Dạy qua truyền hình: Giáo viên lo lắng vì hạn chế tương tác với học sinh
36 giáo viên cấp THCS – THPT của tỉnh Đắk Nông được chọn thực hiện chương trình dạy học qua truyền hình. Nhiều GV lo lắng vì đây là lần đầu tiên triển khai, việc tương tác với học sinh bị hạn chế.
Theo kế hoạch, từ ngày 7/4, tỉnh Đắk Nông sẽ phát sóng các bài dạy qua truyền hình để giúp học sinh lớp 9, lớp 12 ôn tập kiến thức trong thời gian nghỉ để phòng chống dịch Covid-19.
Từ nhiều ngày trước đó, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình địa phương ghi hình các bài giảng. 36 giáo viên được chọn để “đứng lớp” là những thầy cô giáo giàu kinh nghiệm, có năng lực sư phạm…
Giáo viên mất hơn 1 tuần để chuẩn bị bài giảng, kịch bản
Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên triển khai chương trình dạy học qua truyền hình nên nhiều thầy cô giáo lo lắng và có phần hồi hộp khi trực tiếp tham gia vào chương trình. Phần lớn đều “chưa thích nghi kịp” khi việc tương tác với học sinh trong lúc giảng bài hầu như không có.
Cô Lê Thị Vân Anh, giáo viên Toán lớp 9 cho biết, mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ bài giảng, được các thầy cô giáo trong tổ và Phòng GD&ĐT góp ý thế nhưng trước khi vào phòng quay cũng rất lo lắng và “run”.
Cô Vân Anh ôn lại kịch bản trước khi vào quay chính thức
“Lần đầu tiên đứng trước máy quay giảng bài mà không có học sinh cảm giác nó rất khác. Tôi chỉ biết nhìn vào màn hình điện tử, tưởng tượng ra học sinh đang ngồi phía dưới. Do thói quen đặt câu hỏi trong khi giảng nên khi quay hình, tôi hay đặt câu hỏi cho các em, mỗi lần như vậy là phải ghi hình lại”, cô Vân Anh kể lại tình huống “dở khóc, dở cười” trong quá trình ghi hình.
Cũng theo nữ giáo viên, một tiết học có 45 phút, trong đó bao gồm cả dạy kiến thức và ví dụ minh họa cho học sinh. Khi dạy học qua truyền hình, buộc giáo viên phải cân đối kiến thức, lấy thật nhiều ví dụ minh họa để đảm bảo 45 phút phát sóng. Thế nhưng, tất cả các ví dụ đều của giáo viên và cũng chính giáo viên phải giải quyết nó.
“Cũng muốn hỏi các em có làm được bài không, có chỗ nào không hiểu không mà không được. Việc học qua truyền hình buộc các em phải có ý thức tự học, tự rèn luyện và xem lại các số phát sóng”, cô Vân Anh chia sẻ.
Video đang HOT
Để có một bài giảng tốt, khuôn hình đẹp…
Là giáo viên đầu tiên của tỉnh Đắk Nông thực hiện ghi hình, cô Phạm Thị Thắm, giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh (tỉnh Đắk Nông) không ngờ là việc dạy qua truyền hình lại khó đến vậy.
Theo dự kiến, cô Thắm sẽ có bài giảng đầu tiên ôn luyện kiến thức đọc hiểu của môn Ngữ Văn với thời gian ghi hình là 30 phút đồng hồ cho 25 phút phát sóng. Tuy nhiên vì là người đầu tiên thực hiện, lại chưa có kinh nghiệm đứng trước máy quay nên thành thử cô Thắm mất gần 2 tiếng ghi hình.
“Trước khi quay chính, các giáo viên đều được tập dượt trước, thế nhưng tôi vẫn lo và hơi run khi quay. Trong lúc qua, các thầy cô trong tổ bộ môn cũng phải ngồi gần đó để góp ý chuyên môn nên tâm lý cũng rất căng thẳng, hồi hộp. Rất may là buổi ghi hình đã thực hiện thành công dù cho thời gian có bị kéo dài hơn dự kiến”, cô Thắm thở phào.
…. giáo viên được góp ý trực tiếp trên trường quay
Có mặt tại buổi ghi hình số đầu tiên, một cán bộ quản lý của Phòng GD&ĐT TP. Gia Nghĩa cho biết, vấn đề tương tác thầy – trò, đánh giá mức độ tiếp nhận kiến thức của học sinh… đều bị hạn chế khi dạy học qua truyền hình. Tuy nhiên, điều khiến thầy cô giáo bị áp lực nhất là sự phân tích, mổ xẻ từ phía đồng nghiệp khi chương trình được phát sóng.
“Khi bài giảng được phát sóng, không chỉ học sinh mà còn có cả phụ huynh, đồng nghiệp của chúng tôi theo dõi. Thực tế, mỗi giáo viên có một cách giảng dạy khác nhau nên khi giáo viên này giảng trên truyền hình, thì cả ngàn giáo viên khác sẽ có nhận xét. Góp ý thì rất hoan nghênh, nhưng nhiều người lại đưa ra mổ xẻ, chê bai khiến các thầy cô gặp áp lực rất lớn. Chính vì vậy, thầy cô phải thực sự bản lĩnh, bảo vệ quan điểm của chính mình”, cán bộ này nhận định.
Tổ chuyên môn cũng phải có mặt để tư vấn cho giáo viên “đứng lớp”
Tương tự, một lãnh đạo Trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng nhìn nhận, mỗi thầy cô giáo lại có một phương pháp giảng dạy, cách tiếp cận kiến thức riêng song dạy học là dạy chung cho học sinh cả tỉnh. Chính điều này buộc các trường, các tổ chuyên môn có giáo viên được lựa chọn “đứng lớp” phải chuẩn bị rất kỹ về cả kiến thức và tâm lý.
“Nếu trong lúc giảng dạy có điều gì sơ suất thì không những giáo viên mà cả trường đều bị đưa ra phân tích, mổ xẻ. Chính vì thế, khi quay hình, chúng tôi yêu cầu tổ trưởng, tổ phó chuyên môn phải có mặt để góp ý luôn. Tất cả phải đảm bảo, khi bài giảng được phát sóng, kiến thức phải chuẩn, giáo viên phải bản lĩnh sư phạm”, vị phó hiệu trưởng này cho biết.
Dự kiến ngày 7/4, các bài giảng sẽ được tỉnh Đắk Nông phát sóng trên đài truyền hình địa phương
Có mặt tại các buổi ghi hình bài giảng, ông Lê Nhơn, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông đánh giá dù là lần đầu tiên thực hiện dạy học qua truyền hình song các đơn vị liên quan đã chuẩn bị rất kỹ càng. Dự kiến chương trình sẽ được phát sóng từ thứ 3 ngày 7/4.
“Dù giáo viên có lo lắng, hồi hộp nhưng các thầy cô đều hoàn thành buổi ghi hình, điều này cũng hết sức thông cảm vì các thầy cô chưa bao giờ đứng trước máy quay để giảng bài. Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông hy vọng học sinh trên toàn tỉnh sẽ đón nhận và tiếp thu kiến thức mà các thầy cô giáo truyền đạt”, ông Nhơn nói.
Dương Phong
Phí dạy học online - nơi thu cao, nơi miễn phí
Để kịp ứng phó với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công nhận kết quả dạy học online và cho phép các trường thu tiền phí để thực hiện việc này, trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên, việc tính toán phí dạy online hiện nay mỗi nơi đang thực hiện một kiểu, nơi thu bằng học phí khi dạy học trực tiếp, có nơi lại thực hiện miễn phí cho học sinh.
Hình thức dạy học online, dạy học qua truyền hình được nhiều địa phương, cơ sở giáo dục áp dụng trong những ngày qua. Ảnh: Hải Nguyễn
Không thu tiền, trường tư sẽ gặp khó
Việc thu hay không thu học phí dạy online trong thời gian học sinh nghỉ học phòng dịch COVID-19 đã nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh, thậm chí có nhiều tranh cãi trong thời gian qua.
Tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo có quan điểm các trường không được thu học phí dạy online. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản đối của các trường, đặc biệt là các trường tư thục. Lý do được các trường tư đưa ra là nếu không cho thu phí dạy online, trường sẽ không có nguồn thu. Bởi trường tư không được cấp ngân sách, trong khi vẫn phải đảm bảo hoạt động của nhà trường trong những tháng học sinh nghỉ học. Sau đó, sở đã thay đổi quyết định, cho phép các trường tổ chức thu loại phí này, nhưng phải thỏa thuận với phụ huynh.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GDĐT), nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục không thực hiện thu học phí đối với tháng học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh. Còn khoản phí để dạy và học online là dịch vụ thỏa thuận, nên việc thu hay không tùy thuộc vào các trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau. Các nhà trường phải căn cứ nội dung, khối lượng công việc để xây dựng tính toán mức thu hợp lý, thu đủ bù chi cho các dịch vụ chứ không thể thu theo học phí, đồng thời phải thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh trước khi triển khai.
Sau khi được "mở đường", các cơ sở giáo dục, đặc biệt khối các trường ngoài công lập đã rục rịch việc thỏa thuận mức phí dạy học online với phụ huynh học sinh. Trường TH-THCS Hồng Ngọc (quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) gửi thông báo đến phụ huynh mức thu phí online cụ thể như sau: Tháng 2.2020, học 2 tuần là 800.000 đồng; tháng 3 học 4 tuần là 1,6 triệu đồng; tháng 4 - 5 nếu học online thì mức thu là 1,6 triệu đồng và sẽ miễn giảm phí cho học sinh khó khăn. Không ít phụ huynh của trường cho rằng mức phí này khá cao.
Trong khi đó, Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đề xuất thu phí hỗ trợ dạy học online với mức 1 triệu đồng/tháng, bằng 50% mức thu học phí bình thường của trường. Hiện vẫn có những ý kiến khác nhau của phụ huynh về mức phí mà trường đưa ra.
Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đưa ra mức thu khoảng 1,8 triệu đồng/học sinh/tháng. Tuy nhiên trường này lại nhận được sự đồng tình của phụ huynh. Lý do là thời gian qua việc tổ chức dạy học online của nhà trường có kế hoạch rất chi tiết và có nhiều hiệu quả.
Với các trường đại học, hầu hết đã chuyển sang hình thức dạy học online. Theo phản ánh của sinh viên, nhiều trường tiến hành thu bằng mức tiền học phí mà sinh viên phải đóng khi học tập trung. Những giờ qua, trên nhiều diễn đàn, sinh viên các trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Đại học FPT... kêu gọi nhà trường giảm học phí dạy học online cho sinh viên.
Nhiều nơi miễn phí
Trong khi nhiều cơ sở giáo dục đang tiến hành thỏa thuận để đưa ra các mức thu phí hỗ trợ dạy học online, thì một số nơi, dù phụ huynh đề nghị xin hỗ trợ, lãnh đạo nhà trường vẫn quyết định sẽ dạy miễn phí.
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), vừa qua, ông nhận được nhiều tin nhắn của phụ huynh, bày tỏ mong muốn hỗ trợ nhà trường trong việc tổ chức dạy học online cho học sinh. Tuy nhiên, ông Khang cảm ơn tấm lòng của phụ huynh và quyết định sẽ "không thu bất kỳ khoản phí nào trong thời gian học sinh không đến trường để phòng chống dịch COVID-19 (từ 3.2 - 15.4), kể cả việc học online". Đồng thời, trường vẫn sẽ đảm bảo trả đủ lương cho giáo viên trong thời gian này.
Để có kinh phí thực hiện việc này, lãnh đạo nhà trường cho biết, nhiều năm qua trường đã gây dựng quỹ dự phòng rủi ro và đầu tư phát triển hằng năm. Nhờ đó, khi xảy ra tình huống bất khả kháng, trường vẫn có nguồn dự trữ để duy trì bộ máy. Đặc biệt, trong lúc dịch bệnh khó khăn, nhà trường mong muốn thể hiện trách nhiệm với xã hội, với phụ huynh học sinh.
Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) có chủ trương không thu tiền học phí dạy học online cho học sinh. Lý do là hiện nay các phần mềm thực hiện dạy học online đã được các doanh nghiệp công nghệ thông tin hỗ trợ. Khi có nền tảng công nghệ, chỉ cần giáo viên nỗ lực để soạn giáo án phù hợp với việc dạy online.
"Trường coi đây là hình thức dạy học bổ trợ, không thay thế được dạy học chính khóa. Thời gian và chương trình học chính khóa học kỳ 2 năm học 2019-2020, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 13.3.2020, học bù vào tháng 6 và nửa tháng 7 . Do vậy, khi nào học sinh đi học, trường mới chính thức thu học phí, theo thời gian quy định biên chế năm học của Bộ GDĐT"- TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nhấn mạnh.
Nhiều trường đại học cũng thông báo sẽ miễn, hoặc giảm học phí dạy học online cho sinh viên. Trường Đại học Văn Lang quyết định giảm 20% học phí đối với học phần học online sinh viên đã đăng ký và tham gia lớp học. Trường Đại học Thương Mại cũng thông báo sẽ thanh toán toàn bộ chi phí mạng 3G cho 20.000 sinh viên, học viên với mức giá gói dịch vụ cao nhất. Đến nay trường cũng chưa thu bất kỳ khoản học phí nào đối với sinh viên.
ĐẶNG CHUNG
Đắk Lắk sắp triển khai dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 12 Để giúp học sinh khối lớp 12 học tập trong thời gian nghỉ học phòng dịch Covid-19, Sở GD&ĐT Đắk Lắk phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện chương trình dạy học trên truyền hình. Ngày 30/3, ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cho biết, từ ngày 1/4 Đài Phát thanh truyền...