Dạy thêm – học thêm và chuyện… lộ đề thi
Dạy thêm – học thêm luôn được bao biện với lý lẽ xuất phát từ nhu cầu có thật – nhưng nhu cầu này đã bị lạm dụng, bóp méo bởi những người trong cuộc.
Sự việc vừa xảy ra ở Kiên Giang khi gần 500 học sinh (HS) lớp 11 phải thi lại môn Toán học kỳ do thầy giáo làm lộ đề thi đã lật tẩy thực trạng đen tối về dạy thêm – học thêm. Sau đợt thi, nhiều HS bức xúc phản ánh, nhóm học sinh theo học thêm tại nhà thầy giáo dạy Toán – cũng là người ra đề – đã biết trước đề thi.
Ngôi trường ở Kiên Giang, nơi xảy ra sự việc học sinh phải thi lại vì giáo viên “chia sẻ” để thi cho nhóm học sinh đi học thêm (Ảnh: Nguyễn Hành)
Từ việc lộ đề thi, nhà trường phải tổ chức thi lại và vào cuộc xác minh sự việc. Thầy Tr.V.M – người mà học trò phản ánh tường trình thừa nhận đề thi bị lộ là do thầy… chia sẻ với nhóm HS theo mình học thêm tại nhà.
Đây cũng là một mặt trái của tình trạng dạy thêm – học thêm diễn ra từ lâu nay. Không phải chờ đến khi hàng trăm học sinh phải thi lại ở Kiên Giang thì chúng ta mới biết tình trạng có những giáo viên “chăm chút” học trò bằng con đường dạy thêm – học thêm. Mà nó diễn ra âm ỉ, nhức nhối ở khắp mọi nơi…
Kỳ thi vào một trường chuyên đình đám tại TPHCM trong mùa tuyển sinh năm rồi cũng gây tranh cãi việc đề thi tiếng Anh lớp không chuyên có nguyên 15 câu ngữ pháp giống hệt đề thi thử của một trung tâm dạy thêm. Số câu đủ để quyết định kết quả thi và số phận của từng thí sinh.
Nhà trường lý giải đó là sự.. trùng hợp. Nhưng còn trùng hợp ở chỗ, trung tâm dạy thêm này sử dụng đúng tên của trường, sử dụng cơ sở vật chất của trường và phần lớn do chính giáo viên của trường giảng dạy. Giáo viên dạy tiếng Anh ở trung tâm cũng là người “cầm trịch” trong ê kip… ra đề thi nhiều năm qua.
Video đang HOT
Cách đây một thời gian, tại Trường THPT T.T, Q.2, TPHCM cũng xảy ra “sự cố” hơn 70% đề thi học kỳ môn Vật lý lớp 12 đã bị thầy giáo tiết lộ tại lớp học thêm. Gần đây, cũng tại trường này, hai giáo viên kéo nhau ra tòa quanh sự việc được cho là lộ đề Văn.
Tại các chương trình đối thoại với lãnh đạo ngành Giáo dục ở TPHCM tổ chức thường niên hàng năm, lần nào cũng có những HS đứng lên phản ánh tình tình trạng nếu không đi học thêm, các em không thể làm được bài. Ở trên lớp có những thầy cô không dạy qua loa, còn lại “ém” về nhà dạy thêm. Chỉ những em đến nhà thầy học thêm mới qua được thi cử, được điểm cao không thì bị làm khó đủ điều.
Chua chát thay, nhiều phụ huynh nhắm mắt cho con đi học thêm chỉ để đánh đổi được yên thân, để con không bị gây khó dễ, kỳ thị trên lớp học.
Đúng là không thể phủ nhận, dạy thêm – học thêm là nhu cầu có thật trong bối cảnh xã hội, giáo dục còn nặng về thi cử. Chính vì nhu cầu này mà mỗi lần nhắc các quy định quản – cấm về dạy thêm – học thêm sẽ thấy giáo viên phản đối, bức xúc, tủi thân…
Nhiều học trò chịu bất công nếu không đi học thêm (Ảnh minh họa)
Đòi hỏi công bằng nhưng giáo viên đã không nhìn thẳng, nhu cầu có thật đó đã bị chính những người trong cuộc lạm dụng, bóp méo. Có những giáo viên vì nhu cầu về đồng tiền mà o ép, lôi kéo hay tạo đủ bề thuận lợi cho học sinh theo học mình. Còn phía người học, học sinh, phụ huynh bỏ tiền ra học thêm với mục đích cao nhất là để được thầy ưu ái, để dễ dàng đạt điểm cao… Câu “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” giờ được nhiều người thể hiện thẳng thừng và sòng phẳng thông qua các lớp dạy thêm.
Lợi cả đôi đường, cái lợi được tính toán trước mắt, cái lợi về mình. Người thầy vì đồng tiền bất chấp nhân phẩm, đạo đức, biến những học trò mình “chăm chút” thành những con người thụ động, dối trá và gây bất công cho những HS khác.
Mới đây, dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đưa ra nhiều mức phạt liên quan đến với các hành vi vi phạm về tổ chức dạy thêm. Trong đó, đưa ra mức phạt tiền từ 8 – 10 triệu đồng đối với hành vi ép buộc HS học thêm.
E rằng, bên cạnh việc giáo viên o ép, gây khó dễ với HS không đi học thêm thì việc “ưu ái” HS theo học thêm của người thầy cũng cần phải được xem là một hành vi vi phạm.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Kiên Giang: Vụ lộ đề thi Toán: Thầy giáo chia sẻ đề thi cho nhóm HS học thêm
Theo tường trình của thầy Trần Văn Mạnh - giáo viên Toán trường THPT Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), đề thi môn Toán học kỳ 1, năm học 2018 -2019 bị lộ là do thầy chia sẻ đề thi với nhóm học sinh thầy đang dạy thêm ở nhà.
Theo báo cáo của hiệu trưởng trường THPT Phú Quốc về việc lộ đề thi môn Toán trong kỳ thi học kỳ 1: Sáng thứ 4 (ngày 19/12), nhà trường tổ chức cho toàn học sinh khối 11 thi môn Toán.
Đến chiều cùng ngày, khi có kết quả chấm thi phần trắc nghiệm thì một học sinh đã nhấn tin vào số điện thoại thầy Trần Quang Hợp - Phó hiệu trưởng trường THPT Phú Quốc, phản ánh việc thầy Trần Văn Mạnh (thành viên trong tổ Toán được giao nhiệm vụ ra đề thi) đã chia sẻ thông tin đề thi môn Toán khối 11 cho một nhóm học sinh mà thầy Mạnh dạy thêm tại nhà trước kỳ thi. Đồng thời nhà trường phát hiện một số học sinh chia sẻ việc này trên mạng xã hội.
Trước thông tin trên, ban giám hiệu (BGH) làm việc với tổ trưởng Toán và đối chiếu đề thi chính thức với bản chụp thông tin đề thi mà học sinh phản ánh. Nhận thấy có sự giống nhau nên BGH trường tiến hành họp tổ Toán vào 20/12. Qua buổi làm việc với thầy Mạnh và một số học sinh liên quan, thầy Mạnh và các học sinh đã thừa nhận thầy có chia sẻ đề thi mẫu giống đề thi của các em khối 11.
Ban giám hiệu trường THPT Phú Quốc cho biết, trong tuần này nhà trường sẽ họp Hội đồng kỷ luật để đưa ra hình thức kỷ luật thầy Trần Văn Mạnh theo qui định
Ngày 24/12, trong tiết sinh hoạt dưới cờ, nhà trường đã công bố sai phạm liên quan đến giáo viên và phân tích sự việc, ổn định tâm lí cho học sinh. Chiều cùng ngày tổ Toán đã họp xét phân tích lỗi vi phạm và đưa ra hình thức kỷ luật với thầy Mạnh.
Hiện BGH trường THPT Phú Quốc đang thu thập thêm những minh chứng liên quan vụ việc và sẽ họp hội đồng kỷ luật trong tuần này để đưa ra hình thức kỷ luật thầy Mạnh theo qui định.
Như Dân trí đã phản ánh, ngày 19/12, BGH trường THPT Phú Quốc nhận được phản ánh của học sinh về việc thầy Trần Văn Mạnh (giáo viên Toán của trường) làm lộ đề thi môn Toán học kỳ 1.
Ban giám hiệu đã tiến hành xác nhận thông tin phản ánh của học sinh, sau đó có buổi làm việc với thầy Mạnh và cho thấy thông tin phản ánh của học sinh về việc lộ đề thi là đúng. Ngay sau đó, nhà trường đã trấn an các học sinh và phụ huynh. Đồng thời để đảm bảo công bằng, nhà trường đã tổ chức thi lại ngay sau đó một ngày bằng đề thi dự phòng.
Thầy Nguyễn Ngọc Toàn, Hiệu trưởng trường THPT Phú Quốc cho biết kết quả giữa hai lần thi chênh lệch không đáng kể. Cụ thể, ở lần thi đầu tiên, tại phần trắc nghiệm, số học sinh đạt trung bình trở lên là 279/473 em (đạt 59%); Còn lần thi lần 2, số học sinh đạt từ 5 điểm trở lên là 270/473 (57%), tức là chỉ lệch 2%.
Được biết, tính đến sự việc lộ đề thi xảy ra, việc thầy Mạnh dạy thêm tại nhà là chưa được cấp phép.
Nguyễn Hành
Theo Dân trí
Giáo viên làm lộ đề thi: Bắt nguồn từ việc dạy thêm, học thêm? Chỉ vì ưu ái cho học sinh do mình dạy thêm, giáo viên đã nâng đỡ điểm, hoặc "mách nhỏ" đề thi... khiến đề thi bị lộ, nhiều học sinh phải thi lại trong bức xúc. Những ngày qua, dư luận hết sức quan tâm, lên án việc làm của một giáo viên trường THPT Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) vì làm lộ...