn nữa, “chiếc bánh” từ dạy thêm ở các nhà trường, thầy cô hiện nay đang quá lớn mà nhiều khi họ không thể từ bỏ được.
Cái vòng luẩn quẩn của việc dạy thêm, học thêm vì thế mà nó cứ mặc nhiên tồn tại từ năm này qua năm khác, kệ cho văn bản cấm cứ cấm, dư luận bất bình cứ bất bình, một số phụ huynh than van kệ than van…
Cấm dạy thêm, học thêm phải “trị” từ gốc rễ vấn đề
Chúng tôi cho rằng dạy thêm ở tiểu học là một việc làm có phần bất nhẫn bởi các em còn quá nhỏ, chỉ từ 6-11 tuổi đầu. Việc học chính khóa, tham gia các hoạt động ngoại khóa ở nhà trường đôi khi đã là quá sức của nhiều em.
Lại thêm chuyện học thêm ở trường, học thêm ở nhà thầy cô giáo vào các buổi tối và các ngày nghỉ cuối tuần thì còn đâu tuổi thơ, còn đâu có thời gian để các em phát huy các kỹ năng cần thiết cho bản thân.
Nhưng, không học thêm thì không theo kịp chương trình, không học thêm thì không có thành tích cho nhà trường, cho cha mẹ nên các em đang chịu áp lực từ chính người lớn áp đặt lên.
Vì thế, chúng tôi cho rằng để hạn chế rồi tiến tới là cấm dạy thêm ở tiểu học thì cần giải quyết một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất: muốn cấm học thêm trước hết phải giảm tải chương trình học vì ngay chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng khiến cho người lớn phải sợ hãi.
Học sinh lớp 1 năm nay có từ 9-10 cuốn sách giáo khoa, cộng thêm hàng chục cuốn sách bổ trợ, sách tham khảo đi kèm. Chừng ấy sách vở thử hỏi những học sinh vừa qua tuổi mẫu giáo có kham nổi hay không?
Trong khi mỗi tiết học chỉ có 35 phút mà thầy cô dạy trên lớp có từ 35 học sinh, thậm chí một số trường nội đô còn cao hơn nhiều số quy định này.
Thứ hai: Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ra văn bản cấm phải đồng thời với việc kiểm tra, xử lý những trường, những giáo viên vi phạm. Nếu ra văn bản cấm mà không có kiểm tra thì văn bản cấm cũng chỉ dừng lại ở trên giấy mà thôi.
Thứ ba: cần tăng thêm các chế độ đãi ngộ cho giáo viên, trả tiền dạy tăng giờ, tăng tiết, tiền buổi 2 đầy đủ để giáo viên có thêm thu nhập và ít phải lo chuyện cơm áo gạo tiền.
Sống ở một nơi như Thành phố Hồ Chí Minh nhưng giáo viên có tuổi nghề dưới 10 năm công tác thì đồng lương hiện nay chỉ dao động khoảng trên dưới 5 triệu đồng- số tiền ấy thuê nhà cũng đã hết một nửa rồi, không làm thêm giáo viên lấy gì mà sống, mà lo lắng cho gia đình và đầu tư cho chuyên môn?
Trong khi, giáo viên ngoài dạy thêm thì còn biết làm gì?
Một khi mà Bộ, Sở còn loay hoay với bài toán chương trình, sách giáo khoa, còn lấn cấn trong việc chi trả chế độ thêm giờ, thêm buổi cho giáo viên thì việc cấm dạy thêm cũng khó mà giải quyết dứt điểm được.
Vì thế, văn bản cấm dạy thêm chưa phải là gốc rễ của vấn đề này.
Tài liệu tham khảo:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-17-2012-TT-BGDDT-day-hoc-them-139414.aspx
https://www.hcm.edu.vn/thong-bao/ve-tang-cuong-quan-li-chi-dao-hoat-dong-day-them-hoc-them-va-nang-cao-chat-luon-c39846-65927.aspx
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-khong-duoc-day-them-tai-nha-trong-bat-ky-truong-hop-nao-post170478.gd
Yêu cầu tuyệt đối không dạy thêm, học thêm ở tiểu học
Sở GD-ĐT TP.HCM một lần nữa yêu cầu tuyệt đối không được dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. Giáo viên không chạy theo thành tích, đảm bảo chất lượng học sinh lên lớp. Giáo viên nào ép học sinh học thêm sẽ bị xử lý nghiêm.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM vừa kí văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Văn bản nêu rõ, trong thời gian qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đi nắm tình hình thực tế tại một số trường tiểu học trên địa bàn về hoạt động dạy học và giáo dục, trong đó có hoạt động dạy thêm, học thêm, đồng thời ghi nhận một số phản ánh từ giáo viên, phụ huynh.
TP.HCM cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học
Qua đó, Sở Giáo dục yêu cầu Trưởng các Phòng GD-ĐT tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản có liên quan về dạy thêm, học thêm cho toàn thể cán bộ, giáo viên trên địa bàn.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT, các quy định của UBND thành phố và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định về dạy thêm, học thêm. Xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên ép học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào.
Sở cũng yêu cầu nâng cao chất lượng học tập của học sinh, đặc biệt là học sinh gặp khó khăn trong học tập. Cụ thể hiệu trưởng các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra công tác chuyên môn của giáo viên bằng nhiều hình thức: dự giờ, dự các buổi sinh hoạt chuyên môn, kiểm tra kế hoạch bài học, nhật kí dạy học, hồ sơ đánh giá học sinh,... để hỗ trợ giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, tiến tới nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Không chạy theo thành tích, đảm bảo chất lượng học sinh lên lớp
Đối với giáo viên phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy phẩm chất và năng lực học sinh, đặc biệt chú trọng dạy học phân hoá đối tượng.
Chú trọng xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài học cụ thể, phù hợp với từng đối tượng học sinh, đặc biệt quan tâm tới đối tượng học sinh gặp khó khăn trong học tập.
Xây dựng kế hoạch phụ đạo cho học sinh gặp khó khăn trong học tập, giúp các em tiến bộ.
Trong trường hợp cần thiết, tổ chức rà soát, kiểm tra chất lượng học sinh, tuyệt đối không chạy theo thành tích, đảm bảo chất lượng học sinh khi lên lớp.
Giáo viên phải làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh bằng nhiều hình thức. Thông qua cuộc họp cha mẹ học sinh, cần giải thích, hướng dẫn để phụ huynh hiểu những thuận lợi, khó khăn của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học, tạo niềm tin và tâm lý sẵn sàng hỗ trợ con em ở nhà cho phụ huynh. Tạo điều kiện cho phụ huynh gặp gỡ giáo viên sau các buổi học nếu phụ huynh có nhu cầu.
Với những học sinh tiếp thu bài chưa như mong muốn, giáo viên cần chủ động mời phụ huynh đến để trao đổi, tư vấn, hướng dẫn, bàn biện pháp phối hợp với phụ huynh để giúp các em tiến bộ.
Cà Mau: Quy định rõ mức chi cho công tác quản lý dạy thêm, học thêm tại trường UBND tỉnh Cà Mau vừa có Quyết định ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2020. Ảnh minh họa. Theo đó, quyết định quy định điều chỉnh về dạy thêm, học thêm có thu tiền bao gồm: Trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học...