Đây là loài côn trùng lười biếng và lưu manh nhất hành tinh, không làm mà vẫn đòi có ăn
Chúng được mệnh danh là sản phẩm ‘điên rồ’ nhất của tạo hóa.
Nhắc đến côn trùng, hầu hết chúng ta đều tưởng tượng đến những loài sinh vật nhỏ bé, chăm chỉ và có lối sống vô cùng kỷ luật. Những con ong thức dậy từ sáng sớm để đi kiếm mật, những đàn kiến xếp thành hàng dài tha mồi, để làm đầy tổ của chúng trước mùa đông…
Ngay cả những con nhện – kẻ thường bị coi là lười biếng nhất trong thế giới côn trùng – khi muốn nằm dài cả ngày để đợi bữa ăn tự tới, thì đêm trước đó, chúng cũng đã phải thức trắng để chăng lưới.
Những con bọ Austrospirachtha carrijoi này được phát hiện như một loài hoàn toàn mới. Trông bề ngoài, chúng rất giống mối, nhưng bạn hãy cẩn thận, kẻo sẽ lại bị chúng lừa. Ảnh: Science.
Thế nhưng, trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Zootaxa, các nhà khoa học Australia vừa phát hiện ra một loài côn trùng hoàn toàn mới, một sinh vật thậm chí còn lười biếng hơn cả nhện.
Những con bọ Austrospirachtha carrijoi này không làm gì mà vẫn muốn có ăn. Để thực hiện được điều đó, chúng đã tự biến mình thành một kẻ lưu manh với chiến thuật lừa đảo hết sức tinh vi.
Mục tiêu mà những con bọ này nhắm tới, đáng thương thay, lại là những con mối mù lòa.
Màn hóa trang “điên rồ” nhất của tạo hóa
Tạp chí Science đã phải dùng từ “điên rồ” để nói về cái cách mà những con bọ A. carrijoi đánh lừa họ, và tất nhiên, đánh lừa cả những con mối.
Những sinh vật lưu manh này tình cờ được phát hiện trong chuyến khảo sát thực địa của một nhóm các nhà sinh vật học đến từ Đại học Sao Paulo, Brazil. Họ đã cất công lặn lội hơn nửa vòng Trái Đất để tới miền bắc Australia, nơi được biết đến với quần thể côn trùng đa dạng bậc nhất hành tinh.
Nhóm nghiên cứu đến đây với mục đích ban đầu để tìm hiểu về tổ mối, những đụn đất khổng lồ, chứa bên trong đó hàng ngàn sinh vật tí hon màu trắng sữa – nhưng đôi khi trở thành một trò tiêu khiển cho người dân bản địa Australia.
Bên trong những tổ mối khổng lồ này ở Australia đang ẩn chứa một loài sinh vật “điên rồ” nhất của tạo hóa. Chúng trông giống y như mối nhưng lại không phải mối. Ảnh: ZMEscience.
Trong khi đào sâu vào tìm hiểu cấu trúc lâu đài của những con mối, thỉnh thoảng, các nhà khoa học lại tìm thấy một cá thể mối trông rất kỳ lạ. Nhìn từ trên xuống, nó trông giống hệt một con mối với cái bụng béo, phần eo thắt đáy lưng ong và hai cọng râu nhô ra phía trước đầu.
Nhưng hãy cẩn thận kẻo bị lừa. Khi các nhà khoa học nhìn từ mặt cắt ngang, họ phát hiện phía bên dưới con mối này nhô ra thêm một thân hình nữa, một cái đầu và hai cọng râu. Hóa ra, đây mới là con vật thật.
Toàn bộ hình hài con mối phía trên mà họ thấy chỉ là giả. Nó là một con rối, một mô hình khổng lồ được dựng lên giống lễ rước du thần của người Phúc Kiến ở Trung Quốc.
Video đang HOT
Khi các nhà khoa học nhìn từ mặt cắt ngang, họ phát hiện phía bên dưới con mối này nhô ra thêm một thân hình nữa, một cái đầu và hai cọng râu. Hóa ra, đây mới là con vật thật. Toàn bộ hình hài con mối phía trên mà họ thấy chỉ là giả. Ảnh: Science.
Ngay sau khi nhìn thấy sinh vật kỳ lạ, các nhà nghiên cứu Brazil đã tóm lấy chúng để nghiên cứu. Phân tích DNA cho thấy con vật này thuộc vào họ bọ cánh cứng Staphylinidae chứ không phải mối. Chúng có họ hàng gần với loài Austrospirachtha mimetes từng được tìm thấy ở Brazil.
Với những đặc điểm này, các nhà khoa học đã đặt tên nó là Austrospirachtha carrijoi, với ” carrijoi” là tên của tiến sĩ John Carrijo, nhà côn trùng học người Brazil đã trực tiếp tới Australia để thu thập mẫu vật.
Nghiên cứu thêm cho thấy bọ cánh cứng A. carrijoi chỉ có phần thân dưới là thật. Toàn bộ phần thân trên giống với con mối của chúng thực chất là một bong bóng phình ra từ bụng, một hiện tượng được gọi là ” physogastry” trong thế giới côn trùng.
Theo đó, những ong chúa hoặc kiến chúa thường có phần mở rộng physogastry từ bụng để chứa trứng. Những con mối lính và mối thợ cũng thường sở hữu phần bụng phình này để chứa thêm thức ăn.
Duy chỉ có các loài bọ cánh cứng lại thường xuyên tiến hóa để biến phần bụng phình của chúng thành một công cụ lừa đảo.
Physogastry là phần bụng mở rộng của những con côn trùng. Mối và kiến thường dùng nó để chứa trứng hoặc thức ăn. Duy chỉ có các loài bọ cách cứng phát triển các phần bụng giả này để đi lừa đảo. Ảnh: Science.
Để không làm mà vẫn có ăn
Trong một nghiên cứu trước đây đăng trên tạp chí Current Biology, các nhà khoa học đã xây dựng được một phả hệ bao gồm 180 loài bọ cánh cứng trên khắp thế giới.
Họ phát hiện ra tại nhiều địa điểm độc lập, có khoảng cách địa lý cách xa nhau, nhiều loài bọ cánh cứng khác nhau đã sử dụng chung một công thức tiến hóa. Sau khoảng hơn 100 triệu năm, với từ 12-15 vòng tiến hóa, những con bọ cánh cứng đã biến phần bụng physogastry của chúng thành một con rối giả, giống với loài kiến bản địa.
Quá trình này gọi là “sự tiến hóa hội tụ”, trong đó, các sinh vật khác nhau sẽ tiến hóa theo một cách tương tự nhau nếu chúng sống trong các môi trường có áp lực chọn lọc tự nhiên tương tự.
” Một trong những thách thức sinh tồn chính đối với bọ cánh cứng sống trong rừng mưa nhiệt đới là chúng phải sống cạnh những thuộc địa khổng lồ của kiến quân đội, loài kiến nổi tiếng với sự hung hãn và thường xuyên cướp bóc”, Joseph Parker, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Columbia cho biết.
“Nhiều loài bọ cánh cứng vì vậy đã tình cờ phát hiện ra một chiến lược khó tin. Đó là chúng có thể lao thẳng vào nơi nguy hiểm nhất, trà trộn vào với đàn kiến để lọt vào tổ của chúng và rồi ăn thịt chúng”.
Nhìn vào bức ảnh này, đố bạn có thể nhận ra đâu là con kiến, đâu là con bọ cánh cứng đóng giả kiến? Đáp án: Bên phải là bọ cánh cứng với một phần thân kiến giả mọc ra từ bụng của nó. Bên trái là con kiến quân đội không nhận ra kẻ giả mạo. Ảnh: Science.
Vậy là những con bọ này đã mọc ra một thân kiến phía trên lưng mình. Chúng cũng tiết ra các hóa chất gọi là pheromone mà kiến quân đội thường tiết ra. Khi đã lọt được vào tổ kiến, bọ cánh cứng sẽ ăn trứng kiến để sinh tồn.
Đối với loài bọ cánh cứng A. carrijoi mới được phát hiện, các nhà khoa học cho biết chúng đã lựa chọn một nạn nhân hiền lành và đáng thương hơn kiến quân đội. Đó là những con mối mù lòa.
Mối không có cơ quan thị giác nên thường được mô tả là ” mù“. Nhưng bù lại, chúng phát triển các cơ quan cảm giác rất nhạy bén trên chân, để có thể chạm vào đồng loại và phát hiện ra chúng.
Có lẽ, cũng chính vì vậy mà A. carrijoi phải phát triển phần bụng giả của nó một cách hết sức tinh tế. So với bọ cánh cứng đóng giả kiến quân đội, những con A. carrijoi đóng giả mối là một bản sao hoàn hảo hơn gấp bội.
Các loài bọ cánh cứng khác thường phát triển phần bụng giả để trà trộn vào đàn côn trùng khác. Nhưng chưa có một loài nào phát triển các phần bụng giả giống thật và có cả râu như A. carrijoi. Ảnh: Sicencetime.
Nó có tới ba phần giả, mô phỏng ba khoang của mối bao gồm bụng, thân và đầu. Chưa một loài bọ cánh cứng nào có thể phát triển các phần bụng giả có cả râu như A. carrijoi.
Tất nhiên, những con A. carrijoi này cũng tiết ra cả các chất hóa học hydrocarbon biểu bì giống như của mối để đánh lừa chúng. Mục tiêu, theo các nhà khoa học, là để những con mối cho chúng ăn.
Mối thường cho nhau ăn bằng một hình thức gọi là ” trophallaxis“. Trong những cái hôn, chúng truyền thức ăn bằng miệng từ cá thể này sang cá thể khác. Vì vậy, nếu một con mối nhận nhầm A. carrijoi là đồng loại của mình, nó có thể cho con A. carrijoi ăn mà không mảy may nghi ngờ.
Bằng chiến thuật đóng giả lưu manh của mình, một con A. carrijoi có thể ngồi chễm chệ trong tổ mối cả đời để được những con mối phục vụ những bữa ăn miễn phí.
Những con mối thường cho nhau ăn thông qua những “cái hôn” như thế này. Chúng truyền thức ăn bằng miệng cho đồng loại và cho mối chúa. Những con bọ cánh cứng A. carrijoi đã lợi dụng điều đó để sinh tồn trong tổ mối bằng cách đóng giả chúng.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng bị phát hiện?
Đó là câu hỏi mà các nhà khoa học đã đặt ra cho cả A. carrijoi, và những loài bọ cánh cứng họ hàng của chúng đang đóng giả kiến quân đội. Đối với A. carrijoi, vì phần miệng của chúng rất nhỏ, các tác giả nghiên cứu cho rằng chúng chỉ xin ăn từ những con mối mà không có khả năng ăn trứng hoặc ấu trùng của mối.
Những con mối cũng hiền lành hơn kiến quân đội. Mối chỉ ăn gỗ, nấm hoặc vi khuẩn mà không ăn thịt các loài động vật khác. Chúng cũng không có kỹ thuật tấn công kẻ thù nào, mà chỉ thiên về phòng thủ và chạy trốn.
Vì vậy, những con A. carrijoi lọt vào tổ mối nếu bị phát hiện có lẽ cũng không gặp nguy hiểm gì đến tính mạng. Thế nhưng, loài bọ cánh cứng dám cả gan giả dạng kiến quân đội thì khác.
Một con bọ cánh cứng (bên dưới) bị phát hiện khi đang giả dạng kiến quân đội (phía trên) ngay trong tổ của chúng. Ảnh: Eurekalert.
Những con bọ này đã thản nhiên ăn trứng và ấu trùng kiến, ngay trong tổ của kiến. Kiến quân đội thì nổi tiếng là một loài hung hãn. Chúng có thể tiết ra nọc độc chứa axit formic để giết chết ong, châu chấu hoặc những con kiến khác.
Một đàn kiến quân đội tấn công cùng lúc có thể giết chết một con chuột, ếch hoặc côn trùng lớn.
Trong nghiên cứu của mình các nhà khoa học cho biết một con bọ cánh cứng sống trong tổ kiến quân đội trung bình bị bao vây bởi 5.000 con kiến. Vì vậy, nếu con bọ bị phát hiện là đang ăn ấu trùng hoặc trứng kiến, những con kiến có lẽ sẽ giết chết nó ngay lập tức.
Đó có thể là kết cục xứng đáng cho một kẻ lười biếng, không làm mà vẫn đòi có ăn.
Côn trùng biến mất do biến đổi khí hậu khiến mùa màng tại Đông Nam Á thất thu
Việc mất đi các loài côn trùng thụ phấn thiết yếu do khí hậu thay đổi có thể khiến loài người đối mặt với những nguy cơ khó lường.
Một nghiên cứu mới trên tạp chí Science Advances tiết lộ, "số phận" nhiều loại cây trồng khác nhau như cà phê, ca cao, dưa hấu và xoài đang bị đe dọa bởi các loài thụ phấn đang bị suy giảm, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới, do biến đổi khí hậu và thay đổi sử dụng đất nông nghiệp.
Mô phỏng của các nhà nghiên cứu cho thấy các khu vực sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mất đi loài thụ phấn này bao gồm châu Phi cận Sahara, phía bắc Nam Mỹ và Đông Nam Á, nơi cây cà phê và ca cao được trồng chủ yếu.
Các nhà khoa học đã xem xét hàng ngàn loài và các địa điểm. Họ nhận thấy khi nhiệt độ ấm lên vượt quá phạm vi bình thường kết hợp với môi trường sống của thực vật có hoa bị thu hẹp, số lượng côn trùng thụ phấn cho những cây đó giảm mạnh 61%.
Theo nhà côn trùng học Douglas Tallamy của Đại học Delaware (không tham gia trong công trình nghiên cứu), điều làm cho nghiên cứu này trở nên đặc biệt là nó tập trung vào vùng nhiệt đới mà các nghiên cứu về côn trùng khác chưa có.
Tim Newbold, nhà nghiên cứu chính về di truyền, tiến hóa và môi trường tại Đại học College London, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, côn trùng thụ phấn ở vùng nhiệt đới có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn những nơi khác. Lý do là vì côn trùng ở đây chịu gần giới hạn nhiệt độ, còn côn trùng ở vùng ôn đới thích nghi hơn với sự thay đổi nhiệt độ lớn do nhiệt độ vùng ôn đới vẫn ở ngưỡng an toàn hơn.
Tác giả chính của nghiên cứu Joe Millard, nhà sinh thái học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, cho biết mất môi trường sống là nguyên nhân chính khiến số lượng loài thụ phấn bị thu hẹp do nguồn thức ăn ít đi; thêm vào đó là biến đổi khí hậu, ký sinh trùng, dịch bệnh và thuốc trừ sâu ngày càng trầm trọng hơn. Và trong khi tất cả các loài côn trùng đều gặp rắc rối thì các loài thụ phấn lại gặp vấn đề tồi tệ hơn ở nhiệt độ ấm hơn và các nhà khoa học vẫn đang cố gắng lý giải.
Cả Millard và Newbold cho biết, có thể là do cơ thể và chân chúng có nhiều lông hơn để giúp vận chuyển phấn hoa nên việc trao đổi nhiệt kém hơn. Newbold so sánh: "Nó giống như việc bạn bị buộc phải mặc một chiếc áo khoác lông to và trời đang trở nên nóng bức".
Tim Newbold cho biết: "Chúng tôi đã điều tra sự thay đổi của số lượng loài thụ phấn trong nông nghiệp và biến đổi khí hậu. Sau đó, chúng tôi so sánh những nơi mà chúng tôi ước tính sự sụt giảm lớn về số lượng loài thụ phấn với nơi chúng tôi trồng các loại cây cần động vật thụ phấn. Từ đó, chúng tôi ước tính những nơi có thể nguy cơ đối với việc sản xuất các loại cây trồng này. Kết quả cho thấy rằng những khu vực dự kiến trồng cà phê và ca cao sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng".
Nếu những loại cây trồng này ngày càng trở nên khan hiếm do biến đổi khí hậu, chúng có thể ngày càng đắt đỏ nếu cầu vượt quá cung. Từ đó, Newbold đánh giá: "Thật khó để quy bất kỳ thay đổi nào về giá cà phê/ca cao mà chúng tôi đã thấy là do tổn thất thụ phấn so với các yếu tố khác, chẳng hạn như ảnh hưởng của thời tiết/biến đổi khí hậu hoặc ảnh hưởng từ các yếu tố thị trường. Tuy nhiên, nếu trong tương lai, chúng ta mất đi các loài thụ phấn, thì như kết quả thể hiện, chúng ta sẽ chứng kiến giá các loại cây trồng như cà phê và ca cao sẽ tăng".
Không có côn trùng, thế giới sẽ tẻ nhạt
Siobhan Madeson, nhà nghiên cứu về địa lý tại Đại học Cardiff nhận định: "Sự suy giảm của các loài thụ phấn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng".
Bà Medeson phân tích: "Con người sẽ không chết đói trong bối cảnh các loài thụ phấn suy giảm vì hầu hết các nguồn cung cấp calo chính của thế giới đều không phụ thuộc vào các loài thụ phấn, ví dụ như lúa mì, ngô và gạo. Thế nhưng, hầu hết các loại cây trồng chủ chốt có giá trị kinh tế cho các nhà sản xuất và có vai trò dinh dưỡng quan trọng đối với người dùng trên toàn thế giới, lại đều phụ thuộc vào loài thụ phấn. Chúng gồm nhiều loại trái cây, rau, quả hạch, gia vị và cà phê".
Bà Madeson cho biết thêm: "Cũng có những thách thức cộng sinh đe dọa cây trồng toàn cầu, vì biến đổi khí hậu là mối đe dọa đối với các loài thụ phấn và cũng liên quan đến việc gia tăng sâu bệnh gây thiệt hại cho cây trồng. Sản xuất thực phẩm công nghiệp ngày càng phụ thuộc vào sự thụ phấn có kiểm soát. Tuy nhiên, điều này rất rủi ro, do số lượng loài thụ phấn đang ngày càng giảm".
Các nhà nghiên cứu đang hy vọng tìm ra cách bảo vệ các loài thụ phấn khỏi biến đổi khí hậu và tác động của nền nông nghiệp hiện đại nhằm bảo tồn các loại cây trồng hữu ích. Bà Madeson khuyến cáo: "Để giúp các loài thụ phấn, cần có một số thay đổi quan trọng: đảm bảo môi trường sống lành mạnh, đa dạng cho loài thụ phấn; kết hợp các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh thái vào sản xuất lương thực, chẳng hạn như trồng trọt hỗn hợp và khuyến khích sản xuất quy mô nhỏ đa dạng, gắn liền với việc tăng cường sản xuất".
Bà Madeson cho biết nạn phá rừng nhiệt đới cũng là một nguy cơ nghiêm trọng đối với các loài thụ phấn và cây cà phê cũng như các loại cây trồng nhiệt đới khác. Do vậy, việc bảo vệ đa dạng sinh thái có liên quan chặt chẽ đến sự toàn vẹn của hoạt động thụ phấn trong tự nhiên.
Cuối cùng, nhà nghiên cứu về địa lý tại Đại học Cardiff kết luận: "Một điều không kém phần quan trọng là mọi người nên làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn biến đổi khí hậu. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống lương thực của chúng ta, do tác động của chính nó và khi nó kết hợp với những thách thức khác đối với nguồn cung cấp thực phẩm, chẳng hạn như sự suy giảm côn trùng thụ phấn".
Những động vật có tài ngụy trang khiến mắt thường không thể phát hiện Nhờ khả năng ngụy trang đỉnh cao, nhiều loài động vật có thể tránh được những nguy hiểm rình rập ở ngoài thiên nhiên hoang dã. Nhện dẹt Tắc kè Uroplatus Sâu bướm Baron giả dạng gân lá Thằn lằn hóa gốc cây Cú mèo ẩn mình Nhện độc sa mạc Rắn lục ngụy trang Dơi ngụy trang thành lá khô Cua ma...