Dạy Ngữ văn: Thao thao bất tuyệt không còn đắc dụng
GD&TĐ – Đó là khẳng định của thạc sĩ Hoàng Tiến Chính – Trường ĐH Bạc Liêu – khi bàn về việc dạy học Ngữ văn cũng như trình độ đội ngũ thầy cô giáo dạy Ngữ văn hiện nay.
Người đào tạo sư phạm Ngữ văn phải có nhiều năng lực
Nói về phương pháp dạy học của giảng viên Ngữ văn, thạc sĩ Hoàng Tiến Chính đề cập đến “dấu ấn sư phạm” và cho rằng, điều này để lại ấn tượng rất mạnh trong người học, có thể đi suốt cuộc đời dạy học của người được đào tạo.
Video đang HOT
Dấu ấn đó có thể là kiến thức uyên bác, có thể là cách truyền đạt kiến thức, khuyến khích người học tìm tòi tri thức, ở giọng giảng bài, hoặc có thể là phẩm chất đạo đức, lối sống.
Có người lập luận rằng, phương pháp dạy đã có bộ môn phương pháp đảm nhiệm truyền đạt. Nhưng, theo thạc sĩ Hoàng Tiến Chính, đành rằng phương pháp bộ môn do bộ môn phương pháp giảng dạy, nhưng người đào tạo ở các cơ sở đào tạo sư phạm cũng phải là những người gương mẫu trong việc thực hiện phương pháp dạy học.
Người đào tạo sư phạm Ngữ văn nắm vững phương pháp sư phạm nói chung còn phải nắm vững phương pháp bộ môn Ngữ văn; phải thể hiện năng lực bình văn, thẩm văn cho sinh viên học hỏi. Năng lực này thể hiện trong giờ văn, giờ tiếng Việt và giờ làm văn cũng thế.
Một số cơ sở đào tạo sư phạm do ít lớp, người dạy bộ môn phương pháp có khi chỉ có một, khi người này chuyển công tác, nghỉ hưu thì người thay thế chưa nắm vững kiến thức phương pháp bộ và những kĩ năng khác, do vậy chất lượng đào tạo bộ môn này chưa đáp ứng được yêu cầu.
Khẳng định phương pháp dạy Ngữ văn ngày nay, nếu chỉ thao thao bất tuyệt thì không còn đắc dụng nữa, thạc sĩ Hoàng Tiến Chính cũng cho rằng, các phương pháp khích lệ học tập hầu như chưa được vận dụng có hệ thống.
Chúng ta chưa có bài tập yêu cầu sinh viên đọc tài liệu tham khảo, phát hiện và ghi chép các đoạn văn quan trọng, sinh viên phải hoàn thành việc ấy mới được cho phép thi hết môn. Yếu kém này do chính chưa được đào tạo bài bản môn Ngữ văn ở trường đào tạo sư phạm.
“Nguyên nhân cũng có thể là do năng lực của một số cán bộ giảng dạy chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới đào tạo ở trường sư phạm. Mặt khác, đổi mới dạy học đòi hỏi có tấm lòng, say mê nghề nghiệp. Thiếu nó thì không sao đổi mới được” – thạc sĩ Chính nêu quan điểm.
Người dạy Văn: Không phải chỉ học chứng chỉ sư phạm là xong
Thạc sĩ Hoàng Tiến Chính cho rằng, người đào tạo sư phạm phải qua những lớp đào tạo nghề nghiệp sư phạm. Nếu chưa qua đào tạo phải học lại, không phải chỉ học chứng chỉ sư phạm là xong. Cán bộ quản lí khi tiếp nhận nhận người dạy ở cơ sở đào tạo sư phạm phải chú ý điều này.
Thêm nữa, mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo với trường phổ thông phải có sự gắn kết sâu sắc. Gắn kết để sinh viên thực tập nghề nhưng cũng là nơi cán bộ giảng dạy học hỏi trao đổi nghề nghiệp dạy ở phổ thông, nơi nghiên cứu áp dụng những đề tài khoa học giáo dục của cơ sở đào tạo sư phạm.
Người đào tạo sư phạm Ngữ văn phải luôn trau dồi phương pháp sư phạm, đồng thời trau dồi kĩ năng bộ môn – điều này cần được bàn bạc, thảo luận thường xuyên trong các buổi sinh hoạt chuyên môn. Đào tạo năng lực Ngữ văn và những kĩ năng khác cho người học phải được đặt ra yêu cầu của đào tạo sư phạm. Đáp ứng yêu cầu đổi mới, người cán bộ dạy Ngữ văn ở cơ sở đào tạo sư phạm luôn nêu cao tinh thần học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
“Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế để giáo dục nước nhà phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới ngày càng bức thiết đặt ra cho ngành Giáo dục.
Đổi mới giáo dục, trước hết phải đổi mới cơ sở đào tạo sư phạm, trong đó lấy con người đổi mới là trọng tâm, có như vậy mới đào tạo ra những người giáo viên phổ thông đáp ứng sự đổi mới toàn diện này. Sư phạm Ngữ văn cũng thế” – Thạc sĩ Hoàng Tiến Chính kết luận.
Theo GD&TĐ