Dạy thêm, học thêm tồn tại từ bao giờ?
Khoảng năm 1953 – 1954 tôi là học sinh cấp 3, lẽ ra việc chính là “học chữ”, nhưng tôi dành quá nhiều thời gian làm thêm các việc “cày, bừa, cấy, hái” để có tiền ăn học cho hết cấp. Sau đó tôi đã chuyển hướng kiếm tiền bằng cách dạy kèm lớp dưới.
Khổ vì cơ chế do chính mình đặt ra
Những ngày còn lao động chân tay kiếm sống, tôi tự an ủi rằng đây là việc cần làm để cải tạo tư tưởng (vì mình thuộc “thành phần tiểu tư sản”), nhưng càng về sau nghĩ lại thấy không đúng, vì việc “rèn” qua lao động chân tay giản đơn không đem lại hiệu quả bao nhiêu. Trái lại, tôi thấy thu được lợi ích nhiều mặt khi tôi làm đúng sở trường là kèm cặp các em học sinh học “đuối”: tôi vừa ôn và vận dụng được kiến thức đã học, vừa không mất nhiều sức và có đủ tiền học tiếp.
Ai từng bừa ruộng đều biết rằng có hai sợi dây thừng buộc vào hai đầu cái “ách” (đặt trên cổ trâu) nối với hai cái “tay bừa”; cố nhiên, khi buộc cần điều chỉnh cho hai sợi thừng dài bằng nhau; nếu không như vậy con trâu sẽ kéo cái bừa lệch về phía sợi thừng ngắn hơn: đường bừa sẽ đi xiên. Bị mấy cô gái cấy lúa ở thửa ruộng bên cạnh chê “không biết lao động”, tôi đỏ mặt, miệng thì quát vào “tai trâu”, tay thì quật roi vào mông con trâu khốn khổ – vì cho rằng nó cố ý bêu riếu tôi trước quần chúng, nhân dân. Sở dĩ tôi nhớ lại chuyện của một thời ấu trĩ là do liên hệ tới chuyện “dạy thêm, học thêm” hiện nay. Cơ chế do tôi tạo ra đã sai, thì người vận hành cơ chế (cũng là tôi đây) ắt bực tức vì bị thực tế chửi vỗ mặt, nhưng người thực hiện cơ chế (là con trâu kia) còn khổ cực hơn. Khổ mà không có cách cãi lại mới thật là khổ. Trong khi đó, tôi rất thuộc lý thuyết về sự “cống hiến” và “công lao” của con trâu, nhưng liệu có ích gì cho nó?
Quả là khó có thể nói về đạo đức hay lý lẽ khi cơ chế sai. Không sửa cơ chế do chính mình áp đặt, tôi lại nhè vào con trâu mà sửa! Nếu là thời nay, có lẽ sẽ có người khuyên tôi ra một bản quy chế “cấm đi xiên” để điều chỉnh hành vi của con trâu cũng chưa biết chừng.
Liên hệ câu chuyện kể trên với việc dạy và học ngày nay. Chương trình học thì nhồi nhét, cách thi cử lại cật vấn trí nhớ học sinh, trong khi lương thầy cô chỉ đủ trang trải 30 hay 40% nhu cầu sống… mà khi nhìn nhận hiện tượng “dạy thêm, học thêm” tràn lan lại trách móc thầy cô, học sinh và phụ huynh sao?.
Video đang HOT
Học sinh Trường THCS quận Tây Hồ Hà Nội
Ai sẽ học thêm, ai sẽ dạy thêm?
Giả sử (vâng, giả sử thôi nhé), Bộ GD-ĐT đã cải tiến chương trình, cải tiến cách dạy, cách thi và tăng lương cho thầy cô giáo thì “dạy thêm, học thêm” vẫn cứ tồn tại như nó đã từng tồn tại từ thưở xa xưa, khi nước ta có bộ Lễ mà chưa có Bộ Giáo Dục. Và nó sẽ trở về vị trí, mức độ, đúng như xã hội yêu cầu. Không vị thánh hay đấng thiên tài nào có thể làm quá hay làm chưa tới mức đòi hỏi của thực tế cuộc sống.
Vậy khi đó, ai sẽ học thêm?
- Phải học thêm trước hết là những học sinh bị “đuối” ở lớp (do nhiều nguyên nhân) mặc dù chương trình không nặng so với lứa tuổi. Điều này đơn giản tới mức bất cứ học sinh nào cũng biết phải &’học thêm” nếu mình học kém chúng bạn. Tôi đã từng kèm cặp loại học sinh này, giống như trước đó cha tôi đã kèm cặp tôi – khi sức học của tôi bị đuối. Yêu cầu đối với mọi học sinh là phải hiểu thấu đáo những điều đã được học, được dạy. Tốt hơn thế, còn phải vận dụng được điều đã học, nhưng tốt nhất là có khả năng dùng nó để giải quyết các bài tập tình huống mà thầy cô (dạy giỏi) nêu ra: Với kiến thức vừa được học, nếu gặp tình huống “thế này” thì em giải quyết “thế nào… Từ kiến thức, phải thành kỹ năng. Nếu không đạt được mức ấy thì phải học thêm. Nếu thầy cô dạy thêm như thế nào đó mà học sinh hết “đuối”, lại đủ nội lực theo kịp chương trình; và còn tự vượt lên nữa… thì tôi e rằng phụ huynh và xã hội sẽ tạo áp lực đòi thầy cô dạy thêm dài dài, muốn thôi (để thực hiện lệnh “cấm”) cũng khó.
- Cần học thêm còn phải kể đến những học sinh thừa năng lực tiếp thu chương trình chung, nhưng lại không muốn dùng thời gian rỗi rãi dư thừa để chơi bời vô ích. Thật ngược đời khi học sinh chưa hiểu thấu đáo những điều phải học mà cứ đi học thêm những thứ ngoài chương trình. Nhưng cũng ngược đời không kém nếu đưa ra những quy định không cho ai học vượt chương trình, không cho ai được học một năm 1,5 hay 2 lớp. Ngày xưa, có vị tiến sĩ đậu lúc 30 tuổi, nhưng có ông trạng 13 tuổi Nguyễn Hiền. Nếu có ông vua nào đó cấm học vượt tuổi, vượt chương trình (như thời nay) thì lấy đâu ra các thần đồng có tên trong lịch sử?. Huống hồ, ngày nay rất nhiều học sinh tự biết rằng có nhiều điều phải học thêm mới thuận lợi bước vào đời.
- Cuối cùng là những học sinh chưa tự tin vào học lực bản thân khi sắp phải qua một kỳ thi tuyển ngặt nghèo, ví dụ thi vào đại học, thi lấy học bổng quốc tế. Cạnh tranh bằng học thêm là cách cạnh tranh rất lành mạnh. Nội dung thi và cách thi càng công khai, càng có tác dụng tích cực đối với sự nỗ lực và cách thức học thêm. Cải cách giáo dục trước nhất phải là cải cách thi cử, từ đó người soạn chương trình sẽ biết phải soạn thế nào, rồi người viết sách giáo khoa, người dạy, người học sẽ buộc phải tự điều chỉnh để thi đạt kết quả cao.
Dẫu thế nào, học sinh cũng như mọi công dân khác, đều có quyền học thêm những gì mình muốn. Với một xã hội học tập – mà chúng ta đang muốn xây dựng – thì không ai có quyền cấm học thêm, nhưng lại có quyền buộc học thêm đối với những đối tượng nhất định (như những học sinh “ngồi nhầm lớp”).
Ai sẽ dạy thêm?
Dạy thêm là lao động ngoài giờ của người lao động, cố nhiên có những luật lệ quy định, không cần nói ở đây. Chỉ xin nói về trách nhiệm và quyền trong dạy thêm, học thêm.
- Trước hết, những thầy cô giáo chưa dạy cho học sinh của mình thấu đáo những điều phải dạy, thì phải nhận lỗi, phải sửa bằng cách dạy thêm miễn phí. “Cắt” danh hiệu thi đua là không hay, không tốt, không hợp lòng người bằng buộc thầy cô dạy kém phải dạy thêm cho tới khi đạt yêu cầu. Có thể dạy thêm trong giờ, nhưng nếu không đủ, các thầy cô này phải lấy thời gian nghỉ ngơi của mình mà dạy miễn phí, đồng thời vẫn phải nhận lỗi. Đó là trách nhiệm. Chưa tròn trách nhiệm thì chưa thể dạy thêm kiếm tiền, nhất là kiếm tiền trên đầu những học sinh mà chính mình chịu trách nhiệm. Vấn đề là hiệu trưởng, trưởng bộ môn và đồng nghiệp phải có cách kiểm tra thật tin cậy và chính xác xem thầy cô đã tròn trách nhiệm chưa.
Còn về quyền hạn, mọi thầy cô có thể từ chối tiếp nhận những học sinh quá kém từ lớp dưới chuyển lên. Đã gọi là quyền thì bất cứ ai cũng không được xâm phạm. Nếu trách nhiệm và quyền hạn nói trên được bộ Giáo Dục nói cho kỹ, làm tới chốn, thì việc dạy thêm sẽ giảm hẳn mà cha mẹ học sinh – cũng như toàn dân – sẽ hoan nghênh bộ ta nhiệt liệt.
- Những trường hợp bất khả kháng (như thiên tai, dịch bệnh…) khiến số đông học sinh học không đủ, không thấu đáo những điều phải học, thì phải dạy thêm và học thêm. Cấp quản lý sẽ tổ chức, kêu gọi với đầy đủ trách nhiệm; các thầy cô sẽ hưởng ứng với đầy đủ tấm lòng… có lẽ là điều không cần bàn ở đây.
- Bất cứ thầy cô nào đã làm đầy đủ trách nhiệm của mình, nếu có nhu cầu cải thiện cuộc sống (hoặc được yêu cầu, hoặc do thích thú) đều có thể lấy giờ nghỉ của bản thân để dạy thêm. Đó là quyền. Do vậy, các thầy cô giáo đã về hưu cứ tha hồ dạy thêm, hỏi ai dám lấy tư cách gì mà cấm?. Dạy nội dung gì là do người học yêu cầu và người dạy có đủ khả năng: đây là sự thoả thuận với nhau. Chính ở đây, quy luật cung cầu có vai trò lớn: các thầy cô dạy tiếng Anh, hay Toán thì tha hồ dạy, các thầy cô môn Chính trị, Lịch sử hay Giáo dục công dân cũng có người cần học, nhưng thầy dạy môn khác lại có thể rất ít người xin học thêm.
Những điều kể trên là quá đương nhiên, tồn tại từ quá lâu, từ khi 90 triệu người đang sống hiện nay chưa ra đời.
GS Nguyễn Ngọc Lanh
(Đại học Y Hà Nội)
LTS Dân trí-Chắc rằng các vị độc giả lớn tuổi đều nhất trí với Giáo sư viết bài trên đây. Thật ra, việc dạy thêm học thêm đã ra đời và tồn tại từ rất lâu do nhu cầu của nhiều loại đối tượng và trên thực tế đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Vì vậy, dư luận xã hội không hề lên án việc dạy thêm học thêm; chính quyền trong xã hội cũ cũng không phải dùng biện pháp hành chính can thiệp vào việc dạy thêm, học thêm.
Còn ngày nay, vì sao lại xảy ra tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan và hiệu quả nhiều khi không đúng như mong muốn; thậm chí còn phản tác dụng?
Muốn khắc phục từ gốc hiện trạng này, cần phải sửa những điều bất hợp lý trong cơ chế quản lý giáo dục từ việc tinh giản chương trình, đổi mới cách dạy và học, nhất là đổi mới căn bản nội dung và cách thi cử, đồng thời tăng lương cho giáo viên đủ sống bằng nghề dạy học.
Theo DT