Dạy online không phải ‘thú vui nhàn nhã’
Nhìn trên mạng xã hội, tôi thấy các thầy cô phấn chấn đăng ảnh màn hình dạy trực tuyến. Đó là niềm vui nghề khi thấy công việc không bị gián đoạn, tuyệt đối không thể coi là thú vui nhàn nhã.
Khi hết thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình dịch bệnh phức tạp, các tỉnh lần lượt cho thầy và trò nghỉ thêm 1 tuần, rồi 1 tuần nữa, rồi 2 tuần nữa… Khi ấy, ngoại trừ trường phổ thông, hầu hết các cơ quan Nhà nước, các công ty tư nhân, các cơ sở sản xuất lớn, vừa, nhỏ… vẫn làm việc. Và nhiều bậc phụ huynh bày tỏ thái độ bất bình cho công bằng xã hội khi họ vừa đi làm, vừa lo trông con cho “bọn giáo viên” ngồi mát ăn bát vàng!
Trên trang cá nhân của nhiều người làm “nghề nguy hiểm” xuất hiện những clip, ảnh…, khổ sở chứng minh mình không ngồi mát, tuy học trò nghỉ mà thầy cô vẫn họp/ học chuyên môn, lau dọn cửa sổ, cửa chính, bàn ghế, quét tước từ lớp tới hành lang, tới sân trường…
Rồi số người nhiễm Covid-19 vượt qua ngưỡng 16, lên dần con số 17, 100, 200… trong sự phập phồng lo lắng hàng ngày. Cả nước căng thẳng và nuối tiếc công sức ghìm giữ trước đó. Nhiều trường, nhiều nước trên thế giới, hoặc cho nghỉ hết năm học, hoặc cho đóng cửa trường vô thời hạn…, các trường của hầu hết tỉnh, thành phố Việt Nam cũng kéo dài kì nghỉ Tết tới vô cùng. Khi đó, lòng nhớ nghề, nhớ trẻ, nhớ trường lại khiến các thầy cô giáo từ mới ra trường tới sắp lĩnh lương của bảo hiểm xã hội mê mải tìm phần mềm dạy trực tuyến…
Bộ GD-ĐT phải di chuyển dần thời điểm kì thi THPT quốc gia sang tháng 7, rồi tháng 8…, chấp nhận kết quả dạy và học trực tuyến. Một làn sóng bất bình thứ hai xuất hiện – họ bất bình về việc nộp học phí hay không bởi việc dạy và học đã chuyển từ bảng đen (xanh) phấn trắng sang màn hình CP/ Ipad/ Iphone…
Từ cảm nhận của một giáo viên quá tuổi dù là cầm phấn hay bấm chuột, tôi thấy cần phải nói một lời công bằng cho những người làm “nghề nguy hiểm” khi bất kì lúc nào cũng có thể trở thành đối tượng cho ngàn họ quan sát và phán xét.
Trước hết là tâm thế. Khi thực hiện cách ly xã hội, ông bà, cha mẹ, anh chị… cùng ở nhà, vừa quan tâm, vừa hiếu kì. Tất cả bỗng trở thành khán giả của các lớp học Microsoft Teams, Google Classroom, Zoom Meeting… Mỗi giờ dạy online không còn là thế giới riêng của một thầy và vài chục trò mà là không gian mở với tất cả những “thanh tra” nghiêm khắc từ chuyên môn tới thời trang, thẩm mĩ… Những tình huống dở khóc dở cười cũng xuất hiện và được nhiều đồng nghiệp chia sẻ, khi phụ huynh mặc trang phục ở nhà đi qua lại màn hình, quát mắng con hoặc ngó màn hình cảm thán” Sao cô giáo con già và xấu thế?”.
Cảnh một học sinh học trực tuyến, cả nhà ngồi xem
Video đang HOT
Thứ hai, để có một giờ dạy trực tuyến, giáo viên phải có những thay đổi cho phù hợp từ giáo án tới phương pháp, chỉ có đầu tư nhiều hơn về thời gian, tâm sức chứ không hề nhàn hơn như cảm nhận của nhiều “thanh tra”, coi giờ dạy online của giáo viên nhẹ nhàng tựa lướt face, chơi game, nghe nhạc…
Thêm nữa là những việc thuộc về “hành chính sự vụ” online, như cập nhật đầy đủ sổ điểm điện tử, sổ đầu bài điện tử, sổ báo giảng điện tử với những phần mềm thất thường hôm nay cập nhật, ngày mai mất tích.
Thứ ba, nếu trong lớp học truyền thống, không gian rộng, thoáng cho thị lực và tương tác trực tiếp, sự thay đổi động thái trong quá trình dạy và học giữa thầy và trò sẽ tạo không khí gần gũi mà vẫn nghiêm túc, tạo sự thoải mái cho các giác quan nghe/ nhìn… kết hợp với sự di chuyển trạng thái của giáo viên, lớp học sinh động, tinh thần và thể trạng giáo viên hưng phấn…, thì trong lớp học trực tuyến, những trục trặc về đường truyền, những bất tiện của hình ảnh, âm thanh hiện lên trong background từ cửa sổ mỗi trò, cả thầy và trò tập trung thị lực, thính lực vào màn hình hẹp, hậu quả tất yếu sẽ là đau đầu, mờ mắt, và mỏi mệt… khiến không thể không phân tâm. Một tiết dạy online nghiêm túc sẽ mất sức lực gấp 2,3 lần một tiết dạy offline.
Thứ tư, dạy và học không thể tách rời hoạt động kiểm tra đánh giá – thay vì các bài kiểm tra viết tay trên giấy, thầy cô nhận bài của học sinh trên hộp thư, mail, zalo…. Cơ chế tự trôi khiến việc chấm bài phải thực hiện ngay lập tức sau khi nhận nếu không muốn lội ngược dòng tìm chữ. Và nếu không dặn dò, quy định, học sinh sẽ gửi bản chụp mờ ảo như “khách đường xa khách đường xa…”, nguy cơ khi dịch Covid-19 ra đi, thầy cô sẽ phải tăng số kính.
Thứ năm, không phải nhà thầy cô nào cũng có “thánh đường” riêng cho dạy học, mỗi buổi dạy, từ 1 tới 5 tiết của nhiều thầy cô sẽ đồng nghĩa với việc đi nhẹ nói khẽ của cả gia đình, khẽ khàng từ chân tay tới bát đĩa, chưa kể nhiều khi, các thành viên trong gia đình phải bò toài dưới đất đặng khỏi dính vào background của lớp học dã chiến…
Nhìn trên mạng xã hội, các thầy cô phấn chấn đăng ảnh màn hình dạy trực tuyến. Đó là niềm vui nghề khi thấy công việc không bị gián đoạn, tuyệt đối không thể coi là thú vui nhàn nhã.
Họ đang cố gắng khắc phục hoàn cảnh để làm nghề, không phải chơi game; họ không than khổ để xin cứu trợ, họ lao động và cần được tôn trọng.
Hãy công bằng với những người thầy – những người lao động có tình yêu nghề và lòng tự trọng.
Nhà giáo Trịnh Thu Tuyết
Thời gian dạy trực tuyến tối đa bao nhiêu phút để người học không quá sức?
Khảo sát trên thế giới cho thấy có nơi tới 75-85% người học chưa hài lòng hay thậm chí không kết thúc khoá học trực tuyến toàn phần. Vậy, đâu là 'chìa khoá' để giải quyết bài toán này?
Sinh viên học trực tuyến - Phạm Hữu
Trong thời gian gân đây, việc dạy trực tuyến không chỉ tiến hành cho sinh viên mà còn tổ chức cho học sinh các cấp. Không chỉ học sinh mà các bậc cha mẹ cùng học trực tuyến với vai trò người đồng hành. Thời lượng học trực tuyến tối đa bao nhiêu phút là vấn đề dẫn đến sự tranh luận, sự lo lắng của nhiều bậc phụ huynh.
50% sinh viên chọn 1 tiết
Hôm qua, một phụ huynh cho biết trẻ lớp 7 mà phải ngồi gần 72 phút thì sao chịu nổi! Không những vậy, thời gian học trực tuyến cũng là chủ đề tranh luận của giảng viên và các nhà khoa học có ứng dụng công nghệ thông tin và dạy học trực tuyến. Một giảng viên đã chia sẻ rằng phần mềm giới hạn 40 phút là không có ý nghĩa sư phạm.
Có thể khẳng định thời gian học tập trực tuyến cần phải hiểu đúng nghĩa của từ trực tuyến. Hiện nay, cách dùng từ học từ xa, học có ứng dụng công nghệ thông tin, học trực tuyến, e-learning làm cho nhiều phụ huynh và cả nhiều người choáng ngợp. Thế nhưng, dù muốn dù không, về mặt nguyên tắc sư phạm, thời gian luôn phải là một tiêu chí không thể thay đổi trên đối tượng học tập.
Mỗi lứa tuổi có đặc điểm tâm lý mà rõ nhất là sự chú ý và tri giác không thể như nhau. Đừng trao cho người học một ít tri thức để đánh đổi cả sự chịu đựng quá sức và nguy cơ về mắt, cột sống và nguy hại nhất là cảm xúc sợ hãi, lo âu. Không phải ngẫu nhiên khi trẻ em mẫu giáo từ lớp mầm, chồi, lá đều chỉ có thể chú ý liên tục trong hoạt động 5 - 7 phút để việc tổ chức của giáo viên linh hoạt, thay đổi. Hay tiết học của học sinh tiểu học thống nhất chỉ là 30 đến 45 phút.
Với 2.000 phiếu khảo sát nhanh ngày 9.4, không phân biệt các đối tượng sinh viên, có gần 50% cho rằng thời gian học trực tuyến vẫn là 1 tiết với 45 phút, gần 20% đồng ý trên 45 phút. Thế nên, thời gian là yếu tố đầu tiên cần cẩn trọng để có thể điều chỉnh nhanh chóng nếu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học hay e-learning.
Kịch bản sư phạm nào để người học có cảm xúc tích cực, hứng thú ?
Một trong những nỗi lo lớn nhất của người dạy trực tuyến là làm sao để người học hài lòng, câu trả lời nằm ở kịch bản sư phạm trực tuyến.
Kịch bản sư phạm trực tuyến là sự tổ chức, bố trí các hoạt động cho người học nhằm đạt mục tiêu dạy học và được thiết kế theo hướng của một vở diễn. Để có một kịch bản sư phạm tốt, người thiết kế kịch bản phải nắm vững những nội dung tri thức nào cần truyền đạt và đối tượng người học là ai để từ đó xây dựng thành các hoạt động học tập có khả năng gây "hứng thú" và "bất ngờ" đối với người học.
Thạc sĩ Lương Thị Nhung, khoa cơ bản của Trường CĐ thực hành FPT Polytechnic, giảng viên có cách giảng trực tuyến khá thu hút sinh viên - NVCC
Kịch bản sư phạm trực tuyến được hiểu là tổng hợp các hoạt động học tập diễn ra trong một môi trường học ảo một cách nghệ thuật bởi sự tổ chức của người thiết kế khóa học. Trong kịch bản sư phạm trực tuyến, hoạt động của người dạy được tiết chế và kiểm soát, hầu như tập trung chủ yếu ở việc giám sát, quản lý, phản hồi tức thời khi người học có nhu cầu. Người học sẽ chủ động tham gia các hoạt động phong phú và đa dạng hóa nhằm tạo sự hấp dẫn, gắn kết người học trong suốt quá trình tự học trên hệ thống hướng đến mục tiêu học tập.
Kịch bản sư phạm trực tuyến ít nhất cần làm rõ đối tượng học, nội dung học đáp ứng mục tiêu gì, thời gian tổng thể ra sao, thời gian từng phần thế nào. Song song đó, phải đảm bảo các ý tưởng hoạt động hợp lý, có trọng tâm, đáp ứng chuẩn đầu ra của bài học và mang đến cho người học cảm xúc tích cực, hứng thú và cả sự trông chờ vào buổi học kế tiếp.
Với các khóa học dành cho người trưởng thành, vấn đề quan trọng nhất không phải là phần mềm, càng không phải là yếu tố kỹ thuật công nghệ thông tin thuần túy. Đó là sự hiểu biết đích thực mà trong đó phải bao phủ được các kiến thức hệ thống về dạy học trực tuyến. Nổi rõ nhất là phải đầu tư sâu về kịch bản sư phạm trực tuyến.
Chỉ khi người dạy hiểu đúng về kịch bản sư phạm trực tuyến, biết đánh giá kịch bản sư phạm trực tuyến, biết các bước xây dựng và phát triển, biết làm chủ và triển khai kịch bản sư phạm của mình bằng cả nội lực và đạo đức sư phạm mới thật sự là giảng viên trong thời kỳ cách mạng 4.0.
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn
Triển khai đào tạo trực tuyến thời dịch Covid-19, đâu mới là khó khăn thực sự đối với trường đại học? Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều trường đại học trực thuộc Bộ VHTTDL đã nhanh chóng triển khai các hình thức đào tạo giảng dạy phù hợp, trong đó, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức triển khai giảng dạy trực tuyến được gần một tháng và đã nhận được những phản hồi tích cực....