Đẩy mạnh Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng: “Kích” tư duy sáng tạo của giáo viên
Việc trang bị cho giáo viên kỹ năng thực hiện các sản phẩm Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng trong suốt quá trình giảng dạy, giáo dục học sinh được coi là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp cho quá trình đổi mới đi vào thực chất, thuyết phục, không mang tính hình thức.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Ân (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Giáo dục Việt Nam), trong nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mà Việt Nam đang thực hiện, có những giải pháp thúc đẩy từ phía giáo viên. Những năm gần đây, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã khuyến khích các nhà trường tổ chức cho giáo viên thực hiện liên tục các tác động để cải thiện chất lượng công việc; tiến tới đổi mới, nâng cao hiệu quả chất lượng giảng dạy và giáo dục học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục từng trường, chất lượng giáo dục mỗi địa phương vùng miền để thông qua đó đẩy mạnh chất lượng giáo dục quốc gia, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và trên thế giới. Nâng cao chất lượng giáo dục từ phía giáo viên.
Một phong trào đã được phát động trong toàn ngành giáo dục với tên gọi “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học”. Trong đó việc trang bị cho giáo viên kỹ năng thực hiện các sản phẩm Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng trong suốt quá trình giảng dạy, giáo dục học sinh được coi là giải pháp hiệu quả, giúp cho quá trình đổi mới đi vào thực chất, thuyết phục, không mang tính hình thức.
Những năm qua, các trường học ở Việt Nam đã thay đổi cách dạy học, hướng đến các hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức tạo ra các sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề từ thực tế cuộc sống.
“Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng là việc thực hiện một tác động hoặc một can thiệp sư phạm lên đối tượng, sau đó đánh giá ảnh hưởng của nó. Tác động/can thiệp đó có thể là sử dụng phương pháp giảng dạy, chương trình, phương pháp quản lý điều hành, hoặc là việc thực hiện một chính sách mới… Đây là một giải pháp nhằm giúp cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của Việt Nam thay đổi, khắc phục những hạn chế đang tồn tại. Đồng thời, thông qua các giải pháp này, giáo viên và cán bộ quản lý sẽ được nâng cao về năng lực chuyên môn, có cơ hội để chia sẻ, học tập những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt để áp dụng vào thực tế, góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục” – TS. Nguyễn Ngọc Ân khẳng định.
Trên thực tế, những năm qua, các trường học của Việt Nam đã thay đổi cách dạy học mang tính hàn lâm, lý thuyết bằng một số cách thức mới như giáo dục STEM, LAMAP… hướng đến các hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức tạo ra các sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề từ thực tế cuộc sống. Cùng với đó, giáo viên cũng áp dụng Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào giải quyết các tình huống dạy học, giáo dục học sinh nhằm tạo ra các giải pháp mới, cách làm mới, cải thiện nâng cao chất lượng công việc.
Bắt đầu từ việc thành lập các nhóm “ Nhà giáo cùng nhau phát triển”, giáo viên tạo thành các nhóm nhỏ hỗ trợ nhau tiếp cận những cách làm mới, huấn luyện các kỹ năng và hỗ trợ giải quyết những khó khăn, những tình huống giáo dục xuất hiện trong quá trình tiếp cận đổi mới. Khi đối mặt với những thách thức, giáo viên có kinh nghiệm có nhiệm vụ chia sẻ, hỗ trợ những giáo viên khác. Những chia sẻ này được thực hiện trên nhiều phương diện khác nhau: Có thể là kiến thức chuyên môn, có thể là việc ứng dụng ICT, có thể là kinh nghiệm về cách xử lý tình huống sư phạm hoặc các mối quan hệ xã hội để tạo hiệu quả công việc.
Cũng qua các nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển” này, giáo viên không phải mất công kiếm tìm các giải pháp giáo dục mà có thể sử dụng luôn những giải pháp mà giáo viên trong nhóm đã sáng tạo ra hoặc đã kiếm tìm và triển khai hiệu quả. Việc duy trì và tổ chức tốt các nhóm ” Nhà giáo cùng nhau phát triển” cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp cho một trường đại học thuộc khu vực miền núi khó khăn của Việt Nam (Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên) từ một trường có thứ hạng không cao, đến nay luôn ở vị trí tốp đầu trong các trường đại học của Việt Nam về các công trình công bố quốc tế.
Nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Giáo dục Việt Nam, hiện nay, việc thực hiện các Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng được hưởng ứng mạnh mẽ từ cán bộ quản lý đến giáo viên các nhà trường. Vì đây là những thử nghiệm và vận dụng hàng loạt các giải pháp mang tính thực tiễn, áp dụng luôn tại cơ sở, giải quyết những vấn đề nảy sinh hàng ngày nên bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, việc tìm kiếm, đề xuất giải pháp mới cũng được giáo viên chú tâm thực hiện một cách trách nhiệm.
Video đang HOT
Chẳng hạn như: Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng khi triển khai ở những vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số sẽ giúp cho nhà trường đảm bảo sĩ số lớp học; nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng khi triển khai ở những trường vùng đô thị lớn sẽ tạo dựng môi trường giáo dục chất lượng cao; nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng cũng giúp cho học sinh nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng thực hiện các hoạt động xã hội; nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng tạo môi trường cho giáo viên tương tác nhiều hơn, tạo cơ hội cho giáo viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiêm trong trường, trong phạm vi khu vực, vùng miền… thậm chí những trao đổi trong phạm vi khu vực và quốc tế.
Việc nghiên cứu và đưa ra những cách làm tốt đã từng được giáo viên Việt Nam thực hiện như một yêu cầu bắt buộc và gọi là “Sáng kiến kinh nghiệm”, tuy nhiên tính ứng dụng không cao. Để khắc phục tình trạng này, các trường học tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện các Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng trong suốt quá trình lao động nghề nghiệp, trở thành việc làm thường xuyên, liên tục. Theo đó, các giáo viên luôn ở trong trạng thái suy nghĩ về thực trạng chưa tốt, đưa ra giải pháp để cải thiện thực trạng đó, thử nghiệm, đưa ra kết quả và áp dụng vào thực tiễn.
Kết thúc một Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng này là sự khởi đầu một Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng mới. Quy trình này làm cho giáo viên không bao giờ thỏa mãn với kết quả mình đã đạt được mà luôn phải phấn đấu. Các Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng được tiến hành với thời gian không dài trong điều kiện phù hợp với giáo viên, học sinh và nhà trường. Kết quả được đo đạc, đánh giá khách quan, được lượng hóa cụ thể và được chia sẻ trong các điều kiện giáo dục tương đồng. Vì vậy, Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng không làm khó giáo viên mà là một công cụ hữu ích, giúp họ tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình dạy học, giáo dục học sinh, quản lý nhà trường theo xu hướng hiện đại.
Kết quả thực hiện các Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng được đánh giá tốt và giáo viên tự tin với các kết quả đổi mới của mình vì được thực hiện với chuẩn mực quốc tế. Một số kết quả nghiên cứu đã được áp dụng thành công và được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao như: Nâng cao kỹ năng kể chuyện cho học sinh thông qua việc sử dụng phương pháp sắm vai trong dạy học phân môn Kể chuyện lớp 3 trường Tiểu học Ngọc Xuân (tỉnh Cao Bằng); nâng cao kết quả bài tập toán cho học sinh lớp 5 trường tiểu học Chiềng Mung (huyện Mai Châu, tỉnh Sơn La) thông qua việc tổ chức học theo nhóm ở nhà; tác động của việc kết hợp sử dụng ngôn ngữ cơ thể với lời nói, tranh ảnh để giải nghĩa từ ngữ trừu tượng trong dạy học môn Tiếng Việt lớp 3 trường tiểu học Nậm Loong (tỉnh Lai Châu).
Đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ sự thay đổi lớn của người giáo viên, trong đó, yêu cầu hội nhập quốc tế có vai trò quan trọng. Cùng với việc trang bị công cụ làm việc đạt tiêu chuẩn quốc tế, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp tác động tới giáo viên để họ thay đổi nhận thức và kỹ năng như: Đổi mới đánh giá kết quả giáo dục học sinh; đổi mới chương trình, sách giáo khoa, giáo trình theo hướng phát triển năng lực người học; kiểm định, phân hạng, tăng cường tự chủ trong các nhà trường. Đặc biệt, đề án dạy học ngoại ngữ đến năm 2025 nhằm nâng cao năng lực của giáo viên ngoại ngữ, từ đó nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông đang được tiến hành trên quy mô lớn. Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt mục tiêu hội nhập các nước trong khu vực và trên thế giới, thúc đẩy chất lượng giáo dục, thúc đẩy sự phát triển của xã hội theo hướng toàn cầu hóa.
P.Thảo
Theo laodongthudo
Bài 1: Nhu cầu từ thực tiễn giáo dục: Phát triển tâm lý học đường
"Môi trường học đường ở Việt Nam ngày nay đã có những chuyển động vượt bậc cả về chất lượng, số lượng, nhưng cũng đi kèm với một nguồn nhu cầu rộng lớn trong việc giải quyết các vấn đề tâm lý có liên quan. Do đó, nhu cầu về hoạt động tâm lý học trường học để hỗ trợ học tập và nâng cao chất lượng môi trường giáo dục tại Việt Nam là rất cấp thiết".
Phát triển tâm lý học đường là một trong những nhiệm vụ của công tác giáo dục
Đó là nhận định của nhóm nghiên cứu khoa học cấp quốc gia "Nghiên cứu giải pháp phát triển công tác tâm lý học trường học đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới" do TS Nguyễn Thị Tứ - Trưởng khoa Tâm lý học thuộc Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm cùng 9 thành viên khác.
Tâm lý học đường gắn liền với nhiệm vụ giáo dục
Theo nhóm nghiên cứu, tâm lý học trường học là một khoa học còn non trẻ nhưng đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn trong giai đoạn gần đây dù rằng những thành tựu của tâm lý học trường học đã xuất hiện từ khá lâu. Sự quan tâm đến tâm lý học trường học là xuất phát từ những nhu cầu rất cấp bách của việc nâng cao chất lượng môi trường giáo dục, trong đó có nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, vận dụng khoa học tâm lý nói chung, tâm lý học trường học nói riêng từ những lý thuyết căn bản đến môi trường cụ thể là cả một hành trình phức tạp. Từ đó, cần nhìn nhận về vai trò của công tác tâm lý học trường học với những định hướng cụ thể và những yêu cầu đặc trưng mang màu sắc của môi trường, xã hội, văn hóa, và con người Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong sự nghiệp đổi mới đất nước nói chung và sự nghiệp giáo dục nói riêng, tâm lý học trường học đóng một vai trò vô cùng quan trọng vì đối tượng nghiên cứu, mục tiêu phục vụ của nó gắn liền với sự nghiệp giáo dục và phát triển con người. Cụ thể, nhiệm vụ của tâm lý học trường học chỉ ra các lý thuyết và phương pháp có thể được ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả học tập và giáo dục cho từng học sinh cũng như cho toàn thể lớp học, qua đó nâng cao hiệu quả của chính quá trình dạy học. Song song đó, tâm lý học trường học đảm nhiệm khá nhiều nhiệm vụ giáo dục trong trường học, học đường.
TS Nguyễn Thị Tứ - Chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển công tác tâm lý học trường học đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới"
Tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong nhà trường
Theo nghiên cứu, khảo sát của nhóm nghiên cứu: Trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, chương trình Khải đạo học đường đã được triển khai trong các trường học. Sau ngày thống nhất đất nước, với sự thay đổi gần như hoàn toàn cách thức tiếp cận của giáo dục, chương trình khải đạo đã không còn tồn tại trong các trường học với đúng nghĩa của nó.
Vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, các nghiên cứu tâm lý học trường học được đặt trong công tác giáo dục dài hạn trước đó vẫn tiếp tục được triển khai, đồng thời nghiên cứu những vấn đề mới, trong đó nổi bật là việc triển khai thực hiện dự án quốc tế về "Giáo dục dân số và đời sống gia đình" (VIE/88/P09) dưới sự chỉ đạo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đức Minh và cộng sự. Đây là công trình hợp tác quốc tế quy mô đầu tiên của Viện KHGD trong lĩnh vực tâm lý học trường học. Lần đầu tiên, một chương trình giáo dục giới tính và đời sống gia đình đã được nghiên cứu, soạn thảo và đưa vào nhà trường phổ thông ở Việt Nam để giáo dục và phát triển học sinh. Song song đó, vấn đề tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong học đường cũng bắt đầu nhận được sự quan tâm nhất định.
Trong những năm tiếp theo, trước yêu cầu phổ cập giáo dục bậc tiểu học và THCS, các nghiên cứu tâm lý học trường học dần đi vào chiều sâu. Hàng loạt đề tài nghiên cứu về lứa tuổi học sinh tiểu học và THCS đã đề cập đến các đặc điểm phát triển sinh, tâm lý khác nhau của học sinh, như: "Một số đặc điểm tâm lý và trình độ phát triển trí tuệ của học sinh tiểu học", "Đặc điểm tự đánh giá của học sinh tiểu học", "Nghiên cứu sức làm việc trí óc của học sinh cấp I theo lứa tuổi", "Sự phát triển trí nhớ trong học tập của học sinh PTCS", "Tuổi dậy thì của học sinh một số tỉnh và thành phố những năm 1978 - 1988", "Tìm hiểu sự phát triển trí tuệ của học sinh bằng trắc nghiệm Raven"; "Ảnh hưởng của hoạt động tập thể và những mối quan hệ giao lưu nhóm đối với sự hình thành một số phẩm chất nhân cách XHCN ở học sinh thiếu niên"... Những nghiên cứu này phục vụ cho công tác dạy học ở một mức độ nhất định nhưng có thể nói, vấn đề ứng dụng kết quả nghiên cứu để giáo dục học sinh, triển khai công tác giáo dục học sinh hiệu quả rất được quan tâm. Đây là những cơ sở góp phần hình thành chân dung của tâm lý học trường học hôm nay.
Tâm lý học đường đã có "màu sắc" rõ nét
Nhóm nghiên cứu cho biết: Sau đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Việt Nam bước vào giai đoạn đổi mới, nền kinh tế được mở cửa cho nhiều thành phần tham gia, thanh niên có nhiều cơ hội để tìm kiếm và lựa chọn cho mình một nghề nghiệp ổn định và phù hợp, vì thế, các nghiên cứu về đặc điểm tâm lý - xã hội trong chọn nghề được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt nghiên cứu về định hướng giá trị nghề nghiệp ở học sinh. Những nghiên cứu này mở ra hướng ứng dụng các thành tựu của tâm lý học trường học cho người học. Đây cũng là ảnh hưởng rõ nét và có màu sắc của tâm lý học trường học đến học sinh một cách cụ thể và có "màu sắc" rõ nét.
Năm 1989, tác giả Phạm Tất Dong đã cho ra đời tác phẩm "Giúp bạn chọn nghề". Đây là một trong những hướng nghiên cứu đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn giáo dục của tâm lý học trường học. Năm 1993, Viện Nghiên cứu Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp (nay thuộc Viện KHGD Việt nam) đã triển khai đề tài: "Nghiên cứu những yêu cầu tâm lý cơ bản đối với một số nhóm nghề và phương pháp xác định đặc điểm tâm lý cá nhân phù hợp nghề làm cơ sở cho công tác hướng nghiệp, tư vấn nghề" do tác giả Mạc Văn Trang chủ trì. Nghiên cứu đã xây dựng họa đồ nghề cho một số nhóm nghề đang có nhu cầu cao trong xã hội, đồng thời đưa ra một số trắc nghiệm tâm lý nhằm kiểm tra sự phù hợp giữa những đặc điểm nhân cách với những yêu cầu của nghề đặt ra.
Có thể nói song song với công tác giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị, giáo dục giới tính - sức khỏe sinh sản thì công tác giáo dục hướng nghiệp trở thành trọng điểm quan trọng của tâm lý học trường học đang hướng đến. Đây là minh chứng quan trọng cho thấy sự ảnh hưởng rõ rệt của tâm lý học trường học trong giai đoạn những năm đầu đổi mới sau đại hội VI.
Từ năm 1996, Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập ngày càng sâu với thế giới và khu vực có tác động mạnh mẽ đến con người Việt Nam nói chung, học sinh nói riêng theo hai chiều cả tích cực lẫn tiêu cực. Tình hình này đặt ra cho giáo dục Việt Nam những yêu cầu mới, cấp bách.
"Tâm lý học trường học ra đời dưới một chỉnh thể liên ngành tâm lý học, tâm lý học phát triển, tâm lý học giáo dục và nhiều chuyên ngành khoa học khác nhằm hỗ trợ việc nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng học tập và cuộc sống của học sinh."
TS Nguyễn Thị Tứ
Ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.
Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Bên cạnh đó, xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống GD-ĐT; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Trong định hướng này, công tác giáo dục học đường và đảm bảo phát triển tâm lý của người học được đặt để ở một vị trí quan trọng. Nói khác đi, vấn đề đảm bảo cho người học phát triển đúng nghĩa của sự toàn diện cần đầu tư cả về hoạt động dạy học và giáo dục. Trong đó, công tác giáo dục phải được cân bằng bởi nhà giáo dục và các nhân sự làm việc tương tự như nhà giáo dục. Trên cơ sở này, tham vấn tâm lý, tham vấn học đường, tham vấn trường học hay tâm lý học trường học bắt đầu phát triển.
Bài 2: Đáp ứng yêu cầu của Chương trình mới
Minh Hải (ghi)
Theo giaoducthoidai
Góp ý Luật Giáo dục (sửa đổi): Tranh luận bỏ hay tiếp tục kỳ thi THPT quốc gia Sáng 28-12, tại Trường ĐH Luật TPHCM đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia về Góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Nhiều ý kiến tiếp tục tranh luận về việc nên bỏ hay tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. TS. Nguyễn Đức Cường, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ GD-ĐT cho biết, dự...