Đẩy mạnh giáo dục tinh thần cho học sinh
Vài năm trở lại đây, hoạt động giáo dục trải nghiệm trong trường phổ thông đã có nhiều khởi sắc. Nhiều hình thức học tập mới lạ được các trường mạnh dạn đưa vào áp dụng nhằm thu hút sự quan tâm cũng như nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh.
Ở đó, người thầy không chỉ đóng vai trò truyền đạt tri thức mà còn giáo dục kỹ năng sống, bồi dưỡng đời sống tinh thần cho học sinh.
Lồng ghép kỹ năng sống vào hoạt động trải nghiệm
Giữa tuần qua, hơn 1.000 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) đã có một ngày “học mà chơi” hết mình tại hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm khi tham gia “Ngày hội xuống nước”, hoạt động do nhà trường phối hợp với Trung tâm Thể dục thể thao quận 1 tổ chức. Đây là một trong những hoạt động nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường phổ thông.
Sau nghi thức khai mạc, học sinh trong đội tuyển bơi của trường đã kết hợp với các thành viên đội tuyển bơi lội của Trung tâm Thể dục thể thao quận 1 trình diễn nghệ thuật bơi lội rất đẹp mắt, với nhiều kiểu bơi như bơi trườn, bơi ngửa, bơi ếch, bơi sải, bơi bướm… Sau đó, lần lượt học sinh ở từng khối lớp được xuống hồ bơi tự do thỏa thích trong làn nước trong xanh dưới sự giám sát chặt chẽ của các huấn luyện viên.
“Ngày hội xuống nước” của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm
Video đang HOT
Trước đó, trong tuần lễ đầu tiên của tháng 4, toàn bộ học sinh khối 3 của trường này đã có buổi học tập ngoại khóa tại Thảo Cầm viên. Tại đây, các em không chỉ được xem các đoạn phim tư liệu về sự biến đổi nhiệt độ của Trái đất và giới thiệu một số loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, mà còn được tham quan khu vực vườn thú, được tận mắt quan sát các loài bò sát để tìm hiểu về quá trình sinh sống, thăm vườn hồng hạc, xem những chú công Ấn Độ xòe đuôi và thích thú chạm vào bộ lông của những chú ngựa con.
Hoạt động không chỉ giúp học sinh được trải nghiệm thiên nhiên trong thực tế mà qua đó còn giúp các em hiểu hơn về tầm quan trọng của việc giữ gìn hệ sinh thái, có ý thức bảo vệ môi trường và bảo tồn các loài động vật quý hiếm.
Cũng nhằm mục đích giáo dục nhận thức, lối sống cho học sinh, vào cuối tháng 3-2019, Tổ Địa lý Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) đã tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp với chủ đề “Bảo vệ hành tinh xanh”. Một hình thức trải nghiệm khác, vào cuối tháng 2-2019, Trường THCS Minh Đức (quận 1) đã tổ chức cho toàn bộ đội tuyển học sinh giỏi cấp quận của trường tham gia buổi ngoại khóa với chủ đề “Hành trình Biệt động Sài Gòn”. Tham gia hành trình, học sinh được tới thăm một số di tích lịch sử từng là căn cứ địa của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa…
Cần sự chủ động của mỗi giáo viên
Bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, cho biết bên cạnh các hình thức trao tặng giấy khen, phần thưởng cho học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, thi đua, phong trào thể dục thể thao, thì hoạt động về nguồn với hành trình đến các “địa chỉ đỏ” là một trong những hình thức khen thưởng mới lạ, vừa động viên tinh thần nỗ lực học tập của học sinh, vừa giúp các em bồi dưỡng thêm nhiều kiến thức xã hội, biết tưởng nhớ công ơn của các chiến sĩ năm xưa đã anh dũng nằm xuống vì nền độc lập, tự do của đất nước.
Ở góc độ khác, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), bày tỏ hoạt động trải nghiệm cho học sinh chỉ phát huy hiệu quả khi có nội dung gần gũi, biết “đánh trúng” tâm lý học sinh đang cần gì và thiếu gì. Vị hiệu trưởng chia sẻ: “Trong nhiều hoạt động ngoại khóa, trường sẵn sàng chi tiền mời các ca sĩ tuổi teen đang được học sinh hâm mộ. Tuy tôi không thuộc lời tất cả bài hát nhưng có thể nhún nhảy, hòa vào bầu không khí phấn khích cùng học sinh. Chỉ khi thật sự đặt mình vào vị trí học trò để gần gũi và chia sẻ với các em, người thầy mới có thể đồng hành, giáo dục các em nhiều kỹ năng sống bổ ích”.
Mới đây, tại lễ khai mạc cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Nam do Bộ GD-ĐT tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, sự bùng nổ tri thức cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi nội dung GD-ĐT: Người học phải thay đổi cách học, người dạy thay đổi cách dạy song song với việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đang hướng đến mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực người học, giúp học sinh áp dụng kiến thức đã học giải quyết vấn đề trong thực tế. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đó, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, mỗi giáo viên, cán bộ quản lý cần ý thức việc học tập, bồi dưỡng là nhiệm vụ tự thân, được thực hiện thường xuyên nhằm đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội đang bị chi phối bởi nhiều ảnh hưởng tiêu cực, trường học cần quan tâm nhiều hơn nữa chất lượng các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, trong đó không chỉ nhằm mục đích chia sẻ kiến thức mà còn bồi dưỡng tâm hồn, giúp học sinh trở thành người có ích trong xã hội.
MINH QUÂN
Theo SGGP
Hà Nội: Chuẩn bị tốt công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành Công văn số 1057/SGDĐT-QLT gửi Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2019-2020.
Ảnh minh họa
Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố tại Công văn số 5169/UBND-KGVX ngày 23/10/2018 về công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2019-2020, để tổ chức triển khai công tác tuyển sinh năm học 2019-2020 đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan, nghiêm túc, khắc phục những hạn chế, tồn tại, Sở GDĐT Hà Nội đề nghị UBND quận, huyện, thị xã phối hợp chỉ đạo rà soát, chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học 2019-2020: Rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất (CSVC) của các cơ sở giáo dục (CSGD) trên địa bàn đảm bảo khai thác hiệu quả CSVC. Tránh tình trạng có CSGD tuyển sinh vượt quá nhiều so với chỉ tiêu, trong khi đó, có CSGD không tuyển đủ chỉ tiêu gây lãng phí về CSVC, đội ngũ, tạo bức xúc cho người dân và dư luận xã hội.
Bố trí cán bộ quản lý, giáo viên và triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo sự phát triển ổn định và đồng đều về chất lượng giữa các CSGD trên địa bàn; Tăng cường công tác truyền thông về tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là tuyển sinh trực tuyến. Trang bị đầy đủ về thiết bị và bố trí đội ngũ có chuyên môn thực hiện công tác tuyến sinh trực tuyến.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phối hợp, tạo điều kiện cho các CSGD tổ chức điều tra số trẻ trong độ tuổi tuyển sinh trên địa bàn đảm bảo chính xác, làm cơ sở để phân tuyến tuyển sinh một cách khoa học, hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở các trường trên địa bàn. Chỉ đạo Công an trên địa bàn chủ động phối hợp với các CSGD trong công tác tuyển sinh; có phương án quản lý nhân khẩu, hộ khẩu hợp lý, thống nhất, tạo điều kiện giúp cho công tác tuyển sinh của các CSGD được chính xác và khoa học.
Phấn đấu huy động ít nhất 45% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 99% trẻ độ tuổi mẫu giáo đến cơ sở giáo dục mầm non; duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi (100% trẻ 5 tuổi đến trường và được học đủ 2 buổi/ngày); ít nhất 75% trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non được học hòa nhập; 100% trẻ 6 tuoi đủ sức khoẻ được vào lớp 1; 100% học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học được vào học lớp 6; 100% học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở có nhu cầu đi học được tiếp tục học tại các trường trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, có biện pháp chỉ đạo các CSGD nhằm tăng cường tỷ lệ tuyển sinh trực tuyến, đưa tiêu chí đạt tỷ lệ tuyển sinh trực tuyến vào tiêu chí đánh giá thi đua của CSGD. Chỉ đạo các CSGD trên địa bàn tổ chức tuyển sinh theo đúng quy trình, đúng Quy chế của Bộ GDĐT và Hướng dẫn của Sở GDĐT; kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến, không tiếp nhận học sinh trái tuyến đối với các CSGD đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1.
Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện cùa các CSGD về đối tượng tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh; đảm bảo số học sinh trên một lớp đúng quy định góp phần đẩy mạnh kế hoạch công nhận trường chuẩn quốc gia; thực hiện công khai đối với cơ sở GDĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (công khai về cam kết chất lượng GDĐT, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính), không được thu hoặc vận động cha mẹ học sinh đóng góp các khoản ngoài quy định cho CSGD. Tạo điều kiện phát triên hệ thống giáo dục tư thục theo quy định của pháp luật.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác tuyển sinh trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm theo trách nhiệm của người đứng đầu của CSGD theo quy định.
T.Quang
Theo phapluatdoisong.vn
Môi trường giáo dục không áp lực tại trường quốc tế Gateway Các em được học tập trong môi trường cởi mở, khám phá qua hoạt động trải nghiệm, học mà chơi. Học bằng việc làm (Learning by doing) Thay vì phải đối mặt với những áp lực của việc học thuộc, ghi nhớ lời giảng của thầy cô một cách máy móc, học sinh trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway được tự...