Dạy thêm học thêm: Trên cấm, dưới làm ngơ
Mặc cho quy định cấm, việc dạy thêm, học thêm tại nhà do thỏa thuận giữa phụ huynh và giáo viên không cần “bắt tại trận” thì ai ai cũng biết. Tình trạng “trên cấm nhưng dưới làm ngơ” phải chăng vì vẫn đang thiếu phương án khả thi?
Dạy thêm: cung cầu đều có
Sau giờ học buổi chiều, chị L.T.H, phụ huynh HS lớp 7 Trường THCS Châu Văn Liêm (Q. Phú Nhuận, TPHCM) lại chở con đến thẳng nhà thầy dạy Toán cách trường gần 2 cây số để học thêm. Cùng với môn Toán, con chị còn đăng ký học thêm môn Văn, tính ra tuần 4 buổi.
Chị cho biết, đầu năm thầy cô hỏi học sinh (HS) nào có nhu cầu học thêm thì đăng ký. Thấy bài vở của các cháu rất nhiều, nếu chỉ học ở lớp thì không theo kịp nên vợ chồng chị thống nhất cho con học hai môn chính.
“Việc cháu học thêm gia đình tôi hoàn toàn tự nguyện vì muốn cháu nắm chắc bài vở hơn, kiến thức ở lớp 7 rồi bố mẹ không kèm cặp được nữa. Nếu mình không có nhu cầu, không học tôi nghĩ cũng chẳng có vấn đề gì. Theo tôi biết thì không phải cháu nào trong lớp cũng đi học thêm”, chị H cho hay.
Ngành giáo dục đang quyết liệt cấm dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học nhưng chưa có phương án thật sự khả thi.
Sau giờ dạy ở trường, tuần 5 buổi (hai buổi vào ngày cuối tuần) cô M, giáo viên (GV) tại một trường tiểu học ở Q.3 cũng mở lớp dạy thêm ở nhà với gần 15 HS. Ngoài số HS trong lớp do cô chủ nhiệm, trong số này có một số em ở các lớp khác đến đăng ký học.
Cô M khẳng định, cô không có nhu cầu dạy quá đông, mở thêm nhiều lớp nên số HS theo học hoàn toàn do phụ huynh có nhu cầu cho con theo học. Trong đó có những HS học lực kém, gia đình muốn cho các em học thêm để tiến bộ, nhiều em bố mẹ không trông được…
“Nhu cầu cho con học thêm từ phụ huynh là có thật và thậm chí là rất nhiều, thậm chí tôi không thể nhận vì chỗ học nhỏ hơn nữa mình cũng bận việc gia đình. Chỉ GV nào không có khả năng chuyên môn, HS không thích mới ép học trò đi học thêm”, cô M nói.
Xét trên quy định, cô M nói rằng mình vi phạm, nhiều GV khác cũng vi phạm nhưng “Nếu chúng tôi không dạy thêm ai đảm bảo đời sống cho chúng tôi? Với đồng lương của tôi lo cho bản thân còn không đủ thì lấy đâu để vợ chồng tôi nuôi hai con ăn học rồi tôi lấy đâu ra chi phí để đi học để nâng trình độ chuyên môn?”.
Video đang HOT
Hiện nay, quy định cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học nhưng nhiều hiệu trưởng và GV đều khẳng định, đây là bậc học dạy và học thêm nhiều nhất. Xuất phát từ nguyên nhân phụ huynh muốn con được kèm cặp nắm chắc kiến thức từ sớm, ngoài ra nhu cầu… cần người trông con trong lứa tuổi này cũng rất nhiều.
Bà Trương Thị Thanh Mỹ – Hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch (Q. Phú Nhuận, TPHCM) cho hay: “Lương thấp nên GV có nhu cầu dạy thêm, còn phụ huynh cũng có nhu cầu con được kèm cặp thêm hoặc cần người trông con nên họ thỏa thuận với nhau. Chúng ta phải nhìn nhận đây là nhu cầu có thật chứ không chứ việc GV ép trò đi học thêm là con số rất nhỏ”.
Hiệu trưởng… lắc đầu
Theo văn bản hướng dẫn thực hiện quy định dạy thêm, học thêm của Sở GD-ĐT TPHCM ban hành vào tháng 9/2012, hiệu trưởng có trách nhiệm tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường để ngăn chặn hiệu tượng tiêu học trong dạy thêm, học thêm.
Hầu hết các quy định về dạy thêm, học thêm, hiệu trưởng, quản lý nhà trường là người nắm rõ nhất việc có dạy thêm, học thêm tiêu cực hay không. Thế nhưng, trường học chỉ có thể tuyên truyền, phổ biến đến GV các quy định về dạy thêm, học thêm, còn việc GV thực hiện đến đâu thì không dễ dàng nắm bắt được. Ngoài ra, các hiệu trưởng không “mặn mà” với công việc này mà không hẳn họ không có lý.
Bà Nguyễn Thị Thắm, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Ánh Thủ (Q.12) cho hay ở trường mình, tập trung HS con nhà rất khó khăn nên nhu cầu về học thêm rất ít. Tuy nhiên, không phải là không có nhưng trường không thể kiểm soát được. “Nhà các GV ở khắp các quận, HS đến học hay không chúng tôi làm sao biết được?”
Bà Trương Thị Thanh Mỹ cũng cho rằng, GV ở trường cũng cam kết không dạy thêm cho HS của mình nhưng thực tế dạy hay không trường không nắm được. Chính phụ huynh cho con đi học thêm tại nhà cô giáo cũng tìm cách giấu.
Hầu hết các hiệu trưởng không “mặn mà” can thiệp vào việc dạy thêm, học thêm giữa GV và phụ huynh HS.
Hơn nữa, nếu biết GV của mình dạy thêm, nhiều lãnh đạo chấp nhận mình cũng sai quy định chứ không thể làm gì khác. Trưởng phòng GD-ĐT tại một quận ở TPHCM cho hay, chiếu theo quy định hiện nay thì phòng, hiểu trưởng hay GV đều sai.
“Hỏi tôi xử lý hiệu trưởng thế nào nếu biết trường đó có GV dạy thêm thì tôi nhận mình không xử lý được vì hiệu trưởng cũng có cái khó của họ. Trừ khi có đơn khiếu nại, tố cáo thì mình mới có thể can thiệp xử lý. Việc dạy thêm, học thêm là thỏa thuận giữa phụ huynh và GV, sau giờ làm hiệu trưởng đâu thể lòng vòng xe để biết cô nào dạy thêm, đối tượng học trò là những ai, họ cũng không được trả lương để làm công việc bên ngoài giờ và nhà trường”, người này cho hay.
Bà Phạm Thị Huệ – hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, Q.3 cho rằng, chúng ta đang đưa quy định cấm mà không giải quyết các vấn đề căn cơ một cách đồng bộ như thay đổi chương trình học, cách ra đề thi để làm sao HS làm bài được mà không cần phải đi học thêm, đẩy mạnh khả năng tự học, cải thiện đời sống cho GV… Thế nên tình trạng dạy thêm, học thêm cấm nhiều mà cấm không nổi.
“Thấy nhiều nơi thực hiện thông tư 17, đến bắt dạy thêm như trộm…, tôi tổn thương vô cùng. Làm gì cũng phải có tính nhân văn, tình người. Đừng chỉ cấm mà không tìm các phương án khả thi vì như vậy là đang làm tổn thương nhà giáo, tổn thương cả học trò”, bà Huệ bày tỏ.
Ông Nguyễn Hoài Chương – phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, việc dạy thêm, học thêm tạo ra thu nhập cho nhà giáo, đáp ứng một phần nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên, cũng từ vấn đề này đang làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong xã hội nên ngành đã ban hành nhiều thông tư quy định về dạy thêm, học thêm hạn chế những tiêu cực.
Tuy nhiên, ông Chương đánh giá, về mặt quản lý, thông tư mới nhất là thông tư 17 chưa thật sự ổn , có những vấn đề vừa đóng lại vừa mở như nhu cầu, đối tượng dạy và học… nhằm hạn chế tiêu cực trong dạy thêm, học thêmmà chưa đề ra được những giải pháp mang tính khả thi nên gây khó khăn cho các cấp quản lý cơ sở.
Hiện Sở GD-ĐT TPHCM đang tham mưu với UBND TPHCM để thời gian tới ban hành quy định về công tác chỉ đạo quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Hoài Nam
Theo dân trí
Quyết cấm dạy thêm
Sở GD-ĐT Hà Nội không cho phép dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học, kể cả trong và ngoài nhà trường. Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định như vậy.
Tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn Hà Nội ngày 28-11, ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh việc xây dựng văn bản quản lý dạy thêm, học thêm xét từ nhu cầu học sinh chứ không xuất phát từ quyền lợi giáo viên. Chính vì vậy, Hà Nội sẽ tuyệt đối không cấp phép cho giáo viên tiểu học dạy thêm.
Cấm luôn các trung tâm
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình, đặt câu hỏi: Giáo viên có thể tham gia dạy thêm ở các trung tâm ngoài nhà trường và ở đó có học sinh chính khóa của họ thì việc quản lý sẽ ra sao? Việc quản lý học sinh học thêm ở các trung tâm đó như thế nào? Trên thực tế, nếu không cấm các trung tâm dạy học sinh tiểu học thì không thể cấm được giáo viên tiểu học dạy thêm.
Ông Hồ Quốc Việt, Phó Hiệu trưởng Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, cũng băn khoăn việc cấm dạy thêm có áp dụng với những thầy cô uy tín được phụ huynh các trường ngoài tìm đến nhờ hay không? Một giáo viên giỏi thường được mời dạy luyện thi vào các trường chuyên cho rằng sẽ là thiếu công bằng khi các trung tâm hay cơ sở luyện thi vào lớp 6 vẫn thuê giáo viên tiểu học dạy thêm học sinh bậc học này, còn các thầy cô lại không được dạy học sinh của mình.
Học sinh Trường Tiểu học Kim Liên - Hà Nội
Trước những băn khoăn này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay dù Bộ GD-ĐT không cấm cấp phép cho các trung tâm dạy chương trình tiểu học nhưng Hà Nội sẽ dừng hoàn toàn việc này. Quyết định này cũng đồng nghĩa với việc từ nay, giáo viên không thể tham gia dạy thêm tại các trung tâm cho học sinh tiểu học vì họ không được cấp phép.
Đối với các nhu cầu trông giữ học sinh tiểu học ngoài giờ, lớp học kỹ năng, nghệ thuật, thể thao..., Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sẽ không đưa vào quy định quản lý dạy thêm, học thêm nhưng bắt buộc các trường phải có đề án và được cấp quản lý phê duyệt.
Phải xin - cho mới được?
Giáo viên bậc THCS và THPT tuy không bị cấm nhưng không được dạy thêm ngoài nhà trường cho học sinh mình đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Theo lý giải của Sở GD-ĐT Hà Nội, việc này
nhằm bảo đảm quyền lợi học sinh, tránh việc lợi dụng, thiếu khách quan của giáo viên khi đồng thời vừa dạy trên lớp vừa dạy thêm học sinh của mình.Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn đến nhiều thắc mắc từ phía những người dạy. Ông Nguyễn Duy Long, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Đống Đa, băn khoăn quy định như vậy là hiệu trưởng có thể cho phép giáo viên của mình dạy thêm ngoài nhà trường cho học sinh chính khóa nếu người ta xin. Vậy thì trong trường hợp nào hiệu trưởng sẽ cho, trường hợp nào không? Nếu cả lớp học thêm toàn là học sinh của mình thì có được dạy hay chỉ một vài em thì mới được?
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng quy định không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa nhưng thực tế triển khai không dễ dàng khi giáo viên vẫn muốn dạy học sinh của mình với giải thích là nắm bắt được điểm mạnh, điểm yếu của từng em. Bà Nguyễn Thúy Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa - Hà Nội, cho hay vì trường không có điều kiện dạy thêm nên các học sinh thường lập nhóm rồi mời thầy cô dạy.
Tuy nhiên, theo quy định mới, giáo viên hưởng lương ngân sách Nhà nước không được đứng ra tổ chức dạy thêm mà chỉ được làm việc này tại các cơ sở do tổ chức, cá nhân khác đứng ra xin cấp phép hoạt động thì rất khó cho các thầy cô.
Theo người lao động
Đà Nẵng: Yêu cầu kỷ luật Phòng GD-ĐT quận Hải Châu UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành công văn yêu cầu UBND quận Hải Châu phê bình và có hình thức kỷ luật đối với Phòng GD-ĐT quận Hải Châu. TP Đà Nẵng nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học Nguyên nhân do đơn vị này đã cấp phép tràn lan cho các trung tâm bán trú hoạt động;...