Đây là năm tháng tồi tệ nhất để sống trong lịch sử nhân loại
Nếu bạn vừa có một ngày toàn những tin xấu, hãy tự an ủi rằng thế giới từng trải qua những năm tháng tồi tệ hơn thế nhiều.
Năm 1918, đại dịch cúm Tây Ban Nha làm chết hơn 50 triệu người. Vào năm 1349, bệnh dịch hạch quét sạch một nửa dân số châu Âu. Nhưng ngay cả những năm tiêu biểu cho sự tang thương, hủy diệt này cũng không là gì so với năm tồi tệ nhất được ghi nhận.
Nếu con người có cỗ máy thời gian, đứng đầu danh sách không nên trở lại nhất là năm 536. Khi đó, một màn mây mù bí ẩn bao phủ châu Âu, Trung Đông và một phần châu Á, dẫn đến 18 tháng chìm trong bóng tối. Nhiệt độ giảm đến 2,5 độ C và tuyết rơi giữa mùa hè ở Trung Quốc, vùng Lưỡng Hà, phá hủy mùa màng.
Dịch hạch Justinian (tranh của Josse Lieferinxe)
Những năm sau đó cũng không dễ chịu chút nào. Thập kỷ liền sau là thập kỷ lạnh nhất trong 2.300 năm qua. Nhiều ngôi làng ở phía đông và trung tâm Thụy Điển giảm dân số đến mức bỏ hoang. Nguyên nhân chưa rõ ràng, nhưng màn mây mù năm 536 và sự thiếu thốn sau đó chắc chắn ảnh hưởng đến người Scandinavia.
Các ghi chép của Ailen cho thấy, nước này trải qua nạn đói kéo dài từ năm 536 đến 539. Đến năm 541, đại dịch hạch Justinian bùng phát ở Đế quốc Đông La Mã, làm chết 100 triệu người – tỷ lệ cứ mỗi 5 người sẽ có 1 người tử vong – báo hiệu dấu chấm hết của một kỷ nguyên.
Nhưng, sau tất cả những sự kiện khủng khiếp đó, điều kỳ lạ nhất là không ai biết đám mây mù kia đến từ đâu, cho tới tận ngày nay.
Từ lâu, các nhà khoa học nghi ngờ “thủ phạm” đứng đằng sau đám mây và sự giảm nhiệt độ toàn cầu là một vụ phun trào núi lửa khổng lồ. Một nghiên cứu công bố năm 2015 xác nhận giả thuyết này, thông qua kiểm tra các thành phần hóa học trong các vòng cây sinh trường vào thời kỳ đó. Nó chỉ ra vụ phun trào có khả năng ở Bắc Mỹ.
Giờ đây, một nhóm các nhà sử học, khảo cổ và chuyên gia khí hậu, đưa ra bằng chứng mới khi nghiên cứu lõi băng tại vùng núi Alps (Thụy Sĩ). Nhờ nghiên cứu mới này, thể hiện cực kỳ chính xác về băng và các mảnh thủy tinh núi lửa nhỏ bên trong, có thể liên kết vị trí chuẩn xác hơn với các núi lửa đã biết trên thế giới.
Nguồn gốc thực sự của màn mây mù là Iceland. Hơn nữa, nhóm nghiên cứu tự tin tuyên bố rằng, cùng hệ thống núi lửa này đã phun trào thêm hai lần nữa vào hai năm 540 và 547. Chuỗi sự kiện tàn phá châu Âu tới mức cần khoảng 1 thế kỷ để phục hồi.
Nghiên cứu mới này không chỉ tập trung vào những hậu quả tồi tệ cho xã hội loài người. Nó cũng giúp theo dõi sự phục hồi của kinh tế sau năm thảm họa. Phần lõi băng từ năm 640 cho thấy sự tăng đột biến của chì trong không khí – chì sẽ đi nhiều vào khí quyển như hệ quả của việc khai thác và luyện bạc.
Một “đột biến” khác xảy đến 20 năm sau, năm 660, khi các nền kinh tế Trung cổ bắt đầu chuyển từ nền tảng vàng sang bạc. Đó là sự khởi đầu cho thấy sự trỗi dậy của các thương gia thời Trung cổ và là dấu hiệu chứng minh, ngay cả thời kỳ đen tối nhất cũng không kéo dài mãi mãi.
Theo Helino
Cận cảnh ma cà rồng vũ trụ 'hút máu' đồng loại đến phát nổ
Một nhóm nghiên cứu đa quốc gia vừa bắt được khoảnh khắc có 1 không 2, khi một sao lùn trắng 'ma cà rồng' ngấu nghiến người hàng xóm khổng lồ đến phát nổ thành siêu tân tinh.
Một nhóm lên đến 130 nhà thiên văn học quốc tế vừa trình làng hình ảnh đồ họa ngoạn mục dựa trên nhóm hình ảnh thực mà họ quan sát được về cái chết dữ dội của một thiên thể được họ đặt biệt danh là 'ma cà rồng vũ trụ'.
Sử dụng dữ liệu từ kính viễn vọng không gian Kepler của NASA, kết hợp dữ liệu bổ sung từ các kính viễn vọng mặt đất đặt ở Chile và đảo Hawaii, nhóm nghiên cứu đã lọc ra hình ảnh của một siêu tân tinh sáng rực rỡ cách chúng ta khoảng 170 triệu năm ánh sáng, tên là SN 2018oh.
Điển kỳ thú nhất chính là giai đoạn cuối trước khi vật thể này hóa thành siêu tân tinh - thuật ngữ dùng để chỉ phút bùng nổ cuối cùng của một ngôi sao trước khi nó chết hẳn. Vật thể này vốn là một ngôi sao lùn trắng già cỗi và là một 'ma cà rồng' đáng sợ thuộc về một thiên hà láng giềng với chúng ta.
Cận cảnh ma cà rồng vũ trụ đang 'hút máu' ngôi sao khổng lồ bên cạnh - ảnh: NASA
Thông qua hình ảnh phục dựng, nhóm nghiên cứu đã mô tả cách sao lùn trắng này ngấu nghiến một cách không thương tiếc ngôi sao trẻ láng giềng, một vật thể lớn hơn nó nhiều lần. Nó hút máu người láng giềng trẻ y hệt cách ma cà rồng Dracula hút máu các thiếu nữ trẻ.
Tuy nhiên, sau một hồi hút no nê vật chất từ ngôi sao bên cạnh, ma cà rồng vũ trụ đã phát nổ thành một siêu tân tinh. Theo các tính toán, siêu tân tinh này mất tận 3 tuần để đạt được độ sáng cực đại trước khi bước vào giai đoạn tàn lụi.
Theo tiến sĩ Brad Tucker (Đại học Quốc gia Úc), thành viên nhóm nghiên cứu, sự kiện thú vị trên không chỉ để ngắm nhìn. Các siêu tân tinh với ánh sáng mạnh mẽ, có thể quan sát được từ trái đất giúp các nhà thiên văn có thêm dữ liệu để đo đạc khoảng cách đến các thiên hà mẹ nơi sở hữu siêu tân tinh đó, vốn rất quan trọng trong việc đo đạc vũ trụ.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal và Astrophysical Journal Letters.
A. Thư
Theo The Sydney Morning Herald
Phát hiện hoá thạch loài khủng long vây kiếm lâu đời nhất thế giới Hoá thạch có niên đại khoảng 168 triệu năm tuổi được khai quật bởi các nhà khoa học mới đây. Các nhà khoa học Anh là những người đã phát hiện ra một loài khủng long vây kiếm hoàn toàn mới. Hoá thạch hoàn chỉnh của một con khủng long vây kiếm được phục dựng. Tạo hình con khủng long sau khi được...